Mai Anh Đức, "bệnh nhân 687", đã tặng gần chục máy khử khuẩn tự động và buồng khử khuẩn cho các bệnh viện như một sự "trả ơn".

Giữa trưa nắng cuối tháng 5, trong không gian quán cà phê trên đường Lê Quang Hòa (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), Mai Anh Đức vẫn cùng ba cộng sự hoàn thiện các khâu cuối cùng của chiếc máy khử khuẩn hơi sương di động để kịp tặng cho các bệnh viện tuyến quận Đà Nẵng, trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Người từng mắc Covid-19 "trả ơn" tuyến đầu chống dịch

Anh Đức, bệnh nhân 687 (bìa phải) cùng các cộng sự sáng chế máy phun khử khuẩn di động tại quán cà phê. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ý tưởng chế tạo một chiếc máy phun sương khử khuẩn đến với anh Đức từ lần nằm viện điều trị Covid-19 cuối tháng 7 năm ngoái. Đợt dịch đó, người hàng xóm dương tính với nCoV, anh Đức và con trai 12 tuổi trở thành F1. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy bố con anh cũng đã mắc bệnh và được đưa đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang điều trị.

Người đàn ông 38 tuổi khi đó suy sụp tinh thần, không dám tin vào sự thật. "Khi xem tin tức trên tivi, thấy những hình ảnh bệnh nhân điều trị Covid phải dùng đến máy trợ thở và nhiều thiết bị khác, tôi thực sự lo lắng cho bản thân, gia đình và những người mình đã tiếp xúc", Đức kể.

Dù là bệnh nhân nhẹ hơn và được điều trị ở tầng 5 của bệnh viện, anh Đức đã xin các bác sĩ chuyển xuống tầng 4 để tiện chăm sóc, động viên con trai. Nhìn những y bác sĩ thường xuyên phải mặc những bộ đồ bảo hộ màu trắng kín mít để điều trị cho bệnh nhân, anh quyết tâm sẽ làm hệ thống khử khuẩn tặng cho bệnh viện.

Người từng mắc Covid-19 "trả ơn" tuyến đầu chống dịch

Anh Đức với nước sát khuẩn do mình sản xuất. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhờ sự hỗ trợ từ một người bạn ở TP HCM, anh Đức được cho mượn máy tạo nước sát khuẩn PG3.0 của Nhật Bản, trị giá hơn 100 triệu đồng. Ngay khi ra viện, anh cùng các nhân viên trong công ty và một số người bạn ngày đêm sản xuất nước sát khuẩn tặng cho các bệnh viện, chốt kiểm dịch, khu phong toả,...

Chiếc máy có cơ chế trộn tự động hóa chất và nước máy để tạo ra dung dịch có nồng độ PH từ 5 đến 6,5, an toàn cho da tay. Dung dịch này đạt tiêu chuẩn kiểm định của Viện Pasteur TP HCM. Kể từ đó, nhóm từ thiện mang tên "Team 687" (mã định danh bệnh nhân của Đức) ra đời với với logo chữ màu đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết, và ba chồi non màu xanh lá phía trên thể hiện sự chung tay và hy vọng sớm chiến thắng dịch bệnh.

Hoàn thiện chiếc máy trộn dung dịch sát khuẩn, anh Đức bắt đầu thực hiện lời hứa chế tạo máy khử khuẩn di động và buồng khử khuẩn hơi sương, để thay thế cho các buồng khử khuẩn được đặt ở một số bệnh viện, phun trực tiếp dung dịch, vừa lãng phí, vừa dễ hư hỏng vật dụng cá nhân mang theo.

Vốn là kỹ sư tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng, anh Đức lên mạng nghiên cứu về công nghệ sóng âm tách nước thành hơi. May mắn đã gõ cửa. Anh được một người bạn ở Đà Nẵng hỗ trợ thiết bị để sản xuất ra chiếc máy khử khuẩn tự động đầu tiên tặng Bệnh viện dã chiến Hoà Vang ngay trong đợt dịch thứ 2 ở Đà Nẵng.

Người từng mắc Covid-19 "trả ơn" tuyến đầu chống dịch

Anh Đức bên thiết bị máy phun khử khuẩn di động đã hoàn thiện. Ảnh: Nguyễn Đông.

Sau đó, anh liên lạc với một người ở TP HCM để mua thiết bị máy phun sương tự động, rồi cùng với "Team 687" tự sáng chế phần khung cơ khí đặt máy xuống phía dưới, phía trên là bình chứa dung dịch cấp nước sát khuẩn do nhóm mình sản xuất. Chiếc máy còn được trang bị thêm hệ thống tự động nhận diện có người đi qua và thiết lập thời gian phun sương; hai vòi phun ở vị trí ngang người và dưới chân; lắp bốn bánh xe để dễ dàng di chuyển máy đến các khu vực khác nhau. Với buồng khử khuẩn, anh tạo khung, buồng kính.

Theo anh Đức, trên thị trường có bán hệ thống buồng phun khử khuẩn, nhưng giá thành rất cao, khoảng 50 triệu đồng, rất khó để các bệnh viện tuyến quận, huyện có điều kiện tự trang bị. Buồng khử khuẩn do "Team 687" làm chỉ mất 15 triệu đồng tiền vật liệu, máy khử khuẩn di động chi phí hết khoảng 8 triệu đồng. Nhiều đơn vị đã liên hệ đặt anh Đức làm.

"Tôi lấy phí mỗi thiết bị 5 triệu đồng và dùng chính số tiền này để quay lại mua vật tư để làm thêm nhiều buồng, máy khử khuẩn di động tặng cho tuyến đầu chống dịch", anh nói.

Buồng khử khuẩn đã được anh Đức cùng các cộng sự tặng cho Trung tâm hành chính Đà Nẵng, Trung tâm y tế quận Sơn Trà, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi và Hải Dương trong đợt dịch thứ 3. Bốn máy khử khuẩn di động được tặng cho Bệnh viện Phổi và các trung tâm y tế các quận ở Đà Nẵng trong đợt dịch này.

Người từng mắc Covid-19 "trả ơn" tuyến đầu chống dịch

Anh Đức (bìa phài) tặng buồng khử khuẩn và dung dịch sát khuẩn cho Bệnh viện quận Sơn Trà. Ảnh: Công Giàu.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện Hoà Vang cho biết, máy phun khử khuẩn di động do anh Đức tặng rất tiện lợi trong việc di chuyển đến từng phòng bệnh, phun khử khuẩn các vật dụng cá nhân mà bệnh nhân bắt buộc phải mang về để hạn chế mầm bệnh lây lan cho cộng đồng, nếu có.

"Thiết bị của anh Đức là một sự sáng tạo. Hành động của anh không những quan tâm đến Bệnh viện Hoà Vang nơi mình từng điều trị Covid-19, mà còn hỗ trợ cho các tuyến đầu chống dịch khác là điều rất đáng trân quý", bác sĩ Vĩnh nói.

Nguyễn Công Giàu, 25 tuổi, nhân viên công ty của anh Đức, người từng là F1 và tham gia vào "Team 687" từ những ngày đầu, nói: "Công việc dù mất nhiều thời gian, thường xuyên làm từ sáng đến chiều tối, nhưng cứ nghĩ đến việc góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh nên anh em lại cố gắng".

Từ đợt dịch thứ 2 đến nay, anh Đức và "Team 687" đã sản xuất ra hơn 50.000 lít nước sát khuẩn tặng cho các bệnh viện, khu phong toả, cách ly, chợ ở Đà Nẵng hay các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương. "Nhiều người hỏi mua nước sát khuẩn, tôi không bán mà nói những người cần đến lấy về dùng, hoàn toàn miễn phí", anh Đức nói.

Những ngày này, anh đang cùng các cộng sự gom đủ 1.000 lít nước sát khuẩn, kêu gọi thêm nhà hảo tâm để sản xuất máy khử khuẩn di động tặng cho Bắc Giang vào đầu tuần tới. Anh cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ nếu có các đội, nhóm tình nguyện ở miền Bắc cùng tham gia.

"Tôi không cho rằng hành động của mình là lớn lao. Nhưng là người từng trải quan biến cố Covid trong cuộc đời, tôi cảm nhận được giá trị của cộng đồng, tình nghĩa của anh em, bạn bè nên quyết định phải hành động như một sự tri ân, lời cảm ơn với tất cả mọi người", anh Đức chia sẻ.

Nguyễn Đông

Philippines đứng thứ 9 Đông Nam Á về tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 Philippines đứng thứ 9 Đông Nam Á về tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19
Chuyên gia WHO đề nghị Mỹ chia sẻ thông tin tình báo nguồn gốc COVID-19 Chuyên gia WHO đề nghị Mỹ chia sẻ thông tin tình báo nguồn gốc COVID-19
Chuyên gia cảnh báo sẽ có thêm đại dịch COVID trong tương lai Chuyên gia cảnh báo sẽ có thêm đại dịch COVID trong tương lai

Ngày đăng: 08:46 | 31/05/2021

/ vnexpress.net