Những ca nhiễm nCoV mới phát hiện ở tỉnh An Huy và Liêu Ninh đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy người dân Trung Quốc tiêm vaccine.
"2h sáng, tôi đã mặc áo mưa đứng xếp hàng chờ tiêm. Tôi đợi mất khoảng 6 tiếng để được tiêm vaccine vào buổi sáng hôm nay", Li, một cư dân ở thành phố Hợp Phì, nói hôm 16/5.
Kể từ khi đợt bùng phát lần đầu được báo cáo ở tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc vào tuần trước, 7 ca nhiễm đã được ghi nhận ở đây, trong khi tỉnh Liêu Ninh cũng ghi nhận 13 trường hợp. Chuyên gia cho biết những ca nhiễm này có liên quan tới nhau và đợt bùng phát dường như bắt nguồn từ thành phố cảng Doanh Khẩu ở Liêu Ninh.
Triệu Vi, giáo sư y tế cộng đồng ở Đại học Y khoa Phương Nam, nói đại dịch vẫn là một mối lo ngại nghiêm trọng và Trung Quốc không thể xem nhẹ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát.
"Nguy hiểm vẫn luôn hiện hữu", ông cảnh báo.
Người dân chen nhau xếp hàng tiêm vaccine tại một điểm tiêm chủng vùng nông thôn ở tỉnh An Huy hôm 13/5. Ảnh: AP. |
Đợt bùng phát mới đã khiến người dân đổ xô tiêm chủng. Giới chức thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy cho biết đã ghi nhận số người đi tiêm vaccine kỷ lục.
Fan Feng, một cư dân ở thành phố Hợp Phì, cho biết từng không muốn tiêm vaccine vì chưa thấy có ca nhiễm ở thành phố, nhưng đợt bùng phát mới đã khiến cô thay đổi quan điểm.
"Việc tiêm chủng đột nhiên trở nên khó khăn. Chúng tôi có thể phải đợi vài ngày. Hàng người xếp chờ tiêm đã rất dài từ 7h30 sáng ngày 15/5 và vẫn không giảm bớt dù trời mưa nặng hạt suốt cả ngày hôm đó", Fan nói.
"Đã tiêm vaccine chưa?" giờ thậm chí trở thành câu chào hỏi mới của cư dân ở tỉnh An Huy.
Terasa Xu, giáo viên tiếng Anh 32 tuổi ở Hợp Phì, nói giờ cũng đã nghĩ tới việc tiêm vaccine. Cô cho biết đang công tác ở Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông và đã được cảnh sát liên hệ để hỏi về lịch trình sắp tới, cũng như yêu cầu cô xét nghiệm.
"Nếu tôi không tiêm chủng, tôi gần như chắc chắn bị yêu cầu giấy chứng nhận xét nghiệm ở những nơi khác. Điều này thực sự phiền phức", cô nói.
Trước đợt bùng phát, tỷ lệ tiêm chủng ở tỉnh An Huy và Liêu Ninh khá thấp khi chỉ ghi nhận trung bình 20 người tiêm chủng trên 100 dân, trong khi mức trung bình quốc gia là 29.
Nhưng ổ dịch mới là tất cả những gì An Huy cần để tiêm chủng cho hơn 1,1 triệu người trong một ngày 16/5. Tỷ lệ tiêm chủng trung bình hàng ngày của tỉnh này trong tuần trước đó là hơn 840.000 liều. Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, cũng tiêm chủng hơn 100.000 liều mỗi ngày kể từ hôm 12/5, theo Xinhua.
Tác động của ổ dịch mới cũng được nhận thấy trên khắp cả nước, khi chỉ riêng ngày 14/5, 14 triệu người được tiêm chủng trên khắp Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, gần 80% người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất một liều, theo Global Times.
Trung Quốc đã tiêm chủng hơn 400 triệu liều vaccine, nhiều hơn số lượng của Mỹ, Anh và Đức gộp lại. Dù 400 triệu liều chưa đủ bao phủ 50% trong số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, tốc độ tiêm chủng đang tăng chóng mặt.
Giới chức nước này hoàn thành 100 triệu liều đầu tiên vào ngày 27/3. Sau đó, họ mất thêm 26 ngày để đạt 200 triều liều tiếp theo và chỉ 17 ngày để cán mốc 300 triệu. 100 triệu liều mới nhất được hoàn thành chỉ trong vòng 9 ngày.
Thiệu Nhất Minh, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc và là chuyên gia phát triển vaccine Covid-19, nói số lượng chủng hàng ngày có thể đạt 20 triệu liều nếu cần. Con số này tương đương khoảng một nửa dân số California.
"Nguồn cung vaccine đang tăng lên cùng với nhu cầu tiêm chủng để phòng chống dịch bệnh. Cả nước đang được tiêm chủng một cách có trật tự. Mọi người nên cảm thấy khẩn cấp nhưng không cần hoảng loạn. Nguồn cung của chúng ta đủ đáp ứng và khả năng sản xuất đang tăng dần", ông Thiệu nói.
Ông Thiệu thêm rằng với nguồn cung vaccine tăng trong nửa cuối năm nay, Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021.
Chuyên gia bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn ngày 18/5 nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng ở quốc gia này.
"Bước tiếp theo rất quan trọng là xây dựng miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm chủng rộng rãi. Các biện pháp phòng ngừa mà chúng ta đang sử dụng là không đủ, không chỉ đối với Trung Quốc", ông Chung nói.
Một điểm tiêm chủng tại Đại học An Huy ở thành phố Hợp Phì ngày 17/5. Ảnh: China Daily. |
Trung Quốc đang dựa trên chiến lược xét nghiệm nhanh trên diện rộng, truy vết tiếp xúc nghiêm ngặt, cách ly và phong tỏa khi các ổ dịch được báo cáo. Quốc gia này hầu như không ghi nhận các đợt bùng phát thường xuyên, nhưng chiến dịch tiêm chủng chưa đồng bộ có thể đe dọa kế hoạch mở cửa hoàn toàn biên giới.
Bắc Kinh hồi tháng 3 đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 40% dân số trước tháng 6 và ước tính khoảng 70-80% dân số hoàn thành tiêm chủng vào đầu năm tới nếu việc sản xuất vaccine được đảm bảo.
"Theo quan điểm sơ bộ của tôi, phải 80% dân số được tiêm chủng các loại vaccine có tỷ lệ hiệu quả từ 70% thì mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Đây là một vấn đề cấp bách", ông Chung nói.
Chuyên gia này thêm rằng việc khẩn trương đạt miễn dịch cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ người dân mà còn giúp giảm nguy cơ virus biến chủng.
"Chúng ta càng sớm đạt miễn dịch cộng đồng, càng ít biến chủng xuất hiện. Điều này rất cấp bách với Trung Quốc", ông cho hay.
Thanh Tâm (Theo CNN, SCMP, Global Times, China Daily)
Trung Quốc tiêm vaccine COVID-19 nhanh nhất thế giới, 14 triệu mũi/ngày |
Ngày đăng: 08:31 | 20/05/2021
/ vnexpress.net