Nhiều xe đã hết hạn đăng kiểm, niên hạn sử dụng vẫn bon bon đưa đón học sinh đến trường tại Đồng Nai.
Ôtô Vinfast trước ngày ra mắt - động cơ 2.0L, mẫu SUV có 7 chỗ
Xe Vinfast sẽ sử dụng động cơ BMW N20, sử dụng khung gầm BMW X5 và 5-Series, do đó mẫu SUV sẽ có 7 chỗ ... |
Cô gái vướng lao lý sau lần bị bạn trai rủ đi mua ôtô
Được rủ đi mua ôtô ở Thanh Hóa, Tuyết đồng ý và chỉ biết sự thật khi thấy bạn trai đóng gói ma túy. |
Chiều 23/9, trước cổng trường THCS An Hòa (TP Biên Hòa), một số ôtô đưa đón học sinh đã đậu chờ sẵn. Nam tài xế còn khá trẻ liên tục hối thúc học sinh nhanh chóng lên xe 16 chỗ cũ kỹ, đã hết hạn đăng kiểm 2 năm. Anh ta vừa đếm vừa dồn 25 em lên xe, rồi chạy về hướng xã Long Hưng.
Một xe đưa đón học sinh từ xã An Hòa về phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa hết hạn đăng kiểm, không đóng cửa khi chạy. Ảnh: Phước Tuấn.
Cách đó chừng 20 m, chiếc xe 16 chỗ khác cũng hết hạn đăng kiểm hơn một năm, khi đã nhồi nhét hơn 20 học sinh liền nổ máy hướng về Quốc lộ 51 để rẽ qua phường Long Bình Tân. Trên đường chạy, ôtô không đóng được cửa khiến học sinh đứng phải bám chặt vì có thể ngã ra ngoài bất cứ lúc nào.
"Xe thường xuyên nhồi nhét, ngồi chen lấn không có lối đi, nhưng do từ nhà đến trường cũng gần nên tụi em quen rồi", một nam học sinh bộc bạch.
Phần lớn xe đưa đón học sinh ở Biên Hòa là do phụ huynh "hợp đồng miệng" với tài xế. Tùy theo loại xe và khoảng cách, một tháng phụ huynh trả từ 200.000 đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi em. Mỗi ngày học sinh tập trung một điểm cố định để ôtô đến đón, tan trường xe chở về nhà với khoảng cách 3-7 km.
Đối với xe do nhà trường thuê thì có hợp đồng nhưng cũng trong tình trạng tương tự. Trưa 25/9, sau tiếng chuông hết giờ học tại trường tiểu học Phan Đình Phùng (TP Biên Hòa), nhóm tài xế liền nhảy lên xe nổ máy. Bác tài tuổi trung niên, đứng sẵn trước ôtô 16 chỗ đôn đốc học sinh bước lên.
Chiếc xe đã hết hạn đăng kiểm hơn 5 năm. Bên trong xe đã được chủ độ lại, các hàng ghế được tháo điểm tựa lưng nhằm chở được nhiều học sinh. Khoảng 30 em chen chúc trong không gian nhỏ, không có lối đi. Nhiều học sinh ngồi phía sau bị ép vào cửa kính như muốn ngộp thở.
Sau khi chạy lòng vòng qua một số khúc cua tại phường Long Bình, xe đậu lại con hẻm nhỏ ở khu phố 5 để học sinh vào điểm giữ trẻ của nữ giáo viên. "Do phần lớn bố mẹ đi làm cả ngày nên buổi trưa các học sinh được cô giáo đón về cho ăn, nghỉ ngơi và học thêm", chị Hằng, phụ huynh có con học trường tiểu học Phan Đình Phùng cho biết.
Chiếc xe hết hạn đăng kiểm hơn 5 năm hàng ngày vẫn đưa đón học sinh trường tiểu học Phan Đình Phùng (TP Biên Hòa). Ảnh: Phước Tuấn.
Ngoài việc xe "quá đát", nhồi nhét học sinh, các tài xế cũng được cho là chạy ẩu, khổng đảm bảo an toàn cho các em lúc lên xuống. Bốn năm trước, trong lúc giành nhau lên xe tại trường THCS Tam Hiệp, nam sinh lớp 6 ngã xuống đường và bị ôtô này cán chết. Hay cách đây hai năm, xe đưa đón học sinh chạy trên đường Bùi Văn Hòa đã va chạm với xe máy khiến một người tử vong. Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng ghi nhận từng cấp cứu học sinh bị té từ xe đưa rước.
Nhiều xe đưa đón học sinh hết hạn đăng kiểm, niên hạn sử dụng
Theo Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, hiện trên địa bàn TP Biên Hòa có hơn 300 ôtô đưa đón học sinh. Trong đó, 125 xe không có phù hiệu, 12 xe hết hạn đăng kiểm, 4 xe hết niên hạn sử dụng và một trường hợp dùng xe tải thùng.
Ngày 27/9, Sở Giao thông có văn bản gửi UBND TP Biên Hòa, Công an tỉnh, Sở Giáo dục cùng phối hợp xử lý nghiêm các xe cố tình vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. "Ngoài ra, sắp tới tỉnh cũng khai trương 2 tuyến xe buýt đưa đón học sinh trên các trục đường chính của thành phố", lãnh đạo Sở nói.
Ông Nguyễn Phan Trong, Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho rằng việc xe đưa đón học sinh hết hạn đăng kiểm, quá niên hạn sử dụng sẽ rất nguy hiểm. Từ đầu năm học đến nay, đơn vị đã xử phạt 34 trường hợp vi phạm hành chính với số tiền khoảng 80 triệu đồng. Trong đó phần lớn lỗi như quá hạn đăng kiểm, chở quá số người, bằng lái tài xế không đúng với loại xe, ôtô không đóng cửa...
"Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với công an, chính quyền địa phương và nhà trường tuyên truyền về việc đảm bảo an toàn giao thông trên những tuyến xe đưa rước. Đồng thời chúng tôi sẽ lập các chuyên đề thanh tra độc lập những xe trên", ông Trong nói.
Xe đưa đón học sinh trường THCS Long Bình không đóng cửa khi chở các em về nhà trưa 25/9. Ảnh: Phước Tuấn.
Ông Võ Văn Minh - Trưởng phòng Giáo dục TP Biên Hòa cũng cho biết, ngoài phối hợp cùng ngành giao thông vận tải, công an để kiểm soát chất lượng xe, Phòng đã gửi văn bản đến từng trường yêu cầu giáo viên hợp đồng thuê xe đưa đón học sinh phải đảm bảo an toàn, tài xế có bằng lái.
Phước Tuấn
Ngày đăng: 08:25 | 01/10/2018
/ https://vnexpress.net