Những người từng có điều kiện tiếp xúc, làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đều cùng chung nhận xét, ông là người sát sao trong công việc nhưng lại rất bình dị, gần gũi trong đời sống.
Sát sao công việc
Khi kể về cố Thủ tướng Phan Văn Khải, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nhận xét: “Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người rất sát sao trong công việc”.
Bà Phạm Chi Lan nhận xét: “Thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải còn đương nhiệm, ông rất sát sao trong công việc. Trong điều hành kinh tế, sự chỉ đạo của Thủ tướng không phải là chung chung đâu, mà Thủ tướng chú ý đến từng chi tiết nhỏ, từng con số cụ thể.
Tôi làm việc nhiều vào thời kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi thấy thời đó, Thủ tướng không hề đưa ra bất kì một chỉ thị nào về tăng trưởng kinh tế cả, song thay vào đó, ông chỉ đạo rất sát.
Tất cả những gì mà Thủ tướng Phan Văn Khải đưa ra đều là làm sao để cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa và hạn chế mức chi tiêu của nhà nước, cố gắng kiềm chế bội chi ngân sách sao cho ở mức thấp nhất có thể”.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải diễn thuyết tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 11/12/2005. (Ảnh: Jonathan Drake/Bloomberg/Getty Images). |
Bà Phạm Chi Lan cho biết, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công và cân bằng tỉ lệ chi ngân sách là hai điểm được cho là dấu ấn nổi bật nhất trong chỉ đạo điều hành kinh tế của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Bà Phạm Chi Lan nhớ lại: “Tôi nhớ là hễ năm nào con số chi thường xuyên trong ngân sách khẽ hơi nhích lên một chút là Thủ tướng yêu cầu phải xem xét lại ngay.
Ban Nghiên cứu khi đó lại nháo nhào lên tìm giải pháp và kiến nghị giải pháp cho Thủ tướng để làm sao phải kiềm chế chi tiêu thường xuyên, tăng tỉ lệ đầu tư công lên.
Đối với đầu tư công, Thủ tướng cũng kiểm soát rất chặt chẽ, Thủ tướng luôn đòi hỏi phải tìm ra những giải pháp để sao cho đầu tư công không bị dàn trải hoặc lãng phí”.
“Đến khi Thủ tướng Phan Văn Khải kết thúc nhiệm kỳ thì tỉ lệ giữa chi thường xuyên với chi cho đầu tư xây dựng phát triển là khoảng 50% - 50%.
Chi thường xuyên bao giờ cũng giới hạn là chỉ 50%, còn đa số là dưới 50%”, bà Phạm Chi Lan nói.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, kế thừa từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, để tạo động lực cho phát triển kinh tế, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng rất coi trọng đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
“Thủ tướng Phan Văn Khải là người rất chú trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp và luôn luôn nhắc nhở chúng tôi phải tìm giải pháp để tạo đà cho doanh nghiệp đi lên.
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng chính là người đã ký quyết định chọn ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam như một sự ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển kinh tế đất nước”, bà Phạm Chi Lan nói.
Theo bà Phạm Chi Lan, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó từng khẳng định nhiều lần, rằng: Bài học trong điều hành Chính phủ để phát triển kinh tế là phải khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh.
Cụ thể là giải phóng các lực lượng sản xuất, phát huy sức mạnh vật chất và trí tuệ, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Bởi thế, thành công nhiều hay ít trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước tùy thuộc vào mức độ giải phóng nguồn sức mạnh vô tận này.
Gần gũi, bình dị
Nếu như trong công việc là người sát sao, chỉ đạo từng cái cụ thể nhất thì trong đời sống thường ngày, cố Thủ tướng Phan Văn Khải được đánh giá là người có tác phong gần gũi, bình dị, mang đậm chất Nam Bộ.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với các em học sinh xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: PLO. |
Ông Trần Vũ Huấn, nguyên Giám đốc Hãng phim Tư liệu Việt Nam, người từng có điều kiện tiếp xúc và quay phim cho nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho biết, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người rất bình dị, kể cả khi đã làm Thủ tướng.
Ông Trần Vũ Huấn cho biết: “Hồi xưa, trước khi làm Thủ tướng thì nhà chú Phan Văn Khải với nhà tôi nằm gần nhau, cùng dãy.
Nhà cố Thủ tướng Phan Văn Khải nằm ở số 2 Thụy Khuê (Hà Nội) trong khu tập thể của Văn phòng Chính phủ khi đó, còn nhà tôi thì ở số 4 Thụy Khuê.
Vì cùng dãy phố, cùng khu tập thể nên các nhà đều biết nhau cả. Lũ trẻ trong khu tập thể vẫn thường hay chơi cùng nhau, trong đó có cả mấy đứa con của nhà chú Khải.
Mấy chục năm sau đó, khi lần đầu tiên tôi đi làm quay phim, có lần quay phim tư liệu về Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc gặp ông vẫn nhớ và nhận ra tôi. Thậm chí còn nhớ cả tên, khi đó như thế nào.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người có tác phong rất bình dị, mang đậm chất Nam Bộ. Với mọi người, ông rất gần gũi và thoải mái, coi như tình cảm anh em, bạn bè thôi, chứ không có khoảng cách lãnh đạo gì cả. Trước khi làm Thủ tướng thế nào thì khi làm Thủ tướng ông cũng vẫn giữ tác phong đó”.
Về kỷ niệm quay phim tư liệu về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Trần Vũ Huấn cho biết, ông nhớ rõ nhất là lần quay phim khi Thủ tướng đang hút thuốc trong giờ nghỉ giải lao sau cuộc họp.
Ông Trần Vũ Huấn kể lại: “Lần đó, Thủ tướng Phan Văn Khải họp, giờ nghỉ giải lao ông ra ngoài ngồi hút thuốc lá. Ông ngồi một mình thôi, vẻ mặt đăm chiêu vì có lẽ cuộc họp căng thẳng quá. Đó là khoảnh khắc mà tôi thấy rất đẹp, rất thật về ông và thế là tôi ôm máy đến quay.
Thấy có người đang quay phim lúc mình đang hút thuốc lá, Thủ tướng mới ngẩng lên vào bảo: “Hút có điếu thuốc mà cũng quay. Lúc nào cũng quay không cho người ta nghỉ nữa”.
Thì ra lúc ấy Thủ tướng nghĩ là tôi quay phim để phát lên sóng Đài Truyền hình, mà cảnh lãnh đạo hút thuốc lá thì khó coi, thêm vào đó có lẽ lúc đó ông vừa họp xong nên khá căng thẳng.
Lúc đó tôi mới giải thích với Thủ tướng rằng là tôi làm ở Hãng phim Tư liệu Việt Nam chứ không phải ở Đài Truyền hình Việt Nam, những thước phim này sẽ được cất đi, lưu trữ vào trong kho chứ không được đem ra phát công khai.
Vì những thước phim này sẽ là những tư liệu thật nhất, hình ảnh sinh động nhất về Thủ tướng cho sau này.
Nghe xong, Thủ tướng Phan Văn Khải nhìn tôi cười rồi bảo: “Thế thì cậu cứ quay đi”. Và thế là tôi tiếp tục quay, thực hiện xong những thước phim tư liệu về Thủ tướng”.
“Một chi tiết rất nhỏ ấy thôi, song qua đó cho thấy được tính cách rất bộc trực, giản dị của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đó là tính cách rất dân dã, gần gũi mọi người chứ không có cái gì là tạo ra khoảng cách giữa người lãnh đạo và người khác. Mọi người đều có cảm giác thoải mái khi làm việc hay tiếp xúc, trò chuyện với ông”, ông Trần Vũ Huấn nhận xét.
Dấu ấn cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong thành tựu ngoại giao Việt Nam Trong suốt sự nghiệp của mình, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã ghi nhiều dấu ấn về ngoại giao, đặc biệt là chuyến công ... |
Ông Sáu Khải trong ký ức người em gái 27 năm mới biết mặt anh trai Ba mất khi còn trong bụng mẹ, anh trai thoát ly đi kháng chiến, mãi đến 27 năm sau, bà Dự mới lần đầu tiên ... |
Ngày đăng: 14:04 | 18/03/2018
/ VTC News