Nhiều chợ truyền thống vốn nổi tiếng trong hàng chục năm qua nhưng hiện đang rơi vào cảnh ế ẩm, nhiều trung tâm thương mại cũng vốn là biểu tượng của những thành phố lớn thì nay cũng âm thầm đóng cửa như một số Parkson ở TP.HCM. Mô hình mua sắm nào đang chiếm lĩnh thị trường bán lẻ ở Việt Nam hiện nay?
Từng thành công rực rỡ tại Việt Nam trong gần 2 thập kỷ trước, trung tâm mua sắm Parkson là điểm đến của tầng lớp có thu nhập khá, những người trẻ hiện đại, thích mua sắm… Thế nhưng, đầu năm 2018, Parkson thông báo đóng cửa trung tâm mua sắm Parkson Flemington khiến nhiều người bất ngờ.
Đến du tháng 10 năm nay, lại có thông tin Parkson Cantavil cũng đang dọn dẹp để trả mặt bằng, bảng hiệu Parkson Cantavil bị thay thế bằng một đơn vị dịch vụ khác… cũng khiến đông đảo người mua sắm tại đây tiếc nuối. Parkson, đại diện cho mô hình bách hóa tổng hợp (Department Store) tại Việt Nam đang tỏ ra dần đuối sức trước cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành hàng bán lẻ.
Khung cảnh vắng khách tại Parkson Cantavil thời gian gần đây.
Một thống kê của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam mới đây cho biết, nếu phân loại theo đặc tính bán hàng và quy mô của khu mua sắm, TP.HCM đang có số mô hình bán lẻ đa dạng nhất cả nước với khoảng 10 mô hình.
Các mô hình này bao gồm bách hóa tổng hợp (department store), trung tâm thương mại (shopping mall), Bazaar (kiểu trung tâm thương mại ngoài trời như Saigon Square, Taka Plaza, Sense Market…); trung tâm bán sỉ (như An Đông Plaza, Mega Market), Khu ăn uống – foodcourt, Hypermarket - siêu thị (BigC, Co.op Mart, Emart, Lotte); khối đế bán lẻ khách sạn hoặc khối đế bán lẻ của cao ốc phức hợp; Lifestyle centre (khu mua sắm cho giới trẻ), hệ thống cửa hàng tiện lợi (convenience store) và hệ thống cửa hàng miễn thuế (duty free).
Trong đó, tính đến quý 3.2018, mô hình cửa hàng bách hóa tổng hợp như Parkson đang tụt hậu dần so với sự bùng nổ của các mô hình bán lẻ năng động khác. Xét về mặt bằng, hiện bách hóa tổng hợp chỉ còn khoảng 101.877m2 sàn với vỏn vẹn 7 điểm mua sắm tại TP.HCM như Diamond Plaza, Now Zone, Parkson C.T Plaza, Parkson Hùng Vương và Parkson Saigon Tourist.
Trong khi đó, các trung tâm thương mại hiện đại (shopping mall) có diện tích bán hàng lên đến 880.646m2 sàn, với số lượng điểm đến phân bố dày đặc cả khu trung tâm lẫn khu vực vùng ven trung tâm TP.HCM. Đây cũng là loại hình ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan và nhiều vốn đầu tư nhất trên thị trường bán lẻ TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cho đến thời điểm hiện tại.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc điều hành bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam nhận định, việc mở rộng số lượng cửa tiệm, kênh thương mại hiện đại có tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với kênh thương mại truyền thống và sự tăng trưởng này sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2018.
Theo thống kê của Nielsen Việt Nam, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2012. Số lượng cửa hàng chuyên về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và các cửa hàng thuốc hiện đại cũng tăng gấp đôi trong 2 năm qua. Đáng chú ý hơn, các siêu thị mini (minimart) là kênh bán hàng phát triển số 1 trong các chuỗi cửa hàng được mở ra trong năm 2016 và 2017.
“Theo quan sát của chúng tôi, các nhà bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục mở rộng và đầu tư vào các cửa hàng của họ để thu hút nhiều người mua sắm hơn. Vì vậy, tương lai của các cửa hàng hiện đại với định dạng nhỏ này sẽ rất lạc quan và sự tăng trưởng của kênh này sẽ còn tiếp tục và thậm chí vượt trội trong tương lai”, ông Dũng nhận định.
Người Việt đang chi nhiều hơn cho mỗi lần đi mua sắm, chủ yếu là tại các trung tâm mua sắm hiện đại.
Các trung tâm thương mại, đại siêu thị cũng ghi nhận có lượng khách tăng trưởng khá trong nửa đầu năm nay. Ông Đoàn Diệp Bình, đại diện truyền thông của Siêu thị Lotte Mart cho biết, số lần đi siêu thị của người tiêu dùng có thể đã giảm bớt so với trước đây, tuy nhiên, điểm sáng cho những nhà bán lẻ là số tiền chi tiêu cho mỗi lần đi mua sắm của người Việt đã tăng thêm nhiều.
Dẫu vậy, cùng với sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử, các mô hình bán lẻ trực tiếp như đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi… vẫn đang phải chạy đua từng ngày để giữ thị phần. Cùng với việc mở rộng “địa điểm chiếm đóng”, các mô hình này đang tích cực phát triển bán hàng đa kênh, vừa bán lẻ trực tiếp vừa xây dựng hệ thống thương mại điện tử như website, ứng dụng mua sắm… để tăng doanh số và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo một thống kê khác, các mô hình bán lẻ hiện đại vốn chỉ mới phát triển mạnh tại các vùng đô thị và chiếm khoảng 30 – 40% thị phần bán lẻ Việt Nam, khoảng 60 – 70% thị phần còn lại vẫn thuộc về các mô hình bán lẻ truyền thống, đặc biệt là tại các vùng nông thôn như chợ truyền thống, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp hóa…
Thống kê của Nielsen cũng cho thấy, mặc dù mô hình bán lẻ truyền thống là nhóm chủ thể chiếm số lượng đông đảo nhất với khoảng 1,5 – 1,7 triệu cơ sở, chiếm phần lớn nhất trong thị trường bán lẻ Việt Nam nhưng lại có quy mô từng cá thể nhỏ nhất, năng lực cạnh tranh được xem là yếu nhất và do đó, dễ bị tổn thương nhất.
Đây cũng là mô hình bán lẻ đang chịu nhiều tác động tiêu cực khi các mô hình bán lẻ hiện đại khác ngày càng phát triển mạnh và mở rộng quy mô về các vùng ngoại thành, nông thôn…
2 tỷ mua sắm mỗi tháng biến cô bé này thành sao nhí đắt giá nhất showbiz
Con gái MC nổi tiếng Trung Quốc Lý Tương có cuộc sống xa hoa ngay từ khi mới lọt lòng. |
3000 tỷ nộp phạt chỉ bằng 2 năm mua sắm online của Phạm Băng Băng
Khán giả TQ không dễ tha thứ cho người đẹp họ Phạm, dù cô đã nộp phạt và cúi đầu xin lỗi. |
Nghỉ lễ dài ngày, 7 triệu du khách TQ đổ xô đến Nhật, Hàn mua sắm
Khoảng 7 triệu người Trung Quốc sẽ du lịch nước ngoài trong dịp lễ năm nay, tương đương 5% lượng người xuất ngoại ở Trung ... |
Người Việt chi tiền nhiều nhất cho mặt hàng nào khi mua sắm online?
Không phải thời trang, phụ kiện làm đẹp, người tiêu dùng Việt Nam chi tiền nhiều nhất khi mua sắm qua mạng với mảng du ... |
Ngày đăng: 09:46 | 18/10/2018
/ http://danviet.vn