Ở thị trấn ven biển với khoảng 2.000 dân cư phía đông Greenland, người dân tỏ ra hoài nghi khi nghe tin Tổng thống Mỹ muốn mua lại hòn đảo.
Người dân trên đảo Greeland. Ảnh: Reuters |
"Tôi nghĩ chúng tôi xem đó như một trò đùa ngớ ngẩn từ Tổng thống Mỹ", bà Anna Kuitse Kuko, 63 tuổi, một giáo viên tiếng Anh đã sống gần trọn cả đời ở thị trấn Tasiilaq, phía đông đảo Greenland, nói.
Ý kiến của Kuko là một trong nhiều phản ứng giận dữ và mỉa mai của người dân địa phương sau khi Wall Street Journal hôm 15/8 đưa tin Tổng thống Mỹ Trump đã đề xuất mua đảo Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, trong một số cuộc họp, nhưng các trợ lý của ông không thể thống nhất ý kiến. CNN cũng cho hay Trump nhiều lần bày tỏ ý định mua Greenland và đội ngũ luật sư Nhà Trắng đang xem xét khả năng này.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 2.166.000 km2 và dân số 56.000 người, nằm ở Bắc Đại Tây Dương. Nơi này nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như than và uranium, cũng là nơi Mỹ đóng căn cứ không quân Thule nằm trong hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của nước này.
Không rõ Trump muốn chi bao nhiêu để mua Greenland nhưng trước đây, các đời tổng thống Mỹ từng hai lần nỗ lực mua hòn đảo. Năm 1946, tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman được cho là đã đưa ra mức giá 100 triệu USD để mua Greenland, nhưng bị Đan Mạch từ chối.
Một góc đảo Greenland. Ảnh: Posnov/Moment RF |
Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người dân địa phương châm biếm ý tưởng của Trump. "Ồ, tôi không nghĩ rằng Trump biết đến sự tồn tại của Greenland", một người bình luận.
Một người đăng lại bức ảnh chế cho thấy tháp Trump dát vàng lấp lánh lấn át quang cảnh bình yên ở Greenland. "Ông không thể nghiêm túc sao! Chúng tôi không phải là thứ ông có thể mua. Hãy tránh xa đất nước của chúng tôi", người này bày tỏ tức giận.
"Trump có thể mua bất cứ thứ gì, tôi đoán thế, hoặc bất cứ thứ gì ông ấy nghĩ rằng mình có thể mua", Tina Joergensen, một y tá, nói. "Nhưng với Greenland thì không thể. Đây là một dân tộc, một quốc gia, một nền văn hoá".
Cựu thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen bày tỏ sự bối rối trước thông tin trên. "Đây chắc hẳn là một trò đùa Ngày Cá tháng Tư", ông viết.
Rufus Gifford, cựu đại sứ Mỹ tại Đan Mạch, gọi ý tưởng mua Greenland là "một thảm hoạ toàn diện".
Cơ quan Ngoại giao Greenland hôm 17/8 tuyên bố hòn đảo không cần tìm người mua. "Chúng tôi mở cửa để kinh doanh chứ không phải để bán", cơ quan này viết trên Twitter.
Thủ tướng Greenland Kim Kielsen cũng bác bỏ ý tưởng bán hòn đảo. "Chúng tôi có quan hệ tốt với Mỹ và xem đây là sự bày tỏ quan tâm lớn hơn với việc đầu tư vào quốc gia của chúng tôi và những tiềm năng chúng tôi có", thông cáo của ông Kielsen cho biết.
Trong khi đó, Niels Tvis Knudsen, trợ lý giáo sư tại đại học Aarhus University, Đan Mạch, người từng nghiên cứu phía đông Greenland từ những năm 1970, cho biết ông lo ngại về việc người ngoài đến khai thác các tài nguyên thiên nhiên của hòn đảo và lợi dụng sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng của chính quyền.
"Greenland không có quân đội, cũng không có quốc hội. Họ không có bất cứ thứ gì mà một nhà nước bình thường có", ông nói.
Tổng thống Trump dự kiến thăm Copenhagen vào tháng 9 và sẽ trao đổi với chính quyền Đan Mạch về Bắc Cực. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy vấn đề mua Greenland sẽ được đưa ra trong các cuộc thảo luận.
Anh Ngọc (Theo NBC News)
Ngày đăng: 20:00 | 17/08/2019
/ vnexpress.net