Tỷ lệ sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam chưa phải mức cao so với thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em béo phì tại các khu vực thành thị lại đang tăng mạnh.

rona-jpeg-3411-1623813069

Trong một cuộc họp báo tại VCK Euro 2020 cách đây hơn 3 năm, siêu sao Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo đã có hành động đặc biệt là bỏ 2 chai Coca-Cola sang một bên và khuyên mọi người nên uống nước lọc. Hành động chỉ kéo dài vài giây nhưng đã làm chao đảo thương hiệu nước giải khát nổi tiếng toàn cầu.

Ronaldo vốn nổi tiếng với tính kỷ luật và thói quen ăn uống lành mạnh. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra đồ uống có đường là tác nhân lớn gây ra bệnh béo phì và tiểu đường; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp. 

Coca-Cola chỉ là một trong rất nhiều loại đồ uống có đường xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ thế giới, việc sử dụng đồ uống có đường cũng đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam những năm gần đây.

Tại tại Hội thảo cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tổ chức tại Đà Nẵng ngày 24/7, chủ đề về đồ uống có đường một lần nữa được đem ra bàn thảo.

Người Việt ngày càng nghiện đồ uống có đường

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đồ uống có đường là đồ uống có chứa đường tự do, chúng có thể là nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả, hoặc dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường.

Theo Bộ Tài chính, tiêu thụ nước giải khát có đường bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 6,6 lít/người (năm 2002) lên 35,31 lít/người (năm 2013). Đến năm 2016 tăng lên 46,59 lít, 2018 là 50,7 lít/người và năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít.

Nếu so với các nước trên thế giới, lượng tiêu thụ này vẫn còn rất thấp. Theo báo cáo của Hiệp hội ngành giải khát châu Âu (UNESDA) năm 2019, mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người ở châu Âu là 243,9 lít/người, tức là gấp gần 4,7 lần so với Việt Nam. Các quốc gia có mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người cao nhất ở châu Âu là Đức (336,3 lít/người), Hungary (310,3 lít/người) và Bỉ (272,4 lít/người). 

Tại khu vực châu Mỹ Latinh, theo số liệu Euromonitor công bố năm 2018, mức tiêu thụ đồ uống có đường bình quân đầu người hàng ngày ở khu vực này là 252 ml/người/ngày, tương ứng với khoảng 91,98 lít/người/năm.

Tại châu Á, nhiều nước cũng có mức tiêu thụ bình quân đồ uống có đường trên 100 lít/người/năm như Nhật Bản và Hàn Quốc, lần lượt là 169,28 lít/người/năm và 96,51 lít/người/năm (theo số liệu dự báo của Statis năm 2023). 

image

Năm 2013, tỷ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày là 31,1%. Con số tăng lên 33,9% vào năm 2019, trong đó nam cao hơn nữ. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày.

Tiêu thụ đường là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ béo phì trên toàn cầu và các bệnh không lây nhiễm liên quan chế độ ăn uống. Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân và béo phì đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tại TP HCM, tỷ lệ này vượt 50%, còn tại Hà Nội vượt 41%.

Hiện nay, nhóm thừa cân bép phì tập trung ở trẻ em khu vực thành thị nơi mà trẻ em ít vận động thể chất, tỷ lên đạt 26,8%. Con số này này cao hơn tỉ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%), cao hơn tỉ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình của khu vực (13,4% tại Campuchia, 16,6% tại Lào, 14,1 % tại Myanmar, 14,5% tại Philippines, 18% tại Indonesia). Trong khi đó, tỷ lệ này lại nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. 

image(5)

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Gần đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung nước giải khát theo TCVN (Tiêu chuẩn Việt Nam), có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mức thuế suất là 10%. Mục tiêu là để hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEP khuyến cáo.

Hiện có 117 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành chính sách thuế nhằm tăng giá đồ uống có đường, trong đó 104 quốc gia áp thuế TTĐB, tăng gần 7 lần so với cách đây 12 năm, khi năm 2012 chỉ có 15 quốc gia bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Việc áp thuế được kỳ vọng mang lại hiệu quả giảm tiêu thụ đường. Chẳng hạn, tại Mexico, sau 2 năm áp dụng, các hộ gia đình đã giảm 12% mua đồ uống có đường, tăng thu thuế thêm 2,6 tỷ USD. Tại Saudi Arabia đã giảm tiêu thụ 35% sau khi tăng giá ở mức 50%. Còn ở Nam Phi với mức thuế khoảng 12%, đồ uống có đường đã giảm tiêu thụ khoảng 15%.

Trong ASEAN, đã có 6/10 nước gồm Thái Lan, Phillippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar cũng thu thuế TTĐB với nước giải khát có đường.

Ngoài đề xuất áp dụng thuế, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên giảm tiêu thụ đường tự do trong cuộc sống hàng ngày.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe, tương đương dưới 25 - 50 gram đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25 gram đường mỗi ngày với trẻ em. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

 

 

Trên thị trường trong một chai 330 ml nước ngọt có ga thông thường chứa 8,7 thìa đường, tương đương trên 35 g đường. Trong khi theo khuyến nghị của WHO, một ngày không nên sử dụng vượt quá 25 g đường tính trên tổng khẩu phần. Do vậy, nếu uống một chai nước ngọt có ga thì đã sử dụng gần vượt gấp đôi so với khuyến cáo.

Bên cạnh đó, cần phải hạn chế quảng cáo đồ uống có đường, nhất là các chương trình dành cho trẻ em; hạn chế các khu vực bán đồ uống có đường như các máy bán nước tự động hay các khu vực trường học.

Theo các chuyên gia, trẻ em là nhóm cần được bảo vệ trước những chiến dịch quảng cáo mang tính chất thương mại, hoặc trước các thông tin sau lệch, từ đó hạn chế các nguy cơ sức khỏe.

https://markettimes.vn/nguoi-viet-ngay-cang-nghien-do-uong-co-duong-tieu-thu-tang-gap-gan-8-lan-sau-20-nam-nuoc-ngot-nuoc-tang-luc-cafe-hoa-tan-thu-nao-nhieu-duong-nhat-60672.html

Ngày đăng: 19:19 | 26/07/2024

Khánh Vy / Markettimes.vn