Bà Lý đã đi vay nặng lãi, cắm sổ đỏ để lấy tiền nộp vào các tài khoản của người lạ để chờ nhận được "kiện hàng chứa đô la".
Vài ngày trước, bà Phạm Thị Lý (56 tuổi, trú tại Nghệ An) trình báo với đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Nghệ An) việc bị kẻ xấu chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng.
Bà Lý kể, gần nửa năm trước có một tài khoản Facebook lạ kết bạn và giới thiệu là người đàn ông ngoại quốc đang chiến đấu tại chiến trường Syria. Lân la trò chuyện qua mạng xã hội, biết được bà Lý đang gặp trắc trở trong hôn nhân nên người này luôn tỏ ra chia sẻ.
Nhiều tháng trò chuyện, người đàn ông ngoại quốc tâm sự rằng "trong lúc đang chiến đấu thì nhặt được một bao tải chứa 20 triệu USD. Vì gặp khó khăn trong việc chuyển số tiền này về Mỹ nên phải chuyển qua một nước trung gian là Việt Nam và nhờ bà Lý giữ". Người này cũng nói thêm, sau khi kết thúc chiến tranh sẽ qua định cư cùng bà Lý.
Vài ngày sau đó, bà Lý nhận được cuộc gọi xưng là nữ nhân viên một sân bay ở miền Nam và thông báo có một kiện hàng được gửi về từ nước ngoài. Song để nhận số hàng này thì bà Lý phải chuyển phí 40 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng do cô ta cung cấp.
Tin lời, bà Lý đã chuyển số tiền theo yêu cầu, tuy nhiên vài ngày sau người phụ nữ xưng là nhân viên sân bay này tiếp tục thông báo với bà Lý rằng họ "phát hiện kiện hàng chứa 20 triệu USD, bởi vậy nếu muốn nhận hàng thì phải nộp phí 200 triệu đồng".
Bà Lý vẫn tiếp tục nộp số tiền này theo yêu cầu bởi trong lòng nghĩ rằng số tiền này quá ít ỏi số với kiện hàng chứa toàn đô la mà mình sắp nhận. Tuy nhiên vài tuần sau, bà Lý lại nhận được điện thoại của người phụ nữ này gọi tới thông báo rằng phải nộp thêm phí sân bay, phí trông giữ thì mới nhận được kiện hàng. Người này cũng không quên yêu cầu phải giữ bí mật vì đây là kiện hàng giá trị, tránh bị cướp khi đã nhận.
Hết tiền mặt, bà Lý sau đó đã đi vay nặng lãi, cắm sổ đỏ, để nhiều lần nộp tiền vào các tài khoản mà nữ nhân viên sân bay yêu cầu. Đến giữa tháng 12, bà Lý đã nạp tổng 2,2 tỷ đồng, song từ đó đến nay thì không thể liên lạc được với "nữ nhân viên sân bay".
Sáng 23/12, Thiếu tá Hà Huy Đức, đội trưởng đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng Cảnh sát hình sự Nghệ An) cho hay, thủ đoạn lừa đảo này không phải là mới.
"Nhóm tội phạm này có thể có nhiều người, trong đó có người ở nước ngoài, có người ở Việt Nam. Chúng thường nhắm vào sự cả tin của những người thiếu hiểu biết, sau đó lên kịch bản rất kỹ để thực hiện các bước lừa đảo", thiếu tá Đức phân tích và cho rằng người dân cần cảnh giác với các số máy điện thoại lạ gọi tới.
Hiện số tiền mà nạn nhân Lý chuyển vào các tài khoản ngân hàng đã bị kẻ xấu rút hết. Công an đang tập trung thu thập chứng cứ.
* Họ và tên nạn nhân trong bài đã thay đổi.
Ngày đăng: 16:21 | 23/12/2018
/ https://vnexpress.net