Các công ty đã chuyển sản xuất về Mỹ đang chịu thiệt vì thuế nhập khẩu nước này đánh lên hàng Trung Quốc. 

Kent International là một hãng sản xuất xe đạp, mở nhà máy ở Manning, Nam Carolina năm 2014 để lắp ráp xe đạp bán cho Walmart và các hãng bán lẻ khác. Họ hiện có 167 nhân viên.

Kent có kế hoạch mở rộng sản xuất năm tới, bằng việc nhập khẩu thép ống cắt sẵn từ Trung Quốc để sơn và hàn. Họ đã lên kế hoạch tuyển 30 - 40 nhân viên nữa. Nhà máy này hiện lắp ráp khoảng 300.000 trong số 3 triệu xe mỗi năm họ bán ra trên toàn cầu.

"Tuy nhiên, khi chúng tôi bắt đầu nghe tin đồn về thuế nhập khẩu và chắc chắn thép ống cắt sẵn sẽ chịu thuế, chúng tôi đã dừng lại”, Arnold Kamler - Giám đốc công ty này suốt hơn 30 năm cho biết. Ông đã tới Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) để tìm nhà cung cấp mới cho các sản phẩm Trung Quốc bị đánh thuế.

“Chúng tôi không thể mang việc làm về Mỹ với tình hình này được. Chúng tôi đang mang việc làm đến các nước khác nhau ở Đông Nam Á”, Kamler nói.

nha may my thanh nan nhan vi don thue cua ong trump
Một công nhân trong nhà máy của JL Audio. Ảnh: WSJ

Vòng thuế mới nhất của Mỹ áp lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có xe đạp và linh kiện xe đạp. Khởi điểm 10%, thuế này sẽ tăng lên 25% từ đầu năm sau. Tổng cộng, Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và nhận về đòn trả đũa lên 110 tỷ USD hàng hóa.

Các công ty đã chuyển sản xuất về Mỹ nói rằng thuế nhập khẩu khiến chi phí của họ tăng lên và sức cạnh tranh giảm xuống.

“Sản xuất ở đây khó lắm”, Manville Smith - Phó giám đốc JL Audio cho biết, “Sẽ tốt hơn nhiều nếu Chính phủ giúp đỡ chúng tôi, thay vì gây khó khăn”.

Smith và các hãng sản xuất nhỏ hơn cho biết họ gặp bất lợi với thuế nhập khẩu hiện tại. Vì một số sản phẩm hoàn thiện tại Trung Quốc sử dụng linh kiện tương đương có thể vào Mỹ mà không mất thêm thuế. Ví dụ, cùng sử dụng linh kiện Trung Quốc, loa Trung Quốc không phải nộp thuế. Loa châu Âu cũng vậy. Nhưng loa lắp ráp tại nhà máy của JL Audio ở Florida từ năm sau sẽ phải tốn thêm 25% thuế nhập khẩu linh kiện chính.

nha may my thanh nan nhan vi don thue cua ong trump
Công nhân JL Audio làm việc tại xưởng gỗ của công ty. Ảnh: WSJ

Các mặt hàng trung gian, hoặc linh kiện, vật liệu sử dụng để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh, chiếm khoảng một nửa trong 250 tỷ USD hàng Trung Quốc chịu thuế, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.

Sản phẩm hoàn chỉnh từ Trung Quốc có thể mất lợi thế so với hàng Mỹ, trong trường hợp dùng cùng linh kiện Trung Quốc, nếu Nhà Trắng hiện thực hóa lời đe dọa đánh thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Tuy vậy, động thái này vẫn đang được trì hoãn, nhằm hạn chế tác động lên người tiêu dùng Mỹ.

Nhiều công ty chịu ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu không tăng giá để bù đắp chi phí. Một số chủ doanh nghiệp cho biết đã hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ.

Họ sẽ bỏ bớt một số dòng sản phẩm, hoặc chuyển sản xuất ra nước ngoài.

“Nhìn chung, trong ngắn hạn, sản xuất tại Mỹ sẽ là bất lợi vì có thuế nhập khẩu”, Harry Moser - người sáng lập - Reshoring Initiative - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các hãng sản xuất về địa điểm nói. Tổng thống Trump “hoàn toàn đúng khi tìm cách giảm thâm hụt thương mại và đưa việc làm về Mỹ”, Moser cho biết, “nhưng chúng tôi cảm thấy ông ấy vẫn chưa chọn được công cụ tối ưu để đạt mục tiêu đó”.

Kent đã đóng cửa nhà máy ở Kearny, New Jersey năm 1991. Để giảm chi phí, họ chuyển sản xuất sang Trung Quốc - địa điểm khi đó đã sản xuất nửa số xe đạp cho công ty. Họ chỉ mở thêm nhà máy ở Nam Carolina sau khi Kamler tham gia một sự kiện của Walmart - khách hàng lớn nhất của họ - về việc khuyến khích sản xuất tại Mỹ.

Trong một bức thư gửi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Walmart cho biết thuế nhập khẩu lên các linh kiện của Trung Quốc “có thể ảnh hưởng” đến nỗ lực chuyển sản xuất về nước của các hãng bán lẻ: “Thuế lên các sản phẩm trung gian không có mấy ý nghĩa trong việc tăng sản xuất và số việc làm tại Mỹ”.

JL Audio bắt đầu sản xuất loa xe hơi nhỏ tại Trung Quốc từ thập niên 90. Đến đầu những năm 2000, họ chuyển việc sản xuất loa trầm ra nước ngoài. Sau đó, họ bắt đầu chuyển lại về nước để bảo vệ công nghệ và cải tiến chất lượng sản phẩm. Hiện tại, hệ thống âm thanh ôtô và đồ điện tử - chiếm 45% doanh thu công ty - vẫn đang được làm tại Trung Quốc.

Hè này, JL đã thuê hơn 2.700m2 mặt bằng nữa để mở rộng sản xuất tại Mỹ. Họ cũng bổ sung ca làm tại nhà máy ở Florida và mua công cụ từ Trung Quốc cho dòng loa mới.

Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đã khiến họ tốn thêm 50.000 USD cho loại máy này. Hồi tháng 9, JL bắt đầu phải trả 10% thuế với một số nguyên vật liệu kim loại. Gần đây, họ thông báo tăng giá tới khách hàng và cảnh báo còn tăng nữa nếu thuế lên 25% năm sau.

Errol Rolle - một công nhân tại JL Audio cho biết: “Chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm tuyệt vời tại đây. Nếu không thể kiếm tiền, chúng tôi sẽ phải tìm cách khác”.

Việc các công ty tìm cách tránh gánh thêm chi phí từ thuế nhập khẩu là tin xấu với các hãng sản xuất theo hợp đồng như Mitchell Metal Products. Mitchell đã giành được nhiều hợp đồng làm các bộ phận dùng trong giường bệnh viện, đồ nội thất, thiết bị làm vườn, với chi phí rẻ hơn các nhà cung cấp nước ngoài.

Tuy nhiên, giá thép tại Mỹ đã tăng tới 40% do thuế nhập khẩu nhôm thép đầu năm nay. Timothy Zimmerman - giám đốc công ty lo lắng có thể mất đi một số việc kinh doanh. “Tôi chẳng thể ngủ ngon mỗi tối”, ông than thở.

Hà Thu (theo WSJ)

nha may my thanh nan nhan vi don thue cua ong trump Sau Trung Quốc, nước nào có thể bị ông Trump giáng đòn thuế?

Trong khi Trung Quốc, Canada và Mexico bị Mỹ nhắm tới vì bất cân bằng thương mại, Nhật Bản vẫn "yên ổn", với hy vọng ...

nha may my thanh nan nhan vi don thue cua ong trump Trung Quốc ví đòn thuế của Mỹ như "dao kề cổ"

Trung Quốc tuyên bố không thể đàm phán thương mại với Mỹ trong khi Washington đang áp đặt các mức thuế giống như "cầm dao ...

Ngày đăng: 09:38 | 16/10/2018

/ VnExpress