Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét kế hoạch xây dựng một mạng lưới tình báo tư nhân theo đề xuất của Erik Prince, nhà sáng lập tập đoàn an ninh tư nhân Blackwater, cùng một số cựu điệp viên CIA.
Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ tạo nên một mạng lưới điệp viên tư nhân khổng lồ, hoạt động ngoài sổ sách và chỉ báo cáo trực tiếp cho Giám đốc CIA hiện tại là Mike Pompeo. Mục tiêu của kế hoạch này được cho là nhằm chống lại cái gọi là “nhà nước bí mật” (deep state) nằm sâu bên trong cộng đồng tình báo Mỹ, vốn đã có nhiều bất đồng với Tổng thống Trump kể từ khi ông lên nhậm chức đến nay.
Những gương mặt
Cùng tham gia với Prince xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới tình báo tư nhân có các cựu điệp viên CIA lâu năm. Người thứ nhất là Oliver North, một gương mặt kỳ cựu trong vụ bê bối Iran-Contra. North được cho là thành viên hỗ trợ, góp phần làm cho kế hoạch đến được với chính phủ Mỹ và được chấp nhận.
Erik Prince (phải) điều trần trước Quốc hội Mỹ năm 2007, và Oliver North điều trần vụ Iran-Contra trước Quốc hội Mỹ năm 1986.
Nhưng người đóng vai trò quan trọng để hình thành kế hoạch là Prince và một đồng nghiệp kỳ cựu trong CIA John Maguire, hiện đang làm việc cho công ty Amyntor Group. Maguire cũng từng tham gia bộ sậu chuyển tiếp của ông Trump.
Trong nhóm người xây dựng kế hoạch đề xuất này, Prince tham gia một cách không chính thức, đóng vai trò là người xây dựng kế hoạch chủ yếu, còn North và Maguire hỗ trợ những việc mà Prince không thể thực hiện vì lý do tế nhị. Prince có quan hệ rất gần gũi với Tổng thống Trump và bộ sậu chuyển tiếp của ông. Chị ông là bà Betsy DeVos hiện là Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, và từ mối quan hệ chính trị này Prince đã trở thành một trong những nhà tài trợ lớn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Prince nổi danh, và cũng nhiều tai tiếng, khi còn làm chủ công ty Blackwater tham gia vào các hoạt động tình báo và an ninh tư nhân hợp đồng với CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Chẳng ai lạ gì ông trong vai trò là nhà thầu tư nhân giúp một số quốc gia ở Trung Đông, Nam Mỹ, châu Á xây dựng lực lượng tình báo và đặc nhiệm quân sự, và từng có liên quan đến những bê bối về tra tấn, thủ tiêu tại các quốc gia này.
Cho đến nay, dư luận hiện vẫn chưa quên vụ việc về một cuộc họp bí mật ở đảo quốc Seychelles nhằm thiết lập một kênh giao tiếp “cửa sau” giữa bộ sậu của ông Trump với Moscow. Ngày 30.11.2017, Prince đã phải điều trần kín trước Ủy ban Tình báo Hạ viện về chuyến đi của ông đến đảo quốc Seychelles hồi tháng 1.2017 để gặp Hoàng thái tử Abu Dhabi Mohammad bin Zayed và Kirill Dmitriev, chủ nhiệm Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).
Tại cuộc gặp đó, Prince tự giới thiệu mình là đặc phái viên không chính thức của ông Trump (khi đó chưa nhậm chức). Tại cuộc điều trần, Prince đã thừa nhận trước Ủy ban Tình báo về cuộc gặp này, trái ngược với những phát biểu trước đây của ông rằng “không nhớ rõ đã từng gặp người Nga này”.
Prince và Maguire có quan hệ nghề nghiệp và từng làm việc cùng nhau trong thời gian dài. Sau khi rút khỏi công ty Blackwater, Prince tham gia hùn vốn vào công ty dịch vụ an ninh và vận tải có tên gọi là Frontier Services Group (FSG) đặt trụ sở tại Hồng Công, trong đó có một phần vốn của chính phủ Trung Quốc. Chính tại công ty này, Maguire đã từng có một thời gian làm việc cho Prince.
Maguire có hơn 20 năm làm việc cùng Prince trong CIA, với vai trò sĩ quan vũ trang, từng tham gia nhiều chiến dịch ở Trung Á, trong đó có vụ Iran-Contra, đặc biệt là nhiều kinh nghiệm tại Trung Đông, với việc tham gia lập kế hoạch xâm lược Iraq năm 2003.
Tư nhân hóa tình báo
Tháng 9.2017, Maguire và Prince đã tiếp xúc với một quan chức cao cấp của CIA tại một nhà hàng ở bang Virginia để bàn bạc về việc tư nhân hóa cuộc chiến tại Afghanistan. Đồng thời, Prince và Maguire tiến hành việc huy động nguồn tài trợ cho kế hoạch Afghanistan này. Prince bảo một nhà quyên góp tài chính hàng đầu rằng Maguire đang tham gia kế hoạch Afghanistan của ông ta, vốn là phần đầu trong một chương trình nhiều giai đoạn nhằm tư nhân hóa ngành tình báo, an ninh.
John Maguire.
Prince không bao giờ trực tiếp đề nghị quyên góp tài chính. Chính Maguire đã đứng ra vận động quyên góp tài chính từ các cá nhân để làm “vốn bắc cầu” cho các hoạt động của công ty Amyntor trước khi CIA chấp thuận đề xuất và hợp đồng được ký kết.
Bắt đầu từ mùa xuân cho đến mùa hè năm nay, Maguire và một nhóm đại diện của công ty Amyntor đã bắt đầu yêu cầu các nhà tài trợ của ông Trump hỗ trợ các hoạt động tình báo của mình ở Afghanistan.
Đây được xem là một dự án sơ khởi, nếu thành công sẽ tạo bước phát triển cho cả chương trình tư nhân hóa tình báo. Họ yêu cầu một số nhà vận động quyên góp giới thiệu họ với những công ty, nhà tài trợ giàu có để tiến hành ký kết các hợp đồng tình báo kinh tế. Maguire giải thích với các nhà tài trợ rằng một phần lợi nhuận từ các hợp đồng tình báo kinh tế này sẽ được dùng tài trợ cho các hoạt động thu thập tình báo ở nước ngoài.
Để tạo niềm tin ban đầu với các nhà tài trợ, công ty Amyntor tổ chức đưa họ đến một khách sạn do ông Trump làm chủ ở Washington, nơi tổ chức một hội nghị quyên góp tài chính. Maguire và người của mình tự giới thiệu là đại diện cho Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn một âm mưu của thành phần “nhà nước bí mật” muốn hạ bệ Tổng thống trong vòng một năm. Maguire khoe đã gửi báo cáo tình báo cho Giám đốc CIA Pompeo.
Đối trọng
Nhận định của giới chuyên môn cho rằng đề xuất xây dựng mạng lưới tình báo tư nhân được Prince và Maguire đưa ra xuất phát từ những lý do khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu: xây dựng một guồng máy tình báo để giúp Tổng thống Trump giữ vững nghị trình chính trị trong nhiệm kỳ đầu, chống lại các thế lực đối nghịch với Tổng thống Trump trong bộ máy chính trị, tình báo Mỹ hiện nay.
Để giúp Tổng thống Trump đạt được các mục tiêu chính trị của mình, tình báo đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhưng trong tình thế hiện nay, đa phần cộng đồng tình báo Mỹ đang nổi dậy, chủ trương chống lại Tổng thống Trump, cho nên người đứng đầu cơ quan tình báo tin cậy nhất của Tổng thống Mỹ - Giám đốc CIA Mike Pompeo – nhận thấy thật khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Một cựu quan chức CIA cho báo chí biết, thực tế ông Pompeo không thể đặt niềm tin vào bộ máy hành chính của CIA, vì thế ông cần một guồng máy tình báo riêng đáng tin cậy để giúp ông hoàn thành nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo hàng ngày cho Tổng thống. Cho nên, Pompeo ủng hộ kế hoạch và đang vận động Nhà Trắng để kế hoạch được chấp thuận và hợp đồng được ký kết.
Từ lâu, Prince, Maguire và North đã có chung nỗi bực mình về việc chính phủ Mỹ đã không bắt 2 nghi phạm khủng bố cộm cán từ thập niên 80 thế kỷ XX. Mùa hè 2016, Maguire đã từng thảo luận với các quan chức Nhà Trắng về việc bắt giữ và vận chuyển 2 nghi phạm này sau khi biết được cả hai đang có mặt ở Trung Đông. Mặc dù không được sự đồng ý của chính phủ Mỹ, các cộng sự của Maguire vẫn xây dựng kế hoạch “bắt nóng” hai nghi phạm vào đầu năm nay. Vì lo ngại FBI sẽ không hành động, Maguire đã đưa ra đề nghị với các quan chức Nhà Trắng, trong đó nêu rõ: “Chúng tôi sẽ bắt những gã này và mang chúng về Mỹ. Vậy chúng tôi sẽ giao chúng cho ai đây?”.
Kế hoạch bắt và vận chuyển người của Maguire chứng tỏ ông ta và bộ sậu của mình có một mạng lưới tình báo đang hoạt động và có khả năng bắt giữ các nghi can trên phạm vi toàn thế giới. Prince cho rằng mình không liên quan đến kế hoạch bắt người của Maguire, nhưng những người trong mạng lưới cho rằng ông ta điều hành một đội quân song song với Maguire và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Những người từng làm việc với Prince thời gian gần đây cho biết, ông ta đã liên hệ những người từng làm việc với ông ta ở công ty Blackwater trong chương trình ám sát các mục tiêu Al-Qaeda của CIA. Chương trình đó từng bị ém nhẹm trong thời gian dài cho đến năm 2009 mới được Giám đốc CIA Leon Panetta phanh phui ở Quốc hội.
Núp bóng
Theo kế hoạch của Prince, mạng lưới tình báo tư nhân bao gồm các “tài sản” ngoài sổ sách, có thể “thanh lý” bất cứ lúc nào như điệp viên, những chuyên gia xử lý sự cố, các điệp viên hai mang của nước ngoài,… ở khắp nơi trên thế giới, chịu sự điều hành của Nhà Trắng.
Lính đánh thuê Blackwater thời Prince còn làm ông chủ công ty này.
Một cựu nhân viên làm việc cho Prince cho biết những tài sản đó có ở bất cứ nơi nào Prince từng đặt chân đến, tại những quốc gia như Saudi Arabia, Israel, UAE, Ai Cập. Họ là một mạng lưới những người trong bóng tối. Từng một thời làm mưa làm gió, gây tai tiếng và bị lên án trong giai đoạn hưng thịnh của Blackwater. Giờ đây, Prince muốn giảm thiểu điều tiếng, tránh gây dư luận chú ý bằng các hoạt động trong bóng tối, che giấu sự liên quan của mình trong các hoạt động nhạy cảm.
Bởi thế, khi báo chí đặt vấn đề về vai trò của ông ta trong đề xuất mạng lưới tình báo tư nhân của Nhà Trắng, Prince vội gạt phăng: “Tôi không có liên quan gì với một kế hoạch như thế, và nếu nói rằng tôi có liên quan là hoàn toàn sai”.
Tuy nhiên, Prince thừa nhận mình có tham gia trong việc yêu cầu tư nhân hóa hoạt động tình báo ở Afghanistan. Mùa hè 2016, khi đề xuất tư nhân hóa cuộc chiến tại Afghanistan, Prince và Maguire đã nuôi tham vọng lớn hơn, đó là dần dần đạt đến mục tiêu mở rộng việc tư nhân hóa tình báo để thâu tóm toàn bộ mạng lưới các điệp viên với vỏ bọc không chính thức (NOC) trên toàn thế giới. Hai địa bàn Afghanistan và Pakistan chính là bước đệm đầu tiên cho kế hoạch tham vọng này.
Kế hoạch Afghanistan của Prince từng nhận được sự quan tâm chú ý của truyền thông và từng được trình bày trước chính phủ Mỹ. Kế hoạch này được đánh giá là thông minh bởi vì nó làm thay đổi phương thức tiến hành hoạt động tình báo trên thực địa và giúp Prince khôi phục lại giá trị trong ngành tình báo.
Theo một cựu nhân viên tình báo CIA, việc công khai trên truyền thông về kế hoạch Afghanistan đã tạo nên một làn sóng dư luận báo chí, từ đó tạo nên một cơ sở pháp lý chính đáng để Prince “đường đường chính chính” đến gặp gỡ, tiếp xúc với bất cứ ai ở Nhà Trắng, CIA hay cơ quan nào khác của chính phủ Mỹ mà không lo bị dư luận gièm pha.
Những kế hoạch này phản ánh các hoạt động do Prince điều hành thời chính quyền Bush-Cheney. Khi Prince còn điều hành công ty Blackwater, ông ta và Enrique Prado, một cựu sĩ quan quân sự của CIA, đã thiết lập nên một mạng lưới điệp viên toàn cầu, trao cho họ quyền chối bỏ trách nhiệm nếu nhiệm vụ bị bại lộ.
Trong một email năm 2007, Prado đã “chào hàng” mạng lưới tình báo tư nhân nước ngoài với Cơ quan quản lý thực - dược phẩm Mỹ (DEA), trong đó Prado khoe rằng Blackwater đã phát triển một mạng lưới toàn cầu gồm những con người có khả năng làm mọi thứ, từ do thám cho đến điều tra, khám phá bí mật.
Cũng từ năm 2007, Prince đã xây dựng được các mối quan hệ thân thiết trong Quốc hội. Chẳng hạn, trong một vụ bắn nhầm dân thường ở Quảng trường Nisour, Baghdad, do các tay súng hợp đồng của Blackwater gây ra, Prince đã phải điều trần trước Quốc hội, nhưng nhờ các mối quan hệ thân quen mà ông ta đã dễ dàng vượt qua vụ này mà không bị bất cứ chế tài nào.
Trump: Tại sao \'cô Hàn Quốc xinh đẹp\' không đàm phán với Triều Tiên Tổng thống Donald Trump hỏi một chuyên gia tình báo rằng “quê cô” ở đâu và đề nghị “cô Hàn Quốc xinh đẹp này” tham ... |
Chiến dịch tình báo Mỹ đánh cắp trực thăng vũ trang Liên Xô năm 1988 Tình báo Mỹ tiến hành chiến dịch tuyệt mật để đánh cắp một trực thăng Mi-25 do quân đội Libya bỏ lại trên lãnh thổ ... |
Ngày đăng: 21:18 | 15/01/2018
/ Dân Việt