Đa phần người hâm mộ không biết Wanda kinh doanh những gì, và cũng chẳng mấy quan tâm đến điện thoại Vivo hay ấn tượng với kem của Mengniu.
Nếu World Cup được coi là cơ hội để Nga mở cửa với cộng đồng quốc tế, các công ty Trung Quốc cũng rất nhanh chân chiếm sân khấu này để bán hàng ra toàn cầu. Chưa kỳ World Cup nào Trung Quốc lại có sự hiện diện lớn như lần này, với nhiều thương hiệu tham gia tài trợ cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Các biển quảng cáo ở sân vận động, màn hình, gian hàng trước các điểm thi đấu, TV và khắp nơi ở thủ đô Moskva đều tràn ngập chữ và tiếng Trung Quốc.
Dù vậy, chẳng mấy người biết thông tin cơ bản về các doanh nghiệp này. “Wanda là gì? Họ làm cái gì thế?”, Jim - một khách du lịch người Ireland cho biết bên ngoài sân vận động Luzhniki, “Chúng tôi thấy họ ở khắp nơi, nhưng chẳng biết họ là ai”.
Gian hàng của Wanda trước một sân vận động. Ảnh: SCMP |
Người ta cũng khó tìm thấy câu trả lời tại các gian hàng của Wanda, dù hàng nghìn người hâm mộ phải đi qua nó để xem trận Mexico - Đức cách đây vài ngày. Vài người dừng lại chỉ để giải trí, hoặc nghỉ ngơi tránh thời tiết nóng nực. Tuy nhiên, những gì bày biện ở đây chẳng thể khiến họ nghĩ rằng Wanda là một trong những công ty đa ngành lớn nhất Trung Quốc.
Wanda kinh doanh cả bất động sản và rạp chiếu phim. Điều này có nghĩa họ rất nhiều cách để tăng hiện diện cả trong lẫn ngoài sân bóng. Tuy nhiên, công ty này chưa nỗ lực đủ để mọi người biết họ kinh doanh gì. Tất cả những việc họ làm là giúp công ty được biết đến với vai trò sở hữu Infront - phụ trách bán bản quyền phát sóng của FIFA trên toàn cầu. Tuy nhiên, động thái này liên quan đến lý do chính trị hơn là thương mại.
Hisense và Vivo thì không có các vấn đề như vậy. Họ bày ra các sản phẩm của mình ra, như TV hay điện thoại di động, để khách hàng trải nghiệm. Dù vậy, cũng chẳng mấy người đi qua bận tâm. Một game bóng đá tương tác tại quầy của Vivo bị bỏ không. Các mẫu điện thoại dường như cũng không thu hút nhiều sự chú ý.
Giới quan sát cho rằng người hâm mộ tới World Cup để xem bóng đá, chứ không phải tìm mua thiết bị điện tử mới. Vì vậy, các công ty này có lẽ đã không chuẩn bị đúng chiến lược để tận dụng cơ hội xuất hiện tại World Cup.
Gian hàng của hãng sữa Mengniu. Ảnh: SCMP |
Hãng sữa lớn nhì Trung Quốc - Mengniu thì lại gặp vấn đề khác. Họ bày sản phẩm dày đặc gian hàng, xung quanh là lâu đài nhựa được sơn màu sặc sỡ, các game tương tác và poster Lionel Messi để chụp ảnh.
Tuy nhiên, những người ghé qua lại chẳng có mấy cơ hội dùng thử sản phẩm của công ty. “Không không, cái đó chúng tôi không bán đâu”, Alexandra xua xua tay khi đứng trông gian hàng. Đằng sau cô là một chiếc tủ lạnh xếp đầy chai và hộp.
“Chỉ có cái này là bán thôi”, cô nói, chỉ vào một tủ lạnh chỉ cao ngang người, bên trong đặt các loại kem phủ chocolate. “Ăn cũng không tệ”, John (Connecticut, Mỹ) cho biết, “Nhưng không ngon như Magnum hay Haagen-Dasz”.
Dù người hâm mộ quốc tế không mấy quan tâm, lượng khách Trung Quốc khổng lồ tại sân vận động Luzhniki lại rất hào hứng với sự hiện diện của các công ty nước mình. “Tôi rất tự hào vì họ có mặt ở đây”, Zheng Yi (Thượng Hải, Trung Quốc) cho biết, “Nhưng tôi ước đội tuyển của chúng tôi cũng tham gia nữa”.
Khi được hỏi liệu có đánh đổi sự hiện diện của các công ty để đội tuyển Trung Quốc góp mặt tại World Cup hay không, Zheng Yi trả lời: “Không. Tôi muốn cả hai”.
Hà Thu (theo SCMP)
World Cup không còn là mỏ vàng với các nhà tài trợ
Scandal tham nhũng của FIFA và các rắc rối liên quan đến Nga khiến nhiều công ty hàng đầu thế giới không muốn tài trợ ... |
Ngày đăng: 16:41 | 20/06/2018
/ VnExpress