Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam 164 cm ở nam, 153 cm ở nữ, thấp hơn nhiều so với người Nhật, Hàn và châu Âu.
Thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy người Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á. Qua 3 thập kỷ, người Việt có cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ tăng thêm một cm. Hiện chiều cao trung bình của nam thanh niên nước ta là 164 cm, nữ 153 cm, thấp hơn 8 cm so với người Nhật, 10 cm so với Hàn Quốc.
Hiện tại, thanh niên Nhật Bản trung bình cao 172 cm với nam và 158 cm với nữ. Ở Hàn Quốc, chiều cao trung bình nam thanh niên là 174 cm, nữ 161 cm. Thanh niên các nước châu Âu, Mỹ và Australia cao hơn nhiều so với các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chiều cao trung bình của người dân Việt Nam so với chuẩn thế giới. |
Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, trích dẫn các số liệu về chiều cao của người Việt lấy từ kết quả Tổng điều tra dân số gần đây nhất năm 2009, giai đoạn từ năm 1975 đến 2000, chiều cao người dân tăng chậm, trung bình thêm 1,1 cm mỗi thập kỷ. Suốt thời gian dài trước đó, chỉ số chiều cao hầu như không thay đổi.
"Mức tăng trưởng chiều cao này của người Việt là rất chậm", bà Vân nói. Nhật Bản có giai đoạn trong vòng 15 năm, chiều cao của thanh thiếu niên tăng thêm 2,8 cm (đối với nam) và 2,5 cm (đối với nữ).
"Tăng trưởng chiều cao của thanh niên Việt Nam cũng khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á", bà Vân cho biết.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, một trong những nguyên nhân khiến thanh thiếu niên nước ta chậm phát triển chiều cao là do không được chăm sóc đúng cách từ khi trong bụng mẹ. Đơn cử nhiều trường hợp trẻ có cha mẹ là người Việt sinh sống ở Pháp, Mỹ, Nhật, khi trưởng thành, các em cao tương đương, thậm chí nhỉnh hơn bạn đồng trang lứa ở nước sở tại.
"Điều này cho thấy chiều cao không hoàn toàn do gene mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động", bà nói. Cụ thể nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cho thấy chỉ 23% là di truyền, 25% do tâm lý và môi trường sống, 20% rèn luyện thể lực, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%.
Theo bà, có 4 lý do khiến trẻ Việt thấp bé nhẹ cân. Thứ nhất, trong thời kỳ mang thai, người mẹ không được chăm sóc tốt, thai phụ dễ bị bệnh dẫn đến thai nhi bị suy dinh dưỡng hoặc giảm hấp thụ dinh dưỡng.
Thứ hai là trẻ thiếu canxi do cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con. Nhiều trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Chỉ 62% được bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh, 20% được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Thứ ba là ở một số vùng nghèo, trẻ không đủ thực phẩm để ăn dẫn đến thiếu hụt protein, vitamin, khoáng chất, không tiếp cận được hệ thống y tế, nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh tốt. Tình trạng này khiến các em dễ bị nhiễm khuẩn gây bệnh, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ cơ xương khớp.
Thứ tư là người Việt lười vận động. Vận động đúng cách sẽ giúp trẻ ăn ngon, ngủ sâu, tăng cân, kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương, từ đó đạt được chiều cao tối đa, cải thiện nhược điểm về gene di truyền. Trong khi đó Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.
Các yếu tố ảnh hưởng chiều cao người Việt, công bố tại lễ phát động chương trình "Nâng cao tầm vóc Việt" năm 2014. |
Vì thế, để cải thiện chiều cao thì cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng và vận động thể lực cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để cải thiện chiều cao của người Việt, điều quan trọng là cần có can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời. Cụ thể, khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để không sinh ra trẻ nhẹ cân, thấp còi. Đứa trẻ sau sinh phải được ưu tiên việc chăm sóc sinh dưỡng trong 3 năm đầu đời.
"Một bé trai khi 3 tuổi bị thấp còi thì lúc18 tuổi chỉ đạt chiều cao tối đa là 158 cm. Trong khi, một bé trai phát triển tốt ở 3 tuổi, tức là có chiều cao là 94,5 cm thì khi 18 tuổi, chiều cao của nó sẽ lên đến 170,9 cm", các chuyên gia cho biết.
Nghiên cứu cho thấy trẻ bị suy dinh dưỡng lúc 3 tuổi, khi trưởng thành sẽ có chiều cao thấp hơn mức có thể đạt được. |
Năm 2011, Việt Nam đã có đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Đề án xây dựng các chỉ số sinh học và tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển thể lực, tầm vóc. Đề án này cũng đề xuất khả năng can thiệp cải thiện thể lực, tầm vóc như đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi, phát triển thể lực, tầm vóc bằng cách tăng giáo dục thể chất đối với học sinh 3-18 tuổi... Kinh phí của đề án được phê duyệt khoảng 6.000 tỷ đồng.
Năm 2016 Chính phủ cũng phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Hàng triệu trẻ em tại nhiều tỉnh thành đã được uống sữa miễn phí.
Giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm. Năm 2030 chiều cao người Việt dự kiến tăng thêm 4 cm. Ngoài ra, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 20%, khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%.
Thúy Quỳnh
Trung Quốc bỏ quy định cao 1,5 m mới được làm giáo viên
Trước phản ứng của dư luận, một số tỉnh ở Trung Quốc như Giang Tây, Tứ Xuyên, Quảng Tây, bỏ quy định học sinh cao ... |
Nhà hàng gây tranh cãi vì tính tiền ăn theo chiều cao của khách
Nhóm thực khách tức giận khi quán ăn Nhật ở Canada gây khó dễ cho một em bé 12 tuổi. |
Những cặp học sinh chênh lệch chiều cao khiến dân mạng cười nghiêng ngả
Dù chiều cao có chênh lệch đến 30cm thì họ vẫn luôn là những cặp cây nấm, cây sào thân thiết, bên nhau trong mọi ... |
Ngày đăng: 15:21 | 01/03/2019
/ VnExpress