Nghiệp văn chương của tôi bắt đầu từ rượu. Tôi đến với văn chương khá muộn, ba mươi tuổi mới viết truyện ngắn đầu tiên in ở báo “Người Hà Nội” năm 1985 nhưng rượu thì đã phải đến chục năm thâm niên có lẻ.

Nghiệp văn chương của tôi bắt đầu từ rượu. Tôi đến với văn chương khá muộn, ba mươi tuổi mới viết truyện ngắn đầu tiên in ở báo “Người Hà Nội” năm 1985 nhưng rượu thì đã phải đến chục năm thâm niên có lẻ. Tại sao lại bắt đầu từ rượu? Hình như mỗi một nhà văn biết uống rượu thì đó là động lực chủ yếu mà nguồn cơn chính là để giải tỏa sự bế tắc của mình. Với tôi cả rượu và văn đều có tác dụng như nhau. Những ngày tháng đó dù đã cố thử nhiều nghề nhưng tôi không tài nào thích nghi nổi đành tìm đến văn chương trong một trạng thái tuyệt vọng đầy kích thích của…ruợu. Sau này khi ngày một trưởng thành lên trên con đường văn nghiệp, đến với bạn bè văn chương nghệ thuật thì tất thảy ruợu đều là chất xúc tác đưa tôi đến với họ và ngược lại. Trong số đó Thùy Linh là một người bạn đặc biệt. Không chỉ là người bạn “rượu” đàn bà duy nhất, người gây ảnh hưởng và cảm hứng sáng tạo từ truyện ngắn xúc động “Mặt trời bé con của tôi”, Thùy Linh còn là người có những tác động quyết định đến những ngả rẽ sự nghiệp của tôi ở cả văn lẫn ruợu. Lẽ đương nhiên đó là một “tửu đồ” chính hiệu. Thùy Linh là một “người đàn bà rượu”, một người bạn chân thành, tôi phải cảm ơn số phận đã mang đến cho tôi sự may mắn không dễ gặp trên đời này.

Bây giờ, tôi và Linh đã có hơn chục năm gắn bó với nhau trong công việc làm phim ở Đài truyền hình Việt Nam. Hai người với một căn phòng cả ngày hè nóng nực hay tiết đông căm căm đều đóng cửa im ỉm, hoặc là những cái bóng lặng lẽ, hoặc náo nhiệt ồn ào đến tung trời nổ đất thì tôi và Linh vẫn vậy, một đàn ông, một đàn bà hầu như quên mất giới tính, tuổi tác, ngày này, tháng khác đằng đẵng cùng một công việc vun vén chăm chút cho những kịch bản phim đủ loại. Nhiều lúc tôi tự hỏi, điều gì đã gắn hai chúng tôi có thể làm chung một công việc với khoảng thời gian dài như vậy? Có lẽ đó là một cơ duyên thì phải. Bắt đầu từ truyện ngắn “Mặt trời bé con của tôi”.

nguoi dan ba cua gio mua ky 1
Nhà văn Thùy Linh thứ hai bên phải

Đó là năm 1985. Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ khép lại có hậu bằng sự xuất hiện của một loạt tên tuổi văn chương sau này. Hồ Anh Thái và Thuỳ Linh là hai cái tên ấn tượng nhất lúc đó. Truyện của Linh đoạt giải nhất cuộc thi. Bấy giờ tôi mới tập tọc viết lách nên đọc gần như là đam mê văn chương duy nhất. Tôi đọc như điên như dại hầu như không bỏ sót bất cứ một cái truyện ngắn nào in ra. Phải công nhận lứa tác giả hồi đấy cho ra đời những truyện ngắn rất đỗi xinh xẻo không dữ dội như một loạt truyện ngắn đổi mới sau này (Tướng về hưu - Nguyễn Huy Thiệp, Bước qua lời nguyền- Tạ Duy Anh …) nhưng lại đầy ma lực vừa quyến rũ say đắm vừa nao nức tình người, tình đời. Khó quên được cảm giác khi đọc “Mặt trời bé con của tôi”, một câu chuyện hoàn hảo nhưng dung dị đến độ không thể dung dị hơn và tình người thì thấm đẫm từng câu từng chữ. Có một điều kỳ lạ ở tôi khi đọc truyện ngắn này, ngoài xúc cảm thông thường như những độc giả khác trong tôi xuất hiện thứ tư duy hình ảnh vô cùng sắc nét, điều mà rất lâu sau này khi đã làm công việc của một biên kịch thực thụ tôi vẫn phải khổ luyện mới duy trì được nó. Lúc ấy hiện ra trong khoé mắt nhoè lệ của tôi là hình hài cậu bé Nguyên và cô gái tác giả cô đơn nhân hậu. Hình thành trong tôi sự phân thân dữ dội, một nửa tôi là cậu bé Nguyên nghèo khó nhưng không cam chịu số phận, không chấp nhận sự hèn mọn gắng gượng vươn lên làm người tử tế, nửa khác tôi là cô gái giầu lòng trắc ẩn nhưng đơn độc cố bám víu vào cuộc đời đầy bất trắc để tồn tại. Cũng phải nói thêm bấy giờ sau gần chục năm rời áo lính tôi vẫn là thằng trai độc thân chất chưởng luôn dìm mình vào bể rượu chưa tìm ra được một phương kế mưu sinh khả dĩ đúng với những gì mình có. Những cảm giác của tôi cũng như thứ tư duy hình ảnh lạ lùng kia không ngờ lại là khởi đầu cho mối lương duyên giữa tôi và Linh suốt cả một thời gian dài sau đó. Không chỉ mình tôi, đạo diễn NSND Khải Hưng cũng tìm thấy mình trong truyện ngắn này. Ông đã làm bộ phim đầu tiên của mình (có lẽ đó cũng là bộ phim đầu tiên của công nghệ phim truyền hình Việt Nam) từ “Mặt trời bé con của tôi”. Cái duyên chứ không phải số phận đã run rủi chúng tôi đến với nhau chung lưng đấu cật nếm trải mọi vui buồn sướng khổ trong hành trình cam go của một chặng đường dài cả trong đời lẫn nghề. Nhưng đó là chuyện sau này còn lúc đó…

Nhà thơ Anh Chi một bà đỡ mát tay cho những tác giả ban đầu. Đã nói bấy giờ tôi mới tập tọc viết nên thường tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm. Những buổi học hỏi kinh nghiệm này thực chất là những cuộc rượu có đàm đạo văn chương. Vinh dự cho tôi được gặp ở đấy nhiều nhà văn thâm tâm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Hồ Anh Thái là một người trong số đó. Bấy giờ Thái đang trong quân ngũ. Trong mắt tôi lúc đó nhà văn phải là những người đặc biệt, thế nên bắt gặp tác giả của những “Chàng trai ở bến đợi xe”, “Những cuộc kiếm tìm”… nổi tiếng, trong quân phục thời bình giản dị với một cách nói rủ rỉ rù rì không “nhà văn” tẹo nào tôi đã không giấu nổi ngạc nhiên thậm chí là thất vọng. Và nữa khi hỏi về tác giả Thuỳ Linh lạ lẫm với truyện ngắn đáng khâm phục kia thì Anh Chi thũng thẵng buông ra một câu đến rất lâu sau đó tôi vẫn chưa hết bàng hoàng: “Thuỳ Linh hả, học trò tôi đấy. Trẻ, mới hai mấy tuổi đầu, truyện ngắn đầu tay. Nó xinh lắm nhưng lẳng lơ, yêu đương nhăng nhít, rõ là tội…”. Những năm tám mươi “yêu đương nhăng nhít” là một cụm từ kinh khủng, nó có thể giết chết một con người, làm tàn lụi một sự nghiệp. Sự thán phục trong tôi với tác giả nữ chưa hề biết mặt kia không vơi đi nhưng cũng đã chen những vệt tối vào tâm hồn văn chương hoang sơ nguyên khởi đầy trong trẻo của tôi. Anh Chi lúc đó đang là một sĩ quan công an công tác ở nhà xuất bản ngành và Thuỳ Linh là phóng viên của báo Công an nhân dân. Câu nói đó dẫu thoảng qua trong lúc trà dư tửu hậu nhưng nó găm vào tôi một ấn tượng không mấy tốt lành và khốn khổ nhất là sự hoang mang đến tội nghiệp. Tôi luôn coi văn là người, vẻ đẹp thánh thiện nhường kia trong “Mặt trời bé con của tôi” sao có thể lại song hành cùng với một con người dẫu chưa tường mặt nhưng tôi tin vào lời khẳng định của nhà thơ Anh Chi đầy kính trọng. Rút cục Thuỳ Linh là thế nào, lời giải ấy phải rất nhiều năm tôi mới tìm ra được đáp số.

Mười năm sau, năm 1995 tôi mới có dịp gặp Linh ở toà soạn báo Văn Nghệ. Đang ngồi uống rượu với Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong những người tiên phong của tờ “Văn Nghệ Trẻ” thì Linh xuất hiện. Lúc này Linh vừa tốt nghiệp trường Đại học viết văn M.Gorki ở Nga về. Lập tức tôi nhớ đến lời Anh Chi dạo nào. Xinh! Đúng là xinh, da trắng mịn như ngà, mắt nâu to tròn, váy ngắn thời trang bó chít…mọi thứ tròn trịa hài hoà, một vẻ đẹp quý phái đầy kiêu sa. Dường như quá thân quen, Thiều cười rổn rảng, tay choàng choàng: “Cho hôn một cái nào người đẹp, lâu quá…”. Linh hơi nghiêng đầu chìa xã giao chiếc má để Thiều lướt bộ ria mép rậm rì xồm xoàm vô lối lên đó. Ai đó giới thiệu tôi. Vẫn cười cười nhưng ánh mắt Linh lạnh băng lướt qua khuôn mặt đang phừng phừng đỏ vì tẩm rượu của tôi, miệng nhả hậm hờ: “Có biết, có đọc.”. Tôi không khó khăn gì nhận ra sự lạnh lùng của Linh. Không sao cả, tôi hiểu văn chương có những thứ trật tự khắc nghiệt đó, dù thiếu đi sự vồn vã ban đầu nhưng thực tâm trong lòng tôi vẫn tràn đầy thiện cảm với tác giả tôi hằng ngưỡng mộ dẫu chính lúc đó lại vang trong tai tôi rành rọt cụm từ kinh khủng dạo nào. Cũng phải đến gần hai năm sau nữa, cuối năm 1996 tôi mới gặp lại Linh nhưng lần này thì Linh đã cởi mở hơn nhiều dù vẫn là sự lạnh lùng như tạc trên khuôn mặt trắng hồng. Khi đó Linh đã có hơn năm làm việc ở Hãng phim truyền hình Việt Nam, nơi chỉ ít tháng sau đó tôi chính thức chuyển về. Trong chuyện này không thể không nhắc đến Nguyễn Quang Lập, chính anh tổ chức cuộc rượu ở Hồ Tây lần đó để chiêu đãi nhân lĩnh tiền “Tây” nhuận bút từ phim “Gió qua miền tối sáng”. Cuộc rượu này là tiền đề để Lập giới thiệu tôi về làm việc cùng Linh coi như một sự trả nợ sòng phẳng khi trước đó tôi từng góp phần “môi giới” đưa Lập về biên chế ở nhà xuất bản Kim Đồng.

nguoi dan ba cua gio mua ky 1
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Khi đã ở gần nhau, cùng làm việc, sinh hoạt thân thiết coi nhau như anh em ruột thịt từng ấy năm thì cũng chưa lần nào tôi thấy Linh giải thích dù không ít bận tôi nhắc lại lời của nhà thơ Anh Chi dạo nào. Tận đến khi tôi lâm bệnh, nảy ý định rồ dại viết cuốn “Chân dung của ruợu” này để từ giã và tưởng nhớ một thời oanh liệt nâng chén cụng li và cũng phải trong một lần hết sức tâm trạng và cởi mở vì… say rượu thì Linh mới phun ra cái sự thật chết người kia.

Cuộc đời kể cũng lắm đỗi bất ngờ đắng đót. Tôi cứ cố hình dung, mãi hình dung mà không sao sắp xếp mạch lạc nổi một đoạn đời đã là quá vãng xa lắc của Linh. Tôi biết Linh không bao giờ muốn nhắc lại nó nữa và tôi cũng chẳng nói ra làm gì nếu chuyện không liên quan đến “Mặt trời bé con của tôi”. Thì ra thế, đằng sau mỗi một truyện ngắn chường trên mặt báo là những câu chuyện đời ở mọi cung bậc trạng thái đời sống. Với Linh cũng vậy. Sau khi tốt nghiệp khoá 8 trường Đại học an ninh, Linh về nhận công tác ở báo Công an nhân dân. Lúc này Linh hoàn toàn chưa phát lộ khả năng văn chương thậm chí cả đến nghiệp vụ báo chí cũng còn là ẩn số cho dù mẹ Linh là nhà báo Nguyệt Tú với bút danh Lệ Thu từng công tác ở báo Lao động và cha Linh, đại tá Trần Minh phụ trách Cục chính trị của Bộ nhưng là người ham mê sáng tác ở đủ mọi thể loại kịch, thơ, truyện. Về báo Linh được phân công ở phòng Nghiệp vụ chuyên viết mục Trinh sát kể chuyện và tường thuật vụ án. Sống gần gụi cùng Linh, biết tính cách con người Linh thẳng băng, phóng khoáng, dám sống là mình…tôi gắng mường tượng giai đoạn ban đầu ấy của một cô gái xinh đẹp giữa một cơ quan đặc thù riêng biệt như báo Công an nhân dân sẽ khó khăn đến chừng nào. Khi đó báo đã tề tựu những nhân vật cự phách tên tuổi sau này như Hữu Ước, Nguyễn Như Phong… những người bạn, người anh thật sự của Linh thì đó cũng chẳng thể là chỗ dựa cho Linh. Vừa chân ướt chân ráo về báo, một cán bộ phụ trách đã độp thẳng thừng: “Báo không nhận văn thư.”. Một chút tủi hờn con trẻ không làm mất đi vẻ hồn nhiên khao khát sống của một phóng viên đang muốn khẳng định mình, Linh lao vào công việc đầy hăm hở và mê say. Có lẽ lúc đó Linh chưa thể hiểu những nông nổi của tuổi trẻ và cuộc đời đầy cạm bẫy thế nào. Linh trúng đòn chỉ một năm sau khi nhận công tác. Dạo đó một kẻ là cộng tác viên của báo có quan hệ rất rộng hay dùng ô tô chở các phóng viên đi chỗ này chỗ khác. Kiểu người này thời đó không nhiều như những đại gia bây giờ nhưng cũng không phải là hiếm. Trong số phóng viên hay đi cùng anh ta có Linh. Chuyện cũng chẳng là gì nếu như kẻ kia không bị bắt với tội danh lừa đảo. Nhiều người trong báo quan hệ với gã này nhưng Linh lại bị buộc là nhân vật chính. Tất nhiên Linh không thể tránh khỏi một vụ tai tiếng. Hơn thế Linh còn bị kiểm điểm và buộc phải nhận một án kỷ luật vì tội quan hệ bất chính với kẻ lừa đảo. Rời cuộc họp, Linh lảo đảo không còn sinh khí. Lúc đó, trời đông ảm đạm, cơn mưa mùa đủ ướt át lạnh lẽo, Linh cứ thế đạp chiếc xe mi ni dấn đi. Cứ đi, đi đâu, về đâu, mặc kệ, cái chết từ từ hiện đến, sống làm gì, sống để làm gì, chết quách đi cho rồi, nhục quá Linh ơi. Quay cuồng, trăn trở, Linh đi dần ra hướng bờ sông nhưng cuộc đời đâu phải giản đơn thế, nếu mọi sự tách bạch rõ ràng như vậy thì đâu còn nhiều những tai ương bất hạnh. Linh không thể ngờ có một người vẫn lẽo đẽo đạp xe theo Linh. Nhà văn Nguyễn Như Phong. Có lẽ bằng linh cảm của một người anh, hay là bằng một sự đồng cảm đầy kinh nghiệm và chia sẻ, người đồng nghiệp lớn tuổi này đã kịp giữ Linh lại. Một quán cà phê, những ân tình khuyên nhủ đủ để Linh kịp dừng lại. Đến tận bây giờ Linh vẫn giữ được tình cảm tốt đẹp với Nguyễn Như Phong vì động thái rất “người” đó của anh.

Cũng chỉ ít ngày trước đây Linh mới nói với tôi: “Anh Tiến có tin không, em đã năm mươi tuổi, cuộc đời trải nhiều sóng gió, qua nhiều cuộc tình, nhẹ dạ nông nổi thì vẫn, nhưng ngày đó em oan, anh ta có si mê em nhưng không có gì, không có chuyện gì hết. Em oan…”.

Nỗi hàm oan với quyết tâm gắng gượng sống để vượt lên minh chứng cho mình đã được Thuỳ Linh nhập vào nhân vật Nguyên. “Mặt trời bé con của tôi” được viết liền một mạch và hoàn thành trong tâm thế đó.

(Rút từ tập “Chân dung của rượu” - Hà Nội 2009)

nguoi dan ba cua gio mua ky 1 Victor Vũ chuyển thể ‘Mắt biếc’ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Đạo diễn "Người bất tử" thêm một lần nữa chuyển thể tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh lên màn bạc trong thời gian tới và ...

nguoi dan ba cua gio mua ky 1 Vẻ đẹp kỳ thú của những địa danh có thật trong tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung

Những tín đồ bộ truyện võ hiệp nổi tiếng của cố nhà văn Kim Dung hẳn sẽ rất tò mò về các vùng đất có ...

nguoi dan ba cua gio mua ky 1 Một lần uống rượu với Kim Dung

Sau 1975, khi sách chưởng Kim Dung ra tới ngoài Bắc, độc giả mới được làm quen với tên tuổi và những tác phẩm từng ...

Ngày đăng: 11:05 | 06/11/2018

/ Nhà văn Phạm Ngọc Tiến