Dịch Covid-19 mang đến nhiều thay đổi, hình thành nhiều cách nghĩ mới, cách làm mới, thậm chí là nếp văn hóa mới. Cũng từ trong đại dịch, nhiều y bác sĩ không chỉ khám chữa bệnh mà còn hóa thân thành “nhà báo”, các Facebooker, biết làm MC, biết làm phóng sự, biết làm livestream… để đóng góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Chính những “nhà báo bất đắc dĩ” này đã chung tay với báo chí chính thống nước nhà đẩy lùi tin giả, lan truyền tin tốt, nhất là các thông tin có giá trị và ý nghĩa, được đông đảo người bệnh đón nhận.
Năng động, sáng tạo trong truyền thông y tế
Chiều thứ sáu hàng tuần, chương trình livestream tư vấn sức khỏe trực tuyến của Bệnh viện K lại được tổ chức. Chương trình này do chính các bác sĩ, các chuyên gia của bệnh viện ung bướu lớn nhất cả nước đảm đương nội dung chuyên môn. Có những người lần đầu đứng trước ống kính máy quay, tập từng câu “Xin chào quý vị và các bạn”. Và MC - người dẫn chương trình - cũng là một bác sĩ của viện.
Hoạt động này của Bệnh viện K được bắt đầu từ cuối tháng 4-2021. Mỗi tuần, một nội dung liên quan bệnh lý ung bướu được lựa chọn để các bác sĩ trả lời trực tuyến. Để tiến dần đến sự chuyên nghiệp, bệnh viện có sự hỗ trợ của các nhóm kỹ thuật với nhiều camera, máy trộn hình cho hình ảnh sắc nét... Đó là với những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt. Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, người dẫn chương trình quen thuộc của Bệnh viện K, vẫn nhớ như in những ngày làm “phóng viên chiến trường” trong hai tháng ròng rã bệnh viện trở thành “ổ dịch” lớn nhất Hà Nội, năm 2021.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Bộ Quốc phòng tư vấn cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà |
Trong lúc khó khăn ấy, không một ê-kíp nào bên ngoài có thể giúp đỡ do viện muốn đảm bảo an toàn tối đa cho phóng viên, kỹ thuật viên ở ngoài, chính các nhân viên của viện trở thành những “người truyền tin đặc biệt”. Họ cùng nhau viết kịch bản, dẫn chương trình, cùng quay phim, chụp ảnh… bằng chiếc máy ảnh nhỏ, trong bộ đồ bảo hộ giữa trời tháng 5, tháng 6.
Những buổi tư vấn trực tuyến đầu tiên trong thời gian cách ly ấy thu hút tới 1,6 triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt thích, chia sẻ. Kỷ lục ấy, đến nay hơn một năm, vẫn chưa được phá vỡ. Và chính những buổi tư vấn trực tuyến ấy càng chứng minh định hướng đúng đắn của bệnh viện: Truyền thông phải đi trước một bước, phải nói những điều người dân, bệnh nhân muốn biết.
Từ khi Bệnh viện K được dỡ phong toả, đến nay, đều đặn những buổi tư vấn trực tuyến của viện được tổ chức hàng tuần phát trực tiếp trên Fanpage và Youtube của viện, thu hút lượng theo dõi lớn.
Các bác sĩ - những người hàng ngày chăm chút chuyên môn, trở thành các diễn giả, trả lời hết những thắc mắc của bệnh nhân, người nhà của họ. Quan trọng hơn, những thông tin đó được lan tỏa đến nhiều người. Sau đó, những thông tin từ các buổi tư vấn này được đăng tải trên trang web hay Facebook của bệnh viện, trở thành nguồn tin chính thống. Đến nay, hình thức đăng tải thông tin giáo dục sức khỏe thường thức trên trang web, Facebook đơn vị hoặc qua các buổi sinh hoạt chuyên môn được phát trực tuyến đã không còn xa lạ.
Có thể kể đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… Với những thầy thuốc tham gia công tác truyền thông tại các bệnh viện, càng những buổi tư vấn, những thông tin thực tế, khoa học được phát đi rộng rãi, là cách để chung tay cùng báo chí nước nhà đẩy lùi tin giả.
Một buổi tư vấn trực tuyến cho người dân qua livestream về các bệnh lý ung thư do các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện |
Một buổi truyền thông chữa hàng nghìn người
Chung tay đẩy lùi tin giả, đưa càng nhiều càng nhanh nhất thông tin khoa học, khách quan, chính thống tới người dân một cách rộng rãi, công khai… cũng chính là mục đích của nhiều bác sĩ khi làm truyền thông y tế trên mạng xã hội.
Nhắc tới các bác sĩ tích cực chia sẻ thông tin sức khỏe trên mạng xã hội, không thể không kể tới bác sĩ Trương Hữu Khanh. Ông nguyên là Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, nay là Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM. Cách đây vài năm, khi đang đương chức và có phòng khám riêng, ông bỏ phòng khám, lập Fanpage “Hỏi bác sĩ Nhi đồng” để tư vấn cho phụ huynh, “giúp các thắc mắc về bệnh con nít”. Hỏi lý do, ông thủng thẳng đáp “không thích làm kinh tế nữa”, nhưng hơn hết, ông chia sẻ, trong quá trình khám chữa bệnh trực tiếp, ông sốt ruột vì người dân thiếu thông tin sức khỏe quá. “Nếu khám, tư vấn trực tiếp chỉ nói cho 1-2 người, chỉ 1-2 người biết, trong khi nếu chia sẻ trên mạng xã hội, con số ấy lớn gấp nhiều lần” - ông nói.
Sau 7 năm, Fanpage “Hỏi Bác sĩ Nhi đồng” của ông thu hút hơn 310.000 người “thích” và gần 330.000 người theo dõi. Còn trên trang cá nhân của ông, lượng người theo dõi lên tới gần 700.000 - một con số không thua kém bất kỳ người nổi tiếng nào.
Cũng sốt ruột vì người dân cần thông tin thật trong ma trận tin giả, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Bộ Quốc phòng) quyết định dành một khoảng thời gian trong ngày làm việc bận rộn của mình để chia sẻ, tư vấn sức khỏe cho người dân qua mạng xã hội. Qua nhóm “Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà” có hơn 272.000 thành viên và trên trang facebook cá nhân với hơn 16.000 người theo dõi, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng liên tục chia sẻ, giải đáp, hướng dẫn các vấn đề nóng, thời sự mà đông đảo người dân quan tâm.
Khi Hà Nội ở giai đoạn nóng nhất của dịch Covid-19 (quý III, IV năm 2021 và đầu năm 2022), những chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng và các thầy thuốc quản trị nhóm này thực sự là nguồn thông tin quý giá với người dân. Anh khiêm tốn nói, những điều anh hay các đồng nghiệp trong nhóm chia sẻ đều là những kiến thức thông thường, bác sĩ nào cũng biết, nhưng với người dân lại khác. Trong khi chính người dân đang thực sự cần biết những điều đó. “Nếu tư vấn trực tiếp, hay qua điện thoại, qua tin nhắn cho từng bệnh nhân thì chỉ một người biết, còn khi truyền thông qua mạng xã hội, kiến thức giá trị đó đó sẽ lan tỏa đến nhiều người” - anh nói.
Vậy vì sao những chia sẻ, những dòng trạng thái trên Facebook, Youtube của các bác sĩ này lại thu hút lượng lớn người xem đến vậy? Trước hết, đó là do giá trị nội dung thiết thực, thời sự, đánh trúng tâm lý “đói thông tin” của người dân. Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ, để lựa chọn chủ đề cho một bài chia sẻ, anh lắng nghe từ chính những người xung quanh, cộng thêm sự quan sát, nhanh nhạy trong phán đoán xu hướng tìm kiếm, quan tâm của dư luận.
Đơn cử, trong thời điểm người Hà Nội hoang mang về đơn thuốc cho F0 điều trị tại nhà, xuất hiện nhiều đơn thuốc trôi nổi chứa corticoid hay kháng sinh mà người dân không hay biết, anh nhanh chóng chia sẻ mối hiểm hoạ nếu dùng những thuốc này không đúng chỉ định. Rồi khi nhiều người bỏ hàng triệu đồng tìm cách mua bằng được thuốc kháng virus Molnupiravir, thuốc xanh, thuốc đỏ của nước ngoài chỉ để dự trữ, hoặc uống không đúng chỉ định… anh và các đồng nghiệp cũng “tung” ngay bài viết cảnh báo…
Đại dịch Covid-19 xuất hiện, tầm ảnh hưởng của mạng xã hội càng thể hiện rõ đồng thời lại có sự nhiễu loạn thông tin, khó để phân biệt tin thật và tin giả. Đây thực sự là phép thử với người dân trong bốn bề thông tin mạng. Nhưng đây cũng là phép thử về trách nhiệm xã hội của các bác sĩ - những người mang lên mình trọng trách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các loại bệnh mới nổi như viêm gan “bí ẩn”, đậu mùa khỉ xuất hiện, rồi những bệnh thường niên như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não… vào mùa, thói quen dành thời gian viết bài chia sẻ ấy của các bác sĩ vẫn không hề sao nhãng. Tất cả chỉ vì trách nhiệm với màu áo blouse, với người dân - những người có quyền được cung cấp thông tin sức khỏe chính thống, thiết thực nhất. Với các bác sĩ, các cơ sở y tế, một trong những cách tốt nhất để giảm bớt những tin giả chính là tăng cường sự xuất hiện của tin thật. Và các bác sĩ có uy tín, có chuyên môn, các bệnh viện chính là “kho tin thật” đáng tin cậy.
https://www.anninhthudo.vn/nguoi-truyen-tin-dac-biet-trong-dai-dich-covid-19-post508468.antd
Ngày đăng: 08:11 | 23/06/2022
Thảo Nguyên / ANTĐ