Nhà văn Vũ Tú Nam đã qua đời ngày 9-9-2020 tại Hà Nội. Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng nhà văn sẽ diễn ra vào 7h30 sáng 12-9-2020 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

“Ông đã truyền cho tôi ngọn lửa sống”

Chia sẻ nỗi mất mát lớn lao trên trang cá nhân, siêu mẫu Hà Anh viết: “Ông là tình yêu, là ngọn lửa, là tình thân gắn kết chúng tôi, các thành viên của gia đình. Ông đã dạy tôi rất nhiều điều, từ khi tôi lọt lòng đến giờ. Những gì ông dặn tôi luôn khắc cốt ghi tâm.

Nhà văn Vũ Tú Nam về nơi trời xanh ảnh 1
Nhà văn Vũ Tú Nam cùng vợ- nhà văn Thanh Hương và cháu nội- siêu mẫu Hà Anh (ảnh FB Hà Anh)

Ông nói rằng: "Ông bà luôn sống làm sao để các cháu được tự hào. Các cháu hãy cố gắng sống và làm việc để ông bà được tự hào về các cháu!". Đây là "kim chỉ nam" của tôi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp. Dù có làm điều gì, tôi luôn giữ vững sự trung thực, tinh thần trách nhiệm cao và hết mình cống hiến vì công việc.

Ông luôn dặn chúng tôi sống hòa đồng, giản dị và chúng tôi luôn làm đúng điều này. Ông hiền lành, tốt bụng, luôn suy nghĩ vì mọi người, hành động vì mọi người. Ông nội tâm, thích suy nghĩ một mình, thích quan sát và hay kể chuyện. Ông rất hóm hỉnh trong lời nói, lời văn….

Là đứa cháu đầu tiên của ông bà, tôi may mắn được dành nhiều thời gian bên ông bà nhất. Được ông chăm sóc, dạy dỗ, truyền cho tôi ngọn lửa sống, tin yêu vào cuộc đời, và con người. Đây sẽ không phải lần cuối cùng tôi viết về ông, bởi ông luôn ở trong trái tim tôi, trái tim chúng tôi - gia đình, bè bạn những người ông yêu thương và thương yêu ông…”

"Bà đỡ" tuyệt vời cho các tác phẩm văn học thập niên 70, 80 thế kỷ trước

Nhà văn Lê Minh Khuê kể, nhà văn Vũ Tú Nam là một con người mà bà thực sự kính trọng. Trên cương vị Giám đốc NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội nhà văn Việt Nam ) ông hiền lành, nhưng nghiêm khắc và kỷ luật. Trong văn chương, ông là người tinh tường, ông thẩm định tác phẩm rất chuẩn, từ đó ông phát hiện ra nhiều tác phẩm tốt, nhiều tài văn.

Thời ông làm Giám đốc NXB rồi sau này là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV (vị trí tương đương Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bây giờ) vì công việc bận rộn, nên ông cũng ít viết. Nhưng cũng chính thời điểm đó, những tác phẩm của ông lại có nhiều đổi mới, vẫn là những câu chuyện đong đầy cảm xúc cuộc sống nhưng mạnh mẽ hơn, gai góc hơn.

Nhà văn Vũ Tú Nam về nơi trời xanh ảnh 2
Nhà văn Vũ Tú Nam và nhà văn Thanh Hương trong lần ra mắt sách gần đây (ảnh FB Hà Anh)

Nhà văn Lê Minh Khuê bảo, tác phẩm mà bà thích nhất, ấn tượng nhất cho đến bây giờ là “Sống với thời gian hai chiều”, một cuốn sách khi đó được gọi là “có vấn đề”. Ở tác phẩm này, bút pháp mạnh mẽ hơn so với các tác phẩm trước đó và cũng “gai góc” hơn so với bản tính hiền lành vốn có của Vũ Tú Nam .

“Vũ Tú Nam là một người tốt và giờ khó gặp”- nhà văn Lê Minh Khuê khẳng định.

Nhà văn Lê Phương Liên cũng từng có thời gian dài công tác cùng nhà văn Vũ Tú Nam ở Tiểu ban Sách thiếu nhi của Hội xuất bản Việt Nam . Đó là thời điểm mà ông đã hoàn tất những trách nhiệm nặng nề khó khăn. Để rồi những ngày tuổi già ông thực sự được đắm mình trong thế giới tuổi thơ.

“Những ngày này tôi đã được làm việc cùng ông. Hàng năm mỗi khi đến kỳ họp xét giải thưởng. Cả tiểu ban gồm nhà văn Vũ Tú Nam , nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà báo Nguyễn Như Mai và tôi thường đến nhà riêng của ông bà Vũ Tú Nam- Thanh Hương để họp bàn trao đổi. Mỗi lần đến nhà, ông bà đều sắp sửa nước trà bánh kẹo rất ngon để anh chị em cùng ngồi nhấm nháp và đàm đạo văn chương thân ái. Hình ảnh những ngày ấy, tình văn nhân thanh tao tinh tế như vẫn còn dư âm mãi trong tôi... Thôi thế là một thế hệ các nhà văn kính mến đã lần lượt ra đi mãi mãi”- Nhà văn Lê Phương Liên xúc động chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn lại bảo, có hai điều ông muốn nói về Vũ Tú Nam trên cương vị Giám đốc NXB Tác phẩm mới (nay là GĐ NXB Hội nhà văn) và Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), đó là thời kỳ mà sách văn học thực sự lên ngôi và tỏa sáng. Vũ Tú Nam là "bà đỡ" tuyệt vời cho các tác phẩm văn học thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Rất nhiều tác phẩm văn chương lừng danh đều “phát lộ” trong thời kỳ này.

Giai đoạn Vũ Tú Nam làm Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ IV cũng để lại những dấu ẩn mạnh mẽ và nổi bật. Một thời kỳ văn học bừng sáng bằng các giải thưởng. Đó là giải thưởng tiểu thuyết cho “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, cho Dương Hướng với “Bến không chồng”, cho Nguyễn Khắc Trường với “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Rồi giải thưởng thơ cho Nguyễn Quang Thiều với “Sự mất ngủ của lửa”.

Những người đồng nghiệp, từng công tác cùng Vũ Tú Nam thường có chung nhận định, ông là người điềm đạm, hiền lành, nhưng cũng mạnh mẽ, quyết liệt và quyết đoán trong những lúc bảo vệ quan điểm, bảo vệ những tác phẩm có giá trị và bảo vệ cả những tài năng mới chạm ngõ văn chương.

‘Lúc đó, để bảo vệ tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” cũng chẳng dễ dàng gì, nhưng Vũ Tú Nam rất cương quyết. Những chuyện này mãi sau đó, tôi mới được nghe nhà thơ Hữu Thỉnh kể lại”- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ rồi kết luận: “Đó thực sự là những nhiệm kỳ để lại dấu ấn cho văn học Việt Nam ”.

Chia sẻ cùng báo chí về nhà văn Vũ Tú Nam , nhà thơ Trần Đăng Khoa bảo, nhắc đến Vũ Tú Nam tức là nhắc đến một con người rất điềm đạm. Trên cương vị Giám đốc Nhà xuất bản hay Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV ông đều chứng tỏ mình là người có con mắt tinh tường, lãnh đạo bằng sự điềm đạm và tấm lòng nhân hậu. Vì lẽ đó mà anh em văn nghệ sĩ rất yêu quý và tôn trọng ông.

Các tác phẩm của Vũ Tú Nam dù không nhiều, nhưng đặc sắc, tiêu biểu như “Sống với thời gian hai chiều”, "Mùa Xuân tiếng chim”.... Ở mảng truyện viết cho thiếu nhi cũng rất đặc biệt như “Văn Ngan tướng công”, ngoài ra ông còn ghép những câu chuyện của các cháu ông vào các truyện ngắn. Trong đó ông luôn hướng đến tính thiện trong mỗi con người.

Siêu mẫu Hà Anh viết tâm thư cảm động gửi ông nội- nhà văn Vũ Tú Nam Siêu mẫu Hà Anh viết tâm thư cảm động gửi ông nội- nhà văn Vũ Tú Nam

Ngày đăng: 18:30 | 11/09/2020

/ anninhthudo.vn