Chỉ học hết lớp 8 nhưng "kỹ sư" chân đất Nguyễn Hồng Chương (43 tuổi; ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã làm chuyến xuất ngoại ký kết bán các máy nông nghiệp do anh chế tạo với những đối tác ở Đông Nam Á

Xuất thân từ thuần nông, quê gốc ở tỉnh Hải Dương, anh Nguyễn Hồng Chương theo gia đình vào thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương - vựa rau lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng - lập nghiệp từ những năm 1980.

Tiêu thụ cả nước

Do cuộc sống khó khăn, hằng ngày phải theo bố mẹ ra đồng canh tác nông nghiệp, anh đã trăn trở rất nhiều về việc làm sao giải phóng được sức lao động khi nông dân chỉ biết làm thủ công, năng suất không cao.

"Thấy người nông dân hằng ngày một nắng hai sương trên đồng ruộng mà giá trị kinh tế mang lại trên một đơn vị diện tích canh tác không cao, trong khi việc ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc vào sản xuất còn hạn chế, sức lao động của người nông dân chưa được giải phóng... đã thôi thúc tôi mày mò chế tạo để phục vụ cho nhu cầu ấy" - "kỹ sư" Nguyễn Hồng Chương chia sẻ.

Từ những trăn trở đó, năm 2007, anh Nguyễn Hồng Chương tích lũy hơn 7 triệu đồng rồi dùng số tiền đó mua sắt, thép về nhà nghiên cứu và chế tạo thành công máy gieo hạt chân không. Đây là sản phẩm đầu tay rất hữu ích cho nhà nông khi làm vườn ươm công nghệ cao. Máy hoạt động 8 giờ/ngày, đạt năng suất 20 tấn, bằng khoảng 20 người làm, nâng năng suất lao động lên gấp hàng chục lần với phương thức thủ công.

nha nong lop 8 che tao may moc

Nguyễn Hồng Chương bên sản phẩm công nghệ nông nghiệp do anh sáng chế

Từ niềm đam mê và thành công bước đầu, anh tiếp tục sáng chế máy móc để áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Một năm sau đó, anh Chương vay mượn bạn bè và được sự hỗ trợ của hội nông dân địa phương đã mạnh dạn mở cơ sở nghiên cứu ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương do anh làm chủ.

Đáng chú ý, trong các máy móc mà anh Chương chế tạo có máy gieo hạt chân không 6 trong 1 tự động. Máy hoạt động mỗi giờ đạt năng suất từ 330-350 khay (bằng khoảng 16 lao động dùng phương pháp thủ công).

Anh từng làm máy nông nghiệp ứng dụng các công việc này nhưng những máy trước kia đều là riêng lẻ cho từng công việc nên rất cồng kềnh và tốn tiền. Làm sao để nông dân có chiếc máy gọn nhẹ lại nhiều công năng? Chiếc máy này ra đời đã trả lời cho câu hỏi đó. Với chiếc máy này, chỉ mất khoảng 4 tháng, người sử dụng sẽ thu hồi được vốn nếu so với việc trả thù lao cho nhân công làm thủ công. Hiện nay, trong thị trường nội địa, sản phẩm của anh đã tiêu thụ từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắk Nông, Bình Thuận, các tỉnh Đông Nam Bộ, ĐBSCL và Hà Nội.

Nghiên cứu từ những sản phẩm trước, anh tiếp tục phát triển và sáng tạo từng loại sản phẩm phù hợp với những công đoạn sản xuất của nông dân, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa trên lĩnh vực nông nghiệp. Người nông dân dần làm chủ công nghệ, canh tác khoa học, ứng dụng triệt để máy móc vào trong sản xuất.

Ông Trần Đình Vân (ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những người sử dụng máy gieo hạt của anh Nguyễn Hồng Chương. Ông cho hay sau hơn 5 năm mua và sử dụng, máy canh tác hơn 3 ha rau màu đạt hiệu quả cao, giá thành phù hợp với túi tiền, giải quyết được nhiều nhân công lao động, giảm chi phí.

Sở hữu vô số giải thưởng

Sau khi sáng chế thành công máy gieo hạt đầu tay, để thỏa mãn đam mê làm khoa học, anh Chương tiếp tục sáng chế thành công nhiều máy nông nghiệp khác. Những chiếc máy này cũng nhanh chóng được thị trường ưa chuộng.

Năm 2010, những sáng chế của anh Chương được người Malaysia quan tâm và đặt hàng. Năm 2012, nhà nông sáng chế Nguyễn Hồng Chương với trình độ văn hóa mới học hết lớp 8 đã trở thành "kỹ sư" chân đất làm chuyến xuất ngoại ký kết sản xuất máy nông nghiệp với đối tác ở các nước Đông Á.

nha nong lop 8 che tao may moc

Anh Nguyễn Hồng Chương đạt nhiều giải thưởng danh giá của nhà nước vì những nghiên cứu sáng tạo phục vụ nông nghiệp

Tiếp đó, để phục vụ tốt hơn, anh Chương khánh thành xưởng cơ khí rộng hơn một ngàn mét vuông, tọa lạc giữa cánh đồng rau thôn Lạc Thạnh với tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỉ đồng. Đây là khoản tiền sau hơn 4 năm bán hàng loạt chiếc máy tự chế ra thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, tính riêng thị trường Malaysia, anh Chương đã xuất khẩu trực tiếp 15 máy nông nghiệp tự chế gồm máy gieo hạt, máy đóng đất vô vỉ xốp, máy đóng đất vô chậu.

Từ những đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp, nhà khoa học "chân đất" Nguyễn Hồng Chương đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Năm 2017, chủ cơ sở sản xuất Nông cụ Hồng Chương này tiếp tục nhận Huân chương Lao động hạng ba đối với những thành tích xuất sắc trong ứng dụng khoa học kỹ thuật chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Mới đây, anh Chương vinh dự được xướng tên trong lễ tôn vinh 53 "Nhà khoa học của nhà nông" do Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức nhằm ghi nhận, đánh giá và biểu dương những trí thức, nhà khoa học có cống hiến xuất sắc trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững của nông dân.

Nói về những thành quả trên, anh Chương tâm sự đó là một chặng đường rất dài, đầy chông gai bởi khi sản phẩm hoàn thành là cả tâm huyết nhưng sau đó vấp phải cạnh tranh khốc liệt. Nhiều người ác miệng nói xấu, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh đã gây nhiều tai tiếng khiến anh Chương đôi lúc cũng muốn buông xuôi.

"Nhưng nghĩ lại mình làm thế không vì lợi ích riêng hay một cá nhân nào mà thay vào đó là phục vụ cả ngành nông nghiệp nên mình kiên trì. Cộng vào đó, sản phẩm của mình có chất lượng, áp dụng thực tiễn đạt hiệu quả nên người dân ủng hộ. Đó là niềm tin và động lực cho mình không ngừng phát triển hơn nữa" - anh Chương nói.

Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, nhận xét máy móc của anh Nguyễn Hồng Chương rất phù hợp với người nông dân. Tuy nhiên, với trình độ lớp 8, anh gặp khó khăn trong việc đăng ký bản quyền, bản vẽ... cho sản phẩm. Theo bà Vi, trong tương lai, anh Chương nên tham gia các lớp học để nâng cao kinh nghiệm và phát huy sự sáng tạo tốt hơn.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:

Nhân rộng phát minh sáng tạo trong nông nghiệp

Ở huyện khó khăn Đơn Dương mà một nông dân như anh Nguyễn Hồng Chương đã nỗ lực tạo ra nhiều mẫu mã mới phục vụ ngành nông nghiệp là đáng ghi nhận. Do đó, khi những sản phẩm của anh được thị trường đón nhận, việc anh nhận nhiều giải thưởng danh giá là hoàn toàn xứng đáng.

Với vai trò là lãnh đạo địa phương, tôi mong muốn nhân rộng hơn nữa những phát minh sáng tạo như anh Chương để phục vụ nông nghiệp công nghệ cao; không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn ra thị trường trong và ngoài nước.

Các máy móc đã chế tạo

Đến nay, anh Nguyễn Hồng Chương đã chế tạo các sản phẩm công nghệ phục vụ nông nghiệp như: máy gieo hạt chân không; máy đóng đất vào chậu tự động; máy vắt nước cho rau; cần phun thuốc trừ sâu hiệu suất cao; máy đóng bầu đất vào vỉ xốp; máy xay đất bùn; máy xay đất bùn kết hợp băng tải; máy đóng đất vào túi ni-lông tự động; máy sàng đất mùn; máy rửa đánh bóng và phân loại củ quả; máy rửa, đánh bóng củ quả đa năng; máy gieo hạt 6 trong 1 tự động; giải pháp trồng rau sạch công nghệ cao; bộ lấy cây từ vỉ xốp...

Trong đó, máy gieo hạt chân không 6 trong 1 tự động của anh Nguyễn Hồng Chương dài khoảng 3,5 m, nặng khoảng 180 kg, bao gồm các bộ phận cơ bản như: đóng đất vào khay sàng đất, lọc rác tạo lỗ gieo hạt, lấp hạt và xếp khay tự động.

Bài và ảnh: ĐÌNH THI

Ngày đăng: 11:32 | 16/12/2018

/ https://nld.com.vn