Ông Hải cho biết, khán giả ở tỉnh chưa nhiều người bỏ tiền mua vé xem nghệ thuật. Khán giả từ Hà Nội chủ yếu khách mời của đơn vị tổ chức.
Liên quan đến thông tin nhà hát giao hưởng 1.000 chỗ ở Vĩnh Phúc thường xuyên đóng cửa, ngày 19/10, trao đổi với báo Đất Việt, Trưởng ban quản lý Nhà hát Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đang làm đề án để khai thác nhà hát và tỉnh đang chờ phê duyệt đề án này.
"Hiện tại đơn vị chưa khai thác được hết công suất của nhà hát mà còn đang rất hạn chế. Việc mở quán cà phê là do anh em trong cơ quan khai thác chủ yếu làm điểm sinh hoạt, tổ chức mini show cho anh em diễn để lấy tiền thu vào. Thực ra thu qua bán giải khát để lấy tiền chứ không phải bán vé", Trưởng ban quản lý nhà hát Vĩnh Phúc nói.
Nói thêm về việc này, vị Trưởng ban quản lý nhà hát Vĩnh Phúc cho hay, những buổi ca nhạc nhẹ, mini show thường được tổ chức vào cuối tuần thứ 7 hoặc chủ nhật.
Nhà hát Vĩnh Phúc nằm trên quảng trường thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km. Ảnh: VNE
"Bình thường ở quán cà phê này không có khách. Ai người ta vào đấy làm gì vì ngồi ngoài quảng trường thoáng đoãng hơn. Còn hôm nào tổ chức ca nhạc như cuối tuần thì kín chỗ ngồi. Chỗ ngồi trong quán cà phê này chứa được hơn 100 khách", Trưởng ban quản lý Nhà hát Vĩnh Phúc cho biết thêm.
Trước đó, theo thông tin trên báo VnExpress, Nhà hát Vĩnh Phúc có tổng diện tích 23.500 m2, tổng số vốn đầu tư 775 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2016.
“Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu văn hóa của người dân trong tỉnh, nhà hát còn được xây dựng với mục đích tổ chức những chương trình nghệ thuật, hòa nhạc quy mô lớn, thu hút các đoàn nghệ thuật, khán giả từ Hà Nội, giãn cách tổ chức biểu diễn cho Nhà hát lớn Hà Nội”, ông Ngô Duy Đông, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc nói.
Nhà hát Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những nhà hát giao hưởng có quy mô lớn nhất cả nước hiện nay. Khán phòng chính T1 sức chứa 1.000 chỗ ngồi, sân khấu thiết kế hầm cho dàn nhạc giao hưởng, 6 phòng thay phục trang, hậu trường cho nghệ sĩ.
Điều đáng nói, hơn hai năm đưa vào sử dụng, Nhà hát Vĩnh Phúc thường xuyên trong tình trạng tối đèn, đóng cửa. Điểm sáng đèn thường xuyên trong tòa nhà là quán cà phê ca nhạc ở sảnh T2 của Đoàn ca múa nhạc Vĩnh Phúc, đơn vị đang quản lý nhà hát. Những buổi ca nhạc nhẹ, mini show tổ chức định kỳ vào tối thứ bảy trên sân khấu rộng chừng 15 m2 của quán cà phê.
Khán phòng T1 sức chứa 1.000 chỗ ngồi của Nhà hát Vĩnh Phúc. Ảnh: VNE
Ông Lê Hải, Phó ban quản lý Nhà hát Vĩnh Phúc cho biết, ngoài việc tổ chức hoạt động âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, nhà hát chủ yếu phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh, sự kiện quy mô lớn, từ 600 đến 1.000 người. Sự kiện vừa và nhỏ, quy mô dưới 600 người thường không được tổ chức tại đây do chi phí điện nước cao. Hiện, kinh phí vận hành nhà hát mỗi tháng khoảng 50 triệu từ ngân sách tỉnh.
Đánh giá về hoạt động của nhà hát, ông Ngô Duy Đông, Phó giám đốc Sở Văn hóa cho rằng bước đầu đã đạt hiệu quả phục vụ người dân trong tỉnh, tuy nhiên “chưa được như kỳ vọng”. “Để thu hút khán giả, tự chủ về tài chính phải mất quãng thời gian dài nữa. Chúng tôi hy vọng sắp tới, mỗi tháng sẽ tổ chức định kỳ một chương trình biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật ở đây”, ông nói.
Nhà hát giao hưởng 1.000 chỗ ở Vĩnh Phúc thường xuyên đóng cửa Là một trong những nhà hát giao hưởng lớn nhất cả nước, hai năm qua nhà hát Vĩnh Phúc tổ chức được 15 sự kiện ... |
Dự án nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm bị phản đối- Vì sao? HĐND TP HCM thử làm khoảng 2.000 phiếu khảo sát hỏi nhiều tầng lớp nhân dân thành phố xem họ ủng hộ hay phản đối ... |
Ngày đăng: 20:00 | 20/10/2018
/ http://baodatviet.vn