Dự báo sai nhu cầu và không nắm bắt nguyện vọng của người dân dẫn đến hàng loạt khu tái định cư ở TP HCM rơi vào cảnh hoang phế

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố "Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư (TĐC) và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất TĐC giai đoạn 2016-2020 của TP HCM". Báo cáo kiểm toán dẫn số liệu của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy tổng số quỹ nhà, đất đã hoàn thành phục vụ cho công tác TĐC, tính đến ngày 31-3-2017 là 39.991 căn nhà, nền đất (25.506 căn nhà và 14.485 nền đất). Các quận - huyện đã bố trí TĐC được 26.625 căn nhà, nền đất; chưa bố trí được 14.366 căn nhà, nền đất. Như vậy, số lượng quỹ nhà, đất còn tồn đọng tương đương 56,06% số lượng đã bố trí TĐC từ năm 2004 đến nay.

Lãng phí ngân sách

Báo cáo chỉ rõ tại khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm đã đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ TĐC chưa phù hợp nhu cầu thực tế. Đến cuối năm 2016, TP HCM mới chỉ mua lại 6.714 căn hộ đã hoàn thành đưa vào bố trí TĐC trên tổng số 12.500 căn hộ. Tính đến cuối tháng 8-2017, chỉ mới bố trí TĐC được 1.759 căn hộ. Cụ thể, đối với 3 dự án xây dựng chung cư thuộc khu TĐC 38,4 ha (phường Bình Khánh, quận 2), đến thời điểm kiểm toán, chỉ có dự án 1.080 căn được bàn giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 để đưa vào sử dụng; 2 dự án còn tồn đọng hơn 3.700 căn hộ.

nha tai dinh cu con so giat minh

3.790 căn hộ tái định cư hoàn thành nhưng không còn nhu cầu sử dụng ở phường Bình Khánh, quận 2, TP HCM sẽ được chuyển sang nhà ở thương mại Ảnh: TẤN THẠNH

Dự án chung cư 3A (phường Hiệp Phú) được UBND quận 9 ký hợp đồng mua 60 căn hộ hoàn chỉnh từ năm 2005 với tổng giá trị 66,8 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ mới bố trí được 10 căn. Tương tự, ở khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đến cuối tháng 11-2017, dự án mới chỉ bố trí được 479/1.939 căn hộ. Ở khu TĐC này, do quá ít người vào ở nên nhiều căn hộ tại đây đã xuống cấp, đường nội bộ hư hỏng, gây phát sinh chi phí sửa chữa, bảo trì. Việc tồn đọng nhiều căn hộ cũng khiến các hạng mục siêu thị, bệnh viện, trường học (dù đã hoàn thành) không hoạt động được, gây lãng phí ngân sách; các công trình xuống cấp nhanh trong khi ngân sách vẫn phải chi cho việc quản lý, vận hành.

Ở 3 dự án trên, cơ quan kiểm toán cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý. Cụ thể, công tác quản lý, điều hành chưa phát hiện hết các sai sót về khối lượng, đơn giá trong hồ sơ thanh quyết toán; việc nghiệm thu, bàn giao, thanh lý hợp đồng thẩm định giá không bảo đảm quy định…

"Họ đâu tính tới nguyện vọng của tôi"

Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Hiền; 58 tuổi; trước kia có một căn nhà ở gần khu vực chợ Nancy, quận 1. Từ trước đến giờ, bà Hiền chuyên nghề bán rau, còn chồng làm bảo vệ cho đơn vị nhà nước ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. "Hai vợ chồng tôi "bám" vào quận 1 sống đã đành, đằng này 2 đứa con cũng đang làm ở quận Bình Thạnh thì sao chúng tôi có thể "chạy" về khu TĐC Vĩnh Lộc B được" - bà Hiền bức xúc.

Vậy sao khi nhà nước tiến hành giải tỏa và tổ chức TĐC, bà không phản ứng hay trình bày nguyện vọng? "Thời đó, chúng tôi góp ý và đề đạt nguyện vọng nhiều lắm nhưng đâu có ăn thua gì" - bà Hiền nói.

nha tai dinh cu con so giat minh

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM Ảnh: SỸ ĐÔNG

Ngoài chuyện "ngược đường" mưu sinh, theo bà Hiền, thêm một lý do nữa khiến bà quyết không nhận căn hộ TĐC ở Vĩnh Lộc B là do nó chỉ rộng 40 m2, trong khi gia đình bà có tổng cộng 7 nhân khẩu. "Tôi quyết không nhận và khiếu nại tới cùng vì họ không hề quan tâm đến nguyện vọng cũng như nhu cầu thực tế của những gia đình bị giải tỏa, di dời" - bà Hiền khẳng định.

Vì "chống đối" mà hiện gia đình bà Hiền phải thuê nhà ở. Tuy nhiên, bà Hiền cho hay chẳng thà thuê nhà còn hơn là chui vào căn hộ vừa xa vừa chật và quan trọng là không thể tìm được kế sinh nhai ở khu vực gần khu TĐC.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có đến hàng chục trường hợp tương tự bà Hiền đang "đọ sức" khi bị đưa về khu TĐC Vĩnh Lộc B.

Lãnh đạo Sở Xây dựng nói gì?

Ngày 12-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về thực trạng nhà TĐC, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM nhìn nhận TP đã dự báo sai nhu cầu, không nắm bắt được nguyện vọng của người TĐC dẫn đến việc lãng phí hàng ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, vị này lại lập luận rằng giai đoạn 2004, TP HCM chủ trương cho xây dựng 30.000 căn nhà TĐC, trong đó quy định là nhà TĐC giá thấp, số tiền bồi thường cũng khá thấp. "Người bị ảnh hưởng phải chọn 1 trong 2. Nếu nhận nhà thì có chỗ ở ngay, còn cầm vài trăm triệu đồng không thể mua được lô đất nào hết. Vì vậy, hàng loạt người đồng ý nhận nhà" - vị lãnh đạo Sở Xây dựng phân tích và cho rằng chủ trương của UBND TP HCM lúc đó là muốn đưa hết những người bị ảnh hưởng bởi các công trình giải tỏa về lại một khu đô thị mới nằm ở Vĩnh Lộc B. Tuy nhiên, đâu ai ngờ người dân đồng ý rồi không chịu đến ở (!?).

Còn đối với khu TĐC Bình Khánh (quận 2), vị lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng lỗi ở việc nhiều sở, ngành và quận chưa nắm bắt được nhu cầu thực sự của người dân, từ đó đầu tư lãng phí. "Khi giải tỏa ở khu vực Thủ Thiêm để làm dự án, có hộ muốn lấy tiền, có hộ muốn đi nơi khác làm ăn chứ không phải 100% muốn về khu TĐC. Do không hiểu được quyền và nhu cầu của người dân mà chúng ta đã làm ồ ạt, theo số lượng ấn định sẵn" - vị này nói.

Cũng theo vị lãnh đạo trên, hiện UBND TP HCM đã giao các quận - huyện thực hiện TĐC phải khảo sát trước, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân một cách thấu đáo. Trong đó, yêu cầu hàng đầu là phải TĐC tại chỗ hoặc gần chỗ bị giải tỏa nhất. "Chẳng thế mà trong kế hoạch di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch được UBND TP nhấn mạnh yếu tố TĐC phù hợp thực tiễn người dân" - vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP nêu.

Trả lời câu hỏi giải pháp làm sao để khắc phục tình trạng lãng phí vừa bị kiểm toán chỉ rõ? Vị lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết đối với 3.790 căn hộ hoàn thành nhưng không còn nhu cầu sử dụng ở phường Bình Khánh, quận 2, TP đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chuyển từ phục vụ TĐC sang nhà ở thương mại và được chấp thuận. Đối với dự án khu TĐC Vĩnh Lộc B, TP HCM đang chủ trương cho bán đấu giá 1.000 căn hộ thừa, số còn lại sẽ dùng dự phòng cho trường hợp thiên tai.

"Việc nhiều người nói hoán đổi nhà TĐC thành nhà ở thương mại nhằm mục đích trục lợi là ý kiến cá nhân, không có cơ sở. Mục đích ở đây là để tạo lại nguồn thu giá trị cao cho TP mà thôi" - vị lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.

Kiến nghị xử lý 238 tỉ đồng

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm yêu cầu các chủ đầu tư điều chỉnh báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo kết luận này. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính với tổng số tiền hơn 238 tỉ đồng.

Ngoài ra, yêu cầu Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm và các sở, ngành liên quan chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về các tồn tại, sai sót.

Nên làm nhà ở xã hội

Theo kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam, chuyên gia quy hoạch, khu TĐC mới Thủ Thiêm được cho là đất vàng. Việc áp dụng chuyển đổi thành nhà ở thương mại nhằm tăng thêm giá trị tiền để bù vào khoản lãng phí là hợp lý.

Tuy nhiên, đối với khu TĐC Vĩnh Lộc B, cách hay nhất là nên chuyển thành nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, người trẻ về đây sinh sống. Qua đó, tạo ra khu đô thị vùng ven sinh động hơn. "Hơn nữa, đất ở Vĩnh Lộc còn trống nên chúng ta hoàn toàn có thể cho chủ đầu tư nâng cấp quy mô theo quy định dự án nhà ở xã hội" - ông Nam kiến nghị.

nha tai dinh cu con so giat minh TP HCM thừa hơn 14.000 nhà tái định cư

Báo cáo kiểm toán vừa công bố nêu rõ 14.366 căn hộ, nền đất tại TP HCM đã được hoàn thành để phục vụ tái ...

nha tai dinh cu con so giat minh TP.HCM lãng phí hàng nghìn tỷ đồng vì xây thừa nhà tái định cư

Việc xác định nhu cầu quỹ nhà tái định cư cao hơn thực tế dẫn đến tồn đọng khoảng 56,06% số lượng đã bố trí ...

Ngày đăng: 09:04 | 13/03/2018

/ https://nld.com.vn