Chia sẻ với chúng tôi, những ký ức về vị Cha già kính yêu của dân tộc lại ùa về trong tâm trí người cận vệ thuở nào.

Mối cơ duyên được gặp Bác Hồ

 

 

Ông Trần Việt Hoàn tại nhà riêng.

Chúng tôi tìm đến nhà của người lính cận vệ già trong một buổi chiều cuối đông se lạnh. Trong ngôi nhà nhỏ của một khu tập thể thuộc quận Ba Đình, TP.Hà Nội, Tiến sĩ Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chào đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp, thân tình.

Theo chân ông, chúng tôi bước vào nhà. Một không gian rất đỗi giản dị, gọn gàng. Tại vị trí trang trọng nhất trong phòng khách là bàn thờ Bác Hồ. Bức ảnh trang nghiêm với ánh mắt hiền từ của Bác như đang cùng cháu con sum họp tại nơi này.

Trong căn nhà của người cận vệ năm xưa ấy, Bác không chỉ được coi là người cha, người ông mà còn là linh hồn của cả gia đình. Dù đã gần 80 tuổi, mái đầu bạc trắng, sức khỏe yếu, nhưng khi kể những câu chuyện về Bác Hồ, ông Trần Viết Hoàn dường như khỏe khoắn lạ thường. Câu chuyện cứ dài như không có hồi kết... Và, chúng tôi dần hiểu rằng, vì sao ông đã nguyện dành cả cuộc đời này để được bên Bác, phục vụ Bác.

Ông Trần Viết Hoàn sinh ra và lớn lên tại vùng quê lúa xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ, ông đã sớm tu chí rèn luyện với mơ ước được gia nhập lực lượng công an. Nhờ sự nỗ lực của mình, năm 1964, ông mừng vui khôn xiết khi trở thành học viên lớp Cảnh vệ C221. Ra trường, ông được phân công về đội 1 - Cục Cảnh vệ, là đơn vị chuyên bảo vệ nơi ở và nơi làm việc của Bác Hồ.

Nhớ về những ngày mới ra trường được giao nhiệm vụ vinh quang, ông Trần Viết Hoàn kể: “Chúng tôi trực tiếp tham gia bảo vệ Bác tại nơi ở và nơi làm việc của Người ở khu Phủ Chủ tịch, tại các cuộc mít tinh, hội nghị mà Bác tới dự. Sống gần Bác, chúng tôi thấy mình được lớn thêm lên, được Bác chở che, nâng đỡ, giáo dục. Ngay cả cái cách Bác gọi chiến sĩ cảnh vệ chúng tôi, mỗi khi cần: Người không nhắc tên ai mà chỉ khe khẽ gọi “cúc cu, cúc cu” khiến chúng tôi cảm thấy thân thương vô ngần. Vì vậy, chúng tôi, những chàng trai, cô gái lính Cảnh vệ khóa 1964 luôn một lòng, một dạ đem hết sức mình bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác kính yêu. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi được sống gần Bác”.

"Trong lúc ăn cơm, không bao giờ Bác để thừa. Năm 1957, khi Bác về thăm quê và dự cơm với tỉnh, lúc đó trên bàn còn có thức ăn nhưng giao tế tiếp tục chuyển đồ ăn mới. Thấy vậy, Bác gạt tay và nói: “Khi ăn hết hãy lấy thêm, đừng để người khác ăn thừa của mình”. Bác dặn khi ăn thức ăn nhà bếp sắp ra thì phải ăn hết, đừng để thừa, như thế vừa lãng phí, vừa không tôn trọng công của người làm”, ông Trần Viết Hoàn nhớ lại.

Chuyện xúc động khi Bác Hồ đón Tết

 

 

Tiến sĩ Trần Viết Hoàn (phải) giới thiệu khu Di tích Phủ Chủ tịch trong lần Tổng thống Putin đến thăm.

“Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Bác luôn lo nghĩ cho nhân dân nhiều hơn. Trong thâm tâm, Bác luôn mong cho dân có một mùa xuân ấm no hạnh phúc, người người, nhà nhà đón những ngày Tết trân trọng vui tươi, có đầy đủ hương vị ngày Tết sau một năm làm lụng vất vả. Thông thường, trước Tết 3 tháng, các cơ quan, các ngành, các địa phương sẽ phải chuẩn bị chu đáo cho nhân dân đón Tết. Riêng với Bác thì có chương trình riêng cho mình, mà chương trình đó cũng nhằm phục vụ dân đón Tết. Trước hết, Bác tìm những ý thơ cho bài thơ chúc mừng năm mới với tình cảm của mình gửi tới mọi người dân. “Rót cốc rượu xuân mừng thắng lợi/Viết bài chợ Tết chúc thành công.../Vài lời chúc Tết nôm na/Vừa là chúc Tết vừa là mừng xuân”.

Thơ chúc Tết của Bác Hồ được viết rất giản dị nhưng hàm súc, thể hiện rõ ràng đường lối cách mạng, bộc lộ sâu sắc lòng yêu nước, yêu dân, tin dân, tin cách mạng, tin vào thắng lợi, mang tính thời sự nóng hổi, cấp thiết, rất giàu tình cảm và đậm đà bản sắc dân tộc. Để rồi, Giao thừa tới, nhân dân ta được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ, với những cảm nhận sâu sắc. Sau đó, Bác sẽ phát động phong trào Tết trồng cây với mong muốn phong trào đó sẽ trở thành tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta” ông Hoàn xúc động hồi tưởng lại ký ức.

Nói về cái Tết cuối cùng của Bác, giọng ông Hoàn như nghẹn lại, sự việc với ông như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua. Ông Hoàn nhớ lại: “Vào năm 1969, Bác mong tổ chức cho Bác một chương trình đón Tết. Chương trình ấy chỉ có Bác, đồng chí thư ký riêng của Bác và các đồng chí cận vệ của Bác được biết. Đó là Bác mong mỏi được về thăm nhân dân những ngày Tết dân tộc nhưng việc thăm đó không do cơ quan sắp xếp, bố trí sẵn. Chính vì vậy, những cuộc vi hành ngày Tết của Bác không ồn ào, không náo nhiệt mà hoàn toàn bí mật, bất ngờ. Nhờ vậy, Bác hiểu cái thật của dân và đến với dân thật. Có lẽ, Bác linh cảm đây là cái Tết cuối cùng của mình nên dù sức khỏe giảm sút nhiều Bác Hồ vẫn đặt chương trình đi thăm và chúc Tết nhiều nơi và đi trồng cây. Để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Bác, các đồng chí ở văn phòng phục vụ Bác đã khéo sắp xếp theo mong muốn của Bác là đi thăm, chúc Tết và trồng cây.

Một trong những kỷ niệm về Bác Hồ khiến người cận vệ Trần Viết Hoàn xúc động nhất là chuyện Bác Hồ đi công tác vào ngày mùng Một Tết. Mỗi lần đi công tác, Bác đều cẩn thận dặn các đồng chí phục vụ chuẩn bị cơm nắm muối vừng mang theo, ngay cả dịp Tết. Vào sáng 16/2/1969 (tức ngày mùng Một Tết Kỷ Dậu) Bác đến xã Vật Lại, huyện Ba Vì (nay thuộc TP.Hà Nội) để nói chuyện, chúc Tết nhân dân địa phương và trồng cây ngày Tết. Sau khi trồng cây xong thì đã đến trưa, đồng chí Bí thư Đảng ủy và đồng chí Chủ tịch xã có mời Bác ăn một bữa cơm Tết. Bác bảo: Bác cảm ơn nhưng các đồng chí phục vụ đã chuẩn bị cơm cho Bác vì vậy Bác mời đồng chí Chủ tịch và 2 đồng chí Bí thư Đảng ủy, đồng chí Chủ tịch xã, đồng chí Phó Chủ tịch xã sang ăn cơm nắm muối vừng với Bác”.

“Có ai biết được rằng đây là lần cuối cùng cùng Bác trồng cây để gieo mầm cho sự sống đời sau. Và cũng có ai ngờ được đây là bữa cơm đạm bạc ngày Tết cuối cùng của Bác khi về địa phương. Bác ra đi đã để lại cho đời bao nỗi nhớ thương”, ông Hoàn rưng rưng nước mắt kể lại.

Là người trực tiếp canh gác bảo vệ Bác trong những ngày Bác ốm và ngay sau khi Bác ra đi, ông Hoàn lại là một trong số những chiến sĩ ở lại để tiếp tục trông nom di sản của Bác. “Tôi tay gác súng, chuyển sang tay chổi tay bút chăm lo công việc bảo vệ di sản của Bác để lại, hàng ngày quét dọn, lau chùi ngôi nhà 67 như khi phục vụ Bác lúc sinh thời. Nhưng trong lòng thì có một khoảng trống lớn, nỗi buồn không thể nói được bằng lời. Bởi Bác đi rồi, ngôi nhà trở nên lạnh lẽo... Chúng tôi đã đặt một chiếc lư đồng nhỏ ở cửa sổ cạnh giường Bác nằm, hàng ngày thắp nén hương trầm để nhà thêm ấm cúng”, ông rưng rưng nhớ lại.

Chúng tôi nói lời chia tay ông Hoàn khi trời đã xế chiều. Trước khi ra về, người lính cận vệ già ấy có nhắn nhủ chúng tôi rằng, những lời dạy của Bác là sự kết tinh giá trị đạo đức, nhân văn, để con cháu mai sau học tập và noi theo…

Đỗ Chang

Thăm khu tưởng niệm Bác Hồ lớn nhất ở Thái Lan

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Nachok (Bản Mạy), tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan hằng ngày thu hút hàng trăm tới ...

Công an Hà Tĩnh phá đường dây đánh bạc hơn 3.000 tỷ

Công an tỉnh Hà Tĩnh triệt phá thành công đường dây đánh bạc qua mạng cực lớn, tổng số tiền giao dịch lên đến hơn ...

Điều đặc biệt của điếu văn Tổng bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Bác Hồ

Tổng bí thư Lê Duẩn được Bộ Chính trị giao chuẩn bị bản điếu văn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ...

 

Ngày đăng: 09:51 | 25/01/2020

/ www.doisongphapluat.com