Bên cạnh một Singapore phồn thịnh, ở đâu đó vẫn có những người già đã quá tuổi lao động vẫn phải vùi đầu làm việc để trang trải phí sinh hoạt hàng ngày.

Tại Singapore, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ nghèo đang tăng lên trong những người lao động cao tuổi. Câu hỏi đặt ra là: “Vì sao người cao tuổi phải làm việc trong nhiều giờ liền với tiền lương ít ỏi, trong khi ở Singapore có rất nhiều chương trình bảo hộ cho người già?”

Cuộc sống như những kẻ ăn mày

Đôi khi, những người lao động cao tuổi này thường bị nhận nhầm là ăn mày vì họ bới đồ trong thùng rác. Những tay lái xe còn mất kiên nhẫn khi bóp còi liên tục vì chiếc xe đẩy hàng của họ lăn bánh chầm chậm qua đường.

Khi được hỏi chuyện, một người mưu sinh tên Eddie nói rằng: “Anh trai tôi không thể nghe thấy tiếng còi xe. Khi tôi nói với họ rằng anh tôi không thể nói hoặc nghe, nhiều người tỏ vẻ có lỗi. Nhưng có người lại chửi đổng chúng tôi. Và giờ chuyện đó tôi cũng chả quan tâm nữa”.

Người đàn ông 63 tuổi đó từ lâu đã học được cách buông bỏ lòng tự trọng với những lời lẽ như vậy. 20 năm trôi qua, những gì ông ta phải làm là chăm sóc người anh trai câm, điếc mắc bệnh tiểu đường.

nguoi gia ngheo kho goc khuat o singapore
Ông Eddie và anh trai mưu sinh bằng nghề thu lượm bìa carton, cuộc sống càng lam lũ khi người anh trai bị câm điếc và tiểu đường. (Ảnh: CNA)

Ông Eddie làm nghề thu lượm bìa carton, kéo chiếc xe đẩy hàng xếp đầy bìa, chia sẻ thêm: “Chúng tôi phải lượm bìa trong mưa. Tôi bị ốm thì không sao nhưng khi anh trai tôi bị ốm, tôi không thể đổ bệnh được. Bởi vì tôi là đôi tai và cái đầu của anh ấy.

Một ngày sẽ kết thúc tốt đẹp nếu anh em chúng tôi kiếm được khoảng 20 đô Sing với 200kg bìa. Sau một khoảng thời gian dài làm việc, xương của tôi bắt đầu nhói lên. Tôi cảm thấy rất đau mỏi”.

Tiền tiết kiệm chỉ là dĩ vãng

Cuộc sống đã từng rất khác. Trước kia, khi ông Eddie còn trẻ và sự bùng nổ kinh tế tại Singapore mới diễn ra. Cái thời mà người ta đã từng khắc cốt ghi tâm câu nói: “Nếu bạn muốn có việc, sẽ có ngay một công việc cho bạn”.

Ông đã từng có khoảng thời gian làm công nhân nhà máy, công nhân xây dựng, lái xe và thợ in để kiếm tiền, sau đó ông lập gia đình và có một khoảng thời gian tốt đẹp.

Nhưng bất hạnh ập đến, căn bệnh ung thư quái đản đã cướp đi mẹ và vợ ông. Số tiền ông tiết kiệm được đã “bay” sạch.

Eddie bị bỏ lại và có nghĩa vụ chăm sóc người anh trai câm điếc của mình, điều đó nghĩa là ông không thể tiếp tục một công việc ổn định.

Cuộc sống lượm nhặt bìa carton của anh trai ông ta giờ đây lại biến thành nghề mưu sinh của Eddie. Ông nói: “Chẳng có sự lựa chọn nào khác. Cũng chẳng có sự nhượng bộ nào cho người già như chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thể dựa dẫm vào nhau mà sống”.

Theo thống kê, số dân phải lao động trong độ tuổi bạc ở Singapore đang tăng lên - nhất là với những nhóm có thu nhập thấp.

nguoi gia ngheo kho goc khuat o singapore
(Ảnh: CNA)

Trong những năm gần đây, thống kê này càng được chứng minh khi những người phục vụ, bảo vệ, người lau dọn... đều là những lao động có tuổi.

Trong khi đó tại Singapore có hàng loạt các chương trình trợ giúp dành cho người nghèo như chương trình “Pioneer Generation Package (PGP)” hoặc “Silver Support Scheme” cho người già.

Vì sao phải làm việc?

“Tại Singapore, không có tiền thì sống thế nào được?”. Đó là những gì ông Ong Hock Soon trả lời khi được hỏi tại sao ông lại làm trợ lý bán hàng ở tuổi 69.

Nhưng mặt khác, ông nói rằng ông đã từ chối tất cả những trợ cấp xã hội và sẽ tự mình làm việc cho đến khi “không thể di chuyển được nữa”. Đó là tâm lý độc lập được hình thành trong những người lao động cao tuổi.

Bà Nurasyikin Amir - tình nguyện viên của tổ chức “Happy People Helping People Foundation”, cho rằng, hầu hết những người trung niên nên dừng việc lượm nhặt số lượng lớn bìa carton lại.

Bà nói: “Hãy nghỉ ngơi dưỡng sức ở nhà, mọi người đã già rồi, đã đến tuổi nghỉ hưu rồi. Nhưng chúng tôi nhận ra một điều là khi họ lượm nhặt bìa, họ sẽ cảm thấy bản thân vẫn còn hữu dụng.

Họ đang làm ra những đồng tiền của chính họ, mặc dù không nhiều, có thể chỉ là 2 đô Sing hay 10 đô Sing một ngày. Chúng ta là ai mà có quyền để ngăn cản họ?”.

nguoi gia ngheo kho goc khuat o singapore
(Ảnh: CNA)

Đối với một vài người, họ lại không muốn dựa dẫm vào con họ. Ông Wong Yeow Kee (85 tuổi) - nhân viên lau dọn tại một cửa hàng phải trực ca đêm (từ 3 giờ đến 11 giờ sáng), nói rằng: “Tôi có con nhưng tôi thích hút thuốc và uống rượu bia, vì vậy tôi tự làm việc để chi trả cho sở thích của mình. Tôi không muốn chìa tay xin con cái".

Ngay cả khi ông Ng Teak Boon (85 tuổi) còn nợ nần, ông không bao giờ nghĩ đến việc yêu cầu các cơ quan giúp đỡ. Xa 5 đứa con, ông đã bán kem 20 năm qua, sống với khoảng 950 đô Sing mỗi tháng từ thu nhập bán kem và trợ cấp của tổ chức Silver Support.

Ông nói: “Tôi sẽ bán kem cho tới chết. Tốt hơn là đi ra ngoài lao động. Nếu tôi ở nhà và xem ti vi, tôi sẽ ốm mất”.

Sự nghèo đói của người lao động già ngày càng tăng

Trong một bài báo về sự đói nghèo của người cao tuổi ở Singapore năm 2005, trợ lý Ng Kok Hoe của ông Lee Kuan Yew, Trường Chính sách Công, đã đưa ra một nhận xét bất ngờ.

Bài báo viết trong khi tỉ lệ đói nghèo ở những người cao tuổi không có việc làm đã giảm trong năm qua, thì tỉ lệ đó ở những người thuộc lực lượng lao động lại tăng đáng kể từ 13% năm 1995 đến 28% năm 2005 và cuối cùng là 41% năm 2011.

nguoi gia ngheo kho goc khuat o singapore
(Ảnh: CNA)

Tiến sĩ Ng đã viết: "Đây là một lời nhắc nhở rằng công việc không phải là ảnh hưởng chủ yếu và duy nhất vào sự mất cân bằng thu nhập ở tuổi già.

Ở những thị trường lao động, nơi những người công nhân cao tuổi thường nhận được những công việc không theo mong muốn với mức lương rất thấp, chính những công việc đó sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống mà không làm tăng mức sống của họ".

Theo số liệu của Bộ Nhân lực Singapore, vào năm 2016, khoảng 23% số người trên 65 tuổi thuộc lực lượng lao động chính thức kiếm được ít hơn 1.000 đô la Mỹ trong vòng 1 tháng, thấp hơn 36% trong năm 2013 và 57% trong năm 2003.

Điều đó cho thấy thu nhập của những người cao tuổi đã tăng lên. Tuy nhiên việc lạm phát trong xã hội cũng đang leo thang khiến thu nhập của người cao tuổi vẫn thấp hơn so với mức thu nhập trung bình của người bình thường.

Nhìn chung, theo ước tính 6 trên 10 người cao tuổi ở Singapore lâm vào hoàn cảnh túng khó.

Dường như một công việc phù hợp với một mức lương khá vẫn không phải là tương lai của những người nghèo có tuổi.

Giáo sư Ng nói thêm: "Công nghệ ngày càng phát triển đã làm thui chột một số ngành nghề, và chính phủ phải có những biện pháp cho những vấn đề đó”.

nguoi gia ngheo kho goc khuat o singapore Đề phòng bệnh xương khớp khi chuyển mùa có mưa phùn và trời lạnh

Những ngày chuyển mùa có kèm theo mưa phùn và độ ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về xương khớp phát ...

nguoi gia ngheo kho goc khuat o singapore Có trẻ em cùng chơi đùa, người già sống vui và thọ hơn

Những trung tâm dưỡng lão ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm Anh, đã mời các bạn nhỏ 3 tuổi đến chơi đùa với ...

Ngày đăng: 14:52 | 13/03/2018

/ Vietnamnet