Bấy lâu nay, chúng ta nói nhiều về trách nhiệm của người đứng đầu một cơ quan, đơn vị… và cũng phải khẳng định rằng, mọi thất bại và thành công của một đơn vị đều xuất phát từ người đứng đầu.
Nhưng để quy trách nhiệm thất bại cho người đứng đầu thì rất không đơn giản và đặc biệt là trong cung cách đề bạt, xử lý cán bộ, nhất là người đứng đầu thì chúng ta lại có quá nhiều vấn đề cần phải bàn. Tôi xin kể hầu bạn đọc hai câu chuyện này:
Ảnh minh họa |
Câu chuyện thứ nhất.
Vào khoảng từ năm 1979-1981, nạn trộm cướp hoành hành ở tỉnh An Giang đến mức độ mà buổi tối người dân ngại không muốn ra đường. Bọn cướp còn ngang nhiên đến hoạt động ngay trước cửa Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, đặc biệt là Bạch Hải Đường đã ngang nhiên coi An Giang như đất vô chủ. Tình hình trật tự trị an xấu đến mức lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban đã phải nhiều lần họp và phê phán Công an tỉnh. Giám đốc Công an tỉnh ngày ấy là ông Mười Việt rất đau đầu và ông quyết tâm phải cải tổ Phòng Cảnh sát hình sự. Nhắm đi nhắm lại cuối cùng ông chọn Nguyễn Thanh Sang là Trưởng phòng Cảnh sát hành chính trật tự trị an đưa về làm Trưởng phòng Cảnh sát hình sự. Ông Mười Việt gọi ông Sang lên và giao nhiệm vụ. Ông Năm Sang nghe xong rồi nói: “Từ hồi nào đến giờ tôi có biết hình sự là cái nghề gì. Anh chọn sai người rồi”. Ông Mười Việt phân tích cho ông Năm nghe về tình hình trật tự rồi quả quyết ông đã nhìn thấy ở ông Năm Sang là người có tố chất đánh án hình sự giỏi. Nghe Giám đốc thuyết phục một hồi thì ông Năm Sang gật đầu. Nhưng rồi ông lại hỏi: “Nếu tôi làm Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, anh cho tôi quyền gì?”. Ông Mười Việt đứng dậy, đi lại trong phòng và suy nghĩ một hồi lâu rồi nói chậm rãi, chắc chắn từng từ: “Tôi cho anh quyền đuổi ra khỏi lực lượng những ai cần phải đuổi mà không phải báo cáo Ban Giám đốc”. Nghe nói vậy, ông Năm Sang gật đầu đồng ý và nhậm chức Trưởng phòng Cảnh sát hình sự.
Đúng nửa tháng sau, ông cho làm hồ sơ đuổi ra khỏi lực lượng Công an 5 sĩ quan cảnh sát hình sự, đưa ra truy tố 2 người và buộc thôi việc 5 người nữa. Việc làm của ông Năm Sang gây chấn động cả Bộ Nội vụ bởi lẽ từ xưa đến nay chưa có trường hợp nào người chỉ huy lại xử lý cán bộ cấp dưới thẳng tay đến như vậy. Đơn thư kiện tụng gửi bay như bươm bướm và dĩ nhiên ông Mười Việt cũng phải chịu búa rìu dư luận. Nhưng ông kiên quyết không thay đổi và tất cả đơn thư kiện tụng gì đó ông nhận trách nhiệm về mình hết. Còn Phòng Cảnh sát hình sự thì chỉ 6 tháng sau đã dẹp gần như hết sạch các băng, ổ nhóm tội phạm và rồi dẹp được cả băng cướp Bạch Hải Đường… Ba năm sau Phòng Cảnh sát hình sự đã được phong danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang.
Chuyện thứ hai.
Câu chuyện này thì mới xảy ra gần đây thôi. Số là vào trước năm 2003, Bộ Giao thông Vận tải có một Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông vận tải lớn ở miền Trung, đó là Cienco5. Từ năm 2000 trở về trước thì đây là một đơn vị mạnh của Bộ Giao thông Vận tải, nhưng rồi do nhiều nguyên nhân mà đơn vị cứ “phú quý giật lùi”, lâm vào cảnh nợ ngân hàng đến 2.000 tỉ, nợ lũy kế không có khả năng chi trả 500 tỉ; có những giám đốc công ty con đã mắc vòng lao lý; có những đơn vị công nhân 3, 4 tháng không được nhận lương.
Trước tình hình công ty phá sản đến nơi, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải quyết phải tìm cho ra một người có thể đảm đương được nhiệm vụ “cứu” Cienco5. Và trong bối cảnh ấy, được sự giới thiệu của ông Tổng giám đốc cũ, ông Đào Đình Bình là Bộ trưởng đã quyết định đề bạt ông Thân Đức Nam là Giám đốc Xí nghiệp 545 đang làm ăn ở Quảng Ninh làm quyền Tổng giám đốc Cienco5. Trước đó thì ông Thân Đức Nam là Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân có tên là Việt Á, một doanh nghiệp cũng có tiếng trong làm ăn kinh tế.
Quyết định này của ông Đào Đình Bình đã vấp phải sự phản đối mãnh liệt của nhiều cán bộ nhưng ông vẫn quyết tâm đề bạt. Và từ năm 2004 thì Cienco5 dưới sự lãnh đạo của ông Thân Đức Nam đã hoàn toàn thay đổi và trở thành một Tổng Công ty mạnh bậc nhất của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay.
Không những hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế được Bộ giao cho mà Cienco5 còn làm công tác xã hội rất mạnh. Ông Thân Đức Nam cũng được phong danh hiệu Anh hùng lao động và mới đây nhất đã trúng cử đại biểu Quốc hội.
Từ hai câu chuyện trên chúng ta mới thấy tầm quan trọng của người đứng đầu là như thế nào.
Gần đây người ta có những định nghĩa về phẩm chất của người đứng đầu. Ngoài những yếu tố như trung thành với Tổ quốc, với quyền lợi của dân tộc thì đó phải là người có bản lĩnh, có trí tuệ, quyết đoán, dám làm dám chịu…
Nhưng, tìm người trung thành, có trí tuệ, có kiến thức thì dễ mà tìm người quyết đoán, dám làm, dám chịu thì rất khó và vô cùng hiếm.
Bởi lẽ, người quyết đoán, dám làm dám chịu thì thường hay bị mang tiếng là độc đoán, gia trưởng và quả thật với những người có đức tính này thì cái ranh giới giữa quyết đoán và độc đoán, giữa dám làm và liều lĩnh là rất mong manh và cũng là thứ khó có thể phân định được rạch ròi đen trắng. Rồi giữa dân chủ và nhu nhược, giữa thận trọng và cầu an cũng đều là những ranh giới mà nếu bước qua không cẩn thận là hỏng hết việc. Một khi đơn vị, cơ quan không hoàn thành được nhiệm vụ, nội bộ lục đục mất đoàn kết… thì người ta thường hay đổ tội cho vai trò tập thể. Cái đấy cũng không sai, bởi lẽ bấy lâu nay nhiều khi chúng ta cứ coi trọng vai trò tập thể hơn cá nhân.
Nhưng trong rất nhiều trường hợp, số đông không phải bao giờ cũng đúng, chính vì vậy mới cần phải có người tài. Kiếm được người tài đã khó nhưng trọng dụng được người tài, tạo điều kiện để cho người tài có đất dụng võ, tung hoành hết khả năng của mình đó là điều không đơn giản.
Nếu như có được người tài rồi mà không mạnh dạn giao toàn quyền cho người đó mà lại cứ mang chế độ tập thể lãnh đạo ra để kìm hãm thì cũng chẳng có tích sự gì.
Cho nên nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách về mặt lý thuyết là đúng nhưng về mặt thực tiễn thì cũng còn có nhiều điều cần phải bàn. Bởi lẽ không ít tập thể, cơ quan, đơn vị chưa thật sự sáng suốt, đoàn kết và hoàn chỉnh.
Quy trách nhiệm cho người đứng đầu thì dễ nhưng để cho người đứng đầu phát huy được hết tài năng, trí tuệ của mình thì cũng phải để cho người ta có quyền một cách thực sự./.
Nguyễn Như Phong
Ông Trần Quốc Vượng: Người đứng đầu phải được dân tin cậy Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: "Người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, gần dân, nắm chắc tình hình nhân ... |
Thừa lãnh đạo khi sáp nhập: Chọn người đứng đầu thế nào? Nhiều lãnh đạo huyện, xã sẽ "rời ghế" khi sáp nhập, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, việc chọn ai phải ... |
Ai dám lên tiếng khi người đứng đầu lạm quyền, lộng hành? Cơ quan tổ chức, đoàn thể, người dân có quyền giám sát, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Nhưng giám sát, kiểm soát ... |
Ngày đăng: 00:00 | 11/09/2018
/ Theo Năng lượng Mới