Chính sách "nhà ở trên hết" của Phần Lan giúp người vô gia cư có một mái ấm lâu dài để nỗ lực thay đổi cuộc đời.
Thomas Salmi từng sống lang thang nhiều năm trên đường phố Helsinki. Ảnh: Huffington Post.
Bốn năm trước, Thomas Salmi đắm chìm vào rượu chè để quên đi mọi thứ. Người thanh niên vô gia cư này sống vất vưởng trên đường phố thủ đô Helsinki của Phần Lan, quốc gia được Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc xếp thứ nhất trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019, theo Huffington Post.
Salmi gặp nhiều gian nan ngay từ khi vào đời. Anh không thể ở cùng nhà bố mẹ bởi những hành vi bạo lực của bố. Salmi đã sống trong 9 nhà tình thương khác nhau, trước khi trở thành kẻ vô gia cư ở tuổi 21. "Tôi lúc đó không còn biết cảm giác về một cuộc sống bình thường. Tôi trở nên trầm cảm, hung hăng, giận dữ và nốc rất nhiều rượu bia". Anh uống tới gần hai lít mỗi ngày, say bí tỉ và gây rắc rối. "Tôi từng nghĩ đi tù thì có sao đâu cơ chứ? Vào tù sẽ không phải hứng chịu mưa tuyết và lạnh giá ngoài kia".
Một hôm, khi Salmi đang ngủ ở nhà ga Helsinki, một nhân viên xã hội nhìn thấy và đề nghị giúp đỡ. Anh được kết nối với Viện Nữ phó tế Helsinki (HDI), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các dịch vụ xã hội. Một năm sau, Salmi được đưa tới sống ở Aurora-Tola, khu nhà ở xã hội do HDI điều hành.
Giờ đây, ở tuổi 25, Salmi sống trong căn hộ riêng, làm nghề gác cổng và đã cảm thấy ý nghĩa của cuộc đời quay lại với mình. "Tôi biết rằng nếu tôi ở nhà, sẽ không ai tới đuổi tôi ra ngoài hay sai bảo tôi làm mọi thứ", anh nói. "Tôi có thể nhảy nhót trong nhà mình tùy thích".
Salmi là một trong rất nhiều người được hưởng lợi từ chính sách "nhà ở trên hết" được chính phủ Phần Lan thực hiện trong hơn một thập kỷ qua nhằm giải quyết vấn đề người vô gia cư trên đường phố.
Ý tưởng của chương trình này rất đơn giản. Để giải quyết vấn đề vô gia cư, bạn đầu tiên phải cho họ một ngôi nhà, một mái ấm không kèm các điều kiện ràng buộc. Trong ngôi nhà đó, họ muốn uống rượu hay thậm chí dùng ma túy cũng không sao. Các nhân viên hỗ trợ sẽ có mặt để giúp họ cai nghiện, giải quyết các vấn đề về tâm lý, lấy lại cân bằng trong cuộc sống và cung cấp các giấy tờ phúc lợi cần thiết để họ có thể tìm được việc làm.
Các ngôi nhà như vậy ở Phần Lan là sự pha trộn giữa căn hộ thường thấy trong cộng đồng và nhà tình thương. Tại đây, các căn hộ nằm liền kề nhau, được xây dựng hoặc cải tạo đặc biệt phù hợp cho người vô gia cư và có các dịch vụ hỗ trợ tại chỗ. Chẳng hạn như tòa nhà Đội quân Cứu thế ở Helsinki được cải tạo từ một trung tâm sơ tán khẩn cấp 250 giường để biến thành 81 căn hộ hỗ trợ người vô gia cư.
Những người vô gia cư tới đây sẽ ký hợp đồng thuê nhà như bất kỳ ai khác. Họ trả tiền thuê nhà từ tiền túi hoặc tiền trợ cấp nhận được từ nguồn ngân sách phúc lợi tương đối hào phóng của chính phủ Phần Lan.
Cụ già đẩy xe đạp rời khỏi khu nhà ở xã hội Đội quân Cứu thế ở thủ đô Helsinki của Phần Lan. Ảnh: Huffington Post.
Chính sách này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Trong khi tỷ lệ vô gia cư ở châu Âu tăng cao, những người không nhà cửa ở Phần Lan giảm hẳn, từ 18.000 năm 1987 chỉ còn 7.112 người năm 2017, trong đó chỉ có 415 người vất vưởng trên đường phố hoặc lều tạm, số còn lại đang sống trong nhà bạn bè hoặc người thân. Trong giai đoạn 2008-2015, số người không có nhà ở lâu dài giảm tới 35%.
Theo phân tích từ Feantsa, mạng lưới chuyên nghiên cứu vấn đề vô gia cư ở châu Âu, cách tiếp cận của Phần Lan hiệu quả bởi họ không coi vô gia cư là một vấn nạn xã hội không thể tránh khỏi bắt nguồn từ các vấn đề cá nhân, mà cho rằng đây là vấn đề về chính sách nhà ở và là sự vi phạm quyền cơ bản của con người.
Ở các nước khác, người vô gia cư thường sẽ được yêu cầu từ bỏ rượu chè, ma túy trước khi được nhận vào khu nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc rũ bỏ lập tức những thói quen xấu trên đường phố để đổi lấy chỗ ngả lưng tạm thời qua đêm là điều gần như không thể với người vô gia cư.
"Nếu điều gì đó xảy ra và họ không thành công, và đây là điều thường thấy bởi nó là bản chất của nghiện ngập, họ sẽ bị đá ra đường", Heli Alkila, giám đốc khu vực dịch vụ của HDI, tổ chức đang cung cấp chỗ ở cho Salmi, cho hay.
Trong khi đó, cách làm của Phần Lan chạm tới những giá trị cơ bản nhất, theo đánh giá của Juha Kaakinen, người xây dựng chính sách "nhà ở trên hết" và là CEO của tổ chức phi lợi nhuận Y-Foundation. "Người Phần Lan cho rằng chúng ta phải giúp đỡ những người đang gặp tình cảnh khó khăn nhất, dù lý do vô gia cư của họ là gì đi chăng nữa", ông nói. "Chúng tôi hiểu rất rõ rằng nguyên nhân chính của tình trạng vô gia cư chính là các vấn đề về cấu trúc xã hội".
Ở Espoo, thành phố nằm cách thủ đô Helsinki chỉ khoảng 5 km, khu nhà ở xã hội Vainola được xây dựng bên bờ hồ. Khu nhà được dựng lên vào năm 2014 với 33 căn hộ và trở thành mái ấm cho 35 người vô gia cư.
Tại đây, 8 nữ tu thay phiên nhau trực 24/24 để hỗ trợ, hướng dẫn và điều phối những người trong khu nhà làm các công việc khác nhau nếu họ muốn, từ nấu ăn cho tới gói hàng, và công việc này giúp họ kiếm được khoảng 2,3 USD mỗi ngày.
Các thành viên trong khu nhà cũng tổ chức đội thu gom rác trong cộng đồng. "Người dân xung quanh rất yêu mến Vainola bởi họ cho rằng khu vực này đang trở nên sạch sẽ hơn bao giờ hết", Jarkko Jyrasalo, người điều hành khu nhà ở xã hội, cho biết. "Một số khu nhà ở xã hội gặp vấn đề với người dân xung quanh, nhưng chúng tôi thì không".
Jyrasalo cho biết những người sống trong khu nhà có tính cách rất khác nhau, nhiều khi là bất đồng, nhưng phần lớn mọi người vẫn sống hòa thuận những buổi trao đổi hàng tuần. "Họ là những người từng quen giải quyết vấn đề bằng nắm đấm, đánh lộn. Nhưng giờ đây chúng tôi hướng dẫn họ học cách nói chuyện với nhau".
Bên trong một căn hộ ở khu nhà ở xã hội Vainola. Ảnh: Huffington Post.
Thành công của Phần Lan trong việc giảm tỷ lệ người vô gia cư đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và quan chức nhiều nước thường đề nghị Kaakinen nói rõ làm cách nào Phần Lan có thể huy động ý chí chính trị lớn như vậy của cả đất nước để giải quyết vấn đề. Và Kaakinen trả lời rất đơn giản "Cần phải có chính trị gia nào đó có lương tri xã hội".
Ở Phần Lan, chính trị gia đó chính là Jan Vapaavuori, thị trưởng Helsinki kiêm Bộ trưởng Nhà ở, người đề ra chính sách "nhà ở trên hết". Việc Vapaavuori xuất thân từ đảng Liên minh Quốc gia trung hữu cũng là yếu tố rất quan trọng. "Khi một ý tưởng khác biệt được một chính trị gia bảo thủ nêu lên, những người khác sẽ rất khó phản đối", Kaakinen nói. Kể từ đó, các chính trị gia mọi đảng phái ở Phần Lan đều tiếp tục ủng hộ chính sách này.
Đây không phải là công việc của riêng chính phủ Phần Lan, mà là một nỗ lực chung khổng lồ với sự chung tay của nhiều thành phố, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ cũng như Veikkaus, công ty đánh bạc quốc doanh, nơi nguồn lợi nhuận được chi cho phúc lợi xã hội.
Những người vạch ra chính sách "nhà ở trên hết" của Phần Lan cho biết việc xây dựng, cải tạo nhà và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người vô gia cư là rất tốn kém, nhưng nó cũng giúp chính phủ tiết kiệm khoản tiền đáng kể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng một người vô gia cư khi có chỗ ở sẽ tiết kiệm cho xã hội khoảng 17.000 USD mỗi năm, bởi họ ít phải vào viện hay ngồi tù hơn.
Tuy vậy, vẫn có những người chỉ trích chính sách này. Một số người cho rằng việc cho phép người vô gia cư tiếp tục uống rượu, dùng ma túy tại những khu nhà này sẽ góp phần làm băng hoại xã hội. "Không phải vậy", Alkila trả lời. "Ở đây có ma túy, có những tệ nạn khác, nhưng chúng tôi không ngừng cố gắng. Dù vấn đề nhân phẩm của họ thế nào, họ vẫn cần có một nơi để ở".
Cũng có những người hưởng lợi từ chính sách này lên tiếng chỉ trích cách làm của chính phủ Phần Lan, trong đó có Jyri-Pekka Pursiainen. Sau khi ly dị vợ, Pursiainen đột nhiên bị thất nghiệp và trở nên mất cân bằng, trở thành kẻ vô gia cư trên đường phố. Trong hai năm qua, ông sống trong căn hộ tại khu nhà ở xã hội được cải tạo từ một nhà dưỡng lão cũ ở Helsinki, nhưng ông không cảm thấy hạnh phúc.
"Nơi tôi đang sống không đáng để gọi là nhà. Cả tòa nhà ẩm mốc và thực sự rất xập xệ. Nhiều người sống ở đây đã ốm", ông nói. Ban đầu ông được thông báo rằng chỉ ở đây trong một thời gian ngắn, nhưng đã hai năm trôi qua và ông vẫn không biết khi nào sẽ được chuyển tới chỗ mới. Ông muốn có một nơi an toàn để ba đứa cháu có thể tới thăm.
Dù vậy, Pursiainen thừa nhận hoàn cảnh của ông hiện nay tốt hơn nhiều so với khi sống lang thang. Ông có một chỗ che nắng che mưa ở ngay trung tâm thủ đô Helsinki với tiền thuê mỗi tháng chỉ khoảng 379 USD, bằng 1/3 so với mức thuê một căn hộ bình thường tại đây.
Những người ủng hộ chính sách "nhà ở trên hết" không cho rằng cách làm này là hoàn hảo, nhưng nó ít nhất tạo ra một nền tảng để người vô gia cư có thể làm lại cuộc đời. "Đó có thể không phải là ngôi nhà bạn mơ ước khi còn trẻ, nhưng nó là nhà của bạn", Alkila nói.
Nhiều nước trên thế giới như Đan Mạch, Canada, Australia và Mỹ cũng đã bắt đầu áp dụng chính sách "nhà ở trên hết" như Phần Lan. Tại Mỹ, tổ chức phi chính phủ Breaking Ground đã đi tiên phong với việc mở ra 4.000 nhà ở xã hội cho người vô gia cư ở New York và Connecticut.
Brenda Rosen, CEO của Breaking Ground, cho biết bà thường xuyên nghe những lời chỉ trích, cho rằng người vô gia cư phải tự giải quyết vấn đề cá nhân của mình trước khi được cấp nhà ở. "Chúng tôi cho rằng đó chỉ là cách suy nghĩ tụt lùi. Cách làm nhân đạo, tiết kiệm và đàng hoàng nhất là giúp người vô gia cư có nơi cư ngụ, thay vì buộc họ phải vật lộn tìm cách sống sót qua những đêm đông lạnh giá", bà nói.
Nan Roman, CEO của tổ chức Liên minh Quốc gia Chấm dứt Nạn vô gia cư, cho biết chính sách "nhà ở trên hết" đang tỏ ra hiệu quả, nhưng vấn đề này ở Mỹ lớn hơn rất nhiều so với Phần Lan và bối cảnh chính trị cũng rất khác. "Phần Lan có một mạng lưới an sinh xã hội tốt và cam kết chính trị vững chắc để giải quyết vấn đề. Mỹ chưa có được điều đó", Roman nói.
Theo bình luận viên Tess Riley của Huffington Post, thành công của các chính sách an sinh xã hội cùng hệ thống giáo dục chất lượng cao và cam kết tăng bình đẳng giới là những yếu tố quan trọng giúp Phần Lan trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong báo cáo vừa được Liên Hợp Quốc công bố. Với dân số hơn 5,5 triệu, đây cũng là quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới nơi các ông bố dành nhiều thời gian cho con cái hơn các bà mẹ, theo Guardian.
Một góc phố ở thủ đô Helsinki của Phần Lan. Ảnh: Huffington Post.
Với những người như Salmi, chính sách "nhà ở trên hết" của chính phủ Phần Lan đã thay đổi cuộc đời anh. Từ một kẻ lang thang tuyệt vọng, anh đang nuôi ước mơ học nghề để trở thành thợ sửa ống nước. Anh vẫn uống rượu, nhưng chỉ vào dịp cuối tuần. Anh vẫn đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng không còn nghiêm trọng và thường xuyên như trước kia, và anh không còn nghĩ về việc tự tử nữa.
"Căn hộ của tôi không khác gì một thiên đường... Trước đây, tôi không hiểu được ngôi nhà có ý nghĩa đến mức nào, nhưng trong ba năm sống lang thang, tôi nhận thấy rằng những thứ nhỏ bé trong cuộc đời có thể khiến bạn trở nên hạnh phúc", anh nói. "Thứ nhỏ bé ở đây có thể chỉ là ổ bánh mì mà bạn biết vẫn còn trong tủ lạnh khi dùng bữa tối nay".
Tani - cậu bé vô gia cư và khát khao trở thành Đại kiện tướng
Bàn cờ trở thành niềm cảm hứng cho chàng trai nhỏ bé Tanitoluwa Adewumi giữa bộn bề cuộc sống khó khăn ở New York (Mỹ). |
Người vô gia cư Mỹ giữa giá rét kỷ lục hơn Nam Cực: Tôi lạnh và sợ hãi
Trận bão tuyết kèm đợt giá rét kỷ lục càn quét miền Trung Tây nước Mỹ có thể gây chết người chỉ trong vài phút. ... |
Ngày đăng: 14:47 | 21/03/2019
/