Bộ Y tế đang muốn thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh và giữ chân người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước.
Ngày càng nhiều Việt kiều, người nước ngoài đổ về Việt Nam khám, chữa bệnh. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2018 có 300.000 người bệnh là Việt kiều và người nước ngoài, trong đó có cả người Nhật chọn chữa trị bệnh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, mỗi năm, người Việt chi tới 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh.
GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia gọi đây là một nghịch lý.
Ông khẳng định, Việt Nam không thiếu bác sĩ giỏi, nhiều kỹ thuật cao được ứng dụng đáp ứng nhu cầu điều trị trong khi chi phí thấp hơn nhiều nếu phải ra nước ngoài điều trị.
Cá nhân ông cách đây chừng nửa tháng cũng đã thực hiện đặt 3 stent mạch vành ngay tại Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) dù trước đó có lời mời sang Nhật. Việc đặt stent do chính học trò của ông thực hiện và chỉ hai ngày sau ông đã khỏe lại.
"Nếu bác sĩ Việt Nam không có trình độ thì tôi đã ra nước ngoài, nhưng rốt cuộc tôi đã từ chối và làm ở trong nước", ông nói.
Hàng năm, người Việt chi cả tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh. Ảnh minh họa: Zing
Kể câu chuyện của chính mình, GS.TS Phạm Gia Khải nhấn mạnh rằng, việc người Việt chi hàng tỷ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh, chủ yếu xuất phát từ tâm lý hướng ngoại, chứ không phải Việt Nam không có bác sĩ giỏi.
"Bệnh" hướng ngoại ấy không phải chỉ có ở người Việt Nam. Ngay cả ở Singapore, nơi người Việt vẫn đổ xô sang khám, chữa bệnh, không ít người dân vẫn thích sang Mỹ, Anh chữa bệnh. Tương tự, nhiều người dân Đức cũng thích sang Mỹ.
Thế nhưng tại sao "bệnh" hướng ngoại lại phổ biến ở Việt Nam như vậy? Sâu xa nó xuất phát từ tâm lý cảm thấy thua kém người nước ngoài của người Việt. Chưa kể, nhiều người Việt hiện nay giàu nhanh quá, nhưng cái giàu của họ không song song cùng với kiến thức, văn hóa nên họ thấy cái gì của ngoại cũng hay", nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia chia sẻ.
Một lý do khác khiến người Việt đổ xô ra nước ngoài chữa bệnh, theo GS Khải, là do hình thức của bệnh viện Việt Nam không đẹp bằng nước ngoài.
Bên cạnh đó, đào tạo của Việt Nam có người kém, nhưng cũng có người không hề kém một chút nào. Ngay cả những người được đào tạo ở nước ngoài, không phải ai cũng giỏi cả.
Cho rằng việc lựa chọn nơi khám, chữa bệnh là quyền của mỗi người dân, nhưng GS.TS Phạm Gia Khải cũng khẳng định mỗi năm Việt Nam mất tới 2 tỷ USD chảy ra nước ngoài là quá lãng phí và cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể giữ lại số tiền này ở trong nước dù không thể "ngày một, ngày hai".
Điều vị chuyên gia tim mạch trăn trở là sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành y tế chưa thực sự đúng mức.
Vì thế, muốn giữ chân người Việt ở trong nước chữa bệnh, theo ông, phải cải thiện điều này. Hình thức của bệnh viện cũng phải khá hơn, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư về con người, trang thiết bị y tế hiện đại...
"Tôi không phản đối việc những người giàu có ra nước ngoài chữa bệnh nhưng ra nước ngoài cũng cần đúng chỗ bởi y tế ở các nước tư bản phát triển nhưng không phải chỗ nào cũng hay. Những người bệnh ấy cũng nên nhìn chuyện người nước ngoài đổ về Việt Nam khám, chữa bệnh để thay đổi tư duy, nhận thức", ông nói.
Nhiều quốc gia châu Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… đang đẩy mạnh đầu tư, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch chữa bệnh. Theo GS.TS Phạm Gia Khải, Việt Nam cũng có thể làm được, vấn đề là cần khiêm tốn, học hỏi các nước đi trước, sau đó, cái gì là đặc trưng, thế mạnh của Việt Nam thì phát triển.
Bộ Y tế đang đặt mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư để giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước, đồng thời thu hút nửa triệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thay vì di chuyển sang các nước trong khu vực hoặc về nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để thực hiện được mục tiêu này, cần thay đổi những bất cập trong phân bổ và sử dụng ngân sách y tế: tuyến Trung ương và tỉnh chăm sóc y tế cho 30% người bệnh nhưng sử dụng tới 70% chi phí thuốc men, tuyến huyện và xã chăm sóc 70% nhưng chỉ nhận được 30%.
Bà Tiến cũng cho hay hiện chi phí y tế cao ở phần điều trị, thấp ở dự phòng, trong khi sức khỏe của mỗi người liên quan nhiều đến hành vi cá nhân: 40% liên quan đến thuốc lá, ăn uống, vệ sinh, 30% liên quan đến cơ địa, 20% do môi trường, 10% là tác động của thuốc và hệ thống y tế.
"Nếu chăm sóc sức khỏe bằng các giải pháp dự phòng như đo huyết áp, sàng lọc phát hiện bệnh sớm... thì chi phí rẻ mà hiệu quả cao, nhưng nếu để bệnh nặng rồi mới chữa thì hiệu quả thấp nhưng chi phí cao", bà Tiến nói đến hướng đi sắp tới.
Bộ trưởng Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện đang xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ để đưa công trình vào sử dụng, giảm quá tải người bệnh, tuyến Trung ương tập trung phát triển dịch vụ kỹ thuật cao thu hút người bệnh.
Đâu là nơi làm việc tốt nhất cho người nước ngoài năm 2019?
Tất cả 5 nơi tốt nhất để sống và làm việc cho người nước ngoài đều nằm ở châu Âu và Trung Đông. |
Hơn 20% người nước ngoài tại Hàn Quốc bị kỳ thị
Báo cáo của chính phủ Hàn Quốc cho thấy khoảng 20% người nước ngoài tham gia khảo sát nói rằng bị phân biệt đối xử ... |
Ngày đăng: 09:23 | 18/01/2019
/ Đất Việt