Từ một công nhân xây dựng bình thường, Soleimani nhanh chóng leo lên hàng ngũ chỉ huy trong Vệ binh Cách mạng Iran và trở thành "cái gai" trong mắt Israel.
Qassem Soleimani - nhân vật đứng sau cuộc tấn công táo bạo của Iran nhằm vào Israel. |
Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, đứng đằng sau vụ tấn công tên lửa Israel hôm 9/5, được chỉ huy bởi Qassem Soleimani, một trong những nhân vật quân sự nổi bật và có ảnh hưởng nhất ở Iran hiện tại.
Soleimani từng dẫn đầu các hoạt động quân sự ở nhiều nước, bao gồm Iraq, Afghanistan và các nước Caucasus. Ông được coi là một trong những người gần gũi nhất với lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei.
Người đàn ông 61 tuổi này thường tránh mặt giới truyền thông trong nước, đồng thời không ưa các chính trị gia. Ông cũng không phải là người quá sùng đạo.
Soleimani trải đời từ khi còn rất trẻ và bắt đầu làm công việc của một công nhân xây dựng bình thường để trả khoản nợ 100USD cho Chính phủ. Sau đó, ông trở thành kỹ thuật viên nước ở Kerman.
Nhưng sau Cách mạng Hồi giáo, ông gia nhập Vệ binh Cách mạng Iran - một lực lượng quân sự tách rời khỏi quân đội - và từng chiến đấu trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq từ 1980-1988.
Nhờ vào tư duy chiến lược, uy tín và khả năng chỉ huy của mình, ông nhanh chóng được tín nhiệm trở thành người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm Quds vào năm 1998. Quds được biết đến là lực lượng hoạt động bên ngoài Iran nhằm mở rộng ảnh hưởng của đất nước và truyền bá cuộc cách mạng Hồi giáo.
Mặc dù xuất phát điểm chỉ là một người lính bình thường, ngày nay Soleimani được coi là người có ảnh hưởng nhất trong Vệ binh Cách mạng Iran - thậm chí còn hơn cả chỉ huy Mohammad Ali Jafari.
Lực lượng đặc nhiệm Quds được thành lập trong Chiến tranh Iran-Iraq trong vai trò một đơn vị tinh nhuệ, làm những nhiệm vụ đặc biệt. Mục tiêu của Quds là giúp người Kurd trong cuộc chiến chống lại nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein và hơn nữa là vực dậy lòng trung thành trong quân đội.
Sau đó, Quds đứng sau đào tạo và hỗ trợ tài chính các lực lượng có tiếng nói như Hezbollah ở Lebanon và thực hiện các chiến dịch chống lại các đối thủ của mình trên toàn thế giới.
Soleimani được cho là nhân vật đứng sau nhiều cuộc tấn công vào các mục tiêu của Israel và Do Thái trên toàn thế giới, bao gồm một vụ đánh bom năm 1994 vào một trung tâm cộng đồng Do Thái ở Buenos Aires, hay vụ tấn công xe du lịch Israel ở Burgas, Bulgaria vào năm 2012.
Mới đây nhất, Soleimani là người ra lệnh cho cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) dọc theo biên giới phía Bắc tối 9/5 - khiến IDF ngay sau đó tung đòn trả đũa - phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quân sự do Iran xây dựng ở Syria trong năm qua.
Theo tờ Haaretz, ảnh hưởng to lớn của Soleimani thậm chí còn vượt qua những “giới hạn cấm” trong hợp tác của Iran với người Mỹ. Bất chấp những va chạm với lực lượng Mỹ tại Iraq hồi năm 2003 - cùng thái độ không ưa Washington - nhân vật này đã hợp tác với người Mỹ để bầu Thủ tướng lâm thời của Iraq vào năm 2010.
IDF tin rằng đòn trả đũa của Israel sẽ không làm lực lượng Iran dừng lại mục tiêu ở Syria. |
Theo đề nghị từ phía đối tác, Soleimani cũng ra lệnh cho quân đội Mahdi do giáo sĩ Shi\'ite Muqtada al-Sadr đứng đầu, ngăn chặn các mục tiêu chống Mỹ tại Baghdad.
Ngay cả khi Mỹ xâm chiếm Afghanistan sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9, các quan chức Iran - theo lệnh của Soleimani - đã cho các đại diện Mỹ bản đồ các căn cứ mục tiêu mà Taliban nhắm vào ở Afghanistan.
Trong ít nhất hai lần, lực lượng Mỹ có thể đã giết chết Soleimani nhưng đã nhận được lệnh kiềm chế, chủ yếu vì lý do chính trị và ý đồ của Washington trong việc giữ kín bí mật hợp tác với Tehran trong cuộc chiến chống IS ở Iraq.
Soleimani là một anh hùng dân tộc Iran. Lãnh đạo tối cao Khamenei thậm chí còn gọi ông là “người tử vì đạo của cách mạng”.
Tuy nhiên, vào năm 2015, ông đã bị chỉ trích vì không làm tốt trong cuộc chiến chống IS ở Iraq, điều này được cho là khiến quyền lực của ông sụt giảm trong nước.
Soleimani cũng không thuyết phục được người Kurd ở Iraq cho phép chuyển vũ khí và quân đội thông qua lãnh thổ của họ để giúp đỡ quân đội Syria trong cuộc nội chiến, mặc dù ông có mối quan hệ rất tốt với lãnh đạo người Kurd ở đây.
Soleimani cũng bị chỉ trích vì cách làm việc trong cuộc chiến ở Syria. Ông từng nhiều lần tranh cãi với Tổng thống Syria Bashar Assad về đường lối trong cuộc chiến và phàn nàn rằng các sĩ quan quân đội Syria không nghe lời khuyên của ông.
"Nếu tôi có một sư đoàn Basij của Iran, tôi sẽ chinh phục cả Syria", Soleimani tự tin nói, đề cập đến một lực lượng bán quân sự của Iran trực thuộc Vệ binh Cách mạng.
Có vẻ như, bất chấp cuộc tấn công bất ngờ của Israel vào đêm 9/5 ở Syria đã làm thiệt hại nghiêm trọng đến cơ sở quân sự của Iran, ngay cả IDF cũng cho rằng điều này sẽ không làm thay đổi kế hoạch của Lực lượng đặc nhiệm Quds là thâm nhập Syria càng sâu càng tốt - ngay cả với cái giá là một cuộc xung đột vũ trang với Israel.
Israel - Iran bên miệng hố chiến tranh
Nga gắn kết cuộc không kích của Israel nhằm vào các vị trí quân sự của Iran ở Syria với chuyện Mỹ rời khỏi thỏa ... |
Rút khỏi thỏa thuận Iran, ông Trump kích hoạt “chạy đua hạt nhân Trung Đông”
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/5 vừa qua đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay Kế hoạch Hành động chung ... |
Ngày đăng: 17:39 | 11/05/2018
/ nguoiduatin.vn