Quốc hội đã lùi thông qua luật Đặc khu nhưng vẫn còn đâu đó suy nghĩ, tư tưởng không đúng đắn về đặc khu kinh tế. ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng, người dân cần tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc về luật Đặc khu.
Lùi luật Đặc khu là quyết định sáng suốt
Quốc hội lùi thông qua luật Đặc khu (luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) là một trong những quyết định sáng suốt, hợp lòng dân, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó một số sự kích động không đáng có khi đưa ra quan điểm sai lầm về luật Đặc khu.
Bên hành lang Quốc hội chiều 12/6, ĐBQH Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, ĐBQH TP.HCM đã có những chia sẻ thẳng thắn về sự việc một số phần tử kích động, quá khích về thông tin Quốc hội lùi thông qua luật Đặc khu.
Chủ trương xây dựng 3 đặc khu kinh tế đã được tính toán kỹ lưỡng.
PV: Thưa ông, việc lùi thông qua dự án luật Đặc khu được Quốc hội chấp thuận sẽ mang lại kết quả tốt hơn như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Nhà nước đã có chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế dựa trên những tính toán rất kỹ, tham khảo cả nước ngoài, những bài học kinh nghiệm từ khu đặc khu thực hiện thành công hoặc không thành công. Đã có rất nhiều các đoàn khảo sát về từng địa phương sẽ thực hiện xây dựng đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, quá trình xây dựng luật Đặc khu còn một số điều khoản chưa phù hợp với thực tế hệ thống pháp luật nói chung và các quy định về phong tục, tập quán, văn hóa, tư duy của người dân dẫn đến hiểu lầm.
Chính từ kẽ hở hiểu lầm này, các đối tượng, thế lực thù địch chống phá đã lợi dụng kích động để bộ phận người dân chưa hiểu đúng, đầy đủ có hành động quá khích.
Tôi cho rằng, việc lùi dự án luật Đặc khu đã đạt 2 mục đích. Chúng ta có thêm những ý kiến của nhân dân để làm sao dự án luật Đặc khu sau khi ra đời là tốt nhất, phục vụ tương lai của đất nước sau này, đảm bảo lợi ích về kinh tế và vẫn bảo đảm cả an ninh quốc gia, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Đây cũng là 2 mục đích cao cả nhất.
PV: Ở góc độ của Ủy viên Ủy ban An ninh – Quốc phòng của Quốc hội, ông quan tâm và kỳ vọng những thay đổi như thế nào khi tiếp tục chỉnh sửa dự án luật Đặc khu trong thời gian tới?
ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Cũng giống các ĐBQH khác và chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nghĩ có một số điều khoản phải điều chỉnh lại, ví dụ như việc cho thuê đất 99 năm, vì trong luật đất đai chỉ quy định 70 năm nên cần có sự thống nhất giữa luật ban hành trước và luật ra đời sau.
Với việc lùi thông qua luật Đặc khu để điều chỉnh, sự lắng nghe ý kiến của Chính phủ như thời gian qua thì chắc chắn dự án luật Đặc khu sẽ được hoàn thiện hợp lý. Chúng tôi sẽ góp ý thêm cho quá trình hoàn thiện này, ví dụ các khu đặc khu kinh tế đó ưu tiên phát triển loại hình kinh tế nào, không thể cứ rập khuôn máy móc.
Điều quan trọng nhất, tôi quan tâm đến vấn đề đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh. Đó là vấn đề không thể thiếu trong mọi sự phát triển kinh tế của đất nước dù ở giai đoạn nào, thời đại nào.
ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng, người dân cần tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc về luật Đặc khu. Ảnh: D.Thu.
Cần tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc về luật Đặc khu
PV: Ông có ý kiến thế nào về việc người dân cần thể hiện tình yêu nước một cách sáng suốt, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm như xây dựng luật Đặc khu?
ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Cần phải khẳng định người dân luôn là những người yêu nước. Người dân Việt Nam có tố chất rất đặc biệt, khi gặp những vấn đề khó khăn, phức tạp hoặc kẻ thù lăm le chống phá thì tinh thần đoàn kết dân tộc càng được thể hiện rõ. Nhưng trong trường hợp này, lòng yêu nước phải tỉnh táo, không để thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước mù quáng rồi chọc phá.
Xung quanh dự án luật Đặc khu vừa qua, một số người thể hiện lòng yêu nước không đúng theo quy định của pháp luật, truyền thống dân tộc. Nếu không hài lòng, không đồng ý, đã có luật Tố cáo, các quy định của pháp luật về khiếu nại, khiếu kiện. Hiến pháp cũng quy định rõ quyền tự do góp ý để xây dựng đất nước, nhưng không được đập phá, đốt phá tài sản, tấn công bất cứ người nào kể cả người thi hành công vụ và người dân. Nếu đập phá tài sản, tài sản công, đó là tài sản người dân lao động đóng thuế để có, đập phá vô hình trung thành họ vác gạch ghè chân mình. Cần lên án hành động mù quáng của một số phần tử.
Hơn nữa, nếu đập phá tài sản của người khác thì phải đền bù, bồi thường thậm chí sẽ bị xử lý về pháp luật hình sự. Rõ ràng, họ đang là người tốt chứng minh lòng yêu nước của mình thì vô hình trung không kiềm chế cái đầu nóng đã bị kích động thành người có lỗi. Cần tuyên truyền, phân tích cho người dân đâu là đúng đâu là sai, trong đấu tranh phải có trật tự.
PV: Thưa ông, vừa qua tại cuộc họp báo, Công an TP.HCM thông tin có các thành phần, tổ chức phản động đứng phía sau xúi giục, kích động người dân xuống đường tụ tập. Là ĐBQH của TP.HCM, ông có lời khuyên thế nào với cử tri nơi mình ứng cử và nhân dân trong thời điểm này?
ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Thực ra, tất cả những hành vi quá khích đều là do thế lực thù địch đứng sau ngấm ngầm, âm thầm chống phá. Trách nhiệm của cơ quan công an là đấu tranh phòng, chống. Vụ việc tụ tập ở TP.HCM vừa qua, tôi nghĩ có căn cứ, minh chứng nên phía Công an mới có thông tin với báo chí như vậy.
Công an sẽ điều tra, bắt giữ các đối tượng. Chúng ta yên tâm chắc chắn rằng, các thế lực thù địch, phản động đứng sau sẽ bị đưa ra ánh sáng, bị xử lý để người dân hiểu bản chất bộ mặt thật của chúng như thế nào.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Quốc hội biểu quyết thống nhất lùi thông qua luật Đặc khu
Với 85,63% Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt tán thành, Quốc hội đã thống nhất lùi thời gian thông qua luật Đặc khu. Luật ... |
Lãnh đạo Công an TP HCM: "Có âm mưu chống phá gây rối loạn"
Dù Quốc hội đã lùi thông qua Luật Đặc khu, công nhân Pouyuen vẫn tập trung trước công ty phản đối, gây cảnh hỗn loạn. |
“Quốc hội luôn hành động vì ý chí người dân mà mình đại diện”
Sáng 11.6, Quốc hội bổ sung vào Chương trình làm việc buổi sáng để xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ... |
Ngày đăng: 08:22 | 13/06/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn