Thế giới không biết ai đã sáng tạo ra Bitcoin. 

nhân cách truyền thống

Đó là một thông tin cũ: không ai biết Satoshi Nakamoto là ai, thậm chí không biết đó có phải là một con người hay một tổ chức. Ngay cả khi thị trường này đã có tổng giá trị hàng trăm tỷ USD, “Satoshi Nakamoto”, người đã thiết kế ra nó, vẫn hoàn toàn là một bí ẩn bất chấp sự nỗ lực tìm kiếm của cả thế giới công nghệ và truyền thông.

Nhưng bạn không cần biết Satoshi Nakamoto là ai, nhân dạng và nhân cách ra sao, để có thể đầu tư vào Bitcoin, thảo luận về nó, hay thậm chí là tham gia góp ý về chính sách tiền tệ cho chính phủ dựa trên các ý niệm mới về Bitcoin.

Nhân vật gọi là “Satoshi Nakamoto” giới thiệu cho chúng ta một ý niệm quan trọng về cá nhân trong xã hội: khi một chính sách được xác lập và đồng thuận, chúng ta không cần quan tâm đến cá nhân đã tạo ra nó.

Nếu không có Google, tôi tin rằng có rất ít người dưới bài viết này có thể kể tên được lãnh đạo của OPEC hay Saudi Aramco, những người đóng vai trò quyết định giá xăng bạn đổ hàng ngày. Nhiều nhân vật mà các quyết định của họ đưa ra ảnh hưởng đến đời bạn nhiều hơn cả vị sếp trực tiếp ở cơ quan: Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ hoặc Thái Lan, người có vai trò lớn trong giá gạo xuất khẩu thế giới; hay là chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ, người tham gia quyết định giá vàng bạn đang cất trong tủ.

Về cơ bản, những nhân vật này dù có nhân dạng và nhân cách cụ thể, không khác gì so với Satoshi Nakatomo. Họ đến với chúng ta bằng các chính sách, và chúng ta phản ứng với họ bằng các chính sách khác. Bạn sẽ không oán trách hay thậm chí nghĩ ra rằng mình cần oán trách một vị hoàng thân nào đó ở Arab Saudi, nếu ngày mai giá xăng tăng. Bạn có thể thay đổi thói quen tiêu dùng, và nếu lượng thay đổi đủ lớn, thì OPEC phải tính toán lại.

Nhưng bất chấp thực tế dễ hiểu này, người ta vẫn nhắm vào khuôn mặt các yếu nhân. Thị trường dành cho thương hiệu cá nhân không ngừng mở rộng. Nhiều người vẫn có nhu cầu được đánh giá một cá nhân cụ thể, bình phẩm về nhân cách, đời tư, phán xét hoặc tôn vinh một con người - đặc biệt là các nhân vật có khả năng ban hành chính sách, từ doanh nhân đến lãnh đạo.

Nhiều tiền, chi dưới gầm bàn hoặc bằng các hợp đồng có nộp VAT, dành cho truyền thông cá nhân. Những lời tư vấn được đưa ra khá đơn giản: “Hãy làm vài việc tốt”. Bất kỳ ai làm truyền thông cũng hiểu rằng dư luận rất dễ gộp “làm vài việc tốt” và “nhân cách tốt” vào một ấn tượng, để rồi từ đó hình thành một “niềm tin”. Những “niềm tin” được hình thành bằng ấn tượng sơ sài này, sau đó, hoàn toàn có khả năng vận hành xã hội.

Đôi lúc, những lời khuyên cho yếu nhân được giới truyền thông đưa ra còn đơn giản hơn: Hãy ăn mặc đẹp.

Tuần này, tôi giật mình nhận ra rằng mình đã có sự thương cảm với một nữ chính trị gia vì ngoại hình quá đẹp, cho đến khi đọc nghiêm túc về chính sách lúa gạo phiêu lưu của bà này. Sự thương cảm dành cho các chính trị gia phạm sai lầm vì thể hiện bề ngoài, không có gì ngạc nhiên, khá phổ biến.

Nền văn hóa xoay quanh các cá nhân này tất nhiên có thể trở thành động lực cho xã hội. Trong các giai đoạn khó khăn, khi xã hội cần các hành động tập thể thay vì chờ đợi sự điều tiết của thị trường, ví dụ như thời chiến, hoặc giai đoạn tái thiết đất nước, các hình mẫu cá nhân (role model) được xác lập có chủ ý chắc chắn sẽ hướng lựa chọn của nhiều người đến điều có lợi.

Nhưng trong phần lớn các bối cảnh xã hội, giữ thói quen bàn về cá nhân thay vì nhìn vào hệ thống việc làm của họ là một điều nguy hiểm. Nó khuyến khích việc tạo ra các “nhân cách truyền thông” - thứ ấn tượng sơ sài qua các hành động mang tính biểu diễn, thay vì sự cải thiện các quan hệ thực sự. Nó tôn vinh một thứ “niềm tin” vào cá nhân mà bỏ qua việc nhìn nhận bức tranh tổng quan.

Việc đánh giá xã hội thông qua đo đạc các nhân vật “xấu” hoặc “tốt” khiến người ta thậm chí quên mất cái tôi của chính họ. Thay vì trực tiếp tham gia vào điều chỉnh xã hội, nhiều người có xu hướng hoan hỉ với một đại nhân vật có “đạo đức tốt” với khả năng tạo ra chính sách thay đổi đời mình.

Thỉnh thoảng, vẫn có người đến tìm tôi, một nhân vật có ảnh hưởng hoặc thư ký của họ, và hỏi cách “làm hình ảnh” cho ai đó.

Tôi giữ phép lịch sự đưa ra lời quen sơ sài như thời mới vào nghề: Hãy làm vài việc tốt.

Phần lớn họ không liên lạc lại. Trong những tháng ngày mà truyền thông xã hội phát triển cực thịnh, thì thậm chí “làm vài việc tốt” cũng là điều tốn công. Nhiều người tin rằng hình ảnh của họ có thể được gia công bằng lời nói, câu viết hoặc một thủ pháp truyền thông nào đó - mà không cần thực sự trở thành cái gì tích cực.

Và bằng cách nào đó, thị trường này vẫn sôi động và các "nhân cách truyền thông" vẫn đi vào đời sống mỗi ngày.

nhan cach truyen thong Chuyện “em Truyện”

Câu chuyện bác sĩ Truyện phải chăng đang đặt ra vấn đề quyền chỉ trích, những giới hạn của nó và cả nhân cách của ...

nhan cach truyen thong "Phát triển nhân cách trẻ không chỉ là việc của nhà trường"

Hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh trong 12 năm phổ thông không chỉ là việc của riêng nhà trường.Bà Đặng Huỳnh ...

Ngày đăng: 19:30 | 12/12/2017

/ Đức Hoàng/VnExpress