Chuyên gia chỉ thẳng nguyên nhân ngày càng nhiều cán bộ trẻ ở Việt Nam thăng tiến thần tốc và sự khác biệt giữa Việt Nam với nhiều nước trên thế giới.

Thời gian vừa qua hàng loạt người trẻ tuổi được bổ nhiệm, cất nhắc, thăng tiến một cách thần tốc.

Mới đây nhất là trường hợp của ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định được bổ nhiệm khi mới tròn 28 tuổi.

Trước đó là ông Vũ Minh Hoàng mới 26 tuổi được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Kinh tế. Hay trường hợp ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng (đã bị cách chức nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương) khi mới 28 tuổi đã được điều động về Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ở vị trí hàm phó vụ trưởng để đảm đương chức Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Sabeco.

Còn hàng loạt vụ bổ nhiệm khác khiến người dân bức xúc ở Quảng Nam, Hải Dương, Hà Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...

Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho biết những trường hợp trên thăng tiến được đa phần đều có bóng dáng năm chữ C - "con cháu các cụ cả". Và ông nhắc đến một số trường hợp được bổ nhiệm khi còn rất trẻ ở nước ngoài. Đó là Sebastian Kurz - người trở thành Thủ tướng Áo ở tuổi 31; Justin Trudeau làm Thủ tướng Canada khi 45 tuổi hay mới đây là ông Syed Saddiq Abdul Rahman, Bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử Malaysia khi nhậm chức ở tuổi 25.

nguoi tre thang tien than toc sao chua thay nhan tai

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định được bổ nhiệm siêu tốc

Từ những trường hợp này, GS.TSKH Phạm Phố cho hay, các nước chú trọng người trẻ nhưng cũng đòi hỏi người đó phải tài giỏi, có năng lực, đạo đức. Khi ứng cử, những ứng viên này đều có chương trình hành động, trong đó họ cho thấy bản thân làm gì cho đất nước, làm gì cho phúc lợi của nhân dân và thuyết phục được quần chúng tin rằng họ làm được những điều đó, khi ấy người đó mới được lựa chọn.

Ngược lại, trong trường hợp một người không đủ năng lực được đưa lên, lập tức dư luận và phe đối lập sẽ đả kích và đấu tranh đưa xuống ngay.

Như Syed Saddiq, người đang được đánh giá là ngôi sao mai trên bầu trời chính trị Malaysia, tốt nghiệp Đại học Hồi giáo Quốc tế và cực kỳ nổi tiếng tại Malaysia sau khi ông giành danh hiệu Nhà Hùng biện Giỏi nhất châu Á tại cuộc thi Vô địch Tranh luận của Asian British Parliamentary (ABP).

Tân Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao từng 2 lần từ chối lời mời làm Thạc sĩ tại Đại học Oxford của Anh về Chính sách Công với lý do ông “cần phải phục vụ người dân Malaysia”.

Tại Việt Nam, theo vị chuyên gia, bóng dáng "cha truyền con nối", "một người làm quan, cả họ được nhờ" từ thời phong kiến cho tới nay vẫn duy trì, cho nên con em quan chức bao giờ cũng được ưu ái, hỗ trợ để thăng tiến.

"Thế nhưng ngay ở thời phong kiến, cha truyền con nối cũng rất khác bây giờ. Một người lên làm vua phải văn võ song toàn, học hỏi nhiều thứ, còn giờ toàn "con cháu các cụ cả", không phải tự nhiên mà lên được.

Điều đáng buồn là người ta không chú trọng nhiều về tài năng mà chú trọng thành phần, thành phần đó phải phù hợp với họ, biết "nói ngọng", làm theo ý người ta. Và khi cấp trên đã bổ nhiệm thì cứ thế mà thi hành", GS Phố chia sẻ.

Nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn chỉ rõ, những người trẻ tuổi ở nhiều địa phương thường chỉ bị phát hiện thăng tiến thần tốc khi bố mẹ, người thân thích của họ sắp về hưu, bắt đầu thất thế, các bộ phận đấu đá nhau rồi khui ra.

"Tất cả đều vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân cả mà thôi. Tâm lý người làm cha làm mẹ luôn lo lắng cho con, thế nên trong nhiệm kỳ của mình, có quyền trong tay, người ta cũng muốn cất nhắc con mình. Nhưng khi họ bắt đầu thôi chức thì bị người khác tố ra.

Rồi cũng có trường hợp bổ nhiệm được cấp trên thuận rồi thì dưới không dám phản ứng. Ngược lại, nếu trên không thuận thì khi bên dưới, xã hội đưa ra, người được bổ nhiệm thần tốc, thăng tiến thần tốc kia sẽ phải chịu đòn. Bởi dư luận quá bức xúc với tham nhũng, lộng quyền nên hễ có trường hợp nào được đưa ra, lập tức sẽ xô vào", GS.TSKH Phạm Phố nói.

Vị chuyên gia nhắc lại những lý do, tuyên bố của một số địa phương khi lộ ra trường hợp quan lộ thần tốc, nào là bồi dưỡng tài năng trẻ, nào là đúng quy trình... Ông nhấn mạnh, bồi dưỡng tài năng trẻ là chuyện đương nhiên, xã hội nào cũng phải khuyến khích nhưng để là một cán bộ có trọng trách thì phải có tài và có đức.

Còn về chuyện đúng quy trình, quy trình chỉ là hình thức, quy trình do cấp trên đưa ra và nằm trong tay họ, được thông qua tập thể đàng hoàng nên không có gì là không làm được.

Sự khác biệt và cũng là đáng buồn được GS.TSKH Phạm Phố chỉ ra, đó là ở các nước phát triển, nếu ai làm sai sẽ bị đề nghị bãi nhiệm ngay và sự nghiêm khắc đó khiến người ta không dám làm bậy. Thế nhưng, ở Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng trên bảo đúng thì tất cả đúng, đến khi sai lệch bị tố ra thì ai cũng tránh trách nhiệm để bảo vệ uy tín của mình.

"Nếu nói đừng đề bạt cán bộ trẻ nhanh thì đó là sai lầm bởi như vậy thì xã hội không phát triển được. Vấn đề nằm ở chỗ bổ nhiệm có đúng mục đích, người được bổ nhiệm có tài đức để phục vụ nhân dân không.

Không thiếu trường hợp người được bổ nhiệm xong lập tức lo cho mình, cho gia đình để có tiền mua đất, xây nhà, để bù đắp lại số tiền mình đã bỏ ra chạy chức, chạy quyền bởi có chức này chức nọ hẳn không chỉ là nhờ quan hệ", GS Phạm Phố trăn trở.

nguoi tre thang tien than toc sao chua thay nhan tai Thu hồi quyết định bổ nhiệm \'thần tốc\' Phó giám đốc Sở ở Bình Định

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đề nghị xóa tên khỏi danh sách Đảng viên, thu hồi các quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn ...

nguoi tre thang tien than toc sao chua thay nhan tai Quan lộ thần tốc của PGĐ Sở 32 tuổi: Tình tiết mới

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, nếu chúng ta không có biện pháp cạnh tranh thì không khéo chúng ta không thu hút được người ...

nguoi tre thang tien than toc sao chua thay nhan tai Bổ nhiệm thần tốc Phó Giám đốc, hóa ra là….

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định mới được phát hiện ra có một quá trình bổ nhiệm thần ...

Ngày đăng: 14:00 | 19/09/2018

/ http://baodatviet.vn