Với tấm lòng và tình yêu thương như một người mẹ, chị Hải đã tự nguyện làm “xe ôm” cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong suốt nhiều năm.
|
|
Đằng sau những chuyến xe là những câu chuyện cảm động và hành trình động viên, chia sẻ với các em của cô Hải. |
Tại vùng quê Quảng Nam, suốt 6 năm qua, có một người phụ nữ tình nguyện đưa đón những học sinh nghèo không có phương tiện đi lại đến trường, mặc cho thời tiết mưa dầm hay nắng gắt. Người phụ nữ ấy là chị Nguyễn Thị Hồng Hải (35 tuổi, trú thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh).
Em Nguyễn Thị Thu Thủy (5 tuổi, thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc) là một trong những học sinh may mắn được chị Hải đưa đón đi học nhiều năm qua.
Mẹ mất từ khi mới chập chững biết đi, Thủy ở với bà ngoại đã ngoài 60 tuổi lại bị bệnh tim khá nặng. Đến tuổi đi học mẫu giáo, Thủy không có ai đưa đón. Thấu hiểu hoàn cảnh của cháu Thủy, mỗi buổi sáng chị Hải đến tận nhà đưa Thủy đến trường và sau mỗi ngày làm việc cô lại đón cháu về nhà.
Ban đầu Thủy rất khó tiếp xúc, chị Hải phải mất một thời gian làm quen, mới khiến cô bé thay đổi. Giờ thì suốt chặng đường hơn 6 cây số từ nhà tới trường cô bé tíu tít cười nói, kể đủ thứ chuyện với chị. Con đường từ nhà tới trường ngoằn ngoèo trở nên ngắn ngủi.
Người dân địa phương cảm phục, khen ngợi hành động của cô Hải và gọi cô bằng cái tên trìu mến: “Cô Hải xe ôm”.
“So với chúng bạn, Thủy thiệt thòi nhiều, nên mình ráng giúp được chút gì thì giúp, động viên tinh thần em chăm ngoan học tập”, chị Hải nói.
Thủy không phải là trường hợp duy nhất được chị Hải đưa đón đến trường những năm qua.
Trước bé Thủy, chị Hải đã chở 6 em khác có hoàn cảnh tương tự.
Hình ảnh “cô xe ôm” đã quá quen thuộc trên khắp nẻo đường thôn Tây Lộc. Nhiều em được chị đưa đón đến trường vì nhà neo người, đến nay một số đã là học sinh cấp 1, cấp 2…
|
|
Từ sáng sớm, cô Hải lại đến nhà Thủy để chuẩn bị áo quần, cặp sách đưa đón em đến trường. |
Không chỉ vậy, bản thân chị còn vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn cùng chung tay giúp cho các cháu có thêm tấm áo, đôi dép, tiền ăn hằng ngày để cùng các bạn khác có một tuổi thơ trọn vẹn… Việc làm của cô đã chạm đến trái tim của nhiều người dân thôn Tây Lộc cũng như cán bộ, giáo viên của nhà trường, nơi cô Hải đang công tác. Còn với các cháu, cô chính là người mẹ hiền yêu quý…
“Thấy hoàn cảnh của cháu nào khó khăn, không có điều kiện đến trường, tôi đưa đón các cháu, đến khi nào cháu lớn lên, vào cấp 1, tự đi xe đạp được thì tôi tiếp tục đón em khác. Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đưa đón thêm cháu Nguyễn Ngọc Mỹ Hạnh (năm nay vào lớp 3, Trường Tiểu học Lê Lợi) do điểm trường thôn đã quá tải”, chị Hải nói.
Trong chặng đường thiện nguyện của mình, chồng chị, anh Bùi Minh Cảnh (40 tuổi) cũng góp một phần không nhỏ. Nhờ sự động viên của chồng và giúp đỡ chị đưa đón những đứa trẻ những lúc chị ốm đau, bệnh tật, sinh nở mà hành trình thiện nguyện của chị mới kéo dài được đến ngày hôm nay, đảm bảo cho cả chặng đường về sau của các cháu.
Thầy Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi nhận xét, việc chị Hải tình nguyện đưa đón các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, kêu gọi giúp đỡ cho các em trong nhiều năm liền là việc làm rất khó khăn để duy trì, không phải ai cũng làm được. Việc làm này có tính lan tỏa đến toàn xã hội, là một tấm gương trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
“Nhờ việc làm của cô Hải mà nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến lớp. Nhà trường cũng ghi nhận, bản thân tôi là một lãnh đạo cũng học hỏi được từ việc làm của cô, cũng rất trân trọng. Nhà trường cũng kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường tiếp tục có những việc làm thiết thực để giúp ích cho địa phương và góp phần nhỏ cho việc giúp đỡ cho những trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh để càng ngày càng lan rộng hơn”, thầy Thạch nhận xét.
Làm việc thiện xuất phát từ chính tấm lòng chân thành, trong sáng. Những việc làm thầm lặng của chị Hải đã và đang cho thấy rằng cuộc sống dù nơi này, nơi kia còn những bon chen, còn những điều chưa đẹp, thì ở cạnh ta, xung quanh ta vẫn còn rất nhiều người tốt, việc tốt, trong đó có những con người được truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực từ tấm gương ngời sáng của Bác Hồ, luôn tự giác học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Mộc Miên (T/h)
Điện Biên: Vẫn còn cảnh học sinh chui túi nilon vượt suối lũ tới trường
Nhiều học sinh ở bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) phải chui túi nilon nhờ người lớn đưa qua suối lũ, băng ... |
Cô giáo lội suối, đi bộ hai ngày mới tới trường
Mang theo bánh mì, sữa để lót dạ, giáo viên ở Nghệ An mất hai ngày và một đêm để đến được nơi công tác. |
Xúc động bước chân đi tìm con chữ của trẻ vùng cao Nghệ An
Điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cùng đó là địa hình đồi núi hiểm trở... khiến cho con đường đến với cái chữ ... |
Ngày đăng: 16:15 | 25/11/2019
/ www.doisongphapluat.com