Lực lượng công an cần xem xét lại trách nhiệm khi để tội phạm Trung Quốc tự tung tự tác tại Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng.
Thời gian gần đây, Bộ Công an liên tục triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm có tổ chức của người Trung Quốc tại Việt Nam. Các ổ nhóm này hoạt động với số lượng lớn dưới "vỏ bọc" doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch nhưng lại tạo nên những “căn cứ bất khả xâm phạm” hoạt động phi pháp trong một thời gian dài mà không bị phát hiện.
Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, để các tổ chức tội phạm Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam như vậy cho thấy có sự yếu kém của các cơ quan quản lý, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng, đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của nước ta.
- Các nhóm tội phạm người Trung Quốc đã hình thành một “căn cứ bất khả xâm phạm” ngay trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lại không được phát hiện kịp thời khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn?
Theo tôi rõ ràng những sự việc xảy ra như ở Hải Phòng hay Kon Tum cho chúng ta thấy công tác an ninh trên địa bàn là không ổn, đặc biệt là quản lý người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người nước ngoài thuộc về chính quyền địa phương và ở tầm vỹ mô là của Bộ Công an.
Chúng ta có Luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mới được ban hành mấy năm gần đây.
Trong quá trình xây dựng các luật này, Quốc hội cũng đã quan tâm rất nhiều đến chuyện làm thế nào để quản lý được tất cả những người nước ngoài đến Việt Nam với từng loại Visa khác nhau.
Chúng ta quy định tất cả các cơ sở lưu trú có người nước ngoài khi đến lưu trú tại Việt Nam thì phải cập nhật toàn bộ trích ngang những người đó theo thông tin trong hộ chiếu của họ đến cho cơ quan xuất nhập cảnh của công an tỉnh.
Chúng ta cũng tạo điều kiện thuận lợi để cho người nước ngoài đến Việt Nam có thể cảm thấy được chào đón và ứng xử như các nước văn minh. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người nước ngoài, khi hạn chế việc kiểm tra hành chính, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của họ để tăng tính hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tôi cho rằng có một sự không chặt chẽ trong khoảng giao thoa giữa cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an với các Bộ liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Do vậy các bộ này cần phải xem lại xem lỗ hổng nằm ở đâu.
Vụ việc ở Kon Tum, người Trung Quốc xây dựng ra một cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng bên trong là sản xuất ma túy, rõ ràng chúng ta quản lý ở địa bàn có sự phối hợp kết hợp chưa chặt chẽ.
Xưởng sản xuất ma túy cực lớn của người Trung Quốc "núp bóng" dưới danh nghĩa xưởng chế biến gỗ nhưng chính quyền ở Kon Tum không hề hay biết. |
- Hệ thống luật của Việt Nam chưa chặt chẽ, để các đối tượng lợi dụng những lỗ hổng để vào nước ta hoạt động phi pháp, thưa ông?
Quy định của pháp luật tôi cho rằng không thiếu, bởi vì luật đầu tư chúng ta hạn chế chuyện kiểm tra hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh đó luật quản lý xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam, chúng ta vẫn có thể thực hiện việc kiểm tra hành chính đối với tất cả những người này.
Nếu người ta đến ở các địa phương thì phải chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, làm sao họ đặt ra ngoài được. Trong trường hợp thấy có vấn đề thì chúng ta hoàn toàn có quyền kiểm tra, yêu cầu xuất trình giấy tờ.
Về góc độ hoạt động đầu tư của người nước ngoài ở Việt Nam như thế nào cũng cần phải xem lại. Chúng ta tạo điều kiện cho họ tự do kinh doanh theo luật pháp nhưng trong những trường hợp như thế thì chúng ta dường như không kiểm soát nổi.
Nhất là với các doanh nghiệp FDI 100% vốn nước ngoài, sau khi họ thuê một khu vực, họ dựng một hàng rào lên trong khu vực có giấy phép đầu tư thì gần như nơi đó đã trở thành lãnh thổ của họ, điều đó rất nguy hiểm.
Tôi cho rằng về quản lý nhà nước, các cơ quan, đặc biệt là Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nên đầu tư nghiên cứu xem lỗ hổng là ở chỗ nào để có thể quản lý được, nếu không thì quá nguy hiểm.
Những thông tin này mà xuất hiện ở nước ngoài thì người ta sẽ đặt dấu hỏi lớn rằng lực lượng an ninh của Việt Nam rất tốt, quản lý địa bàn rất tốt, đấu tranh phòng chống tội phạm tốt mà lại để các tổ chức tội phạm Trung Quốc ngang nhiên hoạt động có tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam trong một thời gian dài mới phát hiện ra?
Như vậy rõ ràng đã ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường thu hút đầu tư, môi trường du lịch và ảnh hưởng đến cả uy tín của chúng ta.
- Lo ngại các tổ chức tội phạm Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là mối đe dọa rất lớn đến quốc phòng an ninh của nước ta là có cơ sở, thưa ông?
Tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng với chúng ta là rất nghiêm trọng. Để người nước ngoài, đặc biệt là tội phạm vào nước ta mà trong một thời gian dài, số lượng đông là rất nguy hiểm.
Chúng ta là chủ mà lại để người ngoài vào muốn làm gì thì làm, lại là những hành động vi phạm pháp luật Việt Nam đến người Việt còn không dám làm thì rất nguy hiểm.
Ông Lê Việt Trường
Chẳng hạn như tại Hải Phòng vừa rồi có tới gần 400 người, số lượng tương đương một tiểu đoàn, nếu số này mà có trang bị vũ trang và tiến hành một hoạt động phá hoại nào đó thì sẽ để lại hậu quả rất ghê gớm. Tất nhiên là chúng ta có đủ sức dẹp nhưng sẽ có hậu quả lớn.
Điều lớn hơn nữa là để một lực lượng tội phạm có số lượng đông như thế hoạt động trong một thời gian dài trên lãnh thổ của chúng ta thì rõ ràng vấn đề chủ quyền lãnh thổ đã bị đe dọa.
Chúng ta là một quốc gia độc lập có chủ quyền, chúng ta là chủ mà lại để người ngoài vào muốn làm gì thì làm, lại là những hành động vi phạm pháp luật Việt Nam đến người Việt còn không dám làm thì rất nguy hiểm.
Tất nhiên là khi phát hiện chúng ta đã đấu tranh quyết liệt và thực hiện các biện pháp điều tra xử lý, nhưng tôi cho rằng vẫn rất nguy hiểm.
Ở đây chỉ là một điểm, với các khu vực khác trên cả nước có yếu tố đầu tư từ nước ngoài, nhiều địa phương nói là không thể vào được các khu vực này. Như vậy người ta làm chuyện gì ở trong đó thì chúng ta cũng không thể biết.
Khu lớn hơn với số lượng người lớn hơn nữa thì chúng ta phải có cách gì, nếu như ở đó không phải thuần túy là sản xuất kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam để kiếm lợi ích về kinh tế mà họ lại có lợi ích khác, có tính chất thù địch đối với chúng ta thì chúng ta sẽ xoay sở ra sao khi có tình huống xấu xảy ra?
- Trong vụ việc bắt giữ gần 400 người Trung Quốc hoạt động trong đường dây đánh bạc ở Hải Phòng và triệt phá xưởng sản xuất ma túy ở Kon Tum, chính quyền địa phương đều nói không hề hay biết.
Trách nhiệm lớn nhất phải là của lực lượng công an và chính quyền địa phương, vì lực lượng công an là thực hiện quản lý Nhà nước, ở đây đối tượng là người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ của Việt Nam.
Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam đã giao trách nhiệm cho Bộ Công an thay mặt Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về đối tượng này thì Bộ Công an phải chịu trách nhiệm.
Tương tự ở địa phương là Công an tỉnh, Công an huyện, còn ở góc độ chính quyền chính là Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan tham mưu giúp cho Ủy ban nhân dân.
- Phải chăng có nguyên nhân là sự yếu kém của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương, ở một mức nào đó còn là sự sợ sệt đối với người Trung Quốc, thưa ông?
Tôi cho là không phải như vậy, bởi vì nếu sợ thì đã không dám làm. Khi phát hiện ra các vụ việc chúng ta đã bắt giữ và thu gom lại ngay. Giữa 2 nước đã có hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm, chúng ta đã thực hiện theo đúng thỏa thuận giữa 2 quốc gia, tôi nghĩ rằng không có vấn đề gì.
Cái yếu kém của chúng ta ở đây là ở trong công tác quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật.
Tôi cho rằng ở đây rất nhiều các bộ phận ở cơ sở nắm không vững những quy định pháp luật. Do vậy, khâu tuyên truyền, phổ biến và tập huấn về pháp luật đối với các lực lượng chuyên trách chúng ta phải làm thêm.
Tôi lấy ví dụ như chúng ta thấy rất rõ chuyện người nước ngoài sang Việt Nam là có thể thoải mái thuê xe máy và phóng vô tư, đầu không đội mũ bảo hiểm.
Chính là lực lượng CSGT của chúng ta yếu về năng lực, không có ngoại ngữ thành ra ngại, thổi lại thì chẳng biết nói gì với họ cả. Còn chúng ta đi nước ngoài chúng ta vi phạm thì thấy nước ngoài họ xử lý rất nghiêm và không ai thoát được.
Cái e ngại của chúng ta là do thiếu ngoại ngữ cũng như một số năng lực nhất định, rụt rè khi ứng xử. Ở đây không chỉ với người Trung Quốc mà với tất cả những người nước ngoài khác đang cư trú và làm ăn trên lãnh thổ của chúng ta, cứ người nước ngoài là chúng ta có phần hơi nể.
Mặt khác, một số địa phương tôi được biết có chủ trương trải thảm đỏ để thu hút đầu tư, coi việc người ta đến đầu tư ở cho mình đã là tốt rồi.
Ví dụ như ở Kon Tum được nhà đầu tư đến thì địa phương chắc sẽ rất phấn khởi, nhưng tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải siết chặt lại chuyện quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nếu như có kẽ hở thì cần phải kịp thời sửa đổi, bổ sung.
- Quản lý người nước ngoài ở Việt Nam, đặc biệt là người Trung Quốc “núp bóng” đi du lịch, làm việc phạm tội không phải dễ dàng, thưa ông?
Tôi cho rằng giải pháp đầu tiên là phải có ngay một chỉ thị cho chính quyền và công an các địa phương về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và đặc biệt là cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cũng cần tập huấn về pháp luật cho các lực lượng chuyên trách và nên có cách tiếp cận mới của các cơ quan khi cấp phép đầu tư cho người nước ngoài vào Việt Nam.
Chúng ta cần phải có một số các bổ sung mới như việc lưu ý họ trong thời gian lưu trú ở Việt Nam để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, họ phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng ở các địa phương để lực lượng công an có thể định kỳ vào kiểm tra về mặt an ninh trật tự.
Tôi có nghe nói sau vụ việc ở Hải Phòng, Bộ Công an đang muốn đề nghị Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đưa bổ sung gấp vào trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội một số điều của luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bây giờ lại có thêm vụ ở Kon Tum nữa, tôi cho rằng đây là một đề xuất rất kịp thời và theo tôi Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nên ủng hộ và phải thuyết phục Quốc hội sớm thông qua luật sửa đổi, bổ sung này.
Theo quan điểm của Đảng, chúng ta phải cải cách bộ máy của Chính phủ theo hướng Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nhưng một việc chỉ có một người chịu trách nhiệm.
Một loại việc có nhiều Bộ liên quan phối hợp với nhau nhưng phải có một người chịu trách nhiệm. Quan điểm của Đảng là như thế rồi nhưng chúng ta trên thực tế còn chưa sòng phẳng với nhau chuyện này.
Ngày đăng: 14:29 | 13/09/2019
/ vtc.vn