Với những người giỏi thực sự, trong thời kỳ hội nhập thì việc họ tự tin đi ra ngoài tìm kiếm các cơ hội mới cho mình là điều dễ hiểu.
Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia- nói về vấn đề nhiều nhân tài thành phố Đà Nẵng xin thôi việc.
Nghịch lý người tài bỏ đi, công chức cắp ô ở lại
PV: - Gần đây, liên tiếp những vụ lùm xùm liên quan tới đào tạo nhân tài Đà Nẵng được đưa ra, đầu tiên là nhân tài phá bỏ cam kết bị kiện ra tòa, đào tạo nhân tài là con lãnh đạo, giờ là chuyện hàng loạt nhân tài xin thôi việc, ông có bất ngờ trước thực trạng này hay không và liệu có thể lý giải vì sao chuyện này lại xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua như vậy? Phải lý giải ra sao khi nhân tài thì bỏ việc còn công chức ở lại thì vẫn sáng cắp ô đi, tối cắp ô về?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Tôi không hề bất ngờ trước thực trạng trên. Quan điểm đối với việc đào tạo cán bộ là đã đầu tư tất nhiên phải sử dụng nhưng cơ chế sử dụng hiện nay của chúng ta thì không ai chấp nhận được.
Bởi vì, từ cơ chế đãi ngộ làm việc, thu nhập, rồi tư cách người sử dụng không đủ trình độ để làm việc, tức người tài thì dĩ nhiên phải làm việc với người tài.
Đặc biệt, với những người đã được đào tạo thì môi trường làm việc hết sức quan trọng, họ có thể chấp nhận điều kiện kém nhưng cần sự phát triển, họ nhìn thấy hướng đi không có ánh sáng thì họ sẽ tìm cho mình hướng đi mới là đương nhiên.
Với các trường hợp không có điều kiện thì họ sẽ cố gắng học và làm việc đến hết thời hạn hợp đồng, còn các trường hợp có điều kiện họ sẽ xin nghỉ ngay lập tức. Hiện nay, các Tập đoàn tư nhân, các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng thuê 2000-3000 USD/tháng, mà xứng đáng với công sức họ bỏ ra, vì họ tự tin mình có năng lực, có môi trường để phát triển.
Công chức tại khu vực một cửa ở Đà Nẵng trong giờ làm việc. Ảnh TPO
Với những người giỏi thực sự, trong thời kỳ hội nhập thì việc họ tự tin đi ra ngoài tìm kiếm các cơ hội mới cho mình là điều dễ hiểu. Đơn giản, năng lực của họ có thể có được nguồn tài chính tốt hơn, họ được trọng dụng hơn, ở cơ quan nhà nước có khi họ bị chèn ép không được phát triển, không được làm những gì mình muốn, có thể ý kiến của họ đúng, tốt nhưng không được công nhận.
Tất nhiên, những người còn ở lại làm việc, kiên trì với những vị trí đã được sắp sẵn, chấp nhận với những đồng lương ba cọc, ba đồng đều là con ông cháu cha hoặc kém năng lực.
Họ bằng lòng với việc ngồi vào một vị trí nào đó, rồi chờ đợi cơ hội để thăng tiến, cái họ cần không phải là làm được gì cho thành phố mà vị trí của họ sẽ ở đâu, điều này ai cũng biết.
Cơ chế thị trường luôn thôi thúc việc xã hội cần gì, sử dụng vào đâu, quy luật thị trường luôn có hai từ giá trị, rất sòng phẳng, nếu có tính cạnh tranh thì chắc chắn sẽ hưởng giá trị cao hơn, nên người tài họ thích cạnh tranh để phát triển.
Còn người sử dụng là tiếp nhận, nếu có thì phải trả giá trị tương ứng. Đừng mặc định cơ quan có nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ là cơ quan đó nhiều nhân tài, điều mặc định này rất nực cười.
Tôi có quen một thủ khoa Đại học kinh tế quốc dân, rồi sau đó được đưa vào Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo thêm 2 năm, ra trường đúng là tài năng, sau đó được phân công công tác tại một Bộ ngành, nhưng về đó không đáp ứng được yêu cầu công việc, làm không đúng năng lực, lại không chịu được áp lực, nên đã bỏ việc, thậm chí chấp nhận ra khỏi Đảng để tìm chân trời mới.
Tức là bản thân người được đi đào tạo không biết sau này về họ sẽ làm gì, nên mới có chuyện đứt gánh giữa đường như vậy.
PV:- Dường như có một sự lệch pha giữa mục đích, ý tưởng tốt với hiệu quả thực tế trong việc đào tạo nhân tài ở Đà Nẵng, phải lý giải điều này như thế nào, do quá trình thực hiện sai hay từ mục tiêu ban đầu đã không đúng, hay do sự phát triển của Đà Nẵng đã khiến cho các nhân tài thay đổi dự định? Trong bối cảnh này, nên có những điều chỉnh như thế nào về chính sách thu hút và đào tạo nhân tài đã được triển khai trong suốt thời gian qua?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Tất cả đều có quy hoạch cán bộ chiến lược, nên phải xem lại cụ thể trong quy hoạch đó, các cán bộ được lựa chọn được sắp xếp đi học ngành gì, ở đâu, đúng định hướng, lựa chọn đúng hay không?
Còn với Đà Nẵng theo tôi nghĩ ở đây đưa đi nhưng chưa biết sắp xếp vào đâu, nên người đi học cũng mông lung, người đi học về được sắp xếp vào chỗ làm việc càng mông lung hơn.
Rõ ràng để tìm ra lỗi sai thì rất đơn giản, định hướng cho sự phát triển của mỗi một cá nhân, một tổ chức đều như nhau, đều làm cho thì tương lai, nên nếu không đúng thì đó là do các bước đầu đã sai, nên dẫn tới không có được kết quả như mong muốn.
Ở đây, có nhiều mặt, phải xem rõ ràng, người lao động, công chức, viên chức phải nằm trong môi trường hoạt động, định hướng phát triển. Nếu trong dạng quy hoạch, bồi dưỡng thì cần có lộ trình, các nước họ đều có lộ trình rõ ràng, đạt được mục tiêu thì phải đi theo hướng ra sao.
Trong điều kiện của Việt Nam, nếu như có người đã vào bộ máy rồi thì vẫn có thể đi học theo định hướng quy hoạch cho sự phát triển, nằm trong quy hoạch chung của toàn thành phố. Ban tổ chức Thành ủy phải tham mưu cho Thường vụ Thành ủy làm việc này.
Những bài học khó áp dụng
PV:- Có ý kiến cho rằng, không nên tiếp tục kéo dài những đề án đào tạo nhân tài bằng tiền của nhà nước, ràng buộc trách nhiệm mà nên tạo điều kiện thông thoáng để người tài có nhiều cơ hội tự mình tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn không phải bằng nguồn ngân sách? Theo ông, ý tưởng này có khả thi hay không? Ở các nước phát triển, việc này được thực hiện thế nào và hiệu quả mang lại ra sao?
Các tỉnh, thành phố khác, theo ông nên học bài học của Đà Nẵng thế nào để không rơi vào những lùm xùm nhân tài như trên?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Theo tôi, cần phải có chiến lược tìm ra nhân tài, nhân tài là phải sử dụng liên quan đến sự phát triển, môi trường, định hướng để cống hiến, góp phần vào sự phát triển của xã hội, thực sự có tài năng vượt trội, sự cống hiến được xã hội ghi nhận.
Như nhiều người không được đào tạo gì nhưng thực tiễn họ có óc sáng tạo, đưa ra các ý kiến, góp phần thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển, đó cũng là nhân tài, chứ không phải đào tạo mới ra nhân tài.
Ở các nước như Nhật Bản khi tuyển dụng vào tất cả các nhân viên đều phải đã tốt nghiệp Đại học, sở hữu bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ còn nhà nước chỉ luân chuyển họ qua các vị trí khác nhau phù hợp theo sở trường để đào tạo.
Họ luôn xác định chủ trương chung rồi phát hiện năng khiếu, chọn lọc người giỏi, đi học không phải đóng học phí tại một số trường điểm quốc gia. Nhưng khâu thi tuyển vào rất chặt chẽ, ai cũng có quyền tham gia, nhưng chỉ chọn người giỏi thực sự, để sau này ra phục vụ và phát huy được năng lực.
Để thấy phải có hướng phát triển thì mới có thể phân loại, nghiên cứu hoặc giảng dạy theo ý muốn. Còn về lãnh đạo thì qua quá trình đào tạo sẽ tìm ra các nhân tố điển hình để đào tạo tiếp.
Điều đáng nói họ nuôi dưỡng từ bé, ngay cấp 1 - tiểu học, mẫu giáo họ đã để ý đến năng khiếu mà năng khiếu có yếu tố bẩm sinh, sau đó, mới bồi dưỡng năng khiếu đó để trở thành tài năng, thành tài năng vượt trội sẽ đưa vào các vị trí, môi trường sử dụng, tạo điều kiện phát huy, sáng tạo lúc đó mới trở thành nhân tài.
Còn các cá nhân cử đi học không được gọi là nhân tài, bản thân họ phải có tài năng vượt trội, sau đó họ được sử dụng, ở Việt Nam khái niệm này đang được hiểu sai lệch.
Nói chung chủ trương đưa ra là tốt nhưng đi vào thực tiễn chiến lược phát triển cực kỳ khó, đòi hỏi sự quyết tâm của người lãnh đạo, siết chặt bộ máy, vì ai cũng có lợi ích cá nhân, bất cứ mối quan hệ nào cũng đều có lợi ích, đó là cái khó hiện nay đang tồn tại.
Rất nhiều tỉnh đã đưa ra nhưng không thu hút được, như Thái Bình lên chương trình một người giới thiệu một người thạc sỹ, tiến sỹ về công tác tại tỉnh được thưởng, được tạo điều kiện nhà ở, nhưng cuối cùng không ai về, không làm được.
- Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ với Đất Việt!
Châu An
Vì sao nhân tài ở Đà Nẵng thôi việc?
Không được bố trí công việc phù hợp, lương thấp, nhiều nhân tài theo Đề án 922 của thành phố mãi làm việc với vị ... |
40 nhân tài ở Đà Nẵng thôi việc
Được bố trí việc làm nhưng nhiều học viên đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng đã xin thôi ... |
Mỹ không có chuẩn hiệu trưởng vì sợ bỏ sót nhân tài như Bill Gates
Mỹ không đưa ra "tiêu chuẩn cứng" cho vị trí hiệu trưởng một trường đại học vì họ coi trọng nhân tài. Họ hiểu rằng ... |
Ngày đăng: 11:38 | 24/05/2018
/ Đất Việt