Nhiều tiểu thương Việt ở Nga chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Moskva, nhưng cũng có người nhìn ra cơ hội từ đó.
"Khó khăn thực sự. Lần gần đây nhất khi Nga sáp nhập Crimea, đồng rúp từng mất giá hơn 100%. Khi đó, tỷ giá USD từ 30 lên tới 65-70. Nhưng giờ thì từ 75 lên tới 130. Tức là so với năm 2014, tỷ giá USD tăng lên tới 400%. Giờ còn thêm các đòn cấm vận kinh tế từ Mỹ và phương Tây nên giá cả tăng cao, kéo theo lạm phát", anh Tô Quang Tuấn, người đang làm việc trong lĩnh vực thời trang chia sẻ với VTC News về tình hình kinh doanh của mình gần đây.
Chuyển sang Moskva sinh sống cách đây 20 năm, anh Tuấn cho biết đây là lần đầu tiên anh chứng kiến một cuộc biến động lớn tới vậy tại Nga.
Mọi thứ đều tăng, trừ xăng dầu
Do các đơn hàng chủ yếu đặt từ Trung Quốc và sử dụng đồng USD để giao dịch, việc kinh doanh của anh Tuấn bị ảnh hưởng đáng kể.
"Buôn bán lỗ lắm vì so với vốn ban đầu bỏ ra mà với tỷ giá đồng USD hiện tại thì chỉ thu về được một nửa. Thấy mất nửa tài sản trước mắt mà không làm gì được", anh cho biết.
Ngoại trừ các đơn hàng đã nhận từ trước, anh Tuấn phải cắt giảm các đơn hàng từ giữa tháng 2 sau khi giao tranh Nga - Ukraine nổ ra.
Việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế cũng khiến anh phải hạn chế tối đa các giao dịch với bạn hàng nước ngoài.
Hầu hết mặt hàng ở Nga đều tăng giá, nhưng giá xăng vẫn giữ ở mức ổn định. |
"Giá USD tăng cao nên chúng tôi hạn chế giao dịch. Dù vậy, các giao dịch vẫn bình thường, chỉ là với giá tương đối cao", anh cho biết.
Anh Tuấn đùa rằng hiện tại anh có nhiều mối lo, nhưng khác với nhiều nước đang lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng, anh và nhiều người dân Nga không phải bận tâm tới giá xăng dầu.
"Chúng tôi vẫn đùa nhau rằng ở Việt Nam vào cây xăng hô đổ đầy bình thì phải có điều kiện lắm. Ở bên này thì giá xăng ổn định vì Nga là nơi cung cấp năng lượng cho thế giới", anh chia sẻ.
Chị Hoa, quê TP.HCM tỏ ra chán nản vì công việc kinh doanh những tuần qua bị ảnh hưởng.
"Ảnh hưởng là không thể tả nổi. Nhưng tình hình hiện tại thì chỉ biết tới đâu hay tới đó", chị chia sẻ.
Chị Hoa bay về nước tuần trước và phải trả tới 1.250 rúp cho 1 tấm vé khứ hồi dù trước dịch, mức giá loại vé này chỉ vào khoảng 500-700 rúp. Nhưng chị Hoa nói chị còn may mắn vì có người phải trả tới 1.400 USD chỉ riêng 1 chiều bay về. Giá cao là vậy nhưng các chuyến bay luôn kín chỗ và rất khó để mua vé.
Tiểu thương Việt Nam bán được hàng vừa mừng vừa lo trong cơn bão giá. |
Theo chị Hoa, ở Nga những ngày này, nhiều chợ người Việt buôn bán rất ế ẩm. Khách hàng ít, doanh thu bị ảnh hưởng trong khi phía chợ không hỗ trợ giảm giá tiền thuê mặt bằng, nhiều tiểu thương gặp không ít khó khăn.
"Vải thì nhiều người nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ và tính theo tỷ giá USD. Trước 10 USD đổi ra 750 rúp, giờ thì lên mức 1.200 rúp. Các chủ xưởng may cũng khó. Họ chấp nhận phải chịu nhập giá cao nhưng giao cho chợ thì nhiều người do ế hàng nên không dám nhận", chị chia sẻ, cho biết thông thường sau 8/3 là thời điểm buôn bán khá tốt.
Chị Hoa đùa rằng điều hài lòng hiếm hoi của chị trong những ngày qua là các thương hiệu quần áo nổi tiếng như Adidas hay H&M đóng cửa. Các nhãn hàng này "bán tống, bán tháo", nhiều mặt hàng giảm xuống chỉ còn vài chục cho tới vài trăm rúp.
"Hiếm có lúc nào mà mua được quần áo mấy hãng này với giá như vậy", chị cười nói.
Tìm cơ hội trong khủng hoảng
Trong khi đó, chị Khánh Đan, chủ sở hữu một xưởng may và một quán ăn ở Moskva, nhìn nhận việc các nhãn hàng lớn rời đi có thể mang lại cơ hội cho mình.
"Biết đâu khi các nhãn hàng lớn rời đi, các khách hàng có thể sẽ tìm tới đồ may của mình", chị Đan chia sẻ.
Dù công việc kinh doanh bị ảnh hưởng không nhỏ thời gian qua, chị Đan không tỏ ra quá bi quan mà tin rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ sớm qua đi.
Kệ hàng bán băng vệ sinh trống trơn trong một siêu thị Nga. |
Tuy nhiên, chị thừa nhận việc nhiều mặt hàng tăng vọt giá ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của chị và gia đình hiện tại.
Chị kể, vài ngày trước 1 kiện xà lách có giá 400 rúp nhưng ngay ngày sau đó bị đẩy lên 1.200 rúp. Gạo 1.100 rúp/bao cũng tăng lên thành 1.800 rúp. Nhiều hàng hóa rơi vào tình cảnh khan hiếm. Đường vẫn có giá 60 rúp/1 cân, nhưng nếu mua từ cân thứ 5 trở lên sẽ bị tính giá 80 rúp để tránh tình trạng tích trữ.
Nhu yếu phẩm nhập khẩu từ nước ngoài trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, các siêu thị của Nga cũng nhanh chóng lấp đầy chỗ trống bằng các sản phẩm nội địa.
Giá vải do thường chỉ giao dịch bằng USD nên cũng tăng gần gấp rưỡi.
"Giá vải tăng là vậy nhưng hàng mình bán ra chợ lại không thể tăng được. Cùng lắm chỉ tăng 10-15% so với giá bán trên chợ. Nhiều khi có hàng nhưng không dám bán ra chợ vì không biết giá nào mà bán, bán theo giá chợ sẽ lỗ", chị chia sẻ.
Giá nhiều mặt hàng tăng cao khiến chị Đan phải tính toán lại thực đơn trong quán ăn tại một trung tâm thương mại ở Moskva. Đơn cử như một bát phở trước chỉ có giá 350 rúp thì giờ lên 500 rúp.
"Có những nguyên liệu tăng giá tăng gấp đôi, gấp ba, đặc biệt là các đồ nhập khẩu", chị Đan chia sẻ.
Dù giá cả leo thang, chị vẫn giữ cố giữ nguyên mức lương cho lao động của mình. Nhưng vì đồng rúp mất giá, nhiều nhân công của chị quyết định không gửi tiền về nhà trong 1-2 tháng mà đợi qua thời kỳ bất ổn rồi "tính tiếp".
Về cuộc sống của gia đình, chị Đan cho biết mọi thứ vẫn diễn ra như bình thường. Con cái chị vẫn đi học bình thường, học phí không tăng.
"Có điều là gần đây, các nhãn hàng như là McDonald's hay KFC đóng cửa. Trước con tôi hay ăn ở đó nhưng tôi không quá khuyến khích vì không muốn các con ăn nhiều đồ ăn nhanh. Giờ họ nghỉ bán mình cũng thấy bình thường vì còn nhiều lựa chọn khác", chị chia sẻ.
Cùng với McDonald's, KFC hay các nhãn hàng thời trang như Adidas hay H&M, các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài ở Nga cũng đang nối đuôi nhau đóng cửa. Mới đây nhất là Metro và tới đây, đầu tháng 4 có thể là Asan - chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Nga.
Chị Khánh Đan cũng chia sẻ đây là lần đầu tiên sau 5 năm sang Nga, chị bắt gặp cảnh các kệ hàng đường và băng vệ sinh trống trơn. Có vẻ như đây là các mặt hàng được người dân Nga mua để tích trữ khá nhiều vài ngày qua.
Thích nghi
Các tiểu thương như anh Tuấn, chị Hoa và chị Đan đều cho rằng khó khăn hiện tại là khó khăn chung và chỉ biết khắc phục bằng cách cố gắng thích nghi.
"Tôi luôn động viên bà con trong cộng đồng khi dễ thì làm giàu, lúc khó thì làm ăn. Thời điểm này bà con vẫn đang cố gắng chờ đợi và động viên nhau chiến sự sẽ mau qua đi", anh Tuấn chia sẻ.
Anh cũng giảm giá chi phí thu mặt bằng để giúp đỡ đồng bào người Việt ở thời điểm khó khăn này.
Anh Tuấn cho biết anh và nhiều người khác tin tưởng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường sau khi chiến sự qua đi. Anh dự đoán lâu nhất là cuối tháng 3, đầu tháng 4, giao tranh giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc.
Với chị Khánh Đan, điều chị mong mỏi lúc này là đồng USD sớm ổn định.
"Tăng cũng được, giảm cũng được nhưng tôi mong đồng USD sớm ổn định", chị Đan kể.
Chị đang có kế hoạch trở về Việt Nam và giá vé máy bay sẽ sớm quay đầu như thời điểm cách đây vài tháng, trước khi có chiến sự.
SONG HY
Gia đình 7 người và hành trình chạy khỏi Ukraine về nước |
Máy bay chở người Việt sơ tán khỏi Ukraine cất cánh về nước từ Ba Lan |
Nỗi ám ảnh bom rơi, đạn lạc của người Việt trở về từ Ukraine |
Ngày đăng: 08:32 | 21/03/2022
/ vtc.vn