Theo TS Trần Hữu Sơn, việc người Việt bỏ ra tiền tỉ để chi tiêu cho mua đồ cúng lễ, trong đó có vàng mã, là quá lãng phí.
Theo TS Trần Hữu Sơn, số tiền người dân bỏ ra để mua hương, vàng mã đốt ở các đền, chùa lớn hơn rất nhiều so với việc làm này ở gia đình. Ảnh" Cường Ngô
Dành 16.000 tỉ đồng/năm mua đồ cúng lễ?
TS Nguyễn Việt Cường - giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân - vừa đưa ra những so sánh thú vị về số tiền người Việt bỏ ra để mua đồ cúng, lễ hằng năm với số tiền chi ra để mua sách truyện, đồ chơi cho thiếu nhi.
Theo TS Cường, trong số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê có câu hỏi về số tiền hộ gia đình chi bình quân trong 30 ngày qua cho việc cúng lễ (chỉ tính tiền mua vàng mã, hương, hoa).
Khảo sát được thực hiện vào 5 tháng trong năm, không bao gồm tháng Tết. Kết quả cho thấy, bình quân một hộ gia đình chi 574.000 đồng cho cúng lễ vào năm 2012 và con số này tăng lên 654.000 đồng vào năm 2016 (đã loại bỏ ảnh hưởng lạm phát).
Sau đó, TS Nguyễn Việt Cường đã nhân con số trên với tổng số hộ trên cả nước của từng năm để ra được con số khiến nhiều người giật mình: Tổng mức chi tiêu cho cúng lễ là khoảng 13.000 tỉ đồng năm 2012 và 16.000 tỉ đồng năm 2016.
Cũng theo tính toán của TS Cường, chi tiêu cho đồ cúng của cả nước cao gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em (không bao gồm sách giáo khoa). Nếu chỉ xét trong các hộ gia đình có trẻ em 0-17 tuổi thì tỉ lệ này là 5 lần.
“Tín ngưỡng là quan trọng nhưng chi tiêu ra sao cho hợp lý cũng quan trọng không kém. Thay vì lãng phí quá nhiều tiền vào vàng mã hay đồ cúng lễ, chúng ta nên mua thêm sách truyện cho trẻ nhỏ” – TS Cường kêu gọi.
Có ý nghĩa cảnh báo
Đánh giá về những so sánh và con số mà TS Nguyễn Việt Cường đưa ra, TS Trần Hữu Sơn – Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam – cho rằng, nó có ý nghĩa cảnh báo rất lớn. Vì thực tế mỗi năm Việt Nam vẫn tốn cả tỉ đồng chi cho việc đốt vàng mã, trong khi số tiền đầu tư cho văn hóa, đặc biệt việc mua sách vở ngày càng bị cắt giảm.
Tuy nhiên, theo TS Sơn, hiện nay người Kinh có thói quen đốt vàng mã, còn các dân tộc khác, người Công giáo đều không đốt vàng mã. Vì thế, việc tính toán như TS Nguyễn Việt Cường sẽ khó cho con số chính xác. Hơn nữa, nhiều người thay vì mua sách truyện in cho con, họ chọn sách điện tử, hay học và chơi qua các thiết bị công nghệ, qua môi trường mạng.
“Số tiền người dân bỏ ra để thỏa mãn nhu cầu tâm linh tại gia đình không thấm vào đâu so với số tiền người dân bỏ ra để cúng lễ ở các đền, chùa, miếu phủ hiện nay. Ví dụ, riêng đền Bà Chúa Kho, số tiền mua vàng mã để đốt ước khoảng 80 tỉ đồng/năm đến cả trăm tỉ " - TS Sơn chia sẻ.
Theo ông, việc đốt vàng mã là vấn đề xã hội, cần phải tăng cường tuyên truyền để người dân thấy đây là việc làm gây lãng phí, để dần dần thay đổi thói quen.
Đại biểu lấy lộc đền Trần trước dân: \'May mắn thì được\'
Theo ông Bình, hoàn toàn không có chuyện ưu ái giữa khách là lãnh đạo hay người dân bình thường bởi mọi người ai cũng ... |
Hàng nghìn người hỗn loạn, giành đồ cúng cầu may giữa đêm ở miền Tây
Giữa đêm, hàng nghìn người xô đổ hàng rào để vào bên trong khuôn viên lễ cúng ông Tiêu (huyện Châu Thành, Long An), tranh ... |
Ngày đăng: 14:18 | 05/03/2018
/ https://laodong.vn