Mối quan ngại khủng hoảng kinh tế do tắc nghẽn giao thương giữa Mỹ và Canada đã được giải quyết phần nào sau khi cửa ngõ biên giới huyết mạch giữa hai nước được mở cửa trở lại ngày 14/2 sau hơn một tuần bị những người biểu tình chiếm đóng. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình này vẫn gây ra bất ổn tại nhiều nơi khác trên thế giới.
Cảnh sát tại thành phố Windsor, tỉnh Ontario của Canada, tối 13/2 đã bắt giữ đến 30 người biểu tình và kéo nhiều phương tiện chắn ngang khu vực cầu Ambassador, cửa ngõ giao thương quan trọng nối liền Windsor và thành phố Detroit của Mỹ. “Hôm nay, cuộc khủng hoảng kinh tế tại cầu Ambassador chính thức kết thúc”, Thị trưởng thành phố Windsor, Drew Dilkens, tuyên bố ngày 14/2, đồng thời cho biết thêm rằng, lực lượng cảnh sát và cơ quan kiểm soát biên giới Canada cũng đang nỗ lực đảm bảo an toàn tại khu vực này.
Cầu Ambassador - một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng thương mại của Canada, nơi ước tính có tới 450 triệu CAD (hơn 352 triệu USD) hàng hóa được vận chuyển qua lại mỗi ngày, đã bị tê liệt trong 7 ngày qua vì các cuộc biểu tình của tài xế xe tải. Sau khi người biểu tình bắt đầu chiếm giữ cây cầu hôm 7/2, nhiều nhà sản xuất ôtô đã phải ngừng sản xuất hoặc giảm quy mô hoạt động, vào một thời điểm hết sức khó khăn của ngành công nghiệp này khi phải vật lộn với đại dịch COVID-19 khiến nguồn cung cấp linh kiện sụt giảm và gián đoạn chuỗi cung ứng. Vận tải qua cầu Ambassador chiếm 25% tổng hàng hóa giao thương giữa Mỹ và Canada.
Tuần trước, sau khi một thẩm phán cấp cao yêu cầu chấm dứt tình trạng tắc nghẽn tại cầu Ambassador, Thủ hiến tỉnh Ontario, Doug Ford, cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp, theo đó, phạt đến 100.000 USD và phạt tù một năm đối với bất kỳ ai cố tình chặn giao thông qua cầu một cách bất hợp pháp. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13/2 đánh giá cao những nỗ lực của Canada và chính quyền Ontario trong giải quyết cuộc khủng hoảng mà theo Nhà Trắng là có “những ảnh hưởng tàn phá sâu rộng” đến “đời sống và kế sinh nhai của rất nhiều người” ở hai bên biên giới.
Tuy vậy, cách Windsor khoảng 750 km, cuộc biểu tình tại thủ đô Ottawa vẫn đang làm tê liệt trung tâm thành phố, khiến người dân ngao ngán và phẫn nộ. Thị trưởng Ottawa, Jim Watson, ngày 13/2 cho biết, ông nhất trí gặp những người biểu tình nếu họ giới hạn phạm vi biểu tình và di chuyển những chiếc xe tải cũng như các phương tiện khác khỏi khu dân cư. Ông cũng chia sẻ bức thư từ một trong những người tổ chức biểu tình, Tamara Lich, trong đó bà này ghi rõ “đồng ý” với lời đề nghị từ Thị trưởng. Tuy nhiên, trong một bài đăng trên Twitter, bà Lich khẳng định chưa hề có bất kỳ một sự thỏa thuận nào.
Bộ trưởng Ứng phó khẩn cấp Canada, Bill Blair, cho biết chính phủ liên bang đã thảo luận khả năng áp dụng các quyền hạn khẩn cấp đặc biệt để đối phó với các cuộc biểu tình đang diễn ra ở thủ đô Ottawa, theo đó chính quyền Ottawa được làm bất cứ điều gì cần thiết để đối phó với khủng hoảng. Ông Blair cho biết, mọi biện pháp cần được thực hiện “thận trọng thích hợp” và không loại trừ phương án triển khai quân đội để giúp chấm dứt cuộc biểu tình, mặc dù trước đó lựa chọn này đã bị Thủ tướng Justin Trudeau loại bỏ. Tình hình hiện nay cũng đặt ra áp lực lớn với chính phủ Thủ tướng Justin Trudeau.
Theo nguồn tin nội các cho biết, ông Trudeau dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh của Canada trong ngày 14/2 (giờ địa phương) để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Làn sóng biểu tình có tên “Freedom Convoy”, tạm dịch là “Đoàn xe biểu tình vì tự do”, khởi xướng với những người lái xe tải từ miền Tây Canada đến khu vực thủ đô Ottawa cuối tháng 1 vừa qua. Từ một cuộc biểu tình chống lại các quy định tiêm vaccine đối với tài xế xuyên biên giới, một làn sóng biểu tình quy mô chưa từng thấy đang diễn ra tại Canada, rồi lan ra nhiều nước, trong đó đặc biệt nghiêm trọng tại Pháp. Hai ngày cuối tuần, nhiều đoàn xe đã đổ về thủ đô Paris, khiến Chính phủ Pháp điều động hơn 7.000 binh sĩ và cảnh sát để ngăn chặn tại nhiều con đường vào thành phố. Hàng trăm xe đã bị ngăn chặn, song nhiều phương tiện đã vượt qua hàng rào cảnh sát và gây náo loạn Khải Hoàn Môn. Cảnh sát Pháp đã phải dùng hơi cay, dùi cui thẳng tay trấn áp, đồng thời bắt giữ hàng chục người. Ngày 13/2, một đoàn gồm 150 xe từ Pháp đã rời trung tâm Paris và đang trên hành trình tới Brussel của Bỉ.
Tại các nước như Hy Lạp, Áo, Australia, New Zealand, một số cuộc biểu tình phản đối tiêm vaccine và các biện pháp y tế phòng bệnh cũng đang diễn ra, nhưng với quy mô nhỏ hơn. Tại Wellington, New Zealand, bất chấp cảnh báo mưa lớn do cơn bão Dovi đổ bộ, nhiều người biểu tình vẫn tụ tập, gây mất trật tự và bức xúc cho người dân. Hơn 120 người đã bị bắt vì biểu tình và gây rối tại khu vực gần tòa nhà Quốc hội New Zealand, nhiều người bị phạt vì tội vượt rào trái phép và phải đối mặt với mức án tối đa 3 tháng tù hoặc phạt tiền lên đến hơn 660 USD. Ngoài những biện pháp cứng rắn, New Zealand cũng áp dụng một số cách chưa từng có như phát những bài hát bị ghét nhất nhằm giải tán đám đông người biểu tình.
Tiến Anh
New Zealand phát nhạc Baby shark giải tán người biểu tình phản đối tiêm vaccine
New Zealand đã áp dụng một chiến thuật “không ai ngờ” để giải tán đám đông biểu tình “Freedom Convoy”, đó là sử dụng các ... |
Ngày đăng: 09:52 | 15/02/2022
/ cand.com.vn