Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, từ 23 tháng Chạp, chợ hoa, cây cảnh Tết tại Hà Nội bắt đầu tấp nập. Ngoài các loại hoa, cây cảnh truyền thống có giá bình dân, trên nhiều đường phố của Hà Nội đang bày bán rất nhiều cây cảnh độc và lạ có giá “khủng” cho người dân chơi Tết. Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh giá “khủng” tiêu thụ chậm hơn mọi năm.

Người mua chuộng cây cảnh phong thủy

Chiều 15/1, có mặt tại phố hoa, cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), chúng tôi ghi nhận không khí mua bán tấp nập. Chị Nguyễn Thị Nhường, bán cây cảnh ở đây cho biết: “Khách bắt đầu đông từ 23 tháng Chạp. Trước đây chưa có dịch COVID-19 thì chủng loại phong phú hơn, nhưng do Trung Quốc đóng cửa biên giới nên năm nay chủ yếu là hoa trồng trong nước, nhập ngoại rất hãn hữu”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá hoa, cây cảnh thời điểm này không có đột biến. Chị Nguyễn Thu Trang (Ba Đình) cho biết: “Năm nay con gái thi vào 10 nên tôi mua 3 chậu hoa trạng nguyên, 150 nghìn/chậu. Mọi năm tôi để sát Tết mới mua, lúc đó rẻ hơn, nhưng hoa xấu hơn vì không còn nhiều để lựa chọn”.

Tại phố hoa, cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám, những chậu dạ yến thảo nở bung đủ màu sắc, có giá 150 nghìn - 200 nghìn/chậu. “Hoa nở thế này chắc chỉ mùng 2-3 Tết là tàn”, anh Phạm Quốc Dũng, người chơi hoa dạ yến thảo nhiều năm cho biết. Tuy nhiên, người bán hàng “cam kết” chơi được 1 tháng. Ngoài hoa, cây cảnh giá bình dân như: Đỗ quyên có giá 200 – 400 nghìn/cây, cúc tứ quý 250 nghìn/chậu, hồng môn 120 -150 nghìn/cây, thủy tiên 250 nghìn/chậu, thông lộc 170 nghìn/cây, ngân lượng 250 nghìn/cây lẻ và 1,6 triệu 5 cây lên chậu… thì tại đây còn nhiều cây cảnh phong thủy được người dân chọn mua.

“Năm nay cây thần núi hay còn gọi là phát tài núi bán rất chạy, nhiều người chọn mua về chơi Tết để may mắn và phát tài cả năm”, chị Nhường cho biết. Cây phát tài núi có giá 800 - 900 nghìn đồng. Ngoài ra, các cây cảnh khác như thiết mộc lan có giá 4 - 8 triệu đồng/cây; kim ngân 8 triệu/cây… cũng được người mua lựa chọn.

1
Hoa, cây cảnh Tết tại Hà Nội năm nay không tăng giá.

Năm nay, do nắng, nồm nhiều nên người trồng hoa Tây Tựu đang lo lắng vì hoa nở trước Tết. Nhiều loại hoa đã nở trước Tết 10 ngày như hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa ly nên người nông dân phải cắt sớm bán vào dịp 23 tháng Chạp. Lo lắng nhất là các chủ vườn hoa ly khi họ đầu tư hàng trăm triệu, có nhà đầu tư cả nửa tỷ đồng vào trồng hoa, mong ngóng vụ Tết nhưng vì thời tiết nên hoa đã nở sớm.

Khách VIP không vung tiền mua cây giá “khủng”

Hiện trên rất nhiều đường phố Hà Nội đang bày bán các loại cây cảnh Tết có giá “khủng” vài chục triệu. Tại đường Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, dọc hai bên đường bày bán rất nhiều cây bưởi Diễn “khủng”. Mỗi cây bưởi đều sai trĩu trịt, quả to, vàng óng, toả hương thơm. Theo chủ hàng thì đây là gốc bưởi Diễn được trồng ở Văn Giang, Hưng Yên. Giá mỗi cây bưởi ở đây từ 15 đến 30 triệu đồng bao gồm cả công vận chuyển. “Năm nay tiêu thụ chậm nên chúng tôi còn nhiều cây đẹp chưa bán được, nếu chị mua thì bớt 1-2 triệu có thương lượng”, chủ hàng mời chào. Đặc biệt, cây bưởi hồng (vỏ bưởi màu hồng) tuy nhỏ hơn các cây khác, song giá lại khá đắt – tầm 20 triệu. Theo chủ hàng giải thích, vì là cây độc, khó lai tạo hơn nên giá tương đương với các cây “khủng” khác.

Theo anh Nguyễn Văn Hảo, chủ nhà vườn Bonsai Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, năm nay anh trồng 70 gốc bưởi Diễn, giá từ 10 đến 35 triệu/cây. Vào khoảng 15 tháng Chạp hàng năm, bưởi cảnh của anh tiêu thụ được hơn một nửa, nhưng năm nay mới bán được hơn 20 cây. “Chủ yếu là bán tại vườn cho các công ty và khách mua để ở sảnh biệt thự. Có 2 cây 35 triệu tôi đã bán cho khách ở Hà Nội và Hải Dương, chỉ còn cây 25 triệu trở xuống, vì tiêu thụ rất chậm nên tôi phải mang ra bán lẻ”, anh Hảo nói.

Chỉ vào cây bưởi giá 20 triệu có chiều cao khoảng 3m, anh Hảo cho biết: “Từ tháng 3 tôi đã phải ghép quả từ khi quả còn nhỏ bằng quả cam. Tôi ghép 200 quả bưởi Diễn với giá 4 triệu, nhưng hỏng và chết khá nhiều, giờ cây này chỉ còn được 50 quả. Nếu như mọi năm, tôi phải bán 25 triệu, nhưng năm nay ế ẩm chỉ bán 20 triệu, nếu khách thuê thì chỉ 17 triệu”. 

Theo anh Hảo, ngoài trồng bưởi, anh còn chung vốn trồng cây cảnh “khủng” có giá vài trăm triệu như Sanh, Si ở khu sinh thái Đầm Trành, phường Thạch Bàn, Long Biên. “Năm nay chúng tôi không bán được cây nào. Nhiều khách VIP mọi năm hay mua thì năm nay không vung tiền. Chúng tôi vay tiền ngân hàng đầu tư, nay không thu hồi vốn được, rất khó khăn”, anh Hảo cho biết.

Có mặt tại khu vực bán lan hồ điệp lớn tại số 444 đường Lạc Long Quân (Tây Hồ), chúng tôi được nhân viên Công ty Lannia cho biết, chậu lan đắt nhất ở đây là 57 triệu, được ghép từ 148 cành, để được 1,5 đến 2 tháng. Ngoài lan hồ điệp như mọi năm, năm nay công ty phục vụ người tiêu dùng những chậu lan hồ điệp mini, hoa nhuộm màu xanh, hồng, được tạo dáng bonsai bắt mắt, có giá từ 20 đến hơn 30 triệu/chậu.

Theo quan sát của chúng tôi, cả khu vực bày bán hàng trăm chậu lan hồ điệp với đủ các màu sắc, được quảng cáo 100% của Đà Lạt, nhưng người mua vẫn còn thưa thớt. Theo một nhân viên bán hàng, so với mọi năm, năm nay sức mua chậm hơn, giá lan không cao hơn, thậm chí còn rẻ hơn một vài triệu/chậu. Những chậu lan có giá trung bình từ 10-30 triệu được tiêu thụ nhiều hơn. Theo nhiều nhà vườn, do năm nay kinh tế khó khăn, người dân, doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu hơn, nên những cây cảnh “khủng” tiêu thụ chậm hơn mọi năm.

Anh Nguyễn Tuấn Việt, chủ vườn đào Tuấn Việt (Nhật Tân, Tây Hồ) đầu tư 500 gốc đào thế cho biết: “Vốn, phân bón, nhân công, tôi đã bỏ ra 2,4 tỷ đồng, năm nay chỉ mong hoà là may, chứ không có lãi”. Năm nay đào Nhật Tân giá vài triệu tiêu thụ dễ hơn những cây đào có giá từ 15-30 triệu, vì nhiều người không bỏ số tiền lớn mua đào chơi Tết như mọi năm. “Mọi năm chỉ đầu tháng 12 âm lịch, tôi đã bán buôn quá nửa vườn rồi, năm nay thì ế nhiều, chỉ bán được khoảng 20%”, anh Việt nói.   

“Thủ phủ hoa lay ơn” tấp nập thu hoạch hoa Tết

Chưa tới 4 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Mỹ (ngụ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã thức giấc. Ông bắt đầu một ngày mới bằng việc gọi tất cả những thành viên trong gia đình đang ở độ tuổi lao động thức dậy, chuẩn bị ăn sáng để tới vườn thu hoạch hoa lay ơn. Gần một tuần qua, để kịp thu hoạch, đóng hoa cho các đầu mối từ miền Trung vào lấy hàng, gia đình ông Mỹ cùng người làm thường ra vườn từ lúc trời còn chưa sáng rõ và đi ngủ khi công việc trong ngày đã xong xuôi.

Năm nay, không chỉ canh tác hơn 5 sào đất của gia đình, hộ ông Mỹ còn sang huyện Đơn Dương thuê thêm 7 sào đất trong thời gian 3,5 tháng trồng hoa lay ơn Tết. Để kịp thu hoạch hoa, hộ ông Mỹ thuê thêm 5 người làm, giá công từ ngày 20 đến 28 tháng Chạp trung bình là 600.000 đồng/người/ngày, người làm được chủ nuôi ăn ở tại nhà. Với người trồng hoa như gia đình ông Mỹ, đây chính là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm.

Cận Tết cổ truyền 2023, những gia đình trồng hoa lay ơn ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, ai cũng sốt sắng, kỳ vọng vào một vụ hoa Tết được mùa, được giá. Thế nhưng, năm nay niềm vui của người trồng hoa không được trọn vẹn. Một diện tích không nhỏ hoa lay ơn của bà con nơi đây đã không kịp nở đúng vào dịp Tết hoặc bị sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng tới chất lượng hoa. Nguyên nhân là do những ngày cuối năm 2022, thời tiết tại Lâm Đồng bỗng trở nên bất thường. Mưa trái mùa dầm dề kéo dài liên tục tới gần 2 tuần, trời rét buốt và không có nắng. Điều này khiến hoa chậm phát triển, xảy ra sâu bệnh gây hại, thời kỳ nở bông không như dự kiến của nhà nông.

Do đó, ở thủ phủ hoa lay ơn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng năm nay có khoảng 20% diện tích bị ảnh hưởng, khiến sản lượng hoa tụt giảm đáng kể. Bù lại, giá hoa lay ơn hiện đang duy trì ở mức cao, đảm bảo cho người trồng có lãi từ 30 - 40 triệu đồng mỗi sào (1.000m2) sau hơn 3 tháng chăm sóc.

Chị Nguyễn Thị Thu Phương (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) cho biết, năm nay giá phân bón và thuê nhân công lao động tương đối cao dẫn đến chi phí đầu tư cho việc trồng hoa đội lên so với những năm trước. Tuy vậy, nếu giá hoa lay ơn trên địa bàn vẫn duy trì mức ổn định, dao động từ 32.000 - 50.000 đồng/bó 10 cành như hiện nay, nhà vườn vẫn đảm bảo thu nhập. Hoa lay ơn tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng sau khi thu hoạch, đóng bó, nhà vườn bán cho thương lái từ các tỉnh miền Trung, miền Nam tới thu mua tại vựa là 350.000 - 500.000 đồng/bó 100 cành tuỳ từng loại và màu sắc.

Hộ bà Đinh Thị Tưởng (ngụ thôn Định An, xã Hiệp An) năm nay xuống giống 7.000m2 hoa hoa lay ơn các loại. Tới thời điểm này, bà đang thuê nhân công thu hoạch cao điểm. Do cây hoa phát triển không đều nên gia đình bà chỉ lựa chọn cắt những cây phát triển tốt trước, những cây còn lại sẽ được thu hoạch vào sát Tết và bán ở thị trường địa phương. Mặc dù số lượng cây hoa bị bỏ đi khá nhiều so với năm trước nhưng với mức giá ổn định như hiện nay, bà Tưởng cho biết, vẫn có thể thu về khoảng trên dưới 40 triệu đồng/1.000m2 khi đã trừ hết các chi phí. Do sản lượng hoa lay ơn năm nay giảm đáng kể, một số vựa thu mua hoa dọc Quốc lộ 20, qua địa bàn các thôn Định An, Hiệp An, KLong (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) cho biết, họ thu mua không đủ sản lượng hoa để cung cấp cho các đơn hàng ra các tỉnh miền Bắc.

Ông Thái Bình Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cho biết, năm nay trên địa bàn xã người dân xuống giống 160ha hoa lay ơn cành vụ Tết Nguyên đán 2023 (tăng 20ha so với năm 2022) và khoảng 100ha lay ơn giống. Sản lượng hoa Tết ước đạt từ 300 - 320 triệu cành. Do thời tiết thất thường nên hoa phát triển chậm, sản lượng giảm và nở muộn hơn so với dự kiến của nhà nông. Điều này có thể dẫn đến một diện tích không nhỏ hoa lay ơn trên địa bàn phải thu hoạch sau Tết, ảnh hưởng tới giá cả và thu nhập của người trồng hoa. Để hỗ trợ người dân trong thời gian cao điểm thu hoạch hoa lay ơn, đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 20 qua địa bàn, UBND xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cũng đã đề nghị Công an xã tăng cường lực lượng, bố trí cán bộ phân luồng giao thông. Các xe tải lớn tới địa phương chở hoa đã được lực lượng chức năng hướng dẫn tới đậu đỗ và bốc xếp hoa tại hai điểm tập kết dọc theo Quốc lộ 20 nên không còn cảnh xe cộ tới chở hoa gây ảnh hưởng các phương tiện lưu thông qua địa bàn. (Khắc Lịch)

Ngày đăng: 11:12 | 16/01/2023

/