Bị oan 24 năm, mất mát lớn nhất của ông Hưng là khi bị bắt các con nhỏ không ai chăm sóc phải bỏ nhà đi bụi.
Được VKSND TP HCM tổ chức xin lỗi công khai tại nơi sinh sống hôm 19/4 nhưng ông Chu Quang Hưng (72 tuổi, người bị giam oan 24 năm trước) không chấp nhận bởi VKS chưa giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông. Hiện, ông đã làm đơn khiếu nại gửi các lãnh đạo và cơ quan trung ương.
Là thương binh hạng ba, tuổi cao, ông Hưng bước đi tập tễnh, khó khăn. Ông đang sống cùng vợ trên tầng hai căn nhà đã cũ nhưng là vị trí đắc địa ngay góc chợ Kim Biên (quận 5). Căn nhà hai mặt tiền dài hơn 20 m được ông chia thành nhiều kiot cho thuê buôn bán. Một phần ông để cho con gái lớn và con trai út có nơi kinh doanh.
"Cũng vì căn nhà này mà gia đình tôi tan nát", ông nói. Trong hai năm liền (1994-1995) vợ chồng ông bị bắt, 4 đứa con lúc đó mới 6-12 tuổi không ai chăm sóc, bơ vơ, bỏ nhà đi bụi cho đến lúc mẹ được thả về. Hai người con giữa chết vì theo bạn bè xấu rủ rê, nghiện ngập... Bản thân ông vướng vào vụ án oan đã 24 năm chưa được giải quyết thỏa đáng.
"Mất mát này không thể nào bù đắp nổi", giọng ông đầy vẻ chua chát, hốc mắt ngấn đỏ. "Tôi yêu cầu được bồi thường 1 đồng danh dự và 99 tỷ đồng thiệt hại vật chất, tinh thần".
Ông Hưng sống tại căn nhà cũ ngay chợ Kim Biên. Ảnh: Hải Duyên.
Hơn 25 năm trước, ông đem thế chấp căn nhà này vay 200 triệu đồng của ngân hàng để buôn bán. Đến hạn ông chưa có tiền trả nên ngân hàng siết nợ. Còn vợ ông làm ăn thua lỗ, bị giật hụi không trả được nợ nên bị thưa ra công an. Tháng 4/1994, bà bị bắt với cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ông Hưng kể, lúc đó, ông Nam và người cậu ruột là thẩm phán Nguyễn Lâm đến hỏi mua căn nhà. Giá thị trường khoảng 500 cây vàng nhưng ông đồng ý bán nhà cho ông Nam giá 140 cây vì được hứa người cậu là thẩm phán TAND TP HCM "có mối quan hệ rộng sẽ cứu được vợ ông".
Người mua đưa trước cho ông 228 triệu đồng để giải chấp căn nhà và thỏa thuận coi như tiền đặt cọc. Thời gian thực hiện hợp đồng là 35 ngày. Phần còn lại thanh toán sau khi hoàn tất thủ tục giao nhà. Hết thời hạn, không thấy ông Nam thanh toán tiếp cũng không trả giấy tờ nhà với lý do vợ ông bị bắt thủ tục sang tên gặp khó khăn.
Tiếp đó, ông Nam và một cán bộ thi hành án quận 5 đến yêu cầu ông Hưng ký vào "biên bản thi hành án" về trách nhiệm dân sự liên quan vụ án của vợ ông. Do vợ ông mới bị bắt, tòa chưa kết án nên ông không chấp nhận, đuổi họ về. Lần sau hai người này tiếp tục đến, ông xin giữ lại tờ giấy "thi hành án" với lý do cần thời gian suy nghĩ thêm. Ông Hưng sau đó dùng chứng cứ này khởi kiện ông Nam ra TAND quận 5 về hành vi vi phạm hợp đồng. TAND quận 5 nhiều lần mở phiên xử, phía bị đơn đều vắng mặt nên tạm hoãn.
Đến ngày 21/11/1995, ông Hưng bị VKSND TP HCM phê chuẩn quyết định bắt giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Nam, tiếp đó còn bị truy tố thêm tội Lạm dụng tín nhiếm chiếm đoạt tài sản do vay tiền, vàng của người quen làm ăn nhưng đến hạn chưa trả.
VKS hoàn tất cáo trạng chuyển hồ sơ qua tòa cùng cấp xét xử ông Hưng. Tuy nhiên, HĐXX ba lần mở phiên tòa nhưng đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Từ trong trại giam Chí Hòa, ông Hưng làm nhiều đơn thư kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. Sau một năm 23 ngày bị giam, tháng 12/1996, ông được trả tự do nhưng cấm đi khỏi nơi cưu trú. Gần 2 năm sau ông được VKSND TP HCM đình chỉ điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với lý do "không phạm tội".
Ông Hưng không nhận lời xin lỗi công khai. Ảnh: Hải Duyên.
Liên quan đến việc giam oan ông Hưng, Công an, VKS, TAND TP HCM đã họp liên ngành xử lý kỷ luật 7 cán bộ bằng hình thức cảnh cáo và khiển trách. Còn thẩm phán Nguyễn Lâm bị xác định là đã can thiệp vào việc mua bán nhà của ông Hưng gây ra vụ án oan. Ông này thừa nhận sai phạm do sốt ruột với việc người thân (ông Nam) bị mất tiền khi tranh chấp nhà với ông Hưng. Ngoài việc bị khiển trách, ông Lâm không được tái bổ nhiệm thẩm phán.
Trong tháng 9-10/1999, các cơ quan tố tụng TP HCM lần lượt mời ông Hưng lên làm việc thông báo kết quả xử lý cán bộ gây oan và xin lỗi nội bộ. Không đồng ý với cách giải quyết này, ông Hưng cho rằng, việc xử lý như vậy là chưa thỏa đáng với những mất mát mà gia đình ông gánh chịu nên đề nghị xử lý hình sự những người liên quan; đồng thời bồi thường và xin lỗi công khai đối với ông.
Nhiều năm sau đó, ông làm hàng chục đơn khiếu nại gửi các cơ quan trung ương. Năm 2002, Ủy ban pháp luật Quốc hội có công văn gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị giải quyết. Sau gần 10 năm mang thân phận bị can, năm 2005, ông chính thức được đình chỉ bị can về hành vi còn lại với lý do các giao dịch của ông là "quan hệ dân sự".
VKSND TP HCM những năm gần đây đã nhiều lần mời ông lên làm việc thỏa thuận giải quyết việc bồi thường xin lỗi công khai. Tuy nhiên, ông cho biết, chưa lần nào VKS đưa ra mức bồi thường cụ thể vì cho rằng "chờ cấp trên phê duyệt".
Còn vợ ông Hưng, sau hơn 4 năm bị giam, tháng 10/1999 bà được đình chỉ tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đến năm 2004, bà được miễn trách nhiệm hình sự và VKSND TP HCM ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can
Hải Duyên
Nam sinh đòi Apple bồi thường 1 tỉ USD vì bị bắt oan
Một nam sinh ở thành phố New York của Mỹ đang đâm đơn kiện nhãn hàng công nghệ nổi tiếng của Mỹ là Apple sau ... |
Bảo mẫu quan hệ tập thể với vợ chồng Mel B được bồi thường 2,3 triệu USD
Cựu thành viên nhóm nhạc nữ đình đám Spice Girls phải trả cho cô gái này số tiền lớn để khép lại vụ kiện và ... |
Ngày đăng: 10:07 | 30/04/2019
/ https://vnexpress.net