Sau này thì tôi phát hiện ra sau “Mặt trời bé con của tôi” đã thành quy tắc bất di bất dịch, Linh chỉ viết bằng vào những trải nghiệm của mình, truyện của Linh dẫu dữ dội, hay êm ả bình lặng trữ tình thì đều chung một âm hưởng buồn.
Thú thực, là người bôn ba tứ xứ, dấn thân vào cuộc đời rất sớm, đã nếm trải đầy đủ những đau khổ tận cùng và hạnh phúc tột đỉnh tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ vì những tiết lộ của Thuỳ Linh sau mấy chục năm.
Trong đời người những vấp váp là không thể tránh khỏi. Có người bế tắc không vượt qua được, có nhiều người vượt qua dù chẳng dễ dàng. Mỗi người mỗi cách, Linh có thể vượt qua được cú vấp lớn đầu đời ấy bằng nhiều thứ cộng lại, trong đó có sự chia sẻ của đồng nghiệp, người thân. Nhà văn Hữu Ước người sau này có một cú tai nạn hi hữu không giống ai, lúc đó là trưởng phòng phóng viên chia sẻ với cô bạn nhỏ bằng cách đặt tay lên vai Linh không nói. Ánh mắt của anh đầy xót xa như một dự cảm dành cho chính mình. Chính Hữu Ước sau khi tai qua nạn khỏi đã rất nhiệt tình chăm chút cho Linh khi cô buộc phải rời khỏi báo năm 1989 để dấn thân vào cuộc phiêu lưu xứ người nơi đất Nga băng giá. Tôi biết trong con người Linh những nghĩa cử dù là nhỏ nhất mãi được lưu giữ trân trọng tận đáy sâu tâm hồn. Cú vấp ngã kia không quật nổi Linh nhưng cái cách Linh vượt qua nó bằng những gửi gắm vào “Mặt trời bé con của tôi” vừa để thanh minh vừa là khẳng định mình thì quả thật chỉ có những người bị văn chương “ám nghiệp” mới làm nổi.
Trước đó, Linh hay qua lại khu Kim Liên chơi với một người bạn học nữ đồng khoá tên là Hà. Người này hiện đang công tác tại công an tỉnh Khánh Hoà, Linh vẫn gọi là Hà “bờ” biệt danh của một người béo. Tại đó Linh gặp một cậu bé có hoàn cảnh đúng như nhân vật Nguyên trong truyện (bố mẹ bỏ nhau, anh trai đi tù, bản thân tự trọng gắng sống trong sạch). Linh cảm phục những hành xử của cậu bé này trong khu nhà tập thể. Cái chi tiết ai đó cho ít thịt kho nhưng cậu bé không ăn ngay là hoàn toàn có thật. Tâm hồn mong manh của một con người văn chương đã cảm nhận và hoà quyện được với khao khát vươn lên khẳng định mình của cậu bé xa lạ kia. Câu chuyện về cậu bé ở khu tập thể Kim Liên tưởng như sẽ dần được quên đi nằm lặng trong miền ẩn nơi con người Linh thì nó chợt bùng lên sống động và dữ dội hết mực sau cái lần vấp định mệnh kia. Cô thiếu uý trẻ với cái án kỷ luật cảnh cáo thông báo toàn ngành phút chốc cảm hoà nhập vào nơi tâm hồn non nớt của cậu bé. Linh viết liền một mạch xong truyện ngắn. Cái chi tiết bức ảnh Nguyên lúc tập lẫy có lời đề sau ảnh: “Mặt trời của mẹ.” là vì Linh nghĩ đến mẹ, thương mẹ đã vì mình phải lo lắng, đau khổ. Linh ân hận! Mẹ Linh lúc cuối đời mắc chứng bệnh tim. Bà rất lo lắng cho tương lai cô con gái út bướng bỉnh. Chính vì thế bà nhất quyết bắt Linh phải thi vào trường An ninh với lời biện giải, chỉ có trường ấy mới có chế độ lo được cho học viên. Đấy là bà lo xa sợ mình bệnh tim chết đột ngột rồi thì không ai lo cho con gái mình ăn thế nào, ở ra sao.
Nhà văn Thùy Linh |
Viết xong, Linh cất biến truyện ngắn đó đi không đưa cho bất cứ một ai xem. Đến một hôm, nhân có công việc gì đó các phóng viên trẻ của báo được gặp gỡ các cây viết đàn anh trong nghề. Trong khi những người khác đưa tác phẩm của mình ra nhờ đọc thì Linh im lặng. Phải đến khi nhà thơ Anh Chi hỏi đến và lúc đó mọi người đã ra về hết thì Linh mới dám đưa ra bản thảo “Mặt trời bé con của tôi”. Anh Chi xứng đáng là một bà đỡ mát tay. Chính ông đã từng đọc những truyện ngắn đầu tiên của tôi. Cả Nguyễn Quang Thiều và Hồ Anh Thái. Sau này có người nói với tôi, Anh Chi phàn nàn vì mấy học trò của mình khi thành danh đều không ai quay lại với ông. Tôi nghe và im lặng, nếu quả thật có vậy thì ông trách đúng, những người khác tôi không biết nhưng tôi thì đích thị có lỗi, không hẳn là tệ bạc nhưng đường đời nhọc nhằn, gian khó mưu sinh nhiều năm qua tôi có ít gặp ông thật, giờ hiểu ra thì đã muộn, đã già. Nói chuyện này càng thêm ân hận, hôm rồi lục lọi lại đống giấy tờ cũ tôi tìm được tờ báo “Người Hà Nội” ngày 15 tháng 2 năm 1987 có in một chùm thơ của Anh Chi với lời đề tặng trân trọng vợ chồng tôi đúng ngày làm lễ cưới, kẹp trong đó là tờ bạc 20 đồng tiền mừng. Tôi thật không biết nói thế nào nữa về tấm lòng ông dành cho tôi trong chi tiết của hơn hai mươi năm trước.
Anh Chi cầm bản thảo, ông có chỉnh sửa chút ít rồi hồ hởi bảo với Linh: “Truyện hay lắm, xúc động lắm, để gửi dự thi báo Văn Nghệ, thể nào em cũng được giải cao.”. Nói là làm, Anh Chi mang gửi truyện và cảm nhận của ông đã chính xác tuyệt đối. Nhân chuyện bản thảo, nhà văn Hoài An lúc đó làm biên tập báo Văn Nghệ mang bản đánh máy bản thảo truyện về đưa cho con trai là nhà văn Nguyễn Như Phong bảo đọc đi này, viết truyện phải thế. Con bé đó viết hay quá. Truyện này sẽ giải cao cho mà xem. Thành công của “Mặt trời bé con của tôi” nằm cả ở những chi tiết bên lề ấy. Có ít nhất một thế hệ bạn đọc đã xúc động sâu sắc khi đọc truyện ngắn này. Họ đã nhận được một tấm lòng trong đó và giá trị hơn là đồng cảm thấy được mình trong những dòng văn gần gũi. Năm 1992 khi Linh đang theo học ở Nga có nhận được tấm thiệp chúc mừng của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, người từng dạy dỗ coi Linh là học trò cưng khi Linh học khoá 3 trường viết văn Nguyễn Du. Ông viết đùa hóm hỉnh đúng với tính cách của mình, đại ý: “chúc mừng Linh, “Mặt trời bé con của tôi” đã được đưa vào phần trích giảng văn học lớp 9. Em thành tác giả classic (cổ điển) rồi còn học hành làm gì nữa.”. Đó chỉ là một câu đùa nhưng cũng có thể coi là một thành công đáng ghi nhận.
Sau này thì tôi phát hiện ra sau “Mặt trời bé con của tôi” đã thành quy tắc bất di bất dịch, Linh chỉ viết bằng vào những trải nghiệm của mình, truyện của Linh dẫu dữ dội, hay êm ả bình lặng trữ tình thì đều chung một âm hưởng buồn. Điều này lý giải vì sao Linh khác với mọi nhà văn, chỉ viết rất ít. Đến tận bây giờ Linh mới chỉ in được ba tập truyện ngắn. Nhưng đó thực sự là những truyện ngắn chất lượng và Linh xứng đáng có một vị trí trên văn đàn.
Tôi chuyển về Hãng phim truyền hình Việt Nam vào đầu năm 1997. Trước đó, tôi có ngót nghét hai chục năm công tác ở ngành điện. Tiếng là nghề điện nhưng tôi lúc làm thợ, lúc lại nửa thầy nửa thợ. Hơn nửa thời gian tôi làm báo và làm cán bộ thi đua, một nghề mà khá nhiều nhà văn từng làm lúc còn hàn vi. Bấy giờ vốn liếng văn chương của tôi cũng chỉ mới vỏn vẹn vài bốn cuốn sách, vài ba giải thưởng nhì nhằng và một vài kịch bản. Nghiệp văn là vậy nhưng nghiệp ruợu thì khác, tôi khá nổi tiếng trong giới, từng nghiêng ngả cùng đám các nhà văn đàn anh như Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh…la đà đánh đu khắp nơi, uống vô hồi kỳ trận và không ngán bất cứ hội rượu nào. Theo đề nghị của Linh, tôi và Phạm Xuân Nguyên được nhận về để tăng cường thêm quân số phù hợp với sự phát triển của hãng phim thời điểm bấy giờ. Phạm Xuân Nguyên làm phê bình nhưng được Nguyễn Quang Lập đánh giá rất cao về khả năng biên tập và biên kịch. Có lẽ Nguyên vẫn còn luyến tiếc nghề phê bình cao quý nên không chịu chuyển khỏi hẳn Viện Văn học mà chỉ ký hợp đồng 6 tháng làm thử, còn tôi thì chuyển hẳn. Công việc mới khiến tôi bỡ ngỡ mất một dạo mới hoà nhập nổi cơ quan mới. Dân điện ảnh ở ta nói chung vốn là những người kiêu ngạo bậc nhất trong các loại làm nghệ thuật. Trong mắt họ lũ nhà văn chúng tôi chỉ là đám hời hợt nông nổi không biết nghề. Cũng phải, họ coi trọng sự đào tạo nghề nghiệp ở trường điện ảnh là đúng. Phàm thứ nghề gì phải đào tạo mới thành thì sự coi trọng đầy ngạo mạn kia là đương nhiên. Nhiều đạo diễn từ chối không cho tôi làm biên tập bằng sự khinh thường vô lối. Đó quả thực là những ngày tháng vô cùng khó khăn. Thật may cho tôi, Linh luôn ở bên kề cận sát cánh. Nói thêm, Thuỳ Linh ngoài tấm bằng an ninh ban đầu, đã tốt nghiệp cả trường viết văn Nguyễn Du và M. Gorki nhưng cũng chả mấy khá khẩm hơn tôi là bao cũng vẫn chỉ được coi là dân ngoại đạo. Linh động viên tôi và Nguyên. Vì đã là quân số chính thức nên tôi nghiến răng chịu đựng, cố nhẫn nhục tìm mọi cách để học hỏi nghề. Cái tang biên kịch là anh làm phim trên giấy hiểu kịch bản đại loại nó cũng như một cái truyện vừa, có cốt có nhân vật, có tâm lý, đối thoại và quan trọng là xung đột rồi mở nút, thắt nút. Đến bây giờ khi đã viết hàng trăm tập kịch bản tôi vẫn thấy trình độ của mình chả khá hơn dạo đầu là bao nhiêu. Tóm lại ngoại đạo vẫn hoàn ngoại đạo.
Bằng công việc tôi và Linh nhanh chóng hiểu nhau kiểu như cầu thủ trên sân cỏ biết miếng biết mảng, khi nào cần rê rắt, khi nào cần phối hợp chuyền ban, ghi bàn, hay nói cụ thể hơn kiểu như trên bàn nhậu biết tính, biết nết, ăn được cái gì, uống được cỡ nào, mê thích loại ruợu gì để còn liệu cơm gắp mắm. Rất nhanh tôi và Linh trở thành một cặp làm việc tương đối ăn ý. Linh thông minh và nhanh nhạy trong việc nắm bắt vấn đề nên thường là người khởi xướng căng cốt truyện. Tôi có sức khoẻ, tốt rượu, tốt sức nên hay nhận việc viết thoại. Cũng có lúc nhóm bổ sung thêm người viết nhưng chủ yếu là hai chúng tôi như ong thợ cần mẫn ngày này tháng khác. Nhiều bộ kịch bản đã được hoàn thành từ kiểu làm việc này.
Ngày đầu, tôi được bố trí làm việc cùng một phòng với Linh. Tất nhiên Linh là phụ trách. Phạm Xuân Nguyên cũng có một chỗ nghĩa là đủ đầy bàn ghế làm việc nhưng chỉ thi thoảng anh mới đến. Hợp đồng thì thế cũng chấp nhận được. Nguyên thường cầm kịch bản về nhà, đọc xong chua sang bên lề, lần nào cũng chỉ mấy chữ: “Kịch bản dùng được, sửa chữa đôi chút.”. Dùng được thế nào, sửa chữa ra sao tài thánh cũng không lần ra nếu không phải là khổ chủ. Được 6 tháng, Linh bàn với tôi đại loại anh Nguyên là người có tài nhưng công việc này không hợp với anh ấy, thêm nữa anh ấy cũng không chí thú, phải cắt hợp đồng. Tôi ngại, là bạn bè biết nói điều tế nhị ấy thế nào cho thuận. Nhưng Linh có cách của mình. Linh nói thẳng những điều đã bàn với Nguyên, không một chút quanh co rào đón. Tính cách Linh là vậy, thẳng băng. Một tiệc rượu được bày ra ở ngay phòng làm việc để chia tay Nguyên. Vui vẻ, không chút gợn gạo, đến tận bây giờ Phạm Xuân Nguyên vẫn là người bạn đúng nghĩa của tôi và Linh.
Sau này Linh còn lần lượt lấy thêm một số người khác trong đó có nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Anh Cầm làm một dạo rồi chuyển xuống làm biên tập chương trình “Gặp nhau cuối tuần” và lại chuyển về Hãng phim truyện Việt Nam gần đây. Với ai cũng vậy, Linh đều chân thành tận tình. Có điều Linh không chịu được sự lười biếng và nhất là dối trá. Tôi làm việc lâu được với Linh cũng là nhờ tôi không có những tính trên nhưng với rượu thì khác. Thuở còn sung sức tôi chỉ không uống buổi sáng còn thì trưa và chiều nhất định không thể thiếu. Cứ quãng 10 giờ sáng là tôi ngong ngóng điện thoại. Linh biết tật này của tôi nên điện thoại tầm ấy bao giờ cũng bảo: “Của anh đấy.”. Thường thì Linh không từ chối những cuộc rượu bạn bè nhưng cũng chỉ thi thoảng Linh mới tham gia. Tôi ngày nào cũng đi nên dần hình thành tâm lý đối phó thường trực, buộc phải nói dối quyết không khai mình đi đâu uống với những ai. Uống ruợu đương nhiên công việc phải gác bớt lại, tôi thường mang việc về nhà làm đêm để bù. Một dạo có thể do Linh thấy tôi quá ham mê nhậu nhẹt bê trễ công việc nên Linh tiệt hẳn không tham gia uống cùng chúng tôi nữa. Nhưng khi có lý do chính đáng thì Linh lại trở về nguyên vẹn là mình dám uống và uống hết lòng. Trên phương diện rượu, Linh cũng là một người khiến tôi nể phục. Chuyện sẽ nói sau.
Sau thành công “Mặt trời bé con của tôi” năm 1985 có hai sự kiện quan trọng đến với Linh. Đó là việc Linh quyết định lấy chồng và quyết định theo đuổi nghiệp văn chương bằng cách tiếp tục sáng tác và thi vào trường viết văn Nguyễn Du. Sinh năm 1959, khi lấy chồng Linh đã ở tuổi 26 không còn sớm vào thời điểm đó. Chồng Linh cũng công tác trong ngành. Với tính cách sống tự lập không phụ thuộc và nhất là luôn theo ý mình không dễ bị áp đặt, Linh thuộc típ đàn bà rất khó xoay xoả trong cuộc sống gia đình. Quả vậy, cuộc hôn nhân của Linh không kéo dài được lâu, hai năm sau họ chia tay nhau. Tôi có chơi với cả chồng Linh, một đạo diễn có năng lực, anh là mẫu đàn ông tốt một cách chỉn chu, đến tận bây giờ họ vẫn coi nhau là những người bạn thân. Cả anh và Linh đều chưa bao giờ nói ra lý do cuộc chia tay ấy. Một điều tiếc cho Linh giá như ngay từ cuộc hôn nhân đầu, Linh đã kịp có một đứa con thì có lẽ cuộc đời Linh đã xoay sang ngả khác. Nhưng đó là sau này, còn với cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ kia, tôi có lần trong một cuộc rượu đông người đã nói đùa với cả hai người. Thành công lớn nhất trong cuộc đời người chồng cũ của Linh là anh đã có một quyết định sáng suốt. Tất nhiên đó chỉ là lời đùa cợt của một kẻ đang lâng lâng trong cơn say khiến nnhiều người có mặt e ngại thì Linh lại chấp nhận cười rất thoải mái.
Nụ cười của một người từng trải biết thế nào là mình.
(Rút từ tập “Chân dung của rượu” - Hà Nội 2009)
Ngày đăng: 09:00 | 07/11/2018
/ Nhà văn Phạm Ngọc Tiến