Các quan chức chính quyền Biden chia rẽ sau các cuộc tranh luận gay gắt về quyết định chia sẻ kho vaccine Covid-19 dư thừa cho nước khác.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 26/4 cho biết Mỹ sẽ chuyển 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước khác. 10 triệu liều sẽ được chuyển đi trong vài tuần tới, trong khi khoảng 50 triệu liều đang được sản xuất và có thể xuất xưởng vào tháng 5 và tháng 6.
Thông báo được đưa ra ngay sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang bị nhấn chìm trong làn sóng Covid-19 thứ hai. Mỹ cũng đang vấp nhiều chỉ trích vì dư thừa vaccine giữa lúc nhiều quốc gia khác không thể triển khai chương trình tiêm chủng.
Tuy nhiên, quyết định đã lập tức làm dấy lên tranh luận và chia rẽ trong nội bộ Nhà Trắng. Nhóm quan chức ủng hộ xuất khẩu vaccine trích dẫn các dự báo nội bộ hàng tuần cho thấy Mỹ sẽ có hàng chục triều liều dự phòng. Trong khi đó, nhóm phản đối kêu gọi Biden đợi đến khi Mỹ cấp phép cho nhiều nhà sản xuất vaccine hơn và chiến dịch tiêm chủng của nước này được mở rộng hơn.
Các hộp vaccine AstraZeneca được bảo quản tại Benghazi, Libya hôm 20/4. Ảnh: Reuters. |
Sự chia rẽ đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về niềm tin của chính quyền đối với nguồn cung vaccine của quốc gia, hiện tại phụ thuộc phần lớn vào Pfizer và Moderna. Nó cũng nhấn mạnh mức độ bất bình trong nhóm ứng phó Covid-19 của chính quyền về cách bảo vệ người Mỹ trước các biến chủng có khả năng lây nhiễm cao.
"Câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có vấn đề về sản xuất hoặc rào cản nào đó khiến chúng tôi đột nhiên không có đủ vaccine hay không", một quan chức cấp cao của chính quyền nói.
Nhiều quan chức liên bang hàng đầu đảm trách ứng phó với Covid-19 cũng đang cố gắng xem xét liệu Nhà Trắng, gồm cả Tổng thống Biden, có hỗ trợ để khởi động nỗ lực bền vững trong năm nay nhằm xuất khẩu vaccine ra nước ngoài hay không, theo hai nguồn tin thân cận. Họ tin rằng việc chia sẻ vaccine có thể giúp đại dịch kết thúc nhanh hơn và giảm nguy cơ biến chủng mới xuất hiện.
Một phát ngôn viên Nhà Trắng đã trả lời hàng loạt câu hỏi về vấn đề này bằng cách dẫn tuyên bố của điều phối viên Covid-19 Jeff Zients rằng Mỹ hiện có nguồn vaccine dồi dào, cho phép chính quyền chia sẻ vaccine AstraZeneca với các nước khác.
Chính quyền Biden đang nhận được các lô vaccine lớn đều đặn từ Moderna và Pfizer, với thỏa thuận có thể cung cấp đủ vaccine cho khoảng 300 triệu người. Nhà sản xuất vaccine thứ ba mà Mỹ cấp phép Johnson & Johnson (J&J) ban đầu cam kết sản xuất 100 triệu liều cho tới tháng 6, giúp củng cố nguồn cung của Mỹ. Vào đầu tháng 3, Biden đã thông báo kế hoạch mua thêm 100 triệu liều vaccine J&J, với lý do họ cần phải dự phòng và đề xuất có thể chuyển một phần cho các nước khác.
Nhưng sự cố tại nhà máy của Emergent BioSolutions, nơi đăng ký sản xuất vaccine J&J và AstraZeneca, đã ảnh hưởng tới kế hoạch trên. Nhà máy đã làm hỏng 15 triệu liều vaccine J&J hồi tháng 3 do vô tình pha trộn nhầm thành phần với vaccine AstraZeneca. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu Emergent dừng hoạt động và kiểm tra lại toàn bộ lượng vaccine mà công ty này sản xuất. FDA cũng yêu cầu AstraZeneca tìm nhà sản xuất mới.
Cuộc thanh tra của FDA đầu tháng này chỉ ra Emergent không giải quyết đầy đủ các vấn đề dẫn tới sự cố ở nhà máy Baltimore. AstraZeneca hiện chưa công bố đối tác sản xuất khác, dù hai nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết công ty đã để mắt tới một nhà thầu mới nổi tiếng ở Mỹ.
Khi Emergent chưa thể nối lại sản xuất và FDA đang đánh giá số lượng vaccine mà công ty này sản xuất, một số quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói họ không chắc chắn về dự tính nguồn cung vaccine của Mỹ cho cuối mùa hè và đầu mùa thu.
Những người khác trong chính quyền phản bác rằng có rất ít lý do để lo ngại. Một nguồn tin thân cận cho hay từ nhiều tuần trước, Mỹ đã biết họ sẽ có đủ vaccine cho tất cả người trưởng thành vào cuối tháng 5, ngay cả khi không có vaccine J&J. Mỹ sẽ nhận được 450 triệu liều cho tới cuối tháng 5 và sẽ có thêm 100 triệu liều bổ sung đã được sản xuất nhưng đang chờ thử nghiệm.
Trong khi nhu cầu tiêm chủng ở Mỹ đang giảm, nhu cầu vaccine của một số nước khác không ngừng tăng.
"Không có lý do gì để Mỹ giữ hàng trăm triệu liều vaccine không dùng tới trong mùa hè này", Krishna Udayakumar, giám đốc Trung tâm Sáng kiến Y tế Toàn cầu của Đại học Duke. "Nếu cần nhiều liều hơn vào mùa thu và mùa đông, năng lực sản xuất sẽ tăng lên đáng kể".
Một điểm tiêm chủng vaccine ở Rockaway, bang New Jersey hồi tháng 1. Ảnh: NYTimes. |
Các quan chức Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và cơ quan y tế Mỹ nhiều tuần qua đã tranh luận về việc gửi vaccine của J&J, AstraZeneca và công ty thứ ba Novavax, dự kiến được Mỹ cấp phép vào mùa hè này, thông qua chương trình Covax hoặc viện trợ trực tiếp cho một số quốc gia. Nhưng các trợ lý hàng đầu Nhà Trắng nhiều lần bác bỏ đề xuất vì lo ngại các vấn đề về sản xuất trong tương lai và cần phải đáp ứng nhu cầu trong nước trước.
Cuộc tranh luận lên tới đỉnh điểm vào đầu tháng 3, khi một tổ chức liên ngành về ứng phó Covid-19, trong đó có quan chức hàng đầu tại Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS), đã thúc đẩy chính quyền viện trợ hàng trăm triệu liều vaccine trong 5 tháng tới. Họ cho rằng Mỹ hiện đã đảm bảo nguồn cung vaccine để chuyển cho các nước có nhu cầu.
Tuy nhiên, một số cố vấn Nhà Trắng phản đối vì cho rằng kho dự trữ vaccine trong nước chưa đủ lớn và tác động của kế hoạch đó với nỗ lực thúc đẩy cung cấp vaccine tại Mỹ. Trong nhiều tuần sau đó, họ vẫn tiếp tục phản đối ý kiến của các chuyên gia y tế, những người cảm thấy Mỹ đang phạm sai lầm khi giữ hàng triệu liều vaccine trong kho giữa lúc đại dịch diễn biến nghiêm trọng trên toàn cầu.
"Rõ ràng chúng ta cần chăm sóc cho người dân của mình trước. Đừng lo cho người ngoài, khi đất nước chúng ta vẫn đối mặt khó khăn. Những người thuộc lĩnh vực y tế cộng đồng đã không nhìn nhận thấu đáo vấn đề theo cách này", một quan chức chính quyền nói.
Mỹ hiện nhận được đề nghị hỗ trợ Covid-19 từ nhiều quốc gia và một số nước thậm chí đưa ra yêu cầu cụ thể về số lượng vaccine mong muốn, theo một quan chức cấp cao. Một nhóm được dẫn dắt bởi Gayle Smith, điều phối viên Covid-19 toàn cầu của Bộ Ngoại giao, vẫn đang tranh luận về cách xác định quốc gia nào cần vaccine nhất. Họ vẫn chưa xác định được Mỹ có thể thừa bao nhiêu liều và có thể dư thừa trong bao lâu.
Chính quyền Biden cũng đang xem xét cách khác để xuất khẩu vật tư y tế quan trọng như máy thở và thiết bị bảo hộ cá nhân. Washington ngày 26/4 tuyên bố sẽ gửi nguyên liệu thô cho Ấn Độ để giúp nước này sản xuất vaccine.
"Mỹ sẽ có rất nhiều vaccine trong một thời gian dài. Và điều tối thiểu chúng tôi nên làm là giúp những nơi như Ấn Độ sản xuất được nhiều hơn", Ashish Jha, hiệu trưởng trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Brown, nói.
Thanh Tâm (Theo Politico)
EU siết xuất khẩu vaccine Covid-19 |
Nga sẽ xuất khẩu vaccine COVID-19 vào mùa xuân năm 2021 |
Ngày đăng: 20:43 | 28/04/2021
/ vnexpress.net