Bên giường bệnh đứa con trai sống thực vật, ông Diệp, 57 tuổi, say sưa nói chuyện, cười đùa như thể cậu bé đang hưởng ứng câu chuyện của ông. Sau gần 2 năm, một ngày nọ, ông thấy con nở nụ cười.
Ông Diệp, bà Hòa trò chuyện khi thấy con trai mở mắt và mỉm cười. Ảnh: Nguyễn Ngoan. |
Bùi Ngọc Thạch, 15 tuổi, nằm bất động trên giường bệnh, mũi và cổ nối với dây dẫn, hai bên bàn tay nắm lấy quả bóng màu trắng. Biết ông Diệp đến bên cạnh, thì thầm vào tai, cậu bé co quắp đôi chân, mắt mở to còn khuôn miệng cười rộng với bố. Thấy thế, bà Hoà đứng cạnh đó chạy lại. Vợ chồng bà cùng cúi nhìn, nắm tay con rồi ngẩng lên kể với người xung quanh về cậu con trai bị tổn thương não đã tỉnh lại. Cách đây 4 hôm, Thạch bất ngờ có những dấu hiệu hồi phục tích cực khi nở nụ cười và mở mắt nhìn mọi người sau gần hai năm nằm yên lặng. Biết tin Thạch tỉnh, bạn bè, người thân lên thăm khiến cậu bé cười và cử động liên tục, dù chưa nói được.
Bà Hòa mới lên với con trưa 22/10 nhưng cũng không ở chơi được lâu vì còn vội về cho kịp chuyến xe chiều. Mấy hôm trước thấy chồng điện về "trên này hai bố con đã hết cái ăn", bà Hòa xoay được 2 triệu đồng rồi bắt xe từ huyện Kim Bôi ra bệnh viện ở TP Hòa Bình để tiếp tế. Lên thấy con chớp mắt nhận ra mẹ, bà Hòa lấy vạt áo lau nước mắt vì mừng.
Vợ chồng ông Diệp, bà Hòa sinh được 4 người con, sau Thạch còn có một người em đang đi học. Năm 4 tuổi, Thạch được vợ chồng người bác ruột sống gần nhà xin nhận là con nuôi vì không có con trai. Một ngày tháng 10/2017, Thạch, khi đó học lớp 8, thi đấu xong trận bóng chuyền ở xã thì đi tắm. Hôm đó về cậu mệt rồi sốt cao. Gia đình đưa xuống Bệnh viện Nhi Trung ương thì được thông báo Thạch bị viêm não Nhật Bản, lâm vào hôn mê, thở máy và liệt tứ chi. Vợ chưa đi đâu xa bao giờ, lại chậm chạp nên ông Diệp sắp xếp bà ở nhà thu vén. Còn ông, từ đó luôn túc trực bên con và mới về nhà 4 lần suốt gần hai năm qua.
"Ở làng cũng có người bị viêm não Nhật Bản nên tôi suy sụp, chỉ muốn khóc và không ngủ được nhiều tháng trời sau khi biết con bị bệnh. Bố nuôi của Thạch bị câm còn mẹ nuôi ốm yếu nên chúng tôi đón con về để đưa đi chữa bệnh. Nhìn đứa con nằm một chỗ, tôi nghĩ đến lúc vợ chồng tôi không còn nữa, liệu các anh em có lo được cho Thạch hay bỏ rơi nó?", ông Diệp lo lắng. "Thế nên, bằng mọi giá, tôi phải giành lại sự sống cho con".
Ông Diệp luôn mang theo cuốn sổ nhỏ bên người để ghi lại nhật ký về con trai. Ảnh: Nguyễn Ngoan. |
Sau 6 tháng điều trị tại Viện Nhi không hiệu quả, gia đình ông Diệp đưa Thạch về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Từ ngày về viện, ông Diệp thường mở nhạc, ảnh hoặc chương trình thể thao trên điện thoại cho con nghe rồi bình luận. Ông cũng nắn bóp tay chân, kể những câu chuyện ngày Thạch còn khỏe, hỏi han, tâm sự với con như một người bạn.
Với tay lấy cuốn sổ quăn mép cất trong tủ, người đàn ông dân tộc Mường gần 60 tuổi vuốt ve rồi kể về "người bạn" giúp ông lưu lại từng sự việc xảy ra trong ngày. Ông luôn mang theo bên mình cuốn sổ ấy, ghi lại chi tiết mọi điều về con trai. Lần giở cuốn nhật ký bé bằng bàn tay, ông Diệp lật đúng trang ghi: "Ngày 19/10/2017, thứ ba, bắt đầu mở được mắt". Với ông, từng dòng viết về Thạch đều là những mốc quan trọng ông thuộc nằm lòng.
Trong ký ức của ông Diệp, Thạch là cậu bé chịu khó, chưa từng khiến vợ chồng ông phải cầm roi đánh. Thạch đam mê thể thao, đặc biệt là bóng đá và bóng chuyền. Ngày còn khỏe, Thạch ước mơ trở thành vận động viên và từng giành giải chạy. Ánh mắt của ông Diệp bừng lên, giọng nói phấn khởi khi kể về những thành tích thể thao đứa con từng đạt được. Ông xem Thạch là niềm tự hào của gia đình.
Đang trò chuyện, ông Diệp đứng lên ghé vào tai Thạch nói "có người đến thăm, con xem có giống cô giáo của con không thì chớp mắt nhé". Đáp lại lời bố, Thạch chỉ cười.
"Nụ cười của nó giờ có hồn hơn rồi", ông Diệp khoe rồi nhắc vợ pha sữa vì thấy Thạch chép miệng.
"Nếu muốn ăn, con sẽ chép miệng. Khi đau bụng vì táo bón, con sẽ mếu, chảy nước mắt và các ngón chân co lại. Lúc ấy tôi sẽ phải xoa bụng, dùng thuốc để giúp con dễ chịu hơn. Mấy hôm nay con đã biết cử động đôi mắt để nhìn theo bóng bác sĩ đi khuất xa", ông Diệp giải thích.
Ông Diệp cho hay mỗi ngày, Thạch ăn 6 bữa sữa và cháo. Mỗi lần cậu bé ăn hơn 300 ml sữa hoặc một cốc cháo tương đương giá 10.000 đồng. Cháo rau, thịt thay đổi hàng ngày và được xay, lọc trước khi đưa qua ống xông cho Thạch. Tiền ăn của Thạch mỗi tháng hết khoảng 3 triệu đồng và cậu được hỗ trợ 945.000 đồng một tháng. Thương vợ và các con ở nhà chắt chiu, có đồng nào là gửi lên mua sữa, mua đồ ăn cho Thạch, ông Diệp mới đầu lo lắng chẳng thiết ăn uống, lâu dần thành quen, tự cắt bữa sáng dành tiền ăn hai bữa chính trưa và tối. Mỗi bữa, ông ăn suất 20.000 đồng, thỉnh thoảng nhận phần cơm từ thiện của bệnh viện.
Trong câu chuyện kể về điều kỳ diệu xảy đến với con trai, ông Diệp nhắc tới bác sĩ Hoàng Công Tình, trưởng khoa Hồi sức tích cực. Đang vội đi công việc, bác sĩ Tình vẫn cố ghé qua giường của Thạch chào hỏi.
"Thạch ơi, dậy đi con, bác Tình mà. Con tỉnh ngủ chưa, cười đi con. Thạch ngoan quá", bác sĩ Tình dỗ dành.
Hôm 18/10, bác sĩ Tình phát hiện Thạch tỉnh lại sau thời gian dài bất động. Ông cúi xuống đề nghị Thạch cười và bất ngờ khi cậu bé nở nụ cười. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Mỗi lần thăm khám, ông đều nán lại hỏi chuyện, giúp Thạch dần hồi phục hệ thần kinh trung ương. Hôm 18/10, ông là người đầu tiên phát hiện Thạch có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Ông thử đưa ra các bài test yêu cầu Thạch há mồm, thè lưỡi, nhìn sang trái, phải và thấy cậu đáp ứng. Bác sĩ Tình liền cúi thấp người, đề nghị cậu bé cười lên và bất ngờ khi thấy Thạch cười tươi.
Theo bác sĩ Tình, đa số bệnh nhân viêm não Nhật Bản phải chịu di chứng nặng nề, ít khi hồi phục mà đa số tử vong; nếu còn sống thì sống đời thực vật, không nhận biết được những người xung quanh.
"Với trường hợp của Thạch, cháu nhận biết được hết sau hơn một năm cũng là kỳ tích, xưa nay chưa xảy ra ở bệnh viện Hòa Bình. Trong y văn có nói đến các trường hợp bị liệt sau đó hồi phục trở lại, vì thế gia đình, thầy thuốc các nhà hảo tâm càng quyết tâm giúp cháu bé này. Bước đầu não của cháu đã có dấu hiệu hồi phục, thầy thuốc không thể nói trước được điều gì, chỉ biết cháu đã tốt hơn ngày hôm qua", ông Tình chia sẻ.
Hiện tại, các bác sĩ sử dụng liệu pháp tâm lý để hồi phục não cho Thạch, song song với tập vật lý trị liệu. Khó khăn nhất hiện nay là cai máy thở cho bệnh nhân để cháu nói được. Nhưng dẫu sao, với vợ chồng ông Diệp, việc con trai tỉnh lại như hiện tại là niềm hạnh phúc ông không hình dung nổi.
"Chúng tôi mừng lắm. Giờ chỉ mong con trở về được cuộc sống bình thường và được đi học; nếu không, con có thể ngồi xe lăn. Mỗi lần xuống nhà thấy sách vở của con, vợ tôi lại khóc. Các bạn của Thạch đi học xong thì về nhà, còn con tôi phải nằm ở đây chưa biết bao giờ mới được đoàn tụ người thân", ông Diệp nói.
Hà Phương - Nguyễn Ngoan
Chàng trai tỉnh dậy sau 3 năm sống thực vật dành tặng mẹ điều xúc động
Nhờ nghị lực của người mẹ, chàng trai sinh năm 1997 đã hồi sinh kỳ diệu sau 3 năm sống thực vật. ng mẹ. |
Người chồng hôn mê tỉnh lại sau nụ hôn của vợ
Trước khi rút ống thở của Scott Hawkins, 37 tuổi ở Mỹ, vợ anh cúi xuống hôn vĩnh biệt chồng, đột nhiên cảm thấy anh ... |
Ngày đăng: 21:00 | 23/10/2019
/ ngoisao.net