Trong bối cảnh, giá nhà đất liên tục tăng thời gian qua, cơ hội tiếp cận nhà ở của những người có thu nhập trung bình, thấp ở khu vực đô thị ngày càng trở nên khó khăn. Tuy vậy, một loạt những thông tin tích cực liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội ít ngày qua có thể mở ra cơ hội mua nhà cho những người có thu nhập thấp thời gian tới.

Những tín hiệu vui

Tại Hà Nội, dù nhu cầu rất lớn, thế nhưng đã một thời gian dài hầu như không có dự án nhà ở xã hội nào được hoàn thành đưa vào sử dụng. Chính vì thế, những người thu nhập thấp không thể tiếp cận được với nhà ở thương mại khi giá phân khúc chung cư trung bình đã ở mức 30 – 40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, tại “Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” vừa diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội cho biết,  đang định hướng làm 5 khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô khoảng 280ha, trong đó tập trung nhiều nhất tại Đông Anh. Nếu các dự án này sớm được triển khai sẽ giải quyết bài toán nhà ở được cho hàng trăm nghìn người đang khó khăn về nhà ở hiện nay.

Người thu nhập thấp sẽ sớm được “an cư”? -0
Hàng triệu người thu nhập thấp sẽ giải quyết được bài toán nhà.

Theo UBND TP Hà Nội, trong các dự án này, Đông Anh có 2 khu, diện tích lần lượt 84ha và gần 100ha; Gia Lâm khoảng 55 ha; còn lại Thanh Trì và Thường Tín, mỗi khu vực khoảng 4ha. TP Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 38.000 căn hộ, đảm bảo 2,3 triệu m2 sàn nhà ở. Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm để phát triển khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung để thực hiện nhu cầu nhà ở xã hội nói chung và nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu vực công nghiệp khác trên địa bàn.

Trong khi đó, cũng tại hội nghị này, nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản đã cam kết sẽ xây dựng 1,2 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong những năm tới. Cụ thể: Tập đoàn Vingroup, phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội; Tập đoàn Novaland cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội tại các tỉnh thành phía Nam và trọng tâm là TP Hồ Chí Minh; Tập đoàn Him Lam đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030; đại diện Tập đoàn Sun Group và Tập đoàn Bitexco cũng đều sẵn sàng tham gia vào mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Đây không chỉ là tin vui lớn với người thu nhập thấp, đó còn là niềm tin cho thị trường bất động sản nói chung khi mà các đại gia cùng "bắt tay" làm nhà ở xã hội thì tính bền vững cho phân khúc này sẽ cao hơn. Đồng thời, thời gian tới, hàng triệu người dân sẽ có nhiều lựa chọn chốn an cư chất lượng hơn và phù hợp tài chính.

Vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt   

Theo UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2021 – 2030, địa phương này dự kiến có 113.000 căn nhà ở xã hội, với vốn đầu tư xây dựng khoảng 12.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cũng sẽ cần nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung; rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh các khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển đặt ra; bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

“Cùng với đó phải làm sao kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư. Cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng. Khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới. Các giải pháp này phải được thực hiện đồng bộ thì mới có thể đạt được mục tiêu để ra và giải quyết bài toán nhà ở cho người dân được”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Văn Tuấn cho hay.

Khơi thông nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Xây dựng đặt ra trong thời gian tới. Theo con số của Bộ Xây dựng, trong quý II/2022, trên cả nước chỉ có 3 dự án nhà ở thu nhập thấp đã hoàn thành với 1.134 căn hoàn thành tại Kon Tum, Ninh Thuận. Số dự án đang triển khai xây dựng là 96 dự án với 123.514 căn, (Bình Dương có 42 dự án). Số lượng dự án nhà ở thu nhập thấp được cấp phép mới là 4 dự án với quy mô 2.652 căn tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam. Số lượng dự án nhà ở thu nhập thấp được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 7 dự án với 2.163 căn hộ.

Trong khi đó với nhà ở cho công nhân có 24 dự án với gần 21 nghìn căn hộ đang triển khai xây dựng là 24 dự án với 20.945 căn. Số lượng dự án nhà ở công nhân được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai chỉ có 2 dự án với 1.032 căn. “Chúng tôi cũng đang yêu cầu các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn”, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết.

 https://cand.com.vn/dia-oc/nguoi-thu-nhap-thap-se-som-duoc-an-cu--i663154/

Ngày đăng: 16:10 | 08/08/2022

Phan Hoạt / Công an nhân dân