Mệt mỏi, không đủ nhân lực, trang thiết bị thiếu thốn, những nhân viên y tế Trung Quốc tại tuyến đầu Vũ Hán trong hơn 1 tháng qua phải tiếp nhận thêm hàng nghìn ca bệnh mới mỗi tuần.
Hôm 13/2, Đài CGTN của Trung Quốc chia sẻ video quay cảnh một nữ y tá đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ, cầm điện thoại khóc nức nở ở một góc trong khu vực cách ly.
Nữ y tá được xác định là Wu Yaling, hiện làm việc tại bệnh viện Hỏa Thần Sơn, một trong hai bệnh viện dã chiến mới được xây dựng ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19.
Theo Xu Fafa, đồng nghiệp của Wu, mẹ Wu ở Qujing, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, qua đời do bệnh tim mạch sáng 11/2. Wu dù rất đau khổ vẫn không thể trở về ngay để nói lời từ biệt mẹ.
11h ngày 12/2, khi cả gia đình tổ chức tang lễ cho mẹ, Wu gọi điện thoại video, vừa khóc vừa quay người về hướng quê nhà để cúi chào vĩnh biệt bà.
Các đồng nghiệp của y tá Wu Yaling đã rất xúc động và động viên cô sau khi chứng kiến cảnh tượng này. Tuy rất đau xót trước nỗi mất mát quá lớn, Wu Yaling quyết định nén nỗi buồn và trở lại với công việc.
Các bác sĩ tại tiền tuyến chống đại dịch viêm phổi virus corona đang đối diện với muôn vàn khó khăn, từ số bệnh nhân tăng vọt đến nguy cơ nhiễm bệnh vì không đủ trang thiết bị.
Mệt mỏi. Không đủ nhân lực. Những nhân viên y tế Trung Quốc tại tuyến đầu Vũ Hán trong hơn 1 tháng qua phải tiếp nhận thêm hàng nghìn ca bệnh mới mỗi tuần.
Nhiều y-bác sĩ thậm chí không có khẩu trang đạt chuẩn an toàn hoặc trang phục bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Không ít trường hợp phải sử dụng lại đồ bảo hộ, trong khi các quy chuẩn an toàn khuyến cáo họ thay mới thường xuyên. Một số nhân viên y tế còn đóng bỉm để không phải thay đồ bảo hộ và sử dụng được lâu hơn.
Bác sĩ tại một phòng khám cộng đồng ở Vũ Hán nói ông và ít nhất 16 đồng nghiệp khác bắt đầu xuất hiện triệu chứng tương tự người nhiễm chứng virus corona mới như viêm phổi và ho khan.
"Với tư cách bác sĩ, chúng tôi không muốn tiếp tục làm việc nếu bản thân là một nguồn truyền nhiễm", người bác sĩ giấu tên chia sẻ với AFP.
Tuy nhiên, nhân lực tại các bệnh viện Vũ Hán đang quá tải và sẽ không có ai thay thế họ chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh đó, tất cả nhân viên y tế không xuất hiện triệu chứng sốt đều phải tiếp tục làm việc.
"Điều gì sẽ xảy đến nếu không còn bác sĩ nào làm việc ở tiền tuyến", ông tâm tư.
Thủ phủ tỉnh Hồ Bắc chính là nơi bùng phát dịch bệnh vào tháng 12/2019. Đại đa số các ca nhiễm tại Trung Quốc đều tập trung ở Vũ Hán, với số người tử vong trên toàn quốc tính đến hết ngày 12/2 đã lên đến 1.367 người. Sáng 14/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tiếp tục công bố 5.090 ca nhiễm virus corona mới, và con số bệnh nhân tử vong mới là 121 người.
Phó thị trường thành phố Vũ Hán ngày 8/2 cho biết thành phố đang thiếu gần 56.000 khẩu trang loại N95 và 41.000 bộ trang phục bảo hộ mỗi ngày.
Phát biểu tuần qua, bà Tiêu Nhã Huy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói những y-bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ thường "đóng thêm bỉm, uống ít nước và hạn chế đi vệ sinh". Một số nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ liên tục 6-9 tiếng. Trong khi quy định an toàn thông thường là sử dụng không quá 4 tiếng nếu làm việc trong phòng cách ly.
"Chúng tôi không khuyến khích phương pháp làm việc này, nhưng rõ ràng là nhân viên y tế không có lựa chọn nào khác", bà thừa nhận.
Theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, 2.600 sĩ quan quân y từ các lực lượng vũ trang từ ngày 13/2 bắt đầu được triển khai đến tăng viện cho Vũ Hán. Đội hình tăng viện được huy động từ nhiều lực lượng vũ trang bao gồm lục quân, hải quân, không quân, tên lửa, hỗ trợ chiến thuật, hậu cần và cảnh sát vũ trang.
"Dù chúng tôi được cung cấp thêm khẩu trang, số bệnh nhân tăng còn nhanh hơn. Số lượng khẩu trang tiêu thụ mỗi ngày tại bệnh viện vô cùng lớn. Thiếu hụt khẩu trang là điều không thể thay đổi", một bác sĩ giấu tên ở Vũ Hán cho biết mỗi y-bác sĩ phải dùng từ 2-4 khẩu trang/ngày.
Một số bác sĩ tại Vũ Hán còn phải sử dụng trang phục bảo hộ tự chế, vốn không đủ khả năng chống truyền nhiễm virus. Bộ đồ quá nhỏ sẽ xuất hiện những đường rách ngay khi được mặc vào. Họ phải khử trùng trang phục mỗi ngày. Dù về lý thuyết khả năng lây nhiệm vẫn cao, nhưng có đồ bảo hộ còn hơn không trang bị gì.
Việc tiếp nhận thêm một số lượng lớn ca nhiễm mới mỗi ngày cũng dẫn đến nhiều tác động lên tâm lý và sức lực của đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu.
"Tất cả điều kiệt sức", người bác sĩ kể phòng khám của một đồng nghiệp trong vòng 8 tiếng đã tiếp nhận thêm 400 bệnh nhân mới.
Nhiều y-bác sĩ phải giải quyết các ca với bệnh tình diễn biến nhanh. Bệnh nhân tử vong khi họ còn chưa kịp tìm ra cách cứu chữa.
"Họ đối diện với rất nhiều áp lực", người này chia sẻ nơi mình công tác phải mở một đường dây tư vấn tâm lý cho nhân viên bệnh viện.
Người dân tại Vũ Hán cũng đang bị bóp nghẹt trong tâm lý hoang mang vì dịch bệnh. Nhiều người sợ hãi đến mức không dám ra đường tìm sự giúp đỡ.
"Bạn nghe họ cầu cứu nhưng cũng bó tay. Chúng tôi không thể làm thêm gì nữa", người bác sĩ chia sẻ nhiều hàng xóm của mình có người bệnh trong nhà nhưng không thể đến viện cách ly và điều trị.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khắc phục những hạn chế về nguồn lực tại Vũ Hán. Hàng tiếp tế, tăng viện từ nhiều tỉnh và cả quân đội được huy động đến tuyến đầu cuộc chiến chống virus corona.
Lượng khẩu trang y tế và đồ bảo hộ được đẩy mạnh sản xuất. Tính đến ngày 10/2, khoảng 3/4 các nhà sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại. Tính từ ngày 24/1, nước này nhập khẩu thêm 300 triệu khẩu trang cùng với khoảng 3,9 triệu bộ đồ bảo hộ.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống
Ngày đăng: 10:08 | 17/02/2020
/