Chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội” trong lần tổ chức thứ 10 sẽ tôn vinh 5 nhạc sĩ có những đóng góp quan trọng cho âm nhạc nước nhà, đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, gồm Nguyễn Đình Bảng, Đinh Quang Hợp, Đức Minh, Lê Tịnh, Cát Vận. “Thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 7-10 sẽ vang lên những ca khúc gắn liền với tên tuổi của họ.
 

Có lẽ chỉ Hội Âm nhạc Hà Nội mới duy trì được hoạt động thường niên nhằm tôn vinh các thế hệ nhạc sĩ đã có đóng góp lớn lao cho nghệ thuật nước nhà. Ở lần thứ 10 tổ chức “Tình yêu Hà Nội”, 5 cá tính âm nhạc nổi bật sẽ được tôn vinh qua những tác phẩm biểu diễn, những thước phim về họ. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết: “Hà Nội là nơi hội tụ nhiều thế hệ nhạc sĩ gạo cội của đất nước. Rất nhiều người trong số họ đã được Đảng và Nhà nước công nhận bằng các giải thưởng, nhưng cũng có người lặng lẽ cống hiến với những sáng tác đi vào đời sống và được yêu thích. Nhiều nhạc sĩ đã lớn tuổi, xứng đáng có được những chương trình đặc biệt để khẳng định sức lao động, cống hiến bền bỉ của họ”.

nhac si voi tinh yeu ha noi
Các nhạc sĩ chuẩn bị cho chương trình

Năm nhân vật chính trong chương trình thì mỗi người một vẻ. Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp năm nay đã 82 tuổi. Ông từng là giảng viên chuyên ngành sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng là học trò của ông như An Thuyên, Trương Ngọc Ninh… Ông có nhiều tác phẩm ở các thể loại ca khúc, giao hưởng, thanh xướng kịch, mà nổi bật là bản hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng “Việt Nam tình non nước” và thanh xướng kịch “Ngàn năm nhớ về thuở ấy” - được viết vào dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Âm nhạc của ông vừa mang nét hiện đại vừa đậm đà bản sắc, lời ca chất chứa ý nghĩa nhân văn. Tuy chương trình chưa thể giới thiệu được mảng khí nhạc nhưng những ca khúc như “Tiếng hát sông Lam”, “Ta hát tiếp bài ca thời đại”, “Trường ca biển trời đất Việt” cũng đủ cho thấy tài năng của ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng sinh năm 1942, tốt nghiệp Khoa Sáng tác, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông từng công tác tại Nhà Xuất bản Âm nhạc. Về mảng sáng tác, âm nhạc của Nguyễn Đình Bảng mang nét lãng mạn, phóng khoáng và dễ đi vào lòng người. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có lẽ là “Thời hoa đỏ” - phổ thơ của Thanh Tùng. Bài hát sẽ được thể hiện trong chương trình tới đây cùng với tác phẩm “Đôi mắt em”, “Du thuyền sông Lam”.

Nhạc sĩ Đức Minh sinh năm 1941, vốn là một nghệ sĩ guitar tài hoa. Sau khi bước vào con đường sáng tác, những bài hát của ông như “Em là hoa pơ lang”, “Trên biển quê hương” nổi tiếng từ những năm đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ông còn có nhiều sáng tác khí nhạc và nhạc kịch sân khấu được giới nghệ thuật đánh giá cao.

Nhạc sĩ Lê Tịnh và nhạc sĩ Cát Vận đều trưởng thành từ môi trường quân đội. Do hoạt động chủ yếu ở khu vực Tây Bắc nên các sáng tác của nhạc sĩ Lê Tịnh khá độc đáo, mang âm hưởng dân tộc miền núi. Gần đây, khi về Hà Nội sinh sống, ông tiếp tục sáng tác và có những ca khúc được giới trẻ yêu thích như “Ngồi hát mùa đông”. Nhạc sĩ Cát Vận viết nhiều, đề tài đa dạng, trong đó những ca khúc như “Mùa hè gọi”, “Mơ sóng biển Việt Nam”, “Hà Nội - bài ca năm tháng” thể hiện tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước.

Chương trình do nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn làm tổng đạo diễn, các nhạc sĩ phối khí là Xuân Phương, Mai Kiên, Đỗ Bảo, Đức Nghĩa, Đức Tân, Xuân Dũng. Mỗi nhạc sĩ được khắc họa chân dung qua 3 ca khúc và các phóng sự, góp phần tái hiện một phần con đường âm nhạc và tình yêu Hà Nội của họ.

“Tình yêu Hà Nội” lần thứ 10 có sự tham gia của các nghệ sĩ như Đăng Dương, Phương Thảo, Lan Anh, Vũ Thắng Lợi, Ngọc Anh, Thanh Bình, Tố Loan, Bảo Ngọc, Viết Danh, nghệ sĩ piano Minh Tú, dàn hợp xướng Hanoi Harmony, ban nhạc Đồng đội.

http://nhipsonghanoi.vn/tin-tuc/van-hoa/819288/nhac-si-voi-tinh-yeu-ha-noi

Ngày đăng: 17:48 | 06/10/2017

/ Theo Yên Nga/Báo Hà Nội mới