Từ đêm 18/9, hàng trăm người thôn Nam Phước dựng lều chặn cổng nhà máy cồn Đại Tân để phản đối tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng ở khu vực dân cư.
Người dân dựng lều trước nhà máy cồn Đại Tân để phản đối. Ảnh: Đắc Thành. |
Ông Trương Hùng, thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc phản ánh, đêm 18 rạng sáng 19/9, khi trời mưa to thì người dân ngửi thấy mùi hôi nồng nặc đến mức đang ngủ cũng bị khó thở, tức ngực nên tỉnh dậy.
Trong đêm tối, hàng trăm người kéo đến bao vây nhà máy, ngăn cản xe nhập nguyên liệu vào trong. "Nhà máy cồn đang đe dọa đến sức khỏe của chúng tôi bằng không khí nồng nặc mùi hôi và tiếng ồn", ông Hùng nói và cho biết người dân trong xã đã dựng lều trước cổng nhà máy để phản đối gần một tuần nay.
Trước kia, nhà máy cũng từng nhiều lần để xảy ra sự cố. Tháng 7/2018, người dân ở xã Đại Tân đồng loạt ký đơn yêu cầu cơ quan chức năng huyện Đại Lộc và tỉnh Quảng Nam xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư sinh sống.
Ông Trần Xuân Vương, thôn Nam Phước cho hay: "Chúng tôi có nguyện vọng một là đóng cửa nhà máy, hai là bố trí tái định cư để người dân di dời".
Một cống nước thải nhà máy chảy ra môi trường có màu đen. Ảnh: Đắc Thành. |
Giải thích về hiện tượng mùi hôi nồng nặc khiến người dân không thể ngủ nổi trong đêm 18/9, ông Phạm Văn Tĩnh, phó giám đốc nhà máy cồn Đại Tân cho biết, trong quá trình sản xuất, công nhân vận hành đã để tràn dầu fusel từ bồn chứa ra ngoài và phát tán, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
"Nhà máy đã gửi lời xin lỗi đến người dân bị ảnh hưởng", ông Tĩnh nói và cho biết thêm, sau khi phát hiện sự cố ban lãnh đạo nhà máy đã cho cô lập, đóng các cống xả, chặn các vị trí không cho dầu tràn ra môi trường bên ngoài. Trưa 19/9, công tác khắc phục môi trường hoàn thành.
Một lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc cho biết, ngày 20/9 huyện đình chỉ hoạt động của nhà máy cồn Đại Tân. Chính quyền đã giải thích nhưng người dân không đồng tình và tiếp tục tập trung đứng trước nhà máy phản đối.
"Công ty giải thích đây là sự cố, còn người dân cho rằng nhà máy cố tình xả", vị này nói và cho rằng vụ việc có phải do sự cố hay không chờ cơ quan điều tra xác minh.
Chiều 24/9, lãnh đạo huyện Đại Lộc cùng công ty đối thoại với người dân trước cổng nhà máy nhưng bất thành. Người dân mong muốn được đối thoại với lãnh đạo tỉnh để trình bày tâm tư nguyện vọng, nhưng không có nên ra về.
"Huyện đang đề nghị UBND tỉnh xem xét để đối thoại với người dân", lãnh đạo huyện Đại Lộc nói.
Năm 2012, Nhà máy cồn Đại Tân nằm ở xã Đại Tân đi vào hoạt động, do Công ty cổ phần Đồng Xanh làm chủ đầu tư. Sau hai năm sản xuất, nhà máy phải tạm dừng do làm ăn thua lỗ và gặp khó khăn về vốn.
Đến năm 2015, công ty này chuyển giao quyền quản lý cho Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm sản xuất cồn sinh học ethanol với công suất 100.000 tấn/năm, loại này cung cấp làm xăng E5. |
Ngày đăng: 17:37 | 25/09/2019
/ vnexpress.net