Ngày ngày Linh còm cõi nhốt mình trong phòng làm việc với những trang bản thảo coi đó là niềm vui và lẽ sống duy nhất. Người đàn bà từng song hành cùng gió mưa đang đi đến chặng cuối của mình, vẫn là mưa gió, vẫn là những vật vã thử thách không thể tránh được của kiếp người.

Có lẽ tôi chẳng nên viết những dòng trên, nó sẽ khiến Linh thêm đau lòng nhưng nếu không viết thì đó sẽ là một khuyết thiếu không thể tha thứ khiến chân dung Linh chẳng còn trọn vẹn. Viết những dòng này tôi đã cầu mong linh hồn cháu bé thể tất cho tôi. Sau lần vượt cạn bất thành ấy, Thùy Linh còn gắng chống trả số phận bằng vài lần thụ thai khác nhưng đều thất bại. Cứ mỗi lần xảy đến thì đó là mỗi lần niềm tin sinh hạ nơi Linh dần cạn kiệt để đi đến tuyệt vọng hoàn toàn. Năm 1999 tôi sinh đứa con gái thứ hai. Thương Linh tôi bàn với vợ lấy tên Linh đặt cho con. Cũng một phần duy tâm nữa, tôi muốn con gái tôi mang lại khước cho Linh biết đâu sẽ may mắn. Tôi vẫn hy vọng Linh có một kết cục đẹp về con cái. Lúc nói với Linh chuyện đặt tên, Linh đồng ý nhưng mặt rất buồn. Từ đó con gái Phạm Ngọc Linh của tôi có thêm một bà mẹ. Thi thoảng nó lại bảo tôi chở đến cơ quan thăm mẹ nuôi. Bây giờ thì Linh không còn nhắc đến chuyện sinh con nữa. Buồn thay Linh đã chấp nhận số phận.

Sau khi truyện ngắn “Gió mưa gửi lại” đoạt giải nhì ( không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội, phải động viên mãi Linh mới chịu tập hợp lại 9 truyện để in thành tập lấy luôn tựa truyện trên làm tên. Đa phần truyện ngắn trong tập đều ăm ắp nỗi buồn nhân thế, số phận nhân vật luôn bị đặt vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, hoặc thiếu may mắn hoặc bị tước đoạt hạnh phúc. Nhưng trên tất thảy nghịch cảnh ấy là niềm khát khao sống, những đam mê cháy bỏng, khẳng định nhân cách con người. Những truyện ngắn thật buồn nhưng xúc động đầy lòng trắc ẩn, nhân hậu. Văn của Thuỳ Linh ngùn ngụt khí lực, trường mạch, đẹp một cách bất ngờ và cốt thiết nhất là rất giầu hình ảnh. Tôi đã chuyển thể một số truyện ngắn trong tập thành phim.

nguoi dan ba cua gio mua ky cuoi
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Là trưởng phòng nội dung 1, rồi phó giám đốc Linh luôn có ý nâng đỡ những người có ý định viết kịch bản. Thói cả nể của Linh nhiều khi thành thương người vô lối và không ít lần gây hoạ. Một nhà văn hạng bét trong cơn túng quẫn, cần tiền thế là ôm ý tưởng đến. Linh không nề hà chỉ dẫn thậm chí bỏ công căng lis giúp. Tất nhiên có kết quả nhưng nói thật những kịch bản “trợ cấp” ấy có bao giờ hay được. Lại một lần có tác giả nữ đến cơ quan gặp Linh. Thương người này nghèo khó, Linh đưa luôn về nhà nuôi ăn ở như nuôi cán bộ nằm vùng dạo kháng chiến còn trong thời kỳ bí mật. Một thời gian khá dài, Linh tận tình chỉ bảo, hướng dẫn để ra được hơn chục tập kịch bản. Lúc đạo diễn làm phim có sơ xuất sai tên rồi sửa kịch bản cho phù hợp thế là ăn kiện gần chết. Đến tận bây giờ vụ kiện vẫn còn lằng nhằng ở cấp…tòa án. Lần đó Linh nhận được một bài học nhớ đời nhưng cấm có chừa được. Còn vô khối trường hợp khác, nhiều lần Linh còn phải tự bỏ tiền túi để ứng cho tác giả. Mà đa phần những khoản chi này coi như “mất hút hàng lươn”. Nói, Linh cười hì hì: “Tôi trưởng thành muộn khôn ngoan chậm mà”.

Linh thu dần mình lại sau những biến cố của đời mình. Tránh những cuộc vui ồn ã. Bạn văn, bạn nhậu ngày một ít đi. Vẫn biết tính tình con người là thứ không thể thay đổi nhưng tôi biết Linh phải gắng để kìm mình. Linh học thiền, đọc nhiều sách về đạo, hay lai vãng đến chùa chiền lấy sự tĩnh lặng làm niềm vui sống. Một dạo tôi khuyên Linh nhận lấy một đứa con nuôi. Chúng tôi từ lâu đã có quan hệ với Trung tâm bảo trợ xã hội 4 ở Ba Vì, Hà Tây. Hàng năm, vào dịp hè, dịp tết mấy anh em góp nhau lại, quyên cóp thêm các báo để có chút ít quà cáp sách vở cho các cháu mồ côi và cơ nhỡ. Linh kéo thêm được nhiều người khác làm việc này. Đã thành lệ, cứ áp Tết âm lịch mấy anh em chúng tôi lại tổ chức một bữa ăn đón Tết cùng với các cháu ở trại. Linh bàn với tôi giúp miếng ăn thì ai cũng có thể giúp được, mình phải giúp các cháu cái đọc, giúp các cháu con chữ. Thế là âm ỉ nhiều năm chúng tôi quyên góp sách truyện, tìm nguồn để xây dựng một thư viện tạo nếp đọc cho các cháu. Nhưng cũng phải đến khi làm một dự án phim với nước ngoài, quen biết một doanh nhân Việt kiều thì nguyện vọng kia của Linh mới thành hiện thực. Bây giờ các cháu mồ côi cơ nhỡ ở Trung tâm 4 đã có một thư viện với tương đối đầu sách văn học đủ để thu nhận một thế giới chí ít cũng tươi sáng hơn cuộc sống hiện tại của các cháu. Linh bảo: “Chỉ văn học mới giúp chúng thắp lên được ngọn lửa tình yêu cuộc sống, mới có khát vọng vươn lên được thành người.”. Tôi không hẳn nhất trí với quan điểm này nhưng tấm lòng của Linh đáng được ghi nhận. Lứa các cháu ở Trung tâm lớn dần lên đến tuổi trưởng thành là phải rời trại hoà nhập vào xã hội. Linh cũng bức xúc trăn trở kiếm tìm đầu ra cho một vài trường hợp. Hiện Linh đang giúp một vài cháu từ cái ăn, chỗ ở đến việc học và công việc làm sau khi ra trường. Những việc thế này là một nét trong tính cách của Linh. Nó thể hiện hiện rất rõ trong các truyện ngắn Linh viết mà ngay từ “Mặt trời bé con của tôi” đã có điều này. Có lẽ đó là lý giải đọc văn Linh thấy xúc động và thường tạo ra được hiệu ứng đồng cảm trong độc giả.

Trong trại có một khu riêng dành cho các cháu sơ sinh. Những trường hợp này đại đa số đều bị mẹ bỏ rơi trong bệnh viện, cá biệt có người mẹ sinh con xong gói vào bọc rồi đặt ở cổng trại. Linh lên đó quyến luyến với nhiều cháu, cũng đôi ba lần định làm thủ tục đón một đứa, lãnh đạo trại quý Linh rất ủng hộ, khuyến khích nhưng rồi cứ lần lữa mãi, hết lý do chủ quan đến khách quan việc vẫn không thành. Hôm rồi Linh bảo tôi bằng một giọng bình thản: “Thôi anh ạ, cái duyên em không có nên đành chấp nhận. Em chắc chỉ sống được một mình…”. Tôi im lặng không trả lời.

Tôi với Linh làm việc trong cùng một phòng đến hơn chục năm. Chuyện này cũng buồn cười. Tính tình tôi và Linh khác biệt nhau và hầu như trái ngược hoàn toàn. Tôi ồn ã, vô tâm sống ào ào khách khứa tấp nập và luộm thuộm hết mực. Linh trái lại ngăn nắp chỉn chu, quan hệ chừng mực. Gần đây Linh chuyển phòng làm việc khi nhận chức vụ phó giám đốc. Nói thật đã quen sống có Linh tôi hẫng hụt như thấy thiếu một thứ gì đó. Tất nhiên, phòng tôi bây giờ không có bàn tay phụ nữ đã hoang tàn, bề bộn như một bãi chiến trường. Tôi bỏ hẳn hoa tươi hàng ngày, dinh về một cành hoa giả bày cho tiện. Hôm rồi, Linh về phòng hạ cuốn lịch bảo tôi: “Ông này cùn thật, vẫn nguyên lịch từ hôm tôi đi không thèm cả bóc.”.

Tính Linh có phần cực đoan lãnh đạm, kiên quyết với người thân nhưng lại nồng nhiệt vồn vã với người lạ. Trong hơn mười năm tôi và Linh cãi nhau chỉ có hai, ba lần, một con số quả là vĩ đại. Không hẳn là hoà hợp nhau đến mức ấy đâu mà là vì tôi chẳng bao giờ dại gì tranh luận với Linh. Vì tôi biết có tranh luận cũng không lại được, Linh ít khi thay đổi khi đã nghĩ gì và định làm gì đó. Nói chung Linh là người có cái nhìn tinh tế, chính xác về người khác chỉ mỗi tội hay cảm tính. Và khi Linh cảm tính thì không ít lần dại dột kiểu như cách đối xử với cộng tác viên. Chúng tôi rất thuộc tính nhau nên khá ăn ý trong công việc cũng như sinh hoạt đời sống. Nói ra điều này có khi vợ tôi tự ái, Linh thậm chí thuộc tính tôi còn hơn cô ấy. Dạo đi Sơn La, anh Ngô Xuân Lộc khoái cách nói chuyện phào phào tiếu lâm của tôi cứ nhất định bắt phải ngồi cùng xe. Trên xe rinh rích cười suốt dọc đường chỉ có Linh là lạnh băng không tẹo phản ứng. Đến độ anh Lộc phải thắc mắc. Linh trả lời tỉnh bơ: “Tích cũ diễn lại ấy mà, các bác thích chứ em chán phè, hết rồi chỉ có tưng ấy, thuộc lòng.”. Tôi dạo chưa phát bệnh người lúc nào cũng sũng ruợu, lử lả suốt. Khi uống, nhiều người bảo ông Tiến say rồi, dừng đi kẻo chết. Chỉ có Linh là biết cữ nào tôi mới say: “Còn lâu lão ấy mới chết. Uống bao giờ phải không chống được mi mới gục.”. Quá đúng, thường người say thật sự thì không bao giờ biết mình say và cũng không bao giờ chịu thừa nhận mình say vì có biết được, nhớ được quái gì đâu. Tôi uống đến cữ liệt sĩ, mồm vẫn dẻo queo, nói thao thao bất tuyệt không lẫn một từ nào nhưng thực chất không nhớ một tí gì, hành xử lúc đó hoàn toàn là phản xạ bản năng. Lúc say tôi bị một tật là mi mắt sập xuống nên cứ phải nhướng mày vận cơ mắt để chống. Lúc đó là đến giới hạn cuối cùng. Chỉ có vài ba người uống có thâm niên với tôi mới biết được điều này. Linh nhìn mắt là biết tôi uống đến đâu, nên nhiều lần cứu nguy cho tôi những bàn thua trông thấy, chẳng hạn như giấu chìa khóa xe đi để tránh tai nạn. Sau lần say bao giờ Linh cũng tua băng lại cho tôi những sự kiện của hôm trước, đại loại: “Anh cãi nhau với lão Đỉnh, anh vô lý, anh sai. Anh hứa cho cái Hương bộ sách chiến tranh, anh…anh…”. Khốn khổ thế, tai hoạ từ miệng ra, bệnh tật từ mồm vào, cái thằng ruợu chí cốt chỉ rình hại thằng bạn thân của nó vào những ngưỡng ấy. Sau này Linh tránh giao du và hầu như không uống nữa, trừ khi không thể chối từ. Cho đến khi tôi phát hiện trọng bệnh buộc phải từ bỏ rượu thì nhiều lần có khách không thể không uống, tôi phải năn nỉ để Linh uống hộ cả phần tôi. Khi vui Linh uống rất điềm đạm chỉ uống say những khi thật buồn. Cái lần tôi nhớ nhất là dịp uống sau cái hôm vì mâu thuẫn gì đó ở cơ quan một cuộc họp được tổ chức để “đánh” Linh. Chuyện đã ngót nghét chục năm rồi. Linh cứ tì tì nốc vã rồi chuyển sang âm nhạc. Tôi hay dùng một thuật ngữ nói lái “Giôn len nôn” để chỉ lúc say bị nôn. Báo hại thằng tôi phải dọn trả nợ (thi thoảng tôi cũng bị những cú “biu ti phun” ấy) nhưng hãi nhất là Linh cứ rú lên cười. Cười thành tràng thành chuỗi nối nhau. Người say khóc là thường nhưng cười thì quá hiếm lại cười kiểu này nữa thì ai mà không sợ. Tiếng cười lạ lùng đầy đủ mọi cung bậc trong đó, có chua chát, đau xót, ai oán lại cả giễu cợt, bi phẫn. Tôi ấn Linh vào phòng, bật nhạc thật to để lấp. Lúc tỉnh Linh bảo: “Buồn quá anh ạ, con người…”

Một lần khác là lần tôi sợ nhất, đó là khoảng thời gian Linh mất cháu chừng hơn một tháng. Hôm đó có chuyện gì đó Linh uống với tôi rất lâu. Nhưng tôi biết là vì Linh buồn và ám ảnh về chuyện đứa con. Tôi đưa được Linh về phòng. Linh lảo đảo nhưng mặt lạnh te, tái mét. Linh đổ vật ra ghế người cứ rung như sóng điện. Linh thì thầm như nói với chính mình: “Lạnh! Tôi lạnh!”. Tôi trùm chăn, lấy cả quần áo, giấy báo lèn kín người Linh. Tôi bất lực nhìn Linh, không biết làm cách gì để ngăn được cơn lạnh buốt giá từ tâm can cốt tuỷ thổi ra ấy. Sau đó rất lâu Linh bảo tôi: “Em chết mất.”. Mắt Linh giá lạnh không một ngấn nước. Linh ít khi say như tôi nhưng say thì kinh khủng như vậy. Lần gần nhất hình như có chuyện trục trặc gì đó ở gia đình Linh cũng uống nhiều. Hôm đó tôi đã bỏ rượu. Tôi mắng Linh con bé này uống gì mà khiếp thế, có chuyện gì. Từ dạo bỏ ruợu tôi đâm ra xấu tính hay đố kị và ghét đám uống được. Như chỉ đợi có thế, lần đầu tiên Linh lao vào ôm lấy tôi, gục mặt lên ngực tôi oà khóc như mưa như gió. Áo tôi ướt đẫm vì nước mắt Linh. Biết tính, tôi im lặng không một lời khuyên giải. Khóc chán, Linh sùi sụt bảo tôi: “Sau này có lẽ em vào chùa ở…”. Nói ra điều này tôi biết Linh đã ở tận đáy của sự cô đơn. Những thứ Linh đang có hôm nay chưa hẳn mang lại cho Linh hạnh phúc trong khi điểm tựa gần như duy nhất của Linh là người cha thân yêu cũng đã không còn. Cái chết của người cha già cựu đại tá Trần Minh hơn một năm trước càng khiến Linh tin hơn vào những gì thần bí của thế giới tâm linh. Ông ra đi thanh thản như kết thúc một cuộc dạo chơi trên dương thế bằng một cơn tai biến não chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ.

Thấm thoắt cô bé của “Mặt trời bé con của tôi” dạo nào giờ đã bước vào tuổi năm mươi. Thời gian trôi thật nhanh. Vài cuốn sách ít ỏi, trên trăm tập kịch bản phim, chỉ ngần đó Thuỳ Linh đủ làm nên một tên tuổi, một sự nghiệp. Với tôi, Linh là một người bạn hiếm hoi có những chia sẻ vui buồn trong một quãng đời dài mưu sinh đầy mệt mỏi nhưng rất đỗi đáng nhớ. Tôi biết, bệnh tật và tuổi tác cũng như công việc sẽ làm chúng tôi xa rời nhau một ngày không xa. Dẫu thế thì tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời đã ban tặng cho tôi một tình bạn tốt chẳng dễ gì có được.

Ngày ngày Linh còm cõi nhốt mình trong phòng làm việc với những trang bản thảo coi đó là niềm vui và lẽ sống duy nhất. Người đàn bà từng song hành cùng gió mưa đang đi đến chặng cuối của mình, vẫn là mưa gió, vẫn là những vật vã thử thách không thể tránh được của kiếp người. Nghĩ về Linh, không hiểu sao tôi cứ mãi nhớ đến cái sinh thể đứa con của em, một sinh thể thiếu sinh khí vì non tháng trong suốt, hình như bàn tay bé nhỏ khẽ động đậy, buồn thay cho Linh, mặt trời bé con của em đã không đến, đúng hơn là đã bỏ em đi để em với nỗi cô đơn tiền kiếp đầy khắc nghiệt và bây giờ chợt vang trong tâm tưởng tôi tiếng chuông chùa định mệnh như tiếng chuông trong phần kết truyện ngắn “Gió mưa gửi lại”. Liệu có thể khác được không Linh ơi…

Rút từ tập “Chân dung của rượu” - Hà Nội 2009

nguoi dan ba cua gio mua ky cuoi Người đàn bà của gió mưa (kỳ 3)

Dạo học ở trường, Linh là một khuôn mặt nổi bật. Cũng phải thôi, cái giải nhất văn chương kia ở vào thời điểm ấy ...

nguoi dan ba cua gio mua ky cuoi Người đàn bà của gió mưa (kỳ 2)

Sau này thì tôi phát hiện ra sau “Mặt trời bé con của tôi” đã thành quy tắc bất di bất dịch, Linh chỉ viết ...

nguoi dan ba cua gio mua ky cuoi Người đàn bà của gió mưa (kỳ 1)

Nghiệp văn chương của tôi bắt đầu từ rượu. Tôi đến với văn chương khá muộn, ba mươi tuổi mới viết truyện ngắn đầu tiên ...

Ngày đăng: 09:00 | 09/11/2018

/ Nhà văn Phạm Ngọc Tiến