Triển khai từ năm 2016, Hà Nội đặt quyết tâm có 1.000 nhà vệ sinh công cộng chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, sau gần 7 năm, dự án này vẫn dang dở.
Mất vệ sinh cả trong lẫn ngoài
Cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing đầu tư xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn, 50 cây lọc nước uống trực tiếp và 200 ghế gang đúc hoặc inox phục vụ cộng đồng. Đổi lại, đơn vị này được khai thác quảng cáo trên hệ thống cầu vượt trong 10 năm.
Tuy nhiên, sau gần 7 năm triển khai, Vinasing mới lắp đặt được 85 nhà vệ sinh trên tổng số 416 vị trí đã khảo sát và đủ điều kiện lắp đặt. Trong số này, Công ty Vinasing đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) quản lý, vận hành 37 vị trí.
Hệ thống nhà vệ sinh "tiêu chuẩn châu Âu" ở Hà Nội nhanh chóng xuống cấp
Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 5/4, một số nhà vệ sinh “tiêu chuẩn châu Âu” thuộc dự án do chưa được bàn giao, đưa vào sử dụng đã nhanh chóng xuống cấp.
Tại một điểm nhà vệ sinh công cộng đối diện nhà chờ buýt nhanh BRT Vạn Phúc 2, hạ tầng xập xệ, xung quanh thân nhà đang bị hoen gỉ, sơn bong tróc. Bên trong thì tối om, hệ thống nóc nhà bị cong vênh, vòi nước tại hai buồng vệ sinh chảy chậm.
Bà Nguyễn Thị H., nhân viên trông giữ nhà vệ sinh (thuộc Urenco) cho biết: “Ban đầu nhiều người quảng cáo là nhà vệ sinh chuẩn quốc tế này được bảo hành 50 năm. Nhưng không hiểu sao, mới bàn giao đầu năm 2017 mà đến nay nhiều chỗ đã xuống cấp, cửa bị rơi bi bánh xe, vòi nước hay tắc nghẽn, công ty thường xuyên phải sửa chữa”.
Tương tự, tại nhà vệ sinh ở đối diện số 1160 đường Láng (quận Đống Đa), rất khó tìm thấy lối vào do nhiều cây mọc um tùm chắn cửa chính, ổ khóa đã gỉ sét.
Chị Đào Phương Uyên - người dân ở khu vực này cho biết: “Cửa nhà vệ sinh này đóng im ỉm từ nhiều tháng nay. Nhiều người đi đường có nhu cầu đi vệ sinh nhưng không vào được nên đã tùy tiện phóng uế ra sát nhà vệ sinh khiến cả khu vực bốc mùi hôi thối”.
Nhà vệ sinh gần chung cư Constrexim ở đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) cũng trong tình trạng ống thoát nước tắc triền miên, khóa cửa không thể sử dụng. Chị Trần Thu Trang, phố Dương Đình Nghệ cho hay, rất ít người sử dụng nhà vệ sinh này bởi mỗi lần bước vào, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Một bất cập dễ nhận thấy là các nhà vệ sinh công cộng được lắp đặt đa số ở vị trí vắng vẻ, ít người qua lại chứ không phải những trục đường đông đúc phương tiện lưu thông.
Không cho phép quảng cáo
Theo UBND TP Hà Nội, nguyên nhân chậm trễ trong việc thực hiện dự án là do Công ty Vinasing chưa có kinh nghiệm trong thi công, lắp đặt các nhà vệ sinh.
Đại diện Công ty Vinasing cho biết, hệ thống nhà vệ sinh theo kế hoạch UBND TP Hà Nội giao cho chủ đầu tư bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. "Chúng tôi đã khảo sát hơn 400 vị trí để có thể xây dựng. Tuy nhiên, nhiều vị trí đang là điểm kinh doanh nên không được người dân đồng thuận. Có địa điểm xây mới còn bị họ đập phá..." vị đại diện này chia sẻ.
Cụ thể, giữa Công ty Vinasing và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp tốt trong việc bàn giao mặt bằng thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt và bàn giao công trình.
Ngoài ra, còn do trục trặc trong xin cấp phép thi công đấu nối điện, cấp nước, thoát nước thải; chưa xác định chính xác hệ thống công trình ngầm tại nơi lắp đặt, dẫn đến ở nhiều vị trí phải dừng thi công, hoàn trả mặt bằng.
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - đơn vị được giao tiếp nhận, vận hành các nhà vệ sinh này, Công ty Vinasing không thực hiện đầy đủ thủ tục bàn giao theo quy định, không bàn giao hồ sơ thiết kế điện, nước… gây khó khăn cho công tác vận hành.
“Khi bàn giao, các công trình còn nhiều lỗi kỹ thuật, như: Không bơm được nước, thiết bị vệ sinh bị rò rỉ, cửa bị kẹt; một số nhà vệ sinh không có điện, nước… Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư khắc phục những lỗi trên nhưng đơn vị này không thực hiện”, đại diện Urenco cho biết thêm.
Tìm hiểu của PV, do Công ty Vinasing không hoàn thành đúng tiến độ xây dựng 1.000 nhà vệ sinh theo cam kết, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao không cho phép công ty này khai thác quảng cáo tại các cầu vượt đi bộ.
Để khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn, thành phố tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa.
Trước bất cập số lượng nhà vệ sinh công cộng trên địa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa giao các quận, huyện, thị xã, kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng và kịp thời chỉnh trang, duy tu, duy trì các nhà vệ sinh công cộng hiện có trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Đồng thời, rà soát, xem xét sớm đầu tư mới các nhà vệ sinh công cộng tại các khu vực cần thiết.
Chuyên gia giao thông, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội là chủ trương đúng, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Để không lặp lại tình trạng này, các cấp ngành cần tăng cường giám sát, có hình thức xử lý kịp thời khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết.
10 quận chỉ có 350 nhà vệ sinh
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 350 nhà vệ sinh công cộng được phân bố trên 10 quận nội thành. Tính trung bình mỗi quận chỉ có khoảng trên 30 nhà vệ sinh, trong khi đó nhu cầu sử dụng trên hầu khắp thành phố rất cao. Chỉ riêng khu vực nội thành có hàng nghìn tuyến đường, hàng trăm điểm, khu vui chơi giải trí.
https://www.baogiaothong.vn/nha-ve-sinh-tieu-chuan-chau-au-dap-chieu-giua-thu-do-d587172.html
Ngày đăng: 10:30 | 07/04/2023
Lê Tươi / Giao thông