Đại biểu Quốc hội nói Việt Nam là nước tiêu thụ bia, rượu rất nhiều do \"tính sẵn có và cách quảng cáo loại đồ uống này\".
Sáng 16/11, thảo luận dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đa số đại biểu đồng ý với sự cần thiết ban hành Luật này.
Dẫn số liệu mà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cung cấp, ông Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nói, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.
"Nếu tính phí tổn kinh tế do rượu, bia của Việt Nam ở mức thấp nhất thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng mỗi năm", ông Nhân nói.
Theo ông, tác hại của rượu, bia khủng khiếp như vậy nhưng việc quảng cáo một số loại đồ uống này hiện đang làm người ta nhầm tưởng như thần dược. "Những mỹ từ dành cho rượu, bia trên truyền thông đã quên hay cố tình quên đi bi kịch do đồ uống có cồn mang lại, nhất là các vụ tai nạn từ rượu, bia làm vợ mất chồng, con mất cha diễn ra thường xuyên?", ông Nhân nói.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Vị đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng, sở dĩ Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc là do tính sẵn có của loại đồ uống này. "Nó được bán ở khắp mọi nơi, từ hàng quán, tạp hoá, chợ búa nên người dân không cần tốn công để tìm. Do vậy, muốn hạn chế bia, rượu thì phải có quy định về địa điểm và các trường hợp không được bán rượu, bia", ông nói.
Trước ý kiến cho rằng "nên xây dựng văn hoá uống rượu, bia từ người tiêu dùng thay vì cấm cản", ông Nhân phản biện, "trước hết phải có văn hoá trong sản xuất và kinh doanh rượu, bia".
Theo ông, dù nhiều người cố gắng biện minh cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm thì vẫn khó chấp nhận việc sản xuất ồ ạt bia, rượu. "Chúng ta chọn sức khoẻ của nhân dân hay khoản thu 50.000 tỷ đồng mỗi năm? Dù thế nào, đừng quên rằng tổn thất do các loại đồ uống này lên đến 65.000 tỷ đồng", ông nói.
Phó đoàn Bình Dương đề nghị, Quốc hội cương quyết thực hiện chiến lược "phòng bệnh hơn chữa bệnh", theo đó việc phòng, chống tác hại của rượu, bia phải được thực hiện một cách triệt để và đã đến lúc Việt Nam đưa ra các biện pháp mạnh để đưa đất nước ra khỏi "vị trí không mấy tốt đẹp trong khu vực hay thế giới về tiêu thụ loại đồ uống này".
Ở góc độ tiếp cận khác, đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc con số thiệt hại 65.000 tỷ đồng do rượu, bia gây ra vì theo ông đây chỉ là "áng chừng".
Ông Kiên cũng dẫn chứng một số nước như Nhật gắn với Sake, Hàn gắn với Sochu, một số nước cũng có quốc tửu nên nếu chỉ nói rượu có tác hại thì Luật sẽ khó khả thi. "Tôi đồng ý nếu uống rượu có tác hại quá nhiều thì cần phải chống, nhưng tôi xem các điều luật còn thiếu chế tài, như vậy thì không khác gì lời hiệu triệu", ông Kiên nhận xét.
Tranh luận gay gắt về tên luật
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị đổi tên Luật thành kiểm soát việc "lạm dụng đồ uống có cồn", hướng đến những người dưới 18 tuổi. Theo ông, không nên giảm nhu cầu về đồ uống có cồn nói chung, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến người uống có trách nhiệm và doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.
Ông Trần Quang Chiểu thì lưu ý rượu và bia là hai sản phẩm khác nhau nên chế tài không thể đồng nhất. Ông lấy ví dụ về quy định cấm bán rượu, bia trên internet và cho rằng quy định chỉ áp dụng được với rượu, còn không thể cấm bia vì đây là mặt hàng kinh doanh không điều kiện.
"Nếu để tên Luật là phòng chống tác hại rượu, bia chẳng khác nào khẳng định đây là đồ uống có hại. Nếu vậy thì chúng ta nghĩ gì khi những ngày lễ tết đều dâng lên tổ tiên, khi cúng người thân đã mất ngoài bát cơm còn có chén rượu? Chúng ta nghĩ gì khi khách quốc tế đến thăm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cầm ly rượu vang tiếp khách", ông Chiểu nêu băn khoăn.
Tranh luận với ý kiến trên, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng ông Chiểu đã hiểu nhầm tên dự án Luật, vì dự Luật không cấm mà phòng tác hại, tức là "không phòng có lợi mà chỉ phòng cái có hại".
Theo ông Tuấn, khi lên mạng gõ "lạm dụng rượu là gì" thì sẽ hiện ra ba mức độ. Đó là uống có nguy hại cho sức khoẻ, uống quá độ, nghiện rượu. Như vậy, mức độ đầu tiên nhẹ nhất cũng đã có nguy hại. Ngoài ra, theo ông, uống rượu hay bia đều cung cấp cồn vào cơ thể, đều gây độc hại, ảnh hưởng đến tâm thần, đến tim, hệ tiêu hoá của con người.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: Trung tâm báo chí QH
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng nên để tên Luật là "kiểm soát rượu, bia" và đồng ý quy định hạn chế quảng cáo, tăng cường tuyên truyền về nguy hại của việc lạm dụng bia, rượu.
Phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, dựa trên kinh nghiệm 100 nước xây dựng luật, kể cả các nước có nền sản xuất và xuất khẩu rượu bia lớn nhất, ban soạn thảo đã đi theo ba nguyên tắc cơ bản là giảm tính sẵn có (quy định về giờ bán, tuổi bán, địa điểm bán), tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (nhằm giảm người uống, tăng nguồn thu) và kiểm soát quảng cáo.
"Chúng ta phải đặt lên bàn cân giữa cái lợi về kinh tế và cái hại về sức khoẻ, an sinh xã hội", bà Tiến nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Hoàng Phong
Về tên Luật, bà Tiến đề nghị giữ nguyên vì "phòng, chống tác hại của rượu bia" dễ đọc, dễ hiểu.
Ông Dương Trung Quốc giơ biển tranh luận, gửi ba câu hỏi cho cơ quan soạn thảo. Thứ nhất là trên thế giới có bao nhiêu nước đặt tên như trên. Theo ông Quốc, Việt Nam xếp thứ 3 châu Á về tiêu thụ rượu bia là đáng lo, nhưng Nhật Bản xếp thứ 2 thì "Nhật có phải nước phát triển không, cả về kinh tế và văn hoá".
Trả lời ông Quốc, Bộ trưởng Tiến cho rằng chén rượu vui, ngon thì phải có bạn hiền. Luật vẫn giữ văn hóa đó, không cản trở, chỉ phòng chống tác hại, bảo vệ sức khoẻ người dân. Ban soạn thảo đã xem xét tên luật bằng tiếng Anh, nhưng khi làm phải Việt hóa. Ví dụ nói "đồ uống có cồn" thì không phải người dân hiểu hết, hay từ "kiểm soát" là dịch từ tiếng Anh, nhưng người Việt thường sử dụng "phòng, chống".
"Nước ngoài uống rượu bia song luật họ rất nghiêm, họ có tuổi thọ cao, có luật dinh dưỡng, đặc biệt là văn hoá uống rượu của họ rất văn minh", bà Tiến nói.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống tác hại của bia, rượu. Ở kỳ họp giữa năm 2019, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua đạo luật này.
Đại biểu Quốc hội: \'Nên xây dựng văn hoá rượu, bia thay vì cấm uống\' Các đại biểu có ý kiến trái chiều về tác hại rượu, bia và việc nên "phòng, chống" hay "kiểm soát" loại đồ uống này. |
Ám ảnh bia rượu: Chuyện kể từ nhà xác và bệnh viện tâm thần Từ những tầng cao của Bệnh viện Chợ rẫy, Sài Gòn hiện ra trong đêm sáng trưng, phản chiếu vào dòng nước mắt cứ lăn ... |
Gần 50% nam giới Việt dùng bia rượu ở mức nguy hại Mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) ... |
Ngày đăng: 07:00 | 17/11/2018
/ https://vnexpress.net