Adrian Hong Chang từng giúp đỡ người Triều Tiên đào tẩu và có mục tiêu là lật đổ chính quyền Kim Jong-un.
Adrian Hong Chang, người bị Tây Ban Nha xác định là đứng sau vụ đột nhập sứ quán Triều Tiên ở Madrid. Ảnh: SCMP. |
Tòa án quốc gia Tây Ban Nha xác định người cầm đầu nhóm 10 người ngày 22/2 đột nhập vào sứ quán Triều Tiên ở Madrid và lấy đi các máy tính là công dân Mexico Adrian Hong Chang, 35 tuổi.
Adrian giỏi ăn nói, am hiểu về chính trị và kinh tế Triều Tiên. Năm 2005, Adrian đồng sáng lập nhóm Tự do ở Triều Tiên (LiNK), chuyên giúp đỡ những người Triều Tiên đào tẩu.
Tháng 12/2006, Adrian bị bắt ở Trung Quốc khi cùng hai người khác cố gắng giúp 6 người Triều Tiên trốn khỏi nước. Họ được thả sau khi bị giữ 10 ngày.
Không lâu sau, Adrian rời LiNK, bắt đầu chiến dịch đấu tranh cho nhân quyền và thay đổi chính quyền ở Bình Nhưỡng. Adrian giới thiệu mình là giám đốc điều hành của một công ty trách nhiệm hữu hạn có tên Pegasus Strategies. Công ty tư vấn này được mô tả là "sáng kiến sử dụng công nghệ tiên tiến để thâm nhập vào các xã hội khép kín và trao quyền cho người dân ở các quốc gia đó".
Kang Chol-hwan, người Triều Tiên đào tẩu từng làm việc với Adrian khi anh ta còn ở LiNK, cho biết Adrian bắt đầu quan tâm đến vấn đề nhân quyền Triều Tiên sau khi đọc hồi ký của ôngvề thời kỳ bị giam trong trại tập trung Yodok ở Triều Tiên. Adrian đã đến Seoul và tập hợp những người cùng chung chí hướng.
Theo sơ yếu lý lịch của Adrian khi anh ta còn là thành viên của tổ chức TED năm 2010, Adrian đã giảng dạy tại Đại học Ewha của Hàn Quốc về nhân quyền và chính sách đối ngoại. Adrian còn là nghiên cứu viên tại Đại học Yale.
Ít người trong giới quan sát Triều Tiên ở Washington nắm nhiều thông tin về Adrian hay biết ai là người tài trợ tài chính cho các hoạt động của anh ta.
Năm 2011, Adrian xuất hiện ở Tripoli, Libya. Doanh nhân người Jordan Suleiman Bakhit, từng cộng tác với Adrian ở TED, nói rằng trong cuộc nội chiến Libya đầu tiên, họ đã đưa khoảng 15.000 thường dân Libya đến điều trị tại các bệnh viện Jordan.
Kang cho rằng Adrian tới Libya để nghiên cứu về sự sụp đổ của Muammar Gaddafi nhằm tìm cách lật đổ chính quyền Kim Jong-un. "Tôi coi Mùa xuân Arab như một \'buổi tập duyệt\' cho Triều Tiên", Adrian nói với truyền thông ở Abu Dhabi năm 2011.
Năm 2015, Adrian thành lập Viện Joseon, có trụ sở tại New York, được đặt theo tên của triều đại cai trị bán đảo Triều Tiên thế kỷ 14-19. Tổ chức mô tả sứ mệnh của mình là "chuẩn bị các kế hoạch chi tiết về cách thay đổi chính quyền và chuẩn bị cho tương lai tươi sáng hơn ở một Triều Tiên mới".
Một nhà hoạt động nhân quyền tại Washington đánh giá Viện Joseon có thể là "vỏ bọc để chuẩn bị" cho vụ đột nhập. "Chính Adrian là người đứng sau Dân phòng Cheollima", ông nói.
Dân phòng Cheollima, hay còn có tên là Joseon Tự do, ngày 27/3 thừa nhận họ gây ra sự cố ở sứ quán Triều Tiên. Tuy nhiên, nhóm nói rằng đây không phải vụ tấn công mà là phản ứng trước "tình huống khẩn cấp". Dân phòng Cheollima cho biết họ được mời vào đại sứ quán, không nhân viên sứ quán nào bị bịt miệng hay đánh đập, cũng không có vũ khí được sử dụng và không chính phủ nào liên quan đến hoạt động của họ.
Ngày đăng: 13:41 | 28/03/2019
/ VnExpress