Phong trào phản đối cải cách hưu trí của Pháp đã bước sang một giai đoạn mới vào ngày 7/3 vừa qua khi hàng triệu người biểu tình trên khắp nước Pháp cùng đổ xuống đường phố. Sau một thời gian tạm lắng, phong trào phản đối này ngày càng mạnh mẽ và không có dấu hiệu suy giảm.
Ngày hành động thứ sáu của giới công đoàn Pháp diễn ra hôm 7/3/2023 để chống lại kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng của chính quyền Tổng thống Macron có thể được xem là một thành công khi thu hút số lượng người biểu tình rất lớn. Công đoàn CGT khẳng định có đến 3,5 triệu người xuống đường trên toàn quốc. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Pháp đưa ra con số 1,28 triệu người.
Cả triệu người xuống đường là dấu hiệu cụ thể nhất phản ánh một cuộc khủng hoảng xã hội lớn, vì trong lịch sử 30 năm gần đây của Pháp, nếu căn cứ vào dữ liệu từ Bộ Nội vụ, các phong trào phản đối chính phủ rất ít khi huy động được hơn 1 triệu người xuống đường.
Tổng thống đương nhiệm Macron không phải là người đầu tiên nỗ lực cải cách chế độ hưu trí. Năm 2010, dưới thời ông Nicolas Sarkozy, tuổi nghỉ hưu đã tăng từ 60 lên thành 62 và cũng gây làn sóng phản đối rầm rộ, hoạt động của nhiều lĩnh vực bị tê liệt. Cải cách của chính phủ lần này là nhằm nâng dần tuổi về hưu mỗi năm thêm 3 tháng kể từ ngày 1/9/2023 để đến năm 2030, tuổi nghỉ hưu sẽ thành 64 tuổi. Thời gian đóng góp vào các quỹ hưu, từ 42 năm hiện nay, sẽ nâng lên thành 43 năm (172 quý) từ năm 2027 để được hưởng đầy đủ lương hưu.
Tuy nhiên, việc yêu cầu người lao động làm việc thêm 2 năm đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, đặc biệt trong giới trẻ. Nhiều thanh niên Pháp cho rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới cạnh tranh trên thị trường lao động. Đơn giản là nếu có thêm nhiều người trên thị trường lao động do nhiều người về hưu muộn hơn, cơ hội việc làm cho người trẻ tuổi sẽ giảm xuống. Những người phản đối còn cho rằng những cải cách mới là không công bằng, thiệt thòi cho những người lao động có tay nghề thấp bắt đầu sự nghiệp của họ sớm. Ngoài ra, việc kéo dài thêm 2 năm làm việc là kéo dài thêm cả nguy cơ bệnh nghề nghiệp đối với một số ngành nghề được đánh giá là vất vả.
Các công đoàn tại Pháp đã tuyên bố sẽ đưa đất nước rơi vào vào tình trạng bế tắc trước những cải cách về chế độ hưu trí được đề xuất. Đúng như tuyên bố, các cuộc biểu tình và tổng đình công toàn quốc đã khiến nước Pháp đứng trước nguy cơ bị tê liệt. Tổng Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) cho biết khoảng 80% các chuyến tàu cao tốc và liên vùng tại Pháp bị hủy trong ngày 7/3 vì các cuộc biểu tình quy mô lớn. Theo đó, giao thông trên toàn bộ nước Pháp, đặc biệt là tại các sân bay, bến tàu và ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số cơ sở kinh tế quan trọng bị phong tỏa...
Tại các thành phố lớn của Pháp, đặc biệt là thủ đô Paris, giao thông bị đình trệ nghiêm trọng. Hầu hết trong số 14 tuyến đường tàu điện ngầm tại thủ đô Paris sẽ chỉ hoạt động trong vài giờ cao điểm. Tỷ lệ hoạt động của các chuyến tàu từ trung tâm Paris ra các vùng ngoại ô chỉ khoảng 25%. Toàn bộ các chuyến tàu cao tốc nối Pháp với các nước châu Âu láng giềng như Đức và Tây Ban Nha cũng sẽ không hoạt động. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực ngành nghề khác, các công đoàn tại Pháp cũng kêu gọi người lao động bãi công, biểu tình, thậm chí phong tỏa các cơ sở kinh tế quan trọng.
Trong bối cảnh chưa thể nhìn thấy hồi kết cho cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay tại Pháp, một số chuyên gia trong các ngành khoa học chính trị, thăm dò ý kiến và nghiên cứu các phong trào xã hội đã phác thảo ra 4 kịch bản chính có thể xảy ra.
Kịch bản đầu tiên là kế hoạch cải tổ hưu bổng được Quốc hội thông qua. Đây là một khả năng rất có thể sẽ trở thành hiện thực nếu đảng Phục hưng của Tổng thống Macron liên kết được với đảng Những người Cộng hòa thuộc cánh hữu. Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra, dù kế hoạch cải cách sẽ có tính hợp pháp của Quốc hội, nhưng điều đó không có nghĩa là nỗi tức giận trong xã hội sẽ lắng xuống.
Kịch bản thứ hai, chính phủ sẽ áp đặt cải cách bằng Điều 49.3 của Hiến pháp hoặc sắc lệnh. Do chỉ chiếm đa số tương đối trong Quốc hội và thiếu đa số trong Thượng viện, chính phủ có thể tránh việc văn bản của mình bị bác bỏ và quyết định thông qua luật bằng cách sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp, vốn quy định rằng một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự thảo luật mà không cần một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Tương tự, chính phủ cũng có thể viện dẫn Điều 47.1 của Hiến pháp, giới hạn thời gian thảo luận của Quốc hội trong vòng 50 ngày, tức là cho đến ngày 26/3. Sau ngày đó, cuộc tranh luận dừng lại và chính phủ có thể thông qua cải cách bằng sắc lệnh. Trong cả 2 trường hợp, Chính phủ Pháp sẽ vừa mất đi tính chính đáng vì không có sự ủng hộ của Quốc hội, vừa phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân chủ.
Một kịch bản khác là chính phủ sẽ nhượng bộ về vấn đề về hưu lúc 64 tuổi. Theo kịch bản này, chính phủ sẽ lùi bước, thôi không đẩy lùi thời điểm về hưu đến 64 tuổi nữa, vốn là trụ cột của kế hoạch cải cách. Tuy nhiên, kịch bản này rất khó xảy ra, bởi vì đó sẽ là sự thừa nhận thất bại cực kỳ mạnh mẽ đối với chính phủ.
Kịch bản cuối cùng là cải cách được thông qua nhưng không áp dụng. Đây là điều đã xảy ra với công cuộc cải cách Hợp đồng tuyển dụng đầu tiên CPE, được Thủ tướng khi đó là Dominique de Villepin thực hiện vào năm 2006. Bất chấp một phong trào phản đối rầm rộ, luật này vẫn được thông qua. Thế nhưng, Tổng thống Jacques Chirac sau đó đã đình chỉ ngay lập tức việc áp dụng bộ luật, yêu cầu soạn thảo một văn bản mới sửa đổi các điểm gây tranh cãi. Bộ luật này cuối cùng đã bị bãi bỏ. Tuy nhiên, đây sẽ là kịch bản không tưởng bởi sau nhiều nỗ lực và bị thiệt hại về uy tín, ông Macron không thể không cho áp dụng luật này.
Ngày đăng: 07:41 | 14/03/2023
Khánh Vân / antg.cand.com.vn