“Thật đáng hoảng hốt nếu người tình café chết đi và bỏ lại loài người bơ vơ'" (trích “Không gian gia vị Sài Gòn” của nhà văn Trần Tiến Dũng).
Bước vào một quán cà phê ở Sydney, ông anh đi cùng cười phá lên ngạc nhiên khi thấy tôi gọi một ly bạc xỉu đá: “Em nghĩ em đang ở đâu hả Dương?”. Tôi chẳng nói gì chỉ khẽ cười cho tới khi bé phục vụ mang ra một ly “chuẩn” bạc xỉu mới thủng thẳng giải thích: “Lúc bước vào em nghe bạn phục vụ nói giọng Nam với đồng nghiệp, mà người Nam thì không ai không biết bạc xỉu cả”.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nơi có rất nhiều hàng quán cà phê nổi tiếng với cách rang, xay cầu kỳ, cách pha chế có bản sắc riêng nhưng tôi khá vô cảm với loại đồ uống này. Ngửi thì cũng thơm nhưng uống đắng nghét. Có gì ngon?
“Cả quả trứng như thế mà cho vào cốc cà phê sao, tanh chết”, một vị khách người Ả Rập nhăn mũi. Chủ quán cà phê trứng cười, “nếu tanh tôi tặng ông ly này, còn ngược lại, ông trả tôi 10 lần tiền”.
Đến lúc chuyển vào TPHCM, giải khát, nhâm nhi, lãng đãng cùng một ly bạc xỉu nó mới thú làm sao. Chẳng thấy đắng nữa, thơm, ngon, ngọt, lại thêm vị béo nhè nhẹ khó cưỡng. Và dần dần cuộc sống của tôi thật khó có thể thiếu vị cà phê đặc biệt này. Từ chỗ "lãnh cảm" với cà phê nay tôi đã như đồng cảm với nhà văn Trần Tiến Dũng “Thật đáng hoảng hốt nếu người tình café chết đi và bỏ lại loài người bơ vơ\'" (trích “Không gian gia vị Sài Gòn”).
Theo những người lỡ "phải lòng” bạc xỉu Sài Gòn trước tôi kể lại, Sài Gòn xưa có 3 loại cà phê phổ biến là cà phê dĩa – thường dành cho tầng lớp lao động chân tay; cà phê vợt – cho giới bình dân; cà phê phin – cho giới công chức. Giờ đây, cà phê dĩa đã biến mất chỉ còn hai loại còn lại. Hai loại này tôi đều thích. Cách pha khác nhau, cái đẹp khác nhau, hương vị cũng hơi khác một chút.
Cà phê vợt Phan Đình Phùng |
Mê rồi thì hay thích thử tự pha xem nó khác ngoài quán ra sao. Mà khác thật, dù có dùng nguyên liệu chọn lọc cỡ nào cũng không thể ra được cái vị ngon, thơm, béo như ly bạc xỉu ở Cheo Leo - Nguyễn Thiện Thuật hay quán cà phê vợt ở Phan Đình Phùng, cà phê vợt chợ Thiếc.
Nguyên liệu và cách pha ở những nơi này đã cố định đến mấy chục năm không đổi. Riêng nước pha cà phê ở Cheo Leo thường được chủ quán cầu kỳ hứng nước máy vào lu gốm to, để cho nhả mùi clo hai ngày rồi mới lấy pha cho khách.
Quán cà phê Cheo leo mở từ năm 1938 |
Tôi phải lòng bạc xỉu Sài Gòn không chỉbởi vị ngon mà còn bởi không gian xưa thật xưa của những quán tôi tới thưởng thức.
Quán nào cũng để lại ấn tượng riêng. Ánh sáng và bàn tay của hai vị chủ quán ở cà phê vợt Phan Đình Phùng lên ảnh thật tuyệt. Nhạc ở Cheo leo hay, lại có băng ghế gỗ dài cũ kỹ ngồi rất thoải mái. Cà phê vợt chợ Thiếc có nét xưa nhất theo đánh giá của tôi.
Lui tới quán uống cà phê, lặng lẽ quan sát cô bán trái cây trước hiên mỗi ngày, mua cho ông bán vé số người Hoa già không biết nói tiếng Việt hai tờ vé số ủng hộ, nhìn nhóm người Hoa say sưa chơi mạt chượt, ngắm dáng người hơi liêu xiêu hay tựa vào cửa nhà đứng nói chuyện với khách của ông chủ quán... tự nhiên thấy cuộc sống thật đẹp và bình yên.
Đặc biệt, đến đây bạn sẽ được tiếp chuyện như những người bạn thăm nhà nhau chứ không đơn giản chỉ là "Cô chú uống gì?" hay "Của cháu hết bao nhiêu?". Tình người ấm áp, thu hút lạ.
Cà phê vợt chợ Thiếc mở từ năm 1980 |
Chủ quán thường mang thêm cho khách một ấm trà. Uống hết cà phê, khách tự lấy trà đổ vào cốc uống tiếpTHÙY DƯƠNG |
Ông Thanh chủ quán cà phê vợt chợ Thiếc vẫn giữ cách đun cà phê bằng bếp củiTHÙY DƯƠNG |
Bà chủ cà phê vợt Phan Đình Phùng dù tuổi cao vẫn pha chế rất khéo và nhanh.THÙY DƯƠNG |
Cà phê vợt Phan Đình Phùng hơn 50 năm tuổi luôn tấp nập khách ra vàoTHÙY DƯƠNG |
Quán Cheo Leo thường đun cà phê liên tục trong niêu đất.THÙY DƯƠNG |
Logo quen thuộc của quán Cheo Leo ở Nguyễn Thiện Thuật |
Ngày đăng: 13:03 | 10/08/2017
/ Thùy Dương/báo Thanh niên