Những ngày qua, nhiều địa phương xuất hiện tình trạng cây xăng nghỉ bán hoặc bán cầm chừng gây khó khăn cho người dân. Bộ Công Thương luôn khẳng định xăng dầu không thiếu trong khi thị trường xăng dầu trong thời gian qua vẫn bị khan hiếm, thiếu hụt cục bộ tại một số địa phương. Trước thực trạng này các chuyên gia cho rằng, là đơn vị quản lý nhà nước, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này.

Sản lượng xăng dầu nhập khẩu giảm tới 40%

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2022, sản lượng nhập khẩu xăng dầu giảm 40% đối với xăng và 35% đối với dầu DO so với quý II, trong đó chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện nhập khẩu. Đặc biệt, có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III/2022 như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa…

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, rõ ràng nhập khẩu xăng dầu giảm 40% thì thiếu hụt là đương nhiên. Trước hết đây là trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương. Trong đó, cũng đặt ra câu hỏi, Bộ Công Thương đã tính sản lượng tiêu dùng trong nước như thế nào? Bởi đây là vấn đề quan trọng, Bộ Công Thương phải tính được nhu cầu cho từng địa phương, cho từng tháng, từng vùng. Nếu đáp ứng được thì đủ, không đáp ứng được thì thiếu cục bộ. Cùng với đó, Bộ Công Thương phải giám sát, phân thời gian, sản lượng cho các đầu mối nhập về thì phải kiểm tra, các đầu mối nào nhập về đầy đủ, đúng số lượng, thời điểm đáp ứng được cung ứng ra thị trường thì Bộ cho tiếp tục, còn DN nào không nhập đúng thời hạn, không đảm bảo cung ứng trên thị trường thì cần phải xem xét loại bỏ để cho người khác làm.

0-1.jpg -0
Người dân chen chúc đổ xăng tại cây xăng cuối đường Láng, Hà Nội, tối 10/10.

Đặc biệt, trong xử lý sai phạm rút giấy phép thương nhân đầu mối Bộ Công Thương đã không tính được sản lượng xăng dầu nhập khẩu sụt giảm của những DN bị rút giấy phép và chuyển số lượng này sang đầu mối khác để nhập bù đắp cho sự thiếu hụt này.

Về mặt thị trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước tình trạng chiết khấu 0 đồng và DN đầu mối hạn chế nhập khẩu ảnh hưởng lớn tới nguồn cung cho thị trường thì Liên Bộ cũng cần phải có cơ chế rõ ràng và thống nhất trên cơ sở thực tế để giảm gánh nặng cho DN trong bối cảnh hiện nay. Bởi, không DN nào chịu được cảnh lỗ chồng lỗ kéo dài.

Lý giải về nguyên nhân khiến DN đóng cửa, Bộ Công Thương cho rằng, là do chi phí kinh doanh tăng mạnh và thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định. Nhiều DN giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng, nên DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó, tình hình bão lũ cũng khiến việc vận chuyển hàng gặp khó khăn, gián đoạn và thiếu hụt nguồn cục bộ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc đảm bảo cung ứng xăng dầu, bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là trách nhiệm chính của liên bộ Công Thương - Tài chính. Trong đó, việc cung ứng xăng dầu cho thị trường là trách nhiệm của Bộ Công Thương, còn quản lý giá là của Bộ Tài chính, còn việc điều hành không ăn khớp có thể xảy ra sự cố. Thực tế, những ngày gần đây, sự cố đã diễn ra là nguồn cung ứng xăng dầu trên thị trường bị gián đoạn ảnh hưởng tới một bộ phận của sản xuất, sinh hoạt của người dân, dù chỉ xảy ra ở một số địa phương. Theo ông Lê Thanh Vân, khi thị trường bị khan hiếm, hai bộ đều không thấy nhận trách nhiệm và đều cho mình đúng. Trong khi đó, quan trọng nhất hiện nay là khi có hiện tượng bất thường của thị trường và sự thiếu hụt nguồn cung Liên Bộ cần giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường. “Tôi cho rằng, xăng dầu khan hiếm trong điều kiện bình thường là điều không thể chấp nhận được. Đề nghị cần xem xét rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm người có thẩm quyền được phân công để xảy ra tình trạng như vậy”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

0-2.jpg -0
Một tiệm tạp hóa ở huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) mua xăng về bán kiếm lời.

Cần giải bài toán chi phí định mức cho doanh nghiệp

Trao đổi với PV Báo CAND, Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, qua diễn biến thị trường và các kiến nghị của DN kinh doanh xăng dầu cũng như kiến nghị của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính cho thấy mấu chốt hiện nay là chi phí premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở). Hiện nay chi phí premium không được tính đúng, tính đủ với thực tế nên DN gặp khó. Nếu giải quyết được vấn đề đó thì DN đầu mối, DN phân phối mới có lợi nhuận, khi họ có lợi nhuận thì mới chiết khấu cho đại lý ở mức hợp lý, chứ không thể như hiện nay tình trạng chiết khấu 0 đồng, dẫn đến DN lỗ và nhiều cây xăng xin đóng cửa. Hiện nay, Bộ Công Thương báo vẫn đủ nguồn cung ứng thì những đầu mối nhập khẩu, đầu mối cung ứng báo vẫn đủ, vậy tại sao DN không bán? Thậm chí DN đầu mối không muốn mua thêm nữa.

“Đáng lẽ ra khi có vấn đề vướng mắc của DN phản ánh và thực tế thị trường thì liên Bộ báo cáo lên Tổ điều hành thị trường trong nước, Ban điều hành giá để nghiên cứu, bàn luận tìm giải pháp, có các phương án để tháo gỡ điểm nghẽn” PGS.TS Ngô Trí Long nói. Về trách nhiệm, theo đánh giá của PGS.TS Ngô Trí Long: “Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành xăng dầu không những về nguồn cung mà cả vấn đề giá. Nhưng cần phối hợp với Bộ Tài chính trong việc đề xuất, kiến nghị về mức chi phí chung và premium”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, trong bối cảnh các đơn vị đầu mối và bán lẻ phản ánh về mức chiết khấu 0 đồng, nhiều DN đóng cửa mà liên bộ lại rất chậm chễ trong việc họp hành để xử lý nhanh và xử lý tận gốc vấn đề, trong khi rõ ràng đây là trách nhiệm của liên bộ. Cùng với đó, chúng ta cũng nhìn thấy sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong điều hành và đây cũng là bài học để cơ quan quản lý rút ra để điều hành được tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, công tác quản lý DN đầu mối, DN phân phối và DN bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị DN xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các DN. Liên quan trách nhiệm của Bộ Tài chính, ông Phớc cho rằng, về thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu.

Bộ Công Thương hỏa tốc mời doanh nghiệp xăng dầu họp

Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc mời các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, DN sản xuất xăng dầu dự cuộc họp bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Cuộc họp dự kiến diễn ra sáng 12/10, với thành phần dự họp là đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội xăng dầu và các DN. Mục đích cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bình Phước: 41 trạm xăng dầu đóng cửa

Chiều 11/10, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Phước cho biết, qua kiểm tra thực tế, đến 17h ngày 10/10, trên địa bàn ghi nhận 65 trạm xăng, dầu thông báo hết mặt hàng xăng hoặc dầu. Cụ thể, có 28 trạm hết xăng và dầu; 33 trạm hết xăng, còn dầu và 4 trạm hết dầu còn xăng. Và đến cuối giờ chiều 11/10, số lượng các trạm xăng dầu hết hàng tăng lên. Đã có có 41 trạm hết cả 2 mặt hàng xăng và dầu; 38 trạm hết xăng còn dầu và 5 trạm hết dầu, còn xăng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Phước cho biết, tình trạng các trạm xăng dầu đóng cửa xảy ra từ ngày 3/10, bắt đầu ở huyện biên giới Bù Gia Mập rồi liên tục “lan sang” các địa phương khác và dự báo số trạm xăng dầu đóng cửa sẽ còn tiếp tục gia tăng do chưa có nguồn cung. “Điều này khiến từ đó (ngày 3/10) đến nay 100% lực lượng QLTT chia thành nhiều tổ công tác tiến hành kiểm tra thực tế các trạm xăng dầu trên địa bàn thông báo việc tạm ngưng kinh doanh do hết xăng hoặc dầu” – bà Thanh Loan nói.

Theo bà Thanh Loan, nhiều chủ các cơ sở kinh doanh xăng dầu cũng chủ động báo với Cục QLTT về việc đơn vị hết hàng, nên buộc phải tạm ngưng bán.

“Trước tình trạng này, đơn vị đã triển khai nhiều tổ công tác, trực 24/24h tất cả các ngày trong tuần để tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của toàn bộ 392 cơ sở kinh doanh xăng dầu trong tỉnh. Đến nay, đơn vị phát hiện trạm xăng dầu nào găm hàng không bán. Các chủ trạm xăng dầu nói do nguồn cung khan hiếm, nguồn hàng nhập về đến đâu bán hết đến đó nên buộc các trạm xăng dầu phải nghỉ bán. Giới chủ cũng cho hay khi có xăng dầu họ sẽ tiếp tục mở bán lại bình thường” – bà Thanh Loan nói và khuyến cáo người dân không nên mua xăng dầu tích trữ trong nhà có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Đức Trí

https://cand.com.vn/Thi-truong/nguoi-dan-kho-mua-xang-trach-nhiem-bo-cong-thuong-the-nao--i670609/

Ngày đăng: 10:41 | 12/10/2022

Lưu Hiệp / cand.com.vn