Bệnh sởi lây truyền rất mạnh, có thể phát triển thành dịch trong năm nay, trong khi nhiều người lớn không có miễn dịch.
Ngày 21/3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị toàn quốc phòng chống các bệnh dịch mùa hè. Trong đó, các chuyên gia y tế quan ngại nguy cơ bùng phát bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Năm 2017, cả nước ghi nhận 141 trường hợp dương tính với sởi, chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam. Trong đó 54 trẻ dưới 9 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 bé không tiêm chủng, 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 100 ca sởi. Hà Nội và một số tỉnh, thành khác đã tổ chức các chiến dịch tiêm vét sởi.
Tiến sĩ Trần Như Dương, Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương dự báo dịch sởi có thể xuất hiện tại miền Bắc trong năm nay, đặc biệt với trẻ dưới 15 tuổi và dưới 9 tháng. Dịch có thể xảy ra tại các thành phố lớn, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, vùng sâu... Lý do là bệnh sởi lây truyền rất mạnh, trong khi đó, miễn dịch thụ động của bà mẹ truyền cho trẻ sơ sinh để bảo vệ trong những tháng đầu đời rất thấp.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Nam Phương. |
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh thực tế miễn dịch sởi ở trẻ em thì tốt, nhưng miễn dịch của người lớn không có. Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Tỷ lệ tiêm chủng tăng dần hàng năm nhưng vẫn có một lượng lớn người lớn không có miễn dịch.
Điều này lý giải vì sao nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng) cũng mắc sởi do không có miễn dịch từ mẹ truyền cho. Vì thế, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị đánh giá xem lại miễn dịch của cộng đồng với bệnh sởi cũng như ho gà; đồng thời đưa ra khuyến cáo tiêm văcxin cho người lớn, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
“Trước đây chúng ta coi người lớn là hàng rào bảo vệ trẻ thì nay ngược lại, trẻ con mới là hàng rào bảo vệ”, thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Sắp tới ngành y tế tiêm văcxin sởi cho trẻ ngay từ khi 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng; đồng thời đưa một số văcxin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng như văcxin sởi - rubella được sản xuất trong nước; văcxin bại liệt dạng tiêm thay vì chỉ uống như hiện nay.
Sởi là bệnh lành tính, tùy từng bệnh nhân mà diễn biến nặng hay nhẹ. Trường hợp biến chứng viêm phổi nhẹ, bệnh nhân chỉ điều trị 3-5 ngày. Trẻ bị viêm phổi nặng suy hô hấp thì có thể nằm viện hai tuần.
Dấu hiệu bệnh là trẻ sốt, phát ban dạng sởi bắt đầu từ mặt sau đó lan dần đến chân tay kèm theo viêm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp. Khi đó, trẻ nên được cách ly ở nhà; chăm sóc, dinh dưỡng thật tốt; hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa. Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... nên đưa đến viện để tránh biến chứng. Phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng kháng sinh và chỉ dùng khi có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn.
Tiêm phòng là cách hiệu quả vừa phòng bệnh cho trẻ vừa tạo miễn dịch bền vững, để khi thế hệ này trưởng thành, đến tuổi sinh đẻ có đủ miễn dịch truyền cho con. Theo đó trẻ được tiêm mũi sởi đơn lúc 9 tháng tuổi, 18 tháng tuổi chích mũi sởi - rubella, theo lịch tiêm chủng mở rộng. Phụ nữ trước khi có ý định mang thai cũng nên đi tiêm phòng để đảm bảo miễn dịch truyền cho con.
Nam Phương
Bộ Y tế lo ngại dịch sởi từ Philippines xâm nhập vào Việt Nam
Trong vòng hơn 2 tháng qua, thành phố Davao, Philippines, ghi nhận 222 trường hợp mắc bệnh sởi. |
Đừng để con em bạn chết vì sởi, rubella!
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, điều kiện khí hậu mùa đông - xuân rất thuận lợi cho các ... |
Ngày đăng: 06:00 | 22/03/2018
/ VnExpress